Nguồn: Diêu Húc, Khâu Lệ, 美国观察|DeepSeek引发全球人工智能“技术-市场-政治”冲击波产生了何种影响?, fddi.fudan.edu.cn (Fudan Development Institute), 02/02/2025 (lược dịch).
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Vào đầu năm Ất Tỵ, công ty AI Trung Quốc DeepSeek với những đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh đổi mới đã trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu, thậm chí còn đưa hợp tác và cạnh tranh về AI giữa Trung Quốc và Mỹ lên một tầm cao mới.
Trong bài báo trang nhất được xuất bản vào ngày 31/1, SemiAnalysis, một tổ chức nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực bán dẫn và AI, cho rằng DeepSeek không phải là tin tức “mới” đối với những người quan tâm đến lĩnh vực này: “DeepSeek rất có năng lực, nhưng phần lớn công chúng Mỹ không mấy quan tâm. Khi thế giới cuối cùng đã chú ý đến nó, thì nó chỉ còn là sự cường điệu hóa và không phản ánh đúng thực tế.” Điều này thể hiện DeepSeek đã tìm kiếm danh tiếng từ lâu, đồng thời cũng phản ánh sức ảnh hưởng lớn lao đằng sau việc đột ngột trở nên nổi tiếng.
Hiệu ứng cộng hưởng mà DeepSeek tạo ra đã làm dấy lên làn sóng xung kích ở cả ba chiều “công nghệ-thị trường-chính trị”. Xét về lộ trình công nghệ, mô hình “ưu tiên hiệu suất” của nó đã khiến giới công nghệ Mỹ phải đánh giá xem liệu Scaling Law có còn hiệu quả hay không (Scaling Law được OpenAI đề xuất vào năm 2020 và hiện là cơ sở của “cuộc chạy đua vũ trang” về sức mạnh tính toán). Trên thị trường vốn, cổ phiếu điện toán và điện lực của Nvidia đã giảm mạnh, trong khi mô hình định giá của OpenAI đã bị Morgan Stanley hạ 23%. Còn ở cấp độ phản ứng chính sách của Mỹ, sự nổi lên của DeepSeek đã tác động mạnh đến các chính sách hạn chế mà chính phủ Mỹ áp đặt lên chip và AI của Trung Quốc, đồng thời mang đến một loạt phản ứng dây chuyền trong chính sách giám sát và quản lý.
1. Các hạn chế về AI và chất bán dẫn đối với Trung Quốc của Biden một lần nữa bị đặt câu hỏi
Chiến lược ngăn chặn AI của chính quyền Biden đối với Trung Quốc đang gặp phải thế khó là sự đổi mới ngược. Kể từ khi thực thi lệnh cấm chip nghiêm ngặt nhất trong lịch sử đối với Trung Quốc vào năm 2022, Mỹ đã không chỉ cấm xuất khẩu các GPU cao cấp như Nvidia A100 hay H100 sang Trung Quốc, mà còn đưa các công ty AI của Trung Quốc vào Danh sách thực thể, nhằm mục đích kiềm chế sự phát triển AI của Trung Quốc thông qua các đòn tấn công chuẩn xác. Tuy nhiên, sự phong tỏa công nghệ này bất ngờ gây ra sự đổi mới ngược: Các công ty Trung Quốc buộc phải chuyển từ việc tích trữ sức mạnh tính toán sang cải thiện hiệu suất. DeepSeek chỉ cần cụm GPU tầm trung để chạy các mô hình cấp cao nhất. Đây là đòn phản công mang tính biểu tượng nhất trong cuộc chơi chiến lược này, qua đó phơi bày những hạn chế mang tính thời đại của sự kiểm soát công nghệ theo cách truyền thống.
