Hợp tác năng lượng Trung-Nga nhìn từ các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên

Nguồn: Văn Thiếu Khanh, 文少卿:穿越蒙古国的中俄天然气管道,不仅仅是几千公里的钢管, Guancha, 27/11/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Gần đây, việc hoàn thành toàn bộ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung-Nga đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lĩnh vực hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Nga. Nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế đôi bên cùng có lợi mà còn phản ánh nhiều thay đổi sâu sắc của quan hệ Trung-Nga trong tình hình quốc tế hiện nay.

Tất nhiên, đường ống tuyến phía Đông không chỉ là một dự án cơ sở hạ tầng, mà còn là một ô cửa để quan sát sự phát triển của quan hệ Trung-Nga và tác động rộng lớn hơn của mối quan hệ này đối với trật tự quốc tế.

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và tầm nhìn “hướng Đông” của Nga

Dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga có tổng chiều dài 5.111 km và có thể vận chuyển đến Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt hằng năm của 130 triệu hộ gia đình thành thị.

Dự án này được xây dựng bởi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom, bao gồm đường ống “Sức mạnh Siberia 1” ở Nga và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga ở Trung Quốc.

Thỏa thuận trị giá tổng cộng khoảng 400 tỷ USD này được ký kết tại Thượng Hải vào tháng 5/2014, chỉ vài tuần sau khi Crimea sáp nhập vào Nga. Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự ký kết thỏa thuận này đánh dấu việc Moscow tăng cường hợp tác chiến lược với Bắc Kinh nhằm đối phó với áp lực ngoại giao và kinh tế của phương Tây nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Trên thực tế, xuất khẩu tài nguyên dầu khí sang thị trường châu Á luôn là mục tiêu lâu dài của chính phủ Nga, là chiến lược đã có từ thời Tổng thống Yeltsin.

Đường ống bắt đầu từ mỏ khí đốt tự nhiên Yakutsk ở vùng Viễn Đông Nga, đi qua khu vực Khabarovsk, tiến vào Đông Bắc Trung Quốc rồi cuối cùng kết nối với mạng lưới đường ống khí đốt tự nhiên của Trung Quốc. Vào tháng 12/2019, một phần đường ống khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga đã được đưa vào hoạt động và trở thành đường ống xuyên biên giới đầu tiên vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc. Đây cũng là đường ống khí đốt tự nhiên xuyên quốc gia thứ ba vào Trung Quốc, sau các dự án đường ống ở Myanmar và Trung Á.

Nguyên thủ quốc gia hai nước Trung Quốc và Nga đã cùng chứng kiến ​​“sự kiện lịch sử” này qua kết nối video. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ ra rằng, đường ống khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông là dự án mang tính bước ngoặt trong hợp tác năng lượng Trung-Nga, đồng thời là một ví dụ điển hình về sự hội nhập sâu rộng và hợp tác cùng có lợi giữa hai bên. Putin thì cho rằng: “Đây không chỉ là sự kiện lịch sử trên thị trường năng lượng toàn cầu mà còn là một sự kiện lớn đối với Nga và Trung Quốc.”

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Theo dự liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc chiếm hơn 40% nhu cầu toàn cầu vào năm 2024. Xu hướng tăng trưởng này chủ yếu tới từ một loạt chính sách mà chính phủ Trung Quốc thúc đẩy nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu sản xuất điện đốt than.

Theo thống kê, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc năm 2018 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và lượng nhập khẩu tăng 30,8%; trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2021, lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc tăng gấp 4 lần. Nhờ các biện pháp này, nồng độ PM2.5 của Bắc Kinh đã giảm khoảng 38% trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2019 (năm cuối cùng có số liệu thống kê đầy đủ trước khi dịch COVID-19 bùng phát).

Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga có thể làm giảm 164 triệu tấn khí thải CO2 và 1,82 triệu tấn khí thải SO2 mỗi năm, mang lại những đóng góp quan trong cho việc tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong phương thức phát triển và giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu “carbon kép”.

Theo số liệu từ Niên giám thống kê năng lượng thế giới của BP năm 2019, 70% lượng dầu và 45% nhu cầu khí đốt tự nhiên năm 2018 của Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc đang tích cực thực hiện các biện pháp như đa dạng hóa kênh nhập khẩu và hoàn thiện cách bố trí mạng lưới đường ống trong nước để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Trung Quốc đã đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trung Á như một phần của chiến lược Vành đai và Con đường, với mục đích khai thác nguồn tài nguyên khí đốt tự nhiên dồi dào của khu vực này.

