Nguồn: Benjamin Jensen, “What China’s New Fighter Jet Really Signals,” Foreign Policy, 16/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các quốc gia thường tiết lộ vũ khí chiến tranh mới trong thời bình để thay thế cho các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp hơn.
Vào ngày 26/12/2024, ngày sinh của Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố một máy bay tàng hình mới. Được gọi là J-36, máy bay này kết hợp khả năng tàng hình với khả năng tải trọng lớn, cho phép thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất trên phạm vi rộng với tốc độ siêu thanh. Những tính năng này khiến nó trở thành thách thức đáng gờm đối với các hệ thống phòng không hiện đại.
Chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc đã làm dấy lên những quan ngại mới về tiến bộ của Bắc Kinh trong cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra. Chiếc máy bay được công bố vào thời điểm Mỹ đã cắt giảm đầu tư vào các máy bay thống trị trên không thế hệ tiếp theo theo ngân sách quốc phòng mới nhất của mình. Đối với các nhà hoạch định quân sự Mỹ, diễn biến này làm phức tạp đáng kể các kịch bản tác chiến, đặc biệt là ở Eo biển Đài Loan, nơi khả năng phản công và đánh chặn được tăng cường của Trung Quốc sẽ đòi hỏi việc triển khai nhanh chóng các tài sản tình báo và phòng thủ bổ sung. Sự thay đổi năng lực như vậy cũng đòi hỏi Mỹ phải đánh giá lại chiến lược trên không của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việc ra mắt máy bay J-36 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh. Chiến tranh Lạnh mới đang ngày càng được định hình bởi sự cạnh tranh về công nghệ. ĐCSTQ không chỉ tìm cách thống trị các công nghệ thương mại cốt lõi như xe điện và trí tuệ nhân tạo, mà còn muốn có sự hợp nhất quân sự-dân sự sâu rộng hơn để hỗ trợ khả năng của Bắc Kinh trong việc sao chép chiến lược bù trừ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó lợi thế công nghệ làm thay đổi cán cân quân sự.
Cũng có lý do để tin rằng chiếc máy bay mới của Trung Quốc chính là một tín hiệu gửi đến Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và chính quyền của ông nhằm chống lại những lời đe dọa về thuế quan, đồng thời phô trương sức mạnh quân sự để đối đầu với ngoại giao kinh tế. Sự thật là Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác để chống lại chính sách ngoại giao cưỡng ép mới của Mỹ. Từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy một trong những tàu chiến đổ bộ lớn nhất thế giới, tiến hành chiến dịch hải quân lớn nhất trong nhiều thập kỷ, cũng như công bố một nền tảng tình báo và chỉ huy và kiểm soát trên không mới. Khi đội ngũ chính sách đối ngoại mới của Trump nhậm chức, họ nên xem xét những biện pháp này theo đúng bản chất của chúng: một quốc gia đang mặc cả từ vị thế yếu kém và có lẽ sẽ dễ chấp nhận rủi ro và hành động liều lĩnh hơn. Bằng cách kết hợp sự chuẩn bị quân sự với các chiến lược kinh tế và ngoại giao, Mỹ có thể chống lại các nước cờ công nghệ của Trung Quốc trong khi giảm thiểu rủi ro của các tranh chấp bị quân sự hóa.
Việc tiết lộ các khả năng quân sự mới tuân theo một mô hình hợp lý trong ngoại giao. Như đã nêu trong một báo cáo gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các quốc gia thường tiết lộ một vũ khí chiến tranh mới trong thời bình để thay thế cho các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp hơn. Bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự của mình, các quốc gia đặt cược rằng đối thủ của họ sẽ tránh leo thang. Việc tiết lộ các công nghệ mới là một hình thức mặc cả cưỡng ép giữa các quốc gia.
Trump đã đe dọa áp thuế và hứa sẽ chống lại Trung Quốc. Và J-36 có thể được cho là đối trọng cưỡng ép của lời đe dọa này. Suy cho cùng, việc Trung Quốc đe dọa bán trái phiếu kho bạc Mỹ vừa rỗng tuếch vừa tự chuốc lấy thất bại, và mỗi lần Trung Quốc tìm cách thao túng thương mại và từ chối xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, họ lại tạo ra động lực thị trường khiến các nước khác tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Trong bối cảnh này, chiếc máy bay mới không phải là hành động của một siêu cường, mà thay vào đó cho thấy một điểm yếu chiến lược. Nó cũng mở ra một cửa sổ rủi ro gia tăng cho đội ngũ của Trump, vì Trung Quốc có khả năng tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự của mình. Và hành động phô trương sức mạnh có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng quốc tế và các tranh chấp bị quân sự hóa.
Ví dụ, Trung Quốc có thể tiếp tục các cuộc xâm nhập mạng quy mô lớn như các cuộc tấn công gần đây nhắm vào cơ sở hạ tầng viễn thông, Bộ Tài chính, và các trung tâm hậu cần quan trọng của Mỹ. Hoặc Bắc Kinh có thể cho Washington thấy giới hạn của việc Mỹ gia tăng áp lực quân sự thông qua tín hiệu công nghệ. Đúng vào tuần mà thế giới nhìn thấy hình ảnh chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc, trên mạng cũng xuất hiện thêm các video về đợt huấn luyện của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) với máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, tương tự như những máy bay được sử dụng rộng rãi ở Ukraine.
Rủi ro là có thể kiểm soát được. Với nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và dân số suy giảm, chính quyền Trump cần tránh gây thêm sức ép lên các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đến mức mà hành vi chấp nhận rủi ro trở nên hợp lý. Việc dồn một kẻ tuyệt vọng vào chân tường là một ván cược có rủi ro cao. Kẻ đó hoặc sẽ lùi bước hoặc sẽ phản công. Đúng là Mỹ nên đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng nên làm vậy một cách công khai và cân bằng thông qua ngoại giao khủng hoảng và can dự ở nhiều cấp độ.