Các chính sách phong tỏa công nghệ đang phải đối mặt với thách thức kép. Hệ thống kiểm soát hiện tại không hoàn toàn ngăn chặn được sự lưu thông các loại chip cao cấp, và về mặt khách quan, nó cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của các con đường công nghệ mang tính thay thế. Dữ liệu ngành cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa chất bán dẫn của Trung Quốc đạt 35% vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Cuộc chơi công nghệ này đã tạo ra một hình thái công nghiệp mới: các hướng đổi mới như kiến trúc mô hình nhẹ, giải pháp điện toán không đồng nhất, chip tích hợp lưu trữ và điện toán… đã nhận được sự hoan nghênh của giới đầu tư. Trong Thung lũng Silicon cũng xuất hiện những khác biệt về mặt chiến lược, có nhóm bảo thủ muốn tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện toán, và cũng có nhóm cải cách muốn chuyển sang đổi mới hiệu suất.
Những thay đổi mạnh mẽ của tình hình thị trường cho thấy vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI đã bị lung lay. DeepSeek đã lựa chọn phát hành mô hình đột phá của mình vào Ngày Giáng sinh năm 2024 – thời điểm đóng băng công nghệ truyền thống trong giới công nghệ phương Tây. Như lời phát biểu của Alexander Wang, người sáng lập Scale AI, trên phương tiện truyền thông xã hội: Điều này là cột mốc cho thấy cuộc cạnh tranh AI toàn cầu đã bước vào kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng hiệu suất. Mô hình mang tính đổi mới với chi phí thấp và khả năng thay thế cao này đã khiến các rào cản công nghệ mà Mỹ dày công xây dựng gặp phải sự sụp đổ kép: Không chỉ không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lưu thông phần cứng, mà còn gặp khó khăn hơn trong việc hạn chế bước nhảy vọt về hiệu suất ở cấp độ thuật toán.
Kết quả là giới hoạch định chính sách bị mắc kẹt trong những bất đồng về mặt chiến lược. Nhóm cứng rắn ủng hộ việc mở rộng Danh sách thực thể tới nhiều công ty công nghệ Trung Quốc hơn, đồng thời thúc đẩy việc mở rộng lệnh cấm chip sang các sản phẩm tầm trung; trong khi nhóm thực dụng thì cảnh báo rằng việc áp chế quá mức đang đẩy nhanh sự độc lập của hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc. Mâu thuẫn này lộ rõ trong các tuyên bố trên mạng xã hội của Alexander Wang, khi ông thừa nhận “các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại đã thất bại về mặt hình thức”, nhưng lại kiên định rằng “chúng ta phải đi trước bằng cách tăng cường kiểm soát chip”. Điều này phản ánh sự chia tách nhận thức giữa việc đổi mới công nghệ và việc ngăn chặn chiến lược ở Mỹ.
Điều đáng chú ý là ở cấp độ phổ biến công nghệ, hành động cung cấp mã nguồn mở thông qua GitHub của DeepSeek đã làm nổi bật mâu thuẫn về mặt cấu trúc giữa hệ sinh thái mã nguồn mở và sự kiểm soát địa chính trị. Đặc tính cộng tác toàn cầu của cộng đồng nguồn mở đã đặt ra thách thức về mặt cơ chế cho hệ thống kiểm soát truyền thống dựa trên kiểm soát vật phẩm vật lý khi ứng phó với vấn đề phổ biến công nghệ số. Khi sự đổi mới thuật toán lưu động tự do trên các nền tảng nguồn mở dưới dạng mã, sẽ rất khó để các biện pháp kiểm soát công nghệ cấp quốc gia có thể ngăn chặn hoàn toàn sự phổ biến kiến thức.