Ví dụ, “Đường ống khí đốt tự nhiên Trung Á” nối Trung Quốc với Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan đã vận chuyển 36 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc vào năm 2017 và con số này tăng lên 47,9 tỷ mét khối vào năm 2019. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ nhiều quốc gia khác như Australia, Indonesia, Malaysia và Qatar.

Việc mở rộng hợp tác năng lượng với Nga sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các tuyến vận tải hàng hải, qua đó làm giảm nguy cơ nguồn cung năng lượng bị gián đoạn mà phong tỏa hàng hải có thể gây ra. Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, Trung Quốc từng ngừng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ trong một năm; vào tháng 1 năm nay, chính quyền Biden cũng từng tạm ngưng phê duyệt các dự án xuất khẩu LNG mới của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga là một thành tựu chiến lược. Nó cung cấp nguồn năng lượng đa dạng và đáng tin cậy cho quá trình đô thị hóa và các mục tiêu chuyển đổi xanh mà Trung Quốc đang gấp rút đẩy mạnh. Đối với Nga, đường ống này là huyết mạch không thể thiếu. Đối mặt với việc mất đi các thị trường truyền thống châu Âu, “hướng Đông” đã trở thành một giải pháp quan trọng và thậm chí là cách duy nhất để Nga giải quyết vấn đề xuất khẩu năng lượng.

Ngành năng lượng là trụ cột cốt lõi trong chính sách kinh tế của chính phủ Putin. Số liệu từ Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho thấy, từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2019, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên chiếm 65,38% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Đồng thời, ngành dầu khí chiếm 46,35% nguồn thu ngân sách nhà nước của Nga trong năm 2018. Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, với lượng xuất khẩu vượt 247 tỷ mét khối trong năm 2018, trong đó có khoảng 200 tỷ mét khối được bán sang thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Nga đã dần mất đi phần lớn thị phần ở châu Âu. Năm 2022, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Gazprom giảm khoảng 45% so với cùng kỳ, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Trong bối cảnh này, hợp tác khí đốt tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga trở nên đặc biệt quan trọng.

Việc phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên ở vùng Viễn Đông được coi là nền tảng trong nỗ lực thúc đẩy phát triển địa phương của Điện Kremlin. Sau khi Liên Xô giải thể, dân số vùng Viễn Đông Nga giảm trung bình 20%, mức giảm thậm chí lên tới 70% ở một số khu vực và một lượng lớn cư dân đã di cư đến phía Tây nước Nga. Hiện tại, Vùng Liên bang Viễn Đông là khu vực lớn nhất nhưng có ít dân cư nhất ở Nga, tỷ lệ phủ sóng của mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở đây là 13%, còn ở Vùng Liên bang Siberia chỉ là 6,8%. Để so sánh, tỷ lệ trung bình toàn quốc của Nga là 67,2%.

Vì vậy, việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông không chỉ là nhu cầu mở rộng thị trường châu Á mà còn là phương tiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Năm 2015, Putin tuyên bố: “Viễn Đông sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của Nga và phải hội nhập hiệu quả vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng”. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cũng chỉ ra rằng, đối thoại sâu sắc hơn với Trung Quốc là “ưu tiên tuyệt đối và lâu dài” để đảm bảo “an ninh quốc gia và sự phát triển ổn định về kinh tế xã hội”.

Hợp tác năng lượng đã trở thành một trong những lĩnh vực tích cực nhất trong quan hệ kinh tế Trung-Nga. Năm 2018, Trung Quốc và Nga cùng thành lập “Diễn đàn Doanh nghiệp năng lượng Trung-Nga” nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai bên, nâng cao hiệu quả, mở rộng các dự án chung và thu hút thêm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, mối quan hệ thương mại năng lượng giữa Trung Quốc và Nga càng trở nên sâu sắc hơn. Từ năm 2021 đến năm 2023, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc tăng 1/3, xuất khẩu than và khí tự nhiên hóa lỏng tăng gần gấp đôi. Năm 2023, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất, nhà cung cấp than lớn thứ hai và nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ ba cho Trung Quốc.

Đồng thời, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc qua đường ống tiếp tục tăng trưởng. Đường ống “Sức mạnh Siberia 1” – đường ống khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga, đã tăng lượng vận chuyển từ 10,4 tỷ mét khối vào năm 2021 lên 22,7 tỷ mét khối vào năm 2023, chiếm 34% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu qua đường ống của Trung Quốc. Thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga cũng tăng từ 5,7% vào năm 2021 lên 23,3% vào năm 2023.