Cơ hội rất rõ ràng. Bằng cách tiết lộ một máy bay chiến đấu mới – dù chỉ là sao chép năng lực đã được chứng minh của Mỹ – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã để lộ hết bài của mình. Các mối đe dọa kinh tế có nhiều khả năng ảnh hưởng đến việc ra quyết định ở Bắc Kinh hơn là các mối đe dọa quân sự. Khi chính quyền mới của Trump nhậm chức, họ cần một chiến lược Trung Quốc toàn diện để vượt qua những chia rẽ về bộ máy trong doanh nghiệp an ninh quốc gia hiện tại của Mỹ. Thay vì trực tiếp phản ứng với từng tín hiệu quân sự, chính quyền Trump nên lựa chọn một cách tiếp cận gián tiếp hơn, kết hợp các hoạt động kinh tế và hành pháp với các nỗ lực giúp lực lượng Mỹ và quân đội đồng minh phối hợp hiệu quả, cũng như thiết lập một khuôn khổ để quản lý khủng hoảng.
Đầu tiên, chính quyền Trump mới nên ưu tiên xây dựng một kế hoạch liên ngành toàn diện để chống lại ĐCSTQ, một kế hoạch xem sức mạnh quân sự, dù quan trọng, nhưng chỉ là công cụ bổ trợ chứ không phải là công cụ chính. Dựa trên khuôn khổ này, chính quyền nên triển khai các công cụ kinh tế và hành pháp mới nhắm vào các điểm yếu quan trọng của Trung Quốc.
Về mặt quân sự, thế trận lực lượng và việc hợp tác với các đối tác sẽ quan trọng hơn là cố gắng giành lợi thế thông qua công nghệ quân sự tiên tiến. Chính quyền Trump cần phải trấn an các đối tác và đồng minh trong khi xây dựng khả năng tương tác sâu rộng để đảm bảo lực lượng Mỹ có thể chiến đấu cùng các quốc gia dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược nên tập trung vào hậu cần tác chiến, trao đổi dữ liệu tình báo và dữ liệu mục tiêu giữa các đồng minh, và xây dựng kho vũ khí chính như tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm. Thế trận lực lượng và hợp tác với các đối tác cũng quan trọng như việc triển khai công nghệ quân sự tinh vi.
Thứ hai, chính quyền Trump phải thiết lập một hệ thống có chủ đích và có cấu trúc rõ ràng cho quản lý khủng hoảng và liên lạc ngoại giao. Để giảm nguy cơ leo thang ngoài ý muốn, Washington nên ưu tiên phát triển các kênh liên lạc vững chắc với Bắc Kinh. Các cuộc đối thoại quân sự thường xuyên và các cơ chế ngoại giao khủng hoảng là cần thiết để ngăn ngừa hiểu lầm và tạo cơ hội hạ nhiệt các điểm nóng tiềm ẩn, chẳng hạn như ở Eo biển Đài Loan. Cách tiếp cận hai hướng này – cân bằng giữa răn đe và ngoại giao – là rất quan trọng để quản lý cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường một cách có trách nhiệm, khi các cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng xảy ra nhiều hơn chứ không phải ít hơn.
Hơn nữa, chính quyền Trump nên kết hợp các cuộc diễn tập khủng hoảng vào kế hoạch chiến lược của mình, phản ánh các kế hoạch chiến tranh và các bài diễn tập nhiệm vụ được quân đội sử dụng. Các cuộc tập trận như vậy sẽ phơi bày các điểm yếu trong cách tiếp cận hiện tại của doanh nghiệp an ninh quốc gia và tăng cường khả năng sẵn sàng. Kết hợp liên lạc khủng hoảng chủ động với các cuộc tập trận chiến lược sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức phía trước.
Thứ ba, đội ngũ của Trump cần đảm bảo có các biện pháp phủ nhận và phòng thủ đáng kể để hỗ trợ cho bất kỳ chiến lược chống Trung Quốc mới nào. Các biện pháp này sẽ làm tăng cái giá nếu Trung Quốc sử dụng các chiến dịch tấn công mạng và chiến dịch gián điệp kinh tế một cách trắng trợn, như được nêu trong khái niệm răn đe nhiều lớp của Ủy ban Nghiên cứu Chiến lược Không gian mạng Mỹ. Chúng có thể bao gồm việc tăng cường các mục tiêu chống lại các chiến dịch tiên tiến như Salt Typhoon và chia sẻ thông tin tình báo hiệu quả hơn với khu vực tư nhân để xác định các mối đe dọa trong tương lai.
Bằng cách thừa nhận thời điểm này vừa là cảnh báo vừa là cơ hội, Washington có thể duy trì tính cạnh tranh mà không vô tình đẩy Bắc Kinh vào vòng xoáy leo thang nguy hiểm. Điểm này đặc biệt quan trọng vì các nhà hoạch định và nhà lý luận của PLA nghĩ rằng họ có thể kiểm soát được khủng hoảng. Nhưng niềm tin đó lại không được lịch sử ủng hộ.
Benjamin Jensen là nghiên cứu viên cấp cao tại Ban Quốc phòng và An ninh thuộc Phòng thí nghiệm Tương lai của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế và là Giám đốc về Công nghệ Mới nổi tại Trường Chiến tranh Tiên tiến, Đại học Thủy quân Lục chiến Mỹ. Yasir Atalan, nghiên cứu viên dữ liệu tại Phòng thí nghiệm Tương lai của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã đóng góp cho bài viết này.