Kế hoạch hòa bình của Putin không hề có hòa bình

Nguồn: Lloyd J. Austin III và Antony J. Blinken, “Putin’s Plan for Peace Is No Peace at All,” New York Times, 14/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Gần ba năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến thế giới kinh hoàng khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Ông lên kế hoạch lật đổ chính phủ dân chủ được bầu của Ukraine, lập nên chế độ bù nhìn của Điện Kremlin, và vạch trần phương Tây là yếu đuối, chia rẽ, và suy yếu.

Sau hơn 1.000 ngày giao tranh liều lĩnh trong cuộc chiến mà Putin lựa chọn, ông đã không đạt được một mục tiêu chiến lược nào. Quyền lực và ảnh hưởng của Nga đã giảm đi rất nhiều; họ thậm chí còn không thể chống đỡ cho một đối tác có giá trị như chế độ của Bashar al-Assad ở Syria. Trong khi đó, Ukraine vẫn đứng vững như một nền dân chủ tự do và có chủ quyền, với nền kinh tế được liên kết với phương Tây.

Tất cả những điều này là minh chứng cho sự bền bỉ của quân đội Ukraine và sức mạnh của người dân nước này. Đây cũng là sản phẩm của sự lãnh đạo kiên định của Mỹ, những người đã tập hợp các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới để giúp Ukraine sống sót sau cuộc tấn công của đế quốc Kremlin. Mỹ nên phát huy thành công lịch sử này, chứ đừng nên lãng phí nó.

Putin cho rằng thế giới sẽ đứng nhìn khi ông đưa quân qua biên giới Ukraine. Ông đã sai. Mỹ đã tập hợp khoảng 50 quốc gia trên khắp hành tinh để giúp Ukraine tự vệ — và duy trì nguyên tắc cơ bản rằng không được phép vẽ lại biên giới bằng vũ lực. Một trong số chúng tôi, Bộ trưởng Austin, đã triệu tập Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, một liên minh toàn cầu nhằm phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, 25 lần. Các thành viên của nhóm đã cam kết 126 tỷ đô la viện trợ an ninh trực tiếp cho Ukraine, gần một nửa trong số đó đến từ các thành viên không phải là Mỹ.

Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, hơn một chục thành viên Nhóm Liên lạc hiện cung cấp nhiều hỗ trợ an ninh cho Ukraine hơn Mỹ. Và những khoản đầu tư này vào Ukraine cũng đang mang lại lợi nhuận ngay tại quê nhà, thúc đẩy cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta và tạo ra nhiều việc làm. Sự hung hăng của Putin thậm chí còn thúc đẩy chính kết quả mà ông đã tìm cách ngăn chặn: NATO đang lớn hơn, mạnh hơn, và đoàn kết hơn bao giờ hết.

Kết quả là, Ukraine đã ngăn chặn được quân đội lớn thứ hai thế giới — bất chấp những hành động leo thang liều lĩnh và lời đe dọa hạt nhân vô trách nhiệm của Putin. Ukraine đã chiến đấu xuất sắc ngay cả khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ủng hộ Putin; khi Iran, nhà tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới, trang bị cho ông tên lửa và máy bay không người lái; và khi Triều Tiên, quốc gia bất hảo có vũ khí hạt nhân khét tiếng nhất thế giới, cung cấp cho ông đạn dược và khoảng 10.000 quân.

Thành công của Ukraine cho đến nay là một thành tựu chiến lược to lớn, nhưng quân đội của họ vẫn phải đối mặt với những thách thức sâu rộng trên chiến trường. Lực lượng Nga gần đây đã giành lại một số lãnh thổ mà Ukraine đã giải phóng trước đó trong cuộc chiến, và việc Putin bắn phá các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine đang gây ra thiệt hại to lớn. Người dân Ukraine đã thể hiện khả năng kháng cự tuyệt vời, nhưng họ đã phải trả giá đắt cho sự tự do của mình.

Tuy nhiên, sự dễ tổn thương của Ukraine không thể che giấu được tình thế lưỡng nan ngày càng lớn của Putin.

Trong những tháng gần đây, Mỹ và các đối tác đã tăng cường viện trợ quân sự hơn nữa — chuyển hàng trăm nghìn quả đạn pháo, tên lửa phòng không, xe bọc thép, và đạn dược không đối đất — cho Ukraine để giúp làm giảm lợi thế về nhân lực của Nga. Chúng ta đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS bên trong biên giới của Nga, từ đó giúp Ukraine tự vệ sau khi Triều Tiên can thiệp vào cuộc chiến. Xuyên suốt cuộc xung đột, khi các điều kiện trên chiến trường thay đổi, và khi kho dự trữ và yêu cầu sẵn sàng của chúng ta cho phép, chúng ta đã tăng viện trợ với tốc độ mà lực lượng Ukraine có thể tiếp nhận, liên kết mọi khoản viện trợ với đào tạo và duy trì.

