Nguồn: Michael Kimmage và Maxim Trudolubov, “Ukraine Needs a Peace of Inches, Not Miles,” Foreign Policy, 11/02/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Con đường duy nhất để tiến lên phía trước là một loạt các thỏa thuận quy mô nhỏ, được thực hiện dần dần với Nga.
Cuộc chiến đã kéo dài quá lâu. Quân đội Nga đã đạt được những bước tiến vững chắc ở miền Đông Ukraine, trong khi người Ukraine không thể giữ vững phòng tuyến. Chi phí nhân đạo của cuộc chiến đang tăng lên dưới hình thức người dân phải di dời và tài sản bị phá hủy. Các quốc gia ủng hộ Ukraine đang rất muốn thấy xung đột kết thúc một lần và mãi mãi. Đã đến lúc ngồi xuống đàm phán, chấp nhận những gì đã xảy ra trên chiến trường và xem các bên tham chiến sẽ chấp nhận điều gì. Tuyệt vọng tìm kiếm một thỏa thuận, các nhà đàm phán đã đưa ra một giải pháp.
Điều này nghe như một kịch bản của năm 2025. Nhưng thực ra nó là câu chuyện về cách giao tranh đã chấm dứt (hoặc bị đình chỉ) vào năm 2014. Nga đã sáp nhập Crimea vào tháng 03/2014, xâm nhập miền đông Ukraine bằng lực lượng không chính quy vào mùa xuân, rồi đưa quân lính vào trực tiếp chiến đấu trong suốt mùa hè. Sau khi Ukraine gánh chịu một loạt thất bại, các nhà ngoại giao từ Ukraine, Nga, Pháp, và Đức đã nhóm họp tại Minsk, Belarus – và đạt được thỏa thuận ngoại giao “Minsk,” mở đường cho đợt thứ hai tàn khốc hơn nhiều của cuộc chiến, cuộc xâm lược lớn của Nga vào tháng 02/2022.
Minsk nên ám ảnh các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Ví dụ đáng thất vọng này nên được nghiên cứu cẩn thận trước khi một mùa đàm phán mới bắt đầu. Minsk phản ánh sự thiếu đòn bẩy của Pháp và Đức. Các cuộc thảo luận đêm khuya tại thủ đô Belarus cuối cùng chẳng hơn gì các buổi chụp ảnh. Ukraine và những người ủng hộ nước này không thể lặp lại hành động này. Họ nên tiếp thu những bài học sau: không có thỏa thuận nào còn tốt hơn một thỏa thuận tồi; người ta phải biết bản chất và giới hạn của đòn bẩy của mình; và không phải mọi cuộc đàm phán đều cần phải được chú ý và được truyền thông thúc đẩy.
Ngoại giao ngày nay sẽ phải tổng hợp hai sự thật riêng biệt. Thứ nhất là Nga vẫn ổn định về mặt chính trị và kiên trì về mặt quân sự, bất chấp những xáo trộn do khó khăn kinh tế và mệt mỏi về mặt quân sự. Thứ hai là Ukraine không nên và sẽ không đầu hàng. Đặt cạnh nhau, hai sự thật này khuyến nghị một nền ngoại giao theo từng giai đoạn, ưu tiên việc giảm leo thang hơn là các thỏa thuận lớn nhưng mong manh. Nó đòi hỏi một nền ngoại giao inch hơn là dặm.
Khác với thời điểm năm 2017, Donald Trump giờ đã có đủ vốn chính trị để đàm phán trực tiếp với Vladimir Putin trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong giai đoạn 2016-2020, các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã sẵn sàng bỏ phiếu trừng phạt Nga ngay cả khi điều đó khiến tổng thống tức giận. Nhưng giờ đây, Đảng Cộng hòa đã phối hợp nhịp nhàng hơn trong chính sách đối ngoại, và trong quá trình vận động tranh cử, Trump thường xuyên tuyên bố cần phải có một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến.
