Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Chính quyền quân sự Myanmar tiếp tục không kích các nhóm phiến quân trên khắp đất nước, bất chấp lời kêu gọi từ Liên Hợp Quốc và các nước láng giềng về một lệnh ngừng bắn để cho phép viện trợ nhân đạo sau trận động đất 7,7 độ richter hôm thứ Sáu. Chính quyền cho biết số người thiệt mạng do thảm họa đã lên tới khoảng 1.700 người và đang kêu gọi hỗ trợ quốc tế. Ít nhất 18 người khác cũng thiệt mạng ở nước láng giềng Thái Lan.
Một chính phủ chuyển tiếp ở Syria đã tuyên thệ nhậm chức, với tổng thống Ahmed al-Sharaa bổ nhiệm 23 người vào nội các của ông. Những người được bổ nhiệm bao gồm đại diện từ nhiều giáo phái, sắc tộc khác nhau, và có cả một phụ nữ. Ông al-Sharaa trở thành người đứng đầu trên thực tế của Syria từ tháng 1, sau khi nhà độc tài lâu năm Bashar al-Assad bị lật đổ.
Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế từ 25-50% lên các nước mua dầu của Nga nếu Điện Kremlin không hợp tác với nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của ông. Tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông “rất tức giận” với Vladimir Putin vì đã đề xuất vào hôm thứ Sáu là Ukraine nên thiết lập một “chính quyền chuyển tiếp.” Dù vậy, ông Trump nhìn chung vẫn có giọng điệu mềm mỏng hơn với Nga kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng.
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu thề sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự chống lại Hamas, cho rằng đang xuất hiện những “vết nứt” trong lập trường đàm phán của nhóm vũ trang. Ông kêu gọi Hamas giải giáp và nói Israel sẽ thực hiện “kế hoạch di cư tự nguyện” của ông Trump, vốn trên thực tế là trục xuất người Palestine khỏi Gaza. Hôm thứ Bảy, Hamas cho biết họ đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn do các nhà trung gian của Ai Cập đưa ra.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết quân đội Mỹ sẽ phát triển một căn cứ chỉ huy “sẵn sàng chiến đấu” ở Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Tokyo, ông Hegseth nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật và khẳng định chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump sẽ không làm suy yếu hỗ trợ quân sự dành cho các đồng minh trong khu vực.
Trong khi ấy, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc đã đồng ý “hợp tác chặt chẽ” và theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại “cấp cao” trong một cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại ba bên tại Seoul. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng nói hợp tác kinh tế ba bên là cần thiết “để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới nổi,” có khả năng ám chỉ đến chính sách thuế quan của ông Trump. Đây là cuộc gặp kinh tế ba bên đầu tiên trong vòng năm năm.
Thủ lĩnh của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một nhóm phiến quân ở Sudan, thề sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại quân đội quốc gia Sudan, bất chấp việc mất quyền kiểm soát thủ đô Khartoum. Muhammad Hamdan Dagalo, còn gọi là Hemedti, thừa nhận lực lượng của ông đã rút khỏi thành phố trong những ngày gần đây nhưng tuyên bố họ sẽ trở lại “mạnh mẽ hơn.” Quân đội quốc gia cũng cho biết sẽ tiếp tục chiến đấu.
Con số trong ngày: 18%, là mức giảm ngân sách thực tế của Cục Thống kê Lao động Mỹ trong vòng 15 năm qua.
TIÊU ĐIỂM
Hôm nay quyết định sinh mệnh chính trị của lãnh đạo phe cực hữu Pháp
Tương lai chính trị của Marine Le Pen đang bị đe dọa. Vào thứ Hai, các thẩm phán tại tòa hình sự Paris sẽ đưa ra phán quyết đối với lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) và 24 đồng nghiệp trong đảng của bà. Phiên tòa liên quan đến việc lạm dụng quỹ của Nghị viện châu Âu, và các công tố viên đã yêu cầu cấm bà Le Pen tranh cử trong vòng năm năm, có hiệu lực ngay lập tức. Bà phủ nhận mọi cáo buộc sai phạm.
