15/08/1947: Ấn Độ và Pakistan giành độc lập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: India and Pakistan win independence, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1947, Đạo luật Ấn Độ Độc lập (Indian Independence Bill), chính thức tuyên đố nền độc lập của Ấn Độ và Pakistan dựa trên Đế chế Mogul trước đây, đã chính thức có hiệu lực kể từ nửa đêm. Thỏa thuận được chờ đợi từ lâu này đã kết thúc 200 năm cai trị của Anh; nhà lãnh đạo phong trào độc lập Mohandas Gandhi đã ca ngợi nó là “hành động cao quý nhất của Anh Quốc.”

Tuy nhiên, xung đột tôn giáo giữa những người theo đạo Hindu và đạo Hồi, vốn đã trì hoãn việc Anh trao quyền độc lập cho Ấn Độ sau Thế chiến II, đã sớm khiến cho sự phấn khởi của Gandhi phải lụi tàn. Ở phía bắc tỉnh Punjab, nơi có sự chia rẽ sâu sắc giữa một Ấn Độ do Hindu giáo thống trị và một Pakistan do Hồi giáo thống trị, hàng trăm người đã thiệt mạng chỉ trong vài ngày đầu sau khi đất nước được độc lập.

Phong trào độc lập của Ấn Độ có bước tiến đầu tiên vào đầu thế kỷ 20, và sau Thế chiến I, Gandhi đã tổ chức chiến dịch đầu tiên trong số nhiều chiến dịch phản kháng bất bạo động của mình để phản đối chế độ áp bức của Anh ở Ấn Độ. Trong thập niên 1930, chính phủ Anh đã nhượng bộ một số người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, nhưng trong Thế chiến II, bất mãn với ách cai trị của Anh đã tăng đến mức người Anh lo sợ sẽ mất Ấn Độ vào tay phe Trục.

Gandhi và các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác đã bác bỏ những lời hứa sáo rỗng của người Anh về việc trao cho Ấn Độ quyền tự trị sau chiến tranh và tổ chức chiến dịch bất bạo động “Hãy đi khỏi Ấn Độ” (Quit India) để hối thúc người Anh rời đi. Chính quyền thuộc địa Anh đáp trả bằng cách bỏ tù Gandhi và hàng trăm người khác.

Các cuộc biểu tình chống Anh đã tăng tốc sau chiến tranh, và vào năm 1947, Quốc hội Ấn Độ miễn cưỡng chấp nhận việc thành lập Pakistan để xoa dịu Liên đoàn Hồi giáo và kết thúc đàm phán độc lập. Ngày 15/08/1947, Đạo luật  Ấn Độ Độc lập chính thức có hiệu lực, mở đầu cho một thời kỳ hỗn loạn tôn giáo ở Ấn Độ và Pakistan, dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người, bao gồm cả Gandhi, người bị ám sát bởi một tín đồ Hindu giáo cuồng tín vào tháng 01/1948 trong một buổi cầu nguyện canh thức diễn ra tại một khu vực vốn đang có bạo lực giữa Hồi giáo-và Hindu giáo.

Di sản bạo lực của cuộc chia cắt Ấn Độ – Pakistan