Trump phải đối mặt với một loạt thách thức. Một là Ukraine sẽ không nhất thiết phải làm theo ý ông. Dù Mỹ là nước hậu thuẫn quân sự lớn cho Ukraine, nhưng Ukraine vẫn có quân đội riêng, ngành công nghiệp quốc phòng riêng, và sự hỗ trợ của các quốc gia đang tuyệt vọng ngăn chặn chiến thắng của Nga (như Ba Lan). Một thách thức khác là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc chấm dứt chiến tranh, một phần vì Bắc Kinh là nhân tố quan trọng trong quá trình tái thiết Ukraine thời hậu chiến. Hầu như chưa có tiền lệ nào về việc Mỹ và Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán không phải là song phương. Dù Trump đã đưa ra ý tưởng hợp tác ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề Ukraine, nhưng trên thực tế, điều này sẽ rất khó thực hiện.
Rào cản lớn nhất đối với các cuộc đàm phán thành công sẽ là chính nước Nga. Putin đã xoay xở để kéo dài cuộc chiến lâu hơn nhiều người mong đợi. Hồi đầu năm 2022, chính các cố vấn của ông đã cảnh báo về tình trạng hoảng loạn tài chính, lạm phát, và thiếu hụt hàng hóa thiết yếu mà chiến tranh sẽ mang lại. Không có dự đoán nào trong số này trở thành hiện thực hoàn toàn, dù một vài trong số chúng hiện đang bắt đầu xuất hiện. Quay trở lại năm 2022, nhu cầu năng lượng và giá cả tăng cao đã mang lại nguồn thu nhập xuất khẩu khổng lồ, giúp Nga tiếp tục ổn định. Và một nguyên nhân khác là nhóm các nhà quản lý tài chính có năng lực.
Sự sống còn của nước Nga đã thuyết phục Putin rằng cuộc chiến này thực sự có ý nghĩa. Điện Kremlin đã đưa cuộc chiến này lên hàng đầu, đổ tiền vào các ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng. Nga tự hào về mức tăng trưởng GDP cao (3,6% vào năm 2023 và 3,9% dự kiến cho năm 2024), tỷ lệ thất nghiệp thấp và điều có vẻ như là sự ủng hộ áp đảo cho cái mà Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt.” Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ bọc này, lạm phát hiện đã lên đến hai chữ số và lãi suất đạt mức cao kỷ lục. Khu vực dân sự đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, tăng thuế, nguy cơ đình lạm, và khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, nền kinh tế thời chiến vẫn tiếp tục mở rộng.
Rất ít người Nga cho rằng chiến tranh là nguyên nhân cho những vấn đề ngày càng gia tăng của đất nước họ. Chương trình tuyên truyền và kiểm duyệt nghiêm ngặt ngăn cản những suy nghĩ như vậy. Điện Kremlin cũng bảo vệ xã hội thông qua “động viên thương mại,” theo đó giữ cho chiến tranh không bị chú ý. Những người lính không còn được xem là anh hùng; họ chủ yếu là lính tình nguyện được trả lương hoặc tù nhân bị kết án được ân xá; và trốn nghĩa vụ quân sự là việc làm được công chúng đồng tình. Đối với phần lớn xã hội, chiến tranh vẫn rất xa vời. Và nhiều người đang sống trong một “bong bóng” tách biệt với hiện thực chiến tranh.
Dù bị mất một phần lãnh thổ của mình vào tay Ukraine vào tháng 08/2024, nhưng Nga đã đạt được những thành tựu về lãnh thổ ở Ukraine trong năm qua – với cái giá khủng khiếp là khoảng 500 sinh mạng mỗi ngày, theo tính toán của chính phủ Mỹ. Được an toàn về mặt chính trị và không hề ở thế phòng thủ, Putin sẽ tiếp cận bàn đàm phán với những yêu cầu cao; ông không hề bị dồn vào chân tường.