2. Tái thiết “Bức màn sắt AI”: Chính quyền Trump có thể tăng cường lệnh phong tỏa DeepSeek
Trước tác động ba chiều mà DeepSeek mang lại trên toàn thế giới, mọi tầng lớp tại Mỹ đều tỏ ra lo lắng và bộc lộ sự mâu thuẫn.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Alexander Wang đã tuyên bố rằng “DeepSeek bí mật nắm giữ khoảng 50.000 chip H100, vượt xa dự tính của chính phủ Mỹ”, ngụ ý rằng DeepSeek đã bỏ qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ và “bắt đầu một cuộc chiến AI giữa Trung Quốc và Mỹ”. Trong một bài viết dài được công bố vào ngày 29/1, Dario Amodei, Giám đốc điều hành của Anthropic, chỉ ra rằng “ý tưởng cho rằng việc công nghệ ngày càng mạnh mẽ hơn và hiệu quả về chi phí ngày càng cao hơn là lý do để bãi bỏ kiểm soát xuất khẩu là chuyện hoàn toàn vô lý”. Việc giữ hay bỏ kiểm soát xuất khẩu sẽ quyết định ranh giới của trật tự thế giới vào năm 2026-2027. Nếu Trung Quốc có được hàng triệu GPU trong tương lai để hình thành nên lưỡng cực Trung-Mỹ, vậy thì hệ thống công nghiệp của nước này có thể chuyển hóa lợi thế về AI thành sự thống trị toàn diện về mặt chiến lược; ngược lại, nếu Mỹ hoàn toàn khóa chặt nguồn cung cấp chip, nước Mỹ có thể thiết lập bá quyền đơn cực lâu dài bằng cách tận dụng khả năng tự cải tiến của AI.
Cùng thời điểm bài viết này được xuất bản, hệ thống đánh giá an ninh quốc gia Mỹ đã coi DeepSeek như một trường hợp mang tính bước ngoặt để bắt đầu một giai đoạn mới trong chiến lược toàn diện về ngăn chặn công nghệ AI. Sự đột phá của công ty AI Trung Quốc trong việc phát triển các mô hình tiên tiến với trữ lượng chip vừa phải chẳng khác nào một ngòi nổ đã kích hoạt nỗi lo ngại chiến lược của Washington về sự phổ biến công nghệ.
Vào ngày 28/1, Nhà Trắng trước hết đã tung ra khung tường thuật kép về đánh cắp công nghệ và bảo mật dữ liệu, và Hội đồng An ninh Quốc gia đã đưa ra một đánh giá đặc biệt chỉ ra rằng DeepSeek ẩn chứa mối đe dọa đối với chủ quyền công nghệ. Thư ký báo chí Nhà trắng Karoline Leavitt coi DeepSeek là lời cảnh tỉnh có tính hệ thống về những đột phá trong lĩnh vực AI của Trung Quốc. Cố vấn về AI David Sacks thậm chí còn đưa ra lời cáo buộc gay gắt dựa trên khái niệm “chưng cất” công nghệ, cho rằng nó đã “đánh cắp” những thành tựu đổi mới của OpenAI thông qua kỹ thuật đảo ngược thuật toán, đồng thời tuyên bố đã nắm giữ “đầy đủ bằng chứng”.
Chiến lược tường thuật định vị sự cạnh tranh công nghệ như một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ này đã nhanh chóng nhận được sự phối hợp của những người trong ngành: Nhóm bảo mật của Microsoft tiết lộ rằng, vào mùa thu năm ngoái, họ đã giám sát một tổ chức bị nghi có liên quan đến DeepSeek đã sử dụng giao diện API của OpenAI để thu thập dữ liệu trên quy mô lớn, và các cuộc điều tra liên quan vẫn đang được tiến hành. OpenAI cũng tiến hành đánh giá nội bộ để xác minh liệu đầu ra công nghệ có nguy cơ bị đảo ngược kỹ thuật hay không.
Tại châu Âu, vào ngày 28/1, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Ý (Garante) bất ngờ tiến hành cuộc thẩm tra đối với DeepSeek, yêu cầu DeepSeek tiết lộ thông tin chi tiết về cách xử lý dữ liệu của hàng chục triệu người dùng châu Âu. Vào ngày 29/1, ứng dụng DeepSeek đã bị xóa hoàn toàn khỏi App Store và Google Play của Ý. Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC) cho biết, cơ quan này đã gửi thư cho DeepSeek để “bày tỏ mối quan ngại về khả năng DeepSeek vi phạm luật riêng tư của EU”. Graham Doyle, Phó ủy viên của DPC, cho biết đã “yêu cầu DeepSeek cung cấp thông tin về việc xử lý dữ liệu liên quan đến các chủ thể dữ liệu của Ireland”.
