Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Panama port deal puts ‘prophet’ Lý Ka