Đầu tháng 2/2022, Trung Quốc và Nga còn ký kết một thỏa thuận về việc xây dựng đường ống “Con đường Viễn Đông”, đường ống này sẽ đóng vai trò là công trình bổ sung cho “Sức mạnh Siberia 1” với mục tiêu lượng vận chuyển hằng năm đạt 10 tỷ mét khối vào năm 2026. Thỏa thuận này được định giá bằng Euro, không phải bằng USD.

Điều đáng chú ý là vào ngày 2/9/2022, Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên tới Đức qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1”. Lượng vận chuyển của đường ống này đạt 59 tỷ mét khối vào năm 2021. Cuối tháng đó, đường ống bị hư hại do các vụ nổ dưới nước.

Theo Bloomberg, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khí đốt tự nhiên mà Gazprom xuất sang Trung Quốc đạt 23,7 tỷ mét khối, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời gian, con số này đã vượt quá 22,5 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên xuất sang châu Âu qua đường ống, dự báo rằng Trung Quốc có thể sẽ vượt qua châu Âu để trở thành khách hàng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga vào năm 2024. Dự kiến trong năm nay, Gazprom ​​sẽ hoàn thành vận hành đầy tải đường ống “Sức mạnh Siberia 1” trước thời hạn, vượt mục tiêu ban đầu là vào đầu năm tới, khi đó đường ống này sẽ đạt công suất vận chuyển tối đa theo hợp đồng là 38 tỷ mét khối mỗi năm.

Cuộc chơi “Sức mạnh Siberia 2”

Ngay từ năm 2006, Gazprom và PetroChina đã ký kết một thỏa thuận khung cho dự án đường ống này. Dự án lên kế hoạch xây dựng hai đường ống. Đường ống đầu tiên chính là “Sức mạnh Siberia 1”, còn đường ống thứ hai được lên kế hoạch kết nối Tây Siberia với Trung Quốc, ban đầu được đặt tên là Đường ống Altai, rồi đổi thành “Sức mạnh Siberia 2” vào giữa những năm 2010.

Theo kế hoạch, “Sức mạnh Siberia 2” sẽ đi qua Mông Cổ và có khả năng vận chuyển lên tới 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng “Sức mạnh Siberia 2” vẫn chưa được khởi công và hai bên vẫn đang đàm phán các điều khoản cụ thể.

Với việc mất đi thị trường truyền thống châu Âu, Nga cần khẩn trương tìm kiếm kênh xuất khẩu mới để bù đắp những tổn thất về kinh tế. Vì vậy, “Sức mạnh Siberia 2” đã trở thành đối tượng quan tâm chính của chính phủ Nga.

Tháng 10/2023, các lãnh đạo Gazprom tháp tùng Putin tới thăm Trung Quốc và tham gia Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba. Tuy nhiên, thỏa thuận về “Sức mạnh Siberia 2” đã không được ký kết như mong đợi. Cuối năm đó, các quan chức Nga tuyên bố dự án “đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cao độ” và dự kiến ​​các tài liệu của dự án sẽ được hoàn thiện vào quý I năm 2024. Phó Thủ tướng Nga lúc đó là Victoria Abramchenko bày tỏ: “Việc xây dựng có thể bắt đầu ngay sau khi các tài liệu được phê duyệt.”

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Putin vào tháng 5 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak một lần nữa bày tỏ mong muốn được ký kết thỏa thuận “Sức mạnh Siberia 2” trong thời gian tới nhưng Nga lại thêm một lần trở về tay trắng. Vào tháng 8, Moscow còn bị dội một gáo nước lạnh: Dự án này không được đề cập trong Kế hoạch phát triển quốc gia 2024-2028 mà Mông Cổ công bố. Một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ tiết lộ rằng, dự án này nhiều khả năng phải đối mặt với sự chậm trễ.

Đối với Nga, “Sức mạnh Siberia 2” không chỉ là cơ hội thương mại mà còn là nhu cầu địa chính trị. Trong mắt Putin, đường ống này không chỉ là huyết mạch xuất khẩu năng lượng của Nga mà còn là biểu tượng cho tầm ảnh hưởng quốc tế của nước này. Một quan chức Nga giấu tên đưa ra nhận xét với Novaya Gazeta Europe: “Hợp tác với Trung Quốc mang lại cho Nga một cơ hội để xả hơi, nhưng cũng khiến Moscow phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường và các điều kiện của Bắc Kinh.”

Tuy nhiên, trọng tâm của bất kỳ thỏa thuận hợp tác năng lượng nào đều nằm ở giá cả. Có thể nói, cuộc thảo luận về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới là một cuộc chơi kéo dài.