Bộ máy chính sách nội địa của Mỹ cũng đang hoạt động đồng bộ. DeepSeek đã trở thành trọng tâm của cuộc chất vấn lưỡng đảng tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ dành cho ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick vào ngày 29/1. Lutnick coi sự việc là một hành vi đánh cắp công nghệ, chỉ trích việc Meta, Nvidia và các công ty khác cung cấp các kênh công nghệ trá hình thông qua hợp tác thương mại, đồng thời cáo buộc Nvidia sử dụng chip H20 dành riêng cho Trung Quốc như một kênh trá hình để chuyển giao công nghệ. Lutnick cũng hứa sẽ tăng cường sự kết hợp giữa thuế quan và sự kiểm soát nếu nhậm chức. Cùng ngày, Bloomberg News tiết lộ rằng, chính quyền Trump đang xem xét việc áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với chip H20 dành riêng cho Trung Quốc của Nvidia. Mặc dù không đưa ra phản hồi tích cực, nhưng Nvidia đã bày tỏ mong muốn hợp tác với chính sách AI của chính phủ.
H20 đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Nvidia. Nhà phân tích Claus Aasholm chỉ ra rằng, HGX H20, loại GPU chủ yếu dành cho thị trường Trung Quốc, có mức tiêu thụ cực kỳ tốt và Nvidia đã kiếm được hàng chục tỷ USD nhờ việc bán GPU này. Nếu việc xuất khẩu chip tầm trung bị hạn chế, đây sẽ là tổn thất lớn cho cả Nvidia và các công ty Trung Quốc.
Ở cấp độ kỹ thuật, dữ liệu giám sát an ninh mạng cho thấy, gần đây DeepSeek đã liên tục phải hứng chịu các cuộc tấn công kỹ thuật với cường độ cao. Theo báo cáo do Trung tâm tình báo mối đe dọa QAX công bố vào ngày 29/1, nền tảng này đã ngăn chặn hơn 270 triệu yêu cầu truy cập bất thường kể từ ngày 20/1, trong đó hơn 90% địa chỉ IP nguồn tấn công nằm ở Mỹ. Cường độ của các cuộc tấn công lên đến đỉnh điểm vào ngày 28/1, đêm giao thừa Tết Nguyên đán. Như một biện pháp ứng phó khẩn cấp, DeepSeek hiện đã giới hạn kênh đăng ký người dùng mới còn một phương thức duy nhất là sử dụng số điện thoại di động +86 của Trung Quốc đại lục, đồng thời triển khai hệ thống làm sạch lưu lượng truy cập động tại các giao diện chủ chốt.
Những sự việc này cho thấy mối quan ngại sâu sắc của Mỹ đối với sự trỗi dậy của AI ở Trung Quốc: từ những cáo buộc về đạo đức trong công nghệ đến các cuộc đánh giá dữ liệu, từ việc truy xuất nguồn gốc công nghệ cấp doanh nghiệp đến các cuộc tấn công nhắm chuẩn vào chuỗi cung ứng, một hệ thống ngăn chặn toàn diện đã được hình thành với việc tạo ra luồng dư luận, thực thi pháp luật xuyên quốc gia và ngăn chặn ngành công nghiệp. Với việc chip H20 của Nvidia có thể được đưa vào danh sách kiểm soát, cuộc chiến sẽ quyết định cấu trúc quyền lực công nghệ trong tương lai này đang đẩy ngành công nghệ toàn cầu đến gần thời điểm ra đời của bức màn sắt kỹ thuật số.
3. Do dự và mâu thuẫn: Luật tách biệt AI và sự dao động của những gã khổng lồ công nghệ
Vào ngày 30/1/2025, Josh Hawley, thượng nghị sĩ nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc, đã đề xuất Đạo luật tách biệt năng lực trí tuệ nhân tạo của Mỹ khỏi Trung Quốc, qua đó đưa cuộc cạnh tranh công nghệ đạt đến đỉnh điểm xung đột mới.