Các cuộc đàm phán về Ukraine do Mỹ dẫn đầu có lẽ không phải là một ý tưởng tồi. Các nhà đàm phán Mỹ nên tính đến hai thực tế. Một là quyết định điên rồ của Putin – xâm lược Ukraine vào năm 2022 – đã làm suy yếu nước Nga. Ngay cả những thành viên giới tinh hoa trung thành của Putin cũng thừa nhận điều này một cách riêng tư. Cuộc chiến đã cắt đứt Nga khỏi châu Âu, tiêu tốn quá nhiều thời gian, sự chú ý, và nguồn lực quân sự của Điện Kremlin, khiến vị thế của Nga ở Syria và Nam Caucasus (với tư cách là đồng minh của Armenia) bị xói mòn trong hai năm qua. Nga có thể đang giành được lãnh thổ ở Ukraine, nhưng họ không đi từ thành công này đến thành công khác.
Thực tế thứ hai là Ukraine sẽ không bị chinh phục. Ukraine, quốc gia đang vật lộn để giữ vững phòng tuyến của mình, đang trải qua một cuộc khủng hoảng động viên. Tuy nhiên, sau gần ba năm chiến tranh với một trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, Ukraine vẫn kiểm soát khoảng 80% lãnh thổ của mình. Dù Nga tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, nhưng họ chỉ chiếm và giữ được một thành phố của Ukraine, Mariupol, vốn đã bị phá hủy trong chiến tranh. Các cấu trúc chính trị và xã hội của Ukraine cũng chịu được áp lực đáng kinh ngạc. Giống như Nga, Ukraine không trở nên mạnh hơn theo thời gian, nhưng họ không có lý do và không muốn đầu hàng.
Dựa trên hai thực tế này, có thể xây dựng một phương pháp ngoại giao hiệu quả. Không nên cố gắng đạt được một thỏa thuận bằng văn bản, bởi vì người Nga có lẽ sẽ không tuân thủ, và có lẽ cũng không nên công khai bất kỳ hoạt động ngoại giao nào. Khi Biden gặp Putin vào mùa hè năm 2021, Putin có lẽ đã lợi dụng hội nghị thượng đỉnh này để lừa dối Biden, che giấu một cuộc chiến mà Nga đang bí mật chuẩn bị. Nếu chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó, hội nghị thượng đỉnh Putin-Trump về Ukraine cũng sẽ là một công thức cho sự thất vọng, hoặc tệ hơn, là cơ hội để Putin vờ đưa ra những lời hứa – về một nền hòa bình ảo – trước mặt Tổng thống Mỹ.
Như Nhà Trắng biết rõ, họ sẽ cần phải tích lũy đòn bẩy trước khi đàm phán. Chính quyền Trump đã đe dọa sẽ hạ giá dầu để buộc Nga phải nhượng bộ. Nhưng chỉ riêng áp lực kinh tế sẽ khó có thể lay chuyển được Putin, người đã liên kết nền kinh tế của Nga với tham vọng quân sự của mình. Trump, người vẫn chần chừ chấp thuận viện trợ bổ sung cho Ukraine, sẽ nhận ra rằng sự kiềm chế này đang hạn chế khả năng đàm phán của ông. Lời đe dọa kinh tế và có thể là đe dọa leo thang quân sự của Mỹ càng đáng tin cậy thì vị thế của họ trên bàn đàm phán sẽ càng mạnh mẽ.
Thời điểm cũng sẽ quyết định thành công ngoại giao. Moscow biết rằng Trump rất muốn giải quyết vấn đề Ukraine một cách nhanh chóng để tập trung vào Tây bán cầu và Trung Quốc. Điều quan trọng là không nên xem việc kết thúc chiến tranh là một hành động đơn lẻ, là vung đũa phép hay bật công tắc. Năm 2025 là thời điểm Nga tiến quân. Ngay cả khi Ukraine giành được động lực trên chiến trường, điều mà nước này đang không làm được, thì Nga vẫn sẽ là một cường quốc hạt nhân bất khả chiến bại với các tài sản quân sự khổng lồ. Đòn bẩy đối với Nga không phải là đòn bẩy tuyệt đối, nên Washington sẽ phải linh hoạt, thực dụng, và bằng lòng với những thành quả và thắng lợi một phần.