Một nguồn thông tin tiết lộ rằng, Trung Quốc đã sử dụng quy mô thị trường khổng lồ của mình như một con bài mặc cả để chiếm lợi thế về giá cả, phương thức thanh toán và điều kiện đầu tư. Theo Novaya Gazeta, ban đầu Trung Quốc đề xuất mua khí đốt với giá 70 USD/1.000 mét khối (gần bằng mức nội địa của Nga), sau đó điều chỉnh lên 100 USD, dù vậy thì mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá khí đốt tự nhiên mà Nga bán cho châu Âu (khoảng 250-300 USD/1.000 mét khối).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng yêu cầu điều chỉnh tuyến đường ống từ khu vực Altai ban đầu sang tuyến phía Đông để phục vụ tốt hơn cho các khu vực có mức độ công nghiệp hóa tương đối cao của mình. Thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và Nga áp dụng cơ chế thanh toán bằng đồng Euro, điều này không chỉ tránh được rủi ro của hệ thống đồng USD mà còn tạo thêm động lực cho quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

Tuy vậy, Nga vẫn không nhượng bộ hoàn toàn. Thông qua việc xây dựng đường ống này, Nga sẽ không chỉ mở ra những thị trường mới mà còn có thể củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. “Đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, giáo sư Denis Morokhin của Trường Kinh tế Cao cấp Nga nhận xét: “Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng Trung Quốc đã thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược và sự linh hoạt kinh tế tuyệt vời trong suốt quá trình đàm phán”.

Vị thế mạnh mẽ của Trung Quốc là điều dễ thấy và dường như họ đã tỏ ra tương đối thành thạo trên bàn đàm phán. Sự tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được. Đồng thời, khả năng tiếp nhận LNG bằng đường biển của Trung Quốc cũng đã được nâng cao đáng kể, đến mức các công ty năng lượng Trung Quốc thậm chí có thể bán lại một số lô hàng LNG cho thị trường quốc tế. Quan trọng hơn, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Trung Quốc đang tiến triển ổn định.

Dự kiến đến năm 2026, công suất lắp đặt năng lượng mặt trời trong nước của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lên 1.000 GW; đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể vượt 3.300 GW. Các nguồn năng lượng sạch mới sẽ chủ yếu tập trung vào miền Bắc Trung Quốc, nơi có nhiều ánh nắng mặt trời và giàu tài nguyên năng lượng gió. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán đến năm 2030, số lượng lắp đặt máy bơm nhiệt tích lũy ở Trung Quốc sẽ tăng 358% so với năm 2021, điều này sẽ làm giảm thêm nhu cầu về khí đốt tự nhiên. Quan trọng hơn, năng lực sản xuất năng lượng tái tạo của Trung Quốc sẽ vượt xa đáng kể so với tốc độ xây dựng của đường ống “Sức mạnh Siberia 2”: Ngay cả những ước tính lạc quan nhất cũng cho rằng đường ống này sẽ mất từ ​​5 đến 6 năm, tức là phải đến khoảng năm 2030 mới chính thức đi vào hoạt động.

Đối với Moscow, đây là một cục diện chưa từng có: Bắc Kinh đã nhiều lần công khai nhấn mạnh vị thế mới của mình như một siêu cường năng lượng sạch và dần làm suy yếu lợi thế đàm phán vốn đã hạn chế của Nga. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng Trung-Nga lần thứ 5 năm 2023, đại diện phía Trung Quốc đề xuất hai bên nên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, năng lượng hydro, công nghệ lưu trữ năng lượng và thị trường carbon. Kiểu hợp tác này rõ ràng là một chiều, bởi Nga gần như không có tích lũy công nghệ hay kế hoạch phát triển trong các lĩnh vực nêu trên. “Sức mạnh Siberia 2” không những phải cạnh tranh với ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc mà còn tỏ ra thất thế trong cuộc đọ sức này.

“Nếu dự án được triển khai, nhiều khả năng nó sẽ được tiến hành hoàn toàn theo điều kiện của phía Trung Quốc”, một báo cáo nghiên cứu do Đại học Columbia công bố vào tháng 7 năm nay cho biết.

Tất nhiên, ngay cả khi phải đối mặt với những bất ổn về thương mại, tương lai của Sức mạnh Siberia 2 vẫn tràn đầy hy vọng, bởi trong một vài trường hợp nhất định, yếu tố địa chính trị thường lấn át những cân nhắc về kinh tế. Như lời phát biểu vào năm 2022 của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, dự án liên minh khí đốt tự nhiên gồm Nga, Kazakhstan và Uzbekistan “không hề” chỉ là một “trò chơi chính trị” như lời cáo buộc của phương Tây.