Hawley tuyên bố rằng “mỗi USD và mỗi megabyte dữ liệu chảy vào AI của Trung Quốc cuối cùng sẽ được sử dụng để chống lại Mỹ”. Do đó, dự luật tập trung vào việc “tách biệt” một cách toàn diện ngành AI của Trung Quốc và Mỹ, cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu công nghệ AI với Trung Quốc, cấm các công ty Mỹ tiến hành nghiên cứu AI tại Trung Quốc hoặc hợp tác với các công ty Trung Quốc, và cấm các công ty Mỹ đầu tư vào việc phát triển AI của Trung Quốc.
Hawley tuyên bố rằng, động thái này nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc củng cố năng lực AI của mình thông qua nguồn vốn và dữ liệu của Mỹ, đồng thời định nghĩa sự phát triển AI của Trung Quốc là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ”. So với các chính sách trước đây của Bộ Tài chính Mỹ, có thể nói phạm vi bao phủ của Đạo luật Hawley là rất cực đoan: Nghĩa rộng về “công nghệ” của đạo luật này bao gồm chip AI và bất kỳ thiết bị hỗ trợ AI nào, các công ty Trung Quốc thành lập trung tâm R&D tại Mỹ hoặc các công ty Mỹ tiến hành hợp tác AI tại Trung Quốc đều có thể phải đối mặt với việc bị truy tố hình sự.
Dự luật này được đưa ra vào thời điểm rất giàu ý vị – chính vào lúc mô hình AI giá rẻ DeepSeek mà Trung Quốc cho ra mắt thu hút được sự chú ý quốc tế và cổ phiếu công nghệ Mỹ biến động. Hawley đã nhân đó để phóng đại về “thuyết mối đe dọa AI của Trung Quốc” và cố gắng sử dụng luồng dư luận để thúc đẩy đạo luật gây tranh cãi này. Mặc dù triển vọng của dự luật này vẫn chưa rõ ràng, nhưng tính chất cực đoan của nó đã gây ra mối quan ngại rộng rãi. Là đại diện cho phe cánh hữu cực đoan của Đảng Cộng hòa, Hawley rất giỏi trong việc sử dụng các sự kiện chính trị để thúc đẩy chương trình nghị sự kiềm chế Trung Quốc. Một khi các dự luật như vậy được thông qua, chúng có thể tái định hình cục diện ngành công nghiệp AI toàn cầu.
Trái ngược hoàn toàn với lập trường đối đầu ở cấp độ lập pháp là thái độ dao động đầy mâu thuẫn của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đối với DeepSeek.
Chỉ mất vài ngày để Microsoft thay đổi thái độ từ việc ban đầu cáo buộc DeepSeek “đánh cắp tài sản trí tuệ của OpenAI” thành nhanh chóng tích hợp nó vào nền tảng cốt lõi. Vào ngày 30/1, Microsoft tuyên bố mô hình DeepSeek R1 đã được đưa lên Azure AI Foundry và GitHub. Phó chủ tịch Asha Sharma nhấn mạnh rằng nó đã vượt qua “đánh giá nghiêm ngặt về bảo mật”, mục đích của động thái này là nhằm cân bằng lợi ích thương mại và rủi ro chính trị.
Nvidia và AWS (bên hỗ trợ Anthropic) theo sát phía sau. Nvidia thậm chí còn định nghĩa DeepSeek là “một mô hình nguồn mở có khả năng suy luận tiên tiến nhất”, đồng thời đẩy nhanh việc quảng bá thông qua dịch vụ đám mây và hệ sinh thái phần cứng. Trình soạn thảo mã AI Cursor cũng nhanh chóng tham gia, trong khi công cụ tìm kiếm Perplexity thậm chí còn coi nó là một tùy chọn cốt lõi cùng với GPT-4 và Claude-3.5. AWS cũng tuyên bố rằng các doanh nghiệp và nhà phát triển có thể triển khai mô hình DeepSeek-R1 trên nền tảng của mình.