Người Nga đang phải chịu tổn thất to lớn — trung bình 1.500 thương vong mỗi ngày — chỉ để chiếm được những vùng lãnh thổ nhỏ. Họ đã phải chịu hơn 700.000 người chết và bị thương kể từ khi Putin bắt đầu cuộc chiến của mình. Giờ đây, ông ngày càng phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan đau đớn: hoặc chịu thương vong lớn để đạt được lợi ích tối thiểu, dẫn đến một lệnh động viên có thể gây bất ổn trong nước, hoặc đàm phán nghiêm túc với Ukraine để chấm dứt chiến tranh.

Chúng ta cũng đang hỗ trợ Ukraine bằng hỗ trợ kinh tế, và chúng ta đang bắt Nga phải trả tiền cho việc này. Ngay sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga, các nhà lãnh đạo G7 đã hành động theo đúng trình tự để vô hiệu hóa hơn 300 tỷ đô la tài sản của ngân hàng trung ương Nga mà họ đang nắm giữ. Vào tháng 6, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí cấp 50 tỷ đô la tiền vay cho Ukraine, số tiền này sẽ được trả lại bằng lãi suất kiếm được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

Mỹ cũng đã có những hành động phối hợp để cắt giảm nguồn thu nhập đang cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Putin. Các ngân hàng lớn nhất của Nga có quan hệ lớn ở nước ngoài đang bị trừng phạt. Với sự giúp đỡ của chúng ta, châu Âu đã cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga xuống gần bằng không. Lạm phát ở Nga hiện đã hơn 9% và đang tăng lên. Lãi suất đã tăng vọt lên 21%. Ngay cả khi khoảng 40% ngân sách của Nga là dành cho quân đội, Điện Kremlin vẫn không thể sản xuất đủ nguyên liệu để bổ sung cho năng lực của mình. Putin đã đốt cháy gần hai phần ba số tiền dự phòng mà Nga đã tích lũy trong nhiều thập kỷ, cướp đi tương lai của đất nước để theo đuổi quá khứ đế quốc của mình. Khoảng một triệu người Nga, nhiều người trong số họ là người trẻ tài năng, đã rời khỏi đất nước.

Tất cả những điều này đã tạo đòn bẩy cho Ukraine — và cho chính quyền Mỹ tiếp theo. Đòn bẩy này nên được sử dụng để chấm dứt cuộc chiến của Putin và mở ra một nền hòa bình lâu dài, nhằm đảm bảo người Ukraine có thể ngăn chặn đợt xâm lược tiếp theo của Nga, bảo vệ lãnh thổ của họ, và phát triển như một nền dân chủ có chủ quyền. Đó chính là hòa bình thông qua sức mạnh. Nhưng vì Putin vẫn giữ tham vọng đế quốc của mình, việc từ bỏ đòn bẩy của chúng ta ngay bây giờ bằng cách cắt viện trợ và ép buộc ngừng bắn sớm sẽ chỉ cho phép Putin nghỉ ngơi, tái trang bị, và cuối cùng là tấn công một lần nữa. Đó sẽ là hòa bình thông qua đầu hàng, mà thực chất không phải là hòa bình.

Đó không phải là hòa bình đối với Ukraine, đất nước sẽ bị nghiền nát dưới gót giày của Putin.

Đó không phải là hòa bình đối với châu Âu, nơi sẽ phải chịu sự chi phối của một bạo chúa quyết tâm tái thiết đế chế sụp đổ của Moscow.

Đó không phải là hòa bình đối với những người bạn của nước Mỹ ở nơi khác, những người có thể phải đối mặt với những rủi ro xâm lược mới từ các nhà độc tài, những người có thể xem chiến thắng của Putin là giấy phép săn bắn cho riêng họ.

Và đó không phải là hòa bình đối với Mỹ, nơi sẽ phải chi nhiều nguồn lực hơn và gánh chịu nhiều rủi ro hơn để bảo vệ mình, không chỉ trước một nhà lãnh đạo Nga đang nổi loạn, mà còn trước những nhà độc tài và tác nhân gây hỗn loạn khác muốn phá bỏ hệ thống luật lệ, quyền lợi, và trách nhiệm đã giúp nhiều thế hệ người Mỹ an toàn hơn và thịnh vượng hơn.

Theo đuổi chính sách hòa bình thông qua sức mạnh là điều rất quan trọng đối với sự sống còn của Ukraine và an ninh của Mỹ. Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của mình phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine và củng cố lợi thế của nước này trong các cuộc đàm phán mà một ngày nào đó sẽ chấm dứt cuộc chiến xâm lược của Putin.

Lloyd J. Austin III là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Antony J. Blinken là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.