Nếu tòa ra phán quyết khiến bà Le Pen mất tư cách tranh cử, bà có thể kháng cáo. Nhưng một bản án như vậy sẽ ngăn bà ra tranh cử tổng thống vào năm 2027, làm đảo lộn chính trường Pháp và sẽ khơi dậy các cáo buộc về dàn xếp chính trị. Bà Le Pen hiện đang dẫn đầu thăm dò dư luận cho vòng đầu tiên; trong bối cảnh tổng thống Emmanuel Macron không thể tranh cử nhiệm kỳ ba. Điều đó cũng sẽ gây rối loạn nội bộ RN, vì người kế nhiệm được bà chọn, Jordan Bardella, chỉ mới 29 tuổi. Ngay cả các chính trị gia trung dung, dù có thể hưởng lợi, cũng sẽ thấy khó bênh vực một phán quyết như vậy.
Đo lường thiệt hại của Trung Quốc do thuế quan của Trump
Nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang nín thở chờ xem tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế “có đi có lại” như thế nào vào thứ Tư. Nhưng với Trung Quốc thì cuộc chiến thương mại đã bắt đầu, sau khi Mỹ áp mức thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4 tháng 2 và nhân đôi mức này chỉ một tháng sau đó.
Làm thế nào để đo lường thiệt hại? Có một cách đó là theo dõi chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) mới nhất của Trung Quốc, sẽ được công bố vào thứ Hai. Sẽ là tin không vui nếu số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Khảo sát này cũng giúp làm rõ liệu các lĩnh vực khác trong nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc có thể bù đắp cho xuất khẩu hay không. Ví dụ, đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp xây dựng tăng trưởng trong tháng 2. Ngành dịch vụ cũng có thể ít bị ảnh hưởng hơn bởi các yếu tố từ bên ngoài. So với một số đồng minh của Mỹ, Trung Quốc ít bị bất ngờ bởi cuộc chiến thuế quan và có thể chịu ít tác động hơn.
Pakistan trục xuất người Afghanistan
Năm 2023, chính phủ Pakistan tuyên bố tất cả người di cư và tị nạn không có giấy tờ hợp pháp sẽ phải rời khỏi đất nước, nếu không sẽ bị trục xuất. Kế hoạch này chủ yếu ảnh hưởng đến khoảng 4 triệu người Afghanistan đang sinh sống tại Pakistan, nhiều người trong số đó không có giấy tờ hợp pháp. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Pakistan đã cưỡng chế hồi hương khoảng 850.000 người Afghanistan từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2025, và chiến dịch này hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thứ Hai là hạn chót để người Afghanistan tự nguyện rời khỏi Pakistan, mặc dù chính phủ chưa công bố chi tiết chính sách (một số báo cáo cho biết lệnh này chỉ áp dụng cho những người sống ở thủ đô Islamabad và Rawalpindi lân cận).
Chính phủ Pakistan cho rằng việc trục xuất là cần thiết để kiểm soát tội phạm và khủng bố. Song nhiều người tị nạn Afghanistan có nguy cơ bị chính quyền Taliban tại quê nhà bức hại. Lệnh trục xuất sẽ ảnh hưởng ngay cả đến những người đang chờ tái định cư tại nước thứ ba — trong đó có khoảng 15.000 người từng được Mỹ chấp thuận tị nạn nhưng bị mắc kẹt vì tổng thống Donald Trump tạm dừng các chương trình tái định cư.
Bóng đen phủ lên Iran
Thứ Hai này Iran sẽ kỷ niệm “Ngày Cộng hòa,” đánh dấu cuộc trưng cầu dân ý năm 1979 về việc thành lập nước cộng hòa Hồi giáo. Nhưng 46 năm sau, chính thể này đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Hôm 25 tháng 3, đồng rial của Iran rớt xuống dưới mốc 1 triệu rial đổi 1 đô la Mỹ — một ngưỡng mang tính biểu tượng và là mức thấp nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ lạm phát năm đạt trên 35% trong tháng 2. Chiến lược kéo dài hàng thập niên nhằm hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở nước ngoài cũng thất bại: Israel đã làm tê liệt nhiều đồng minh của Iran.
Phía sau tất cả những điều này là cái bóng của Donald Trump. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ quay lại chính sách “áp lực tối đa” — tức các lệnh trừng phạt nặng nề ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu (dù đến nay vẫn chỉ dừng ở lời đe dọa). Trong một lá thư gửi Lãnh tụ Tối cao Iran hồi đầu tháng, ông Trump nói ông muốn đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới trong vòng hai tháng. Iran hồi đáp tuần trước là họ sẵn sàng đàm phán, nhưng chỉ gián tiếp chứ không đối thoại trực tiếp. Điều đó khiến một thỏa thuận nhanh chóng trở nên khó xảy ra.