Ngay cả trong cuộc chiến tưởng chừng bất tận này, vẫn có thể đạt được những thành quả và thắng lợi, và chúng sẽ từng bước thu hẹp quy mô của cuộc chiến. Chính quyền Trump có thể tạo điều kiện cho một loạt các tương tác giữa Ukraine và Nga, trong đó Nga sẽ nhượng bộ – giảm số lần tấn công vào lưới điện và dân thường của Ukraine – để đổi lại điều gì đó. Ukraine cũng có thể nhượng bộ, vì họ đủ khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và đã chiếm giữ lãnh thổ Nga trong gần nửa năm. Nếu Nga bắt đầu thu hẹp quy mô chiến tranh, Mỹ có thể nghĩ đến việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của mình. Và không điều gì trong số này phải được đàm phán hoặc đồng ý công khai.
Các thỏa thuận theo từng tuần và từng tháng để giảm thiểu chiến tranh sẽ xoa dịu nỗi thống khổ của người dân Ukraine và phần nào khôi phục lại cuộc sống bình thường. Chúng cũng sẽ kéo mối quan hệ Mỹ-Nga quay trở lại từ bờ vực thẳm. Một hoạt động ngoại giao tinh tế, diễn ra đằng sau hậu trường cũng có thể mang lại một lợi ích khác cho đội ngũ Trump: khả năng “chia tách” trong quan hệ với nước Nga của Putin. Nhìn chung, Mỹ và Nga vẫn giữ quan điểm riêng của mình về Ukraine, nhưng sẽ thiết lập một số quy tắc ứng xử, đồng thời có thể tiến hành đàm phán về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược, xây dựng một số cấu trúc và một số thủ tục. Cơ bản thì Mỹ và Nga không thể trốn tránh trách nhiệm là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của ngoại giao thời Chiến tranh Lạnh là những cuộc gặp tầm cỡ. Đó là Harry Truman và Joseph Stalin tại Potsdam, Richard Nixon và Leonid Brezhnev ở Moscow và Washington, Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tại Reykjavik và Geneva. Nhưng thực tế không ổn định, đầy biến động – một mặt là hoạt động gián điệp và chiến tranh ủy nhiệm, và mặt khác là những trao đổi ngoại giao khó khăn – mới là điều thúc đẩy dòng sự kiện. Ngoại giao Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ dẫn đến các thỏa thuận chắc chắn hoặc bền lâu. Ngay cả Hiệp ước Helsinki năm 1975, kiệt tác của ngoại giao Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô đồng ý với nhau về biên giới của châu Âu, cũng không thể ngăn cản Mỹ đồng thời tiến hành Chiến tranh Việt Nam. Nó cũng không ngăn cản Liên Xô xâm lược Afghanistan vào năm 1979.
Chiến tranh Lạnh đã sản sinh ra một kiểu quản lý khủng hoảng liên tục, và điều này sẽ cần phải được tái hiện trong tương lai.
Một cách tiếp cận ngoại giao không nhượng bộ quá nhiều hay quá ít sẽ phục vụ cho mục tiêu dài hạn là đảm bảo chủ quyền của Ukraine. Chừng nào Putin còn cai trị nước Nga, chủ quyền của Ukraine sẽ còn bị đe dọa. Không có cuộc đàm phán nào có thể thay đổi được suy nghĩ của Putin: Ông đã thể hiện ý chí tàn nhẫn của mình khi hy sinh mạng sống của người Nga vì mục đích thống trị Ukraine. Do đó, các cuộc đàm phán nên có mục tiêu khiêm tốn hơn là giảm cường độ của chiến tranh, làm chậm tiến độ của chiến tranh, đồng thời ngăn chặn các kịch bản tồi tệ nhất. Trong số này, cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ sẽ là điều tồi tệ nhất. Gây áp lực với Nga, thể hiện lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn, mà không từ bỏ thỏa hiệp, sẽ giúp chúng ta vượt qua được nhiều sai lầm của ngoại giao Minsk. Và đó chính là tiến bộ.
Michael Kimmage là giám đốc Viện Kennan.
Maxim Trudolubov là cố vấn cấp cao tại Viện Kennan.