Nguồn: First reading of the Keeling Curve, which shows carbon dioxide levels in Earth’s atmosphere, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào tháng 3/1958, Tiến sĩ Charles David Keeling đã bắt đầu đo đạc thường xuyên lượng carbon dioxide trong khí quyển từ Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii. Trong những năm tiếp theo, nghiên cứu của ông đã hé lộ điều mà ngày nay chúng ta gọi là Đường cong Keeling (Keeling Curve): một đồ thị các phép đo liên tục, cho thấy sự tích tụ nhanh chóng của carbon dioxide.
Trước đây, các nhà khoa học chưa từng đo đạc thường xuyên lượng carbon dioxide trong khí quyển Trái Đất. Trong khuôn khổ Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế, một dự án khoa học quốc tế diễn ra từ năm 1957 đến 1958, Keeling đã nhận được tài trợ để tiến hành giám sát tại Mauna Loa và Nam Cực.
Một số đồng nghiệp tỏ ra nghi ngờ về sự cần thiết của việc giám sát liên tục, nhưng Keeling vẫn kiên định với mong muốn thực hiện các phép đo chi tiết và không gián đoạn. Dù việc cắt giảm ngân sách buộc ông phải ngừng giám sát ở Nam Cực vào những năm 1960, nhưng việc đo đạc tại Mauna Loa vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Ở cấp độ vi mô, Đường cong Keeling có những dao động lên xuống do sự mất cân bằng về lượng thảm thực vật giữa Bắc và Nam bán cầu. Bắc bán cầu có nhiều đất liền hơn, do đó có nhiều cây cối hơn để “thở ra” oxy vào mùa hè, theo đó làm giảm nồng độ CO2, mà sau đó lại tăng lên vào mùa đông. Tuy nhiên, qua nhiều năm, một bức tranh rõ ràng và không thể phủ nhận đã xuất hiện. Các điểm dữ liệu của Keeling tạo thành một đường cong đang tăng đều đặn, bằng chứng không thể chối cãi rằng lượng CO2 trong khí quyển đang tăng theo thời gian.
Khi các nhà khoa học khác bắt đầu nghiên cứu carbon dioxide trong khí quyển, một loại khí nhà kính, một sự đồng thuận đã dần hình thành, rằng nồng độ CO2 đang tăng lên mức có vấn đề. Việc thừa nhận thực tế này, đều là nhờ có Keeling, là một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình thức tỉnh của nhân loại trước thực tế của biến đổi khí hậu.