Nguồn: “Hollywood Ten″ cited for contempt of Congress, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1947, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 346-17 để phê duyệt việc áp dụng tội khinh thường đối với 10 nhà biên kịch, đạo diễn, và nhà sản xuất phim Hollywood. Những người này đã từ chối hợp tác tại các phiên điều trần liên quan đến chủ nghĩa cộng sản trong ngành công nghiệp điện ảnh, được tổ chức bởi Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động chống Mỹ (House Un-American Activities Committee, HUAC). “Mười người Hollywood” (Hollywood Ten), như tên gọi sau này của nhóm, đã bị kết án một năm tù. Tối cao Pháp viện sau đó đã duy trì các cáo buộc khinh thường.
Các cáo buộc khinh thường bắt nguồn từ việc 10 người này từ chối trả lời các câu hỏi do HUAC đặt ra về việc họ có phải, hoặc đã từng, là thành viên của Đảng Cộng sản hay không. Trong các phiên điều trần thường kết thúc bằng sự giận giữ, những người này đã lên án các câu hỏi là vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của họ. Albert Maltz, Dalton Trumbo, John Howard Lawson, Samuel Ornitz, Ring Lardner, Jr., Lester Cole, Alvah Bessie, Herbert Biberman, Edward Dmytryk, và Robert Adrian Scott sau đó đã bị buộc tội khinh thường Quốc hội.
Chủ tịch HUAC, J. Parnell Thomas, đã bác bỏ các lập luận mà nhóm người trên đưa ra, tuyên bố rằng Quốc hội có quyền hỏi mọi người về khuynh hướng chính trị của họ. Ông tuyên bố, “Hiến pháp không bao giờ có ý định che giấu hoặc bảo vệ những kẻ muốn phá hoại nó.” Mười người Hollywood đã phản hồi bằng một tuyên bố chung, trong đó họ lập luận rằng HUAC đã thành công trong việc khiến “Quốc hội trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền vì tội khinh thường.” Tuyên bố kết luận rằng “Mỹ có thể giữ các quyền tự do theo hiến pháp, hoặc có thể giữ lại Ủy ban của Thomas. Nhưng không thể giữ cả hai”.
Các cáo buộc chống lại “Mười người Hollywood” đã có tác động ngay lập tức và lâu dài. Hollywood nhanh chóng lập ra cái gọi là “danh sách đen,” ghi lại tên của những nhân vật Hollywood bị nghi ngờ có quan hệ với cộng sản. Những ai xuất hiện trong danh sách này hầu như không nhận được việc làm trong các bộ phim. Các cáo buộc khinh thường cũng tạo ra hiệu ứng sợ hãi đối với ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood, và các nhà sản xuất, đạo diễn, và biên kịch đã tránh xa các chủ đề có thể bị cho là gây tranh cãi hoặc khiến họ phải chịu các cáo buộc là mềm mỏng với chủ nghĩa cộng sản. Danh sách đen Hollywood đã tồn tại mãi cho đến những năm 1960.