Ý nghĩa chiến lược của hợp tác năng lượng Trung-Nga

Nếu “Sức mạnh Siberia 2” có thể thuận lợi hoàn thành, nó sẽ làm thay đổi đáng kể mô hình năng lượng của Á-Âu và có thể làm sâu sắc thêm hợp tác Trung-Nga trên trường quốc tế. Đường ống này sẽ không chỉ trở thành một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu năng lượng của Nga mà còn là một phần quan trọng trong an ninh năng lượng của Trung Quốc, qua đó mang lại một nền tảng đôi bên cùng có lợi cho cả hai nước. Đồng thời, sự đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế khu vực mà việc xây dựng đường ống mang lại sẽ tăng cường hơn nữa sự bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.

Ở cấp độ địa chính trị, hợp tác khí đốt tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga thể hiện sự phối hợp chiến lược giữa hai nước trước áp lực của phương Tây. Dù Trung Quốc giữ lập trường trung lập và không chọn phe trong xung đột Nga-Ukraine nhưng qua việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hai nước đã gửi tới thế giới bên ngoài tín hiệu rằng: Các nước châu Á có khả năng tìm kiếm con đường sinh tồn và phát triển trong môi trường bị phương Tây trừng phạt và phong tỏa.

Nhìn về tương lai, hợp tác năng lượng Trung-Nga được dự đoán ​​sẽ tiếp tục mở rộng. Mặc dù lợi ích kinh tế của “Sức mạnh Siberia 2” có thể không bằng “Sức mạnh Siberia 1” nhưng nó cũng có ý nghĩa to lớn không kém đối với Nga. Đường ống này sẽ không chỉ mang lại dòng tiền quý giá cho Nga mà còn mang lại đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất thép và các nhà thầu liên quan trong nước, cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của vùng Viễn Đông, đây chính là hướng phát triển trọng điểm của chính phủ Moscow.

Xét thấy Nga đang chuẩn bị ứng phó với tình trạng bị cô lập quốc tế lâu dài, “Sức mạnh Siberia 2” có thể đóng vai trò là một dự án tiên phong, đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong quan hệ của Nga với phương Tây và một sự điều chỉnh chiến lược để “hướng Đông”. Vào tháng 12/2023, Nga tuyên bố sẵn sàng khởi công xây dựng “Sức mạnh Siberia 2” ngay cả khi chưa có hợp đồng cung ứng cụ thể, điều này cho thấy giá trị kinh tế đằng sau dự án này vượt xa việc bán khí đốt tự nhiên đơn thuần.

Đối với Trung Quốc, xu hướng về lâu về dài của quan hệ Trung-Mỹ cũng đem tới cho Trung Quốc lý do để coi trọng đường ống này. Là một đối tác quan trọng có chung biên giới, Nga chiếm một vị trí không thể thay thế trong chiến lược kinh tế tổng thể của Trung Quốc. Thông qua làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Nga, Trung Quốc không chỉ có thể ổn định và cải thiện môi trường an ninh xung quanh mà còn giúp Nga hội nhập chặt chẽ hơn vào cấu trúc hợp tác khu vực đa phương mới do Trung Quốc dẫn dắt, điều này có ý nghĩa to lớn cho việc duy trì hòa bình và phát triển trong khu vực.

Ý nghĩa của hợp tác năng lượng Trung-Nga vượt xa phạm vi song phương. Nó không chỉ thể hiện sức dẻo dai và độ thích ứng của thương mại năng lượng trước những thách thức địa chính trị, mà còn cung cấp một ví dụ tham khảo cho các nền kinh tế lớn khác trong quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, điều này cũng phản ánh vị thế ngày càng nổi bật của châu Á với tư cách là trung tâm tiêu thụ và hoạt động kinh tế về năng lượng, cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong việc thiết lập trật tự thị trường năng lượng của khu vực và thậm chí là cả toàn cầu.

“Sức mạnh Siberia 2” không chỉ là một cuộc chơi trong lĩnh vực năng lượng mà còn là một hoạt động ngoại giao thực tiễn. Sẽ cần thời gian để kiểm nghiệm liệu nó có thể thúc đẩy Trung Quốc và Nga tiến tới mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn như mong đợi hay không, nhưng chắc chắn rằng đường ống này không chỉ là những ống thép dài hàng nghìn km, mà còn là một hình ảnh thu nhỏ cho những thay đổi của cục diện toàn cầu.