Chiến lược nước đôi “vừa hợp tác với chính sách của chính phủ, vừa tranh giành cổ tức công nghệ” phản ánh những cân nhắc thực tế của các công ty công nghệ AI ở Mỹ: Khả năng suy luận với chi phí thấp của DeepSeek có thể giúp giảm đáng kể chi phí vận hành của các công ty. Như nhà phân tích Ben Thompson chỉ ra, việc thương mại hóa mô hình sẽ cho phép những gã khổng lồ như Microsoft và Amazon mở rộng dịch vụ với chi phí thấp hơn, trong khi Apple đã dẫn đầu mảng điện toán biên nhờ những lợi thế về phần cứng. Mặc dù CEO của Apple Tim Cook bày tỏ “sự thận trọng” đối với việc đầu tư vào AI, nhưng cũng thừa nhận giá trị đổi mới mà DeepSeek đã thể hiện. Là một “người ủng hộ mã nguồn mở” lâu năm, Meta cũng coi DeepSeek là một bàn đạp quan trọng để giảm chi phí suy luận và đẩy nhanh quá trình triển khai AI.
Sự va chạm giữa “chính sách” và “kinh doanh” đã phơi bày những khác biệt nội tại trong chiến lược AI của Mỹ: Các nhà lập pháp cố gắng xây dựng các rào cản công nghệ thông qua việc tách rời, nhưng các công ty lại tiếp nhận những thay đổi về công nghệ do sự phụ thuộc vào chuỗi công nghiệp toàn cầu và lợi ích thị trường. Trong khi Hawley kêu gọi “cắt đứt mối quan hệ đổi mới sáng tạo giữa Trung Quốc và Mỹ”, các gã khổng lồ công nghệ lại đang tích hợp mô hình Trung Quốc vào hệ sinh thái toàn cầu thông qua dịch vụ đám mây.
Điều đáng chú ý là Andrew Ng, người đồng sáng lập Google Brain, đã công khai chỉ ra rằng hoạt động mã nguồn mở của DeepSeek-R1 không chỉ chứng minh tốc độ bắt kịp công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI tạo sinh, mà còn phản ánh những thay đổi trong logic cơ bản của ngành – hệ sinh thái nguồn mở đang làm suy yếu các rào cản công nghệ truyền thống và định hình lại bối cảnh cạnh tranh. Quan điểm này cung cấp một góc nhìn mới về những mâu thuẫn hiện tại từ góc độ tiến hóa công nghệ: Khi những đột phá mang tính đổi mới vượt khỏi biên giới quốc gia, sự khác biệt trong các ưu tiên về “an ninh” và “phát triển” giữa các nhà hoạch định chính sách và những người trong ngành sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Độ “hot” của DeepSeek đã chứng minh sức hấp dẫn độc đáo của sự đổi mới công nghệ, cho thấy sức sống của các mô hình nguồn mở và khơi gợi những suy ngẫm sâu sắc về bản chất của sự đổi mới trên toàn thế giới. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh AI trên toàn cầu tiếp tục tăng nhiệt, giữa cuộc đụng độ của cộng đồng công nghệ, các tập đoàn trong ngành và phe diều hâu về an ninh, sự phát triển của DeepSeek trong tương lai nằm trong tay chính nó. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7/2024, Lương Văn Phong, người sáng lập DeepSeek, bày tỏ:
“Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là tham gia vào làn sóng đổi mới toàn cầu. Trong nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã quen với việc những công ty khác đổi mới công nghệ rồi sau đó chúng tôi sử dụng chúng để kiếm tiền, nhưng đây không phải là một lẽ tất nhiên. Trong làn sóng này, xuất phát điểm của chúng tôi không phải là tận dụng cơ hội để kiếm tiền, mà là đi đầu về công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái.”
Cảm hứng quan trọng nhất mà DeepSeek mang lại cho chúng ta có thể là, sự phát triển AI của Trung Quốc nên tập trung nhiều hơn vào sự cải tiến công nghệ, xây dựng hệ sinh thái và đổi mới quản trị của chính mình. Điều thực sự có khả năng thu hút nhân tài tham gia và giải phóng tiềm năng vô hạn không phải là một kế hoạch hoàn hảo diễn ra theo đúng các bước, mà luôn là một lý tưởng trong sáng hơn, đơn thuần hơn với mong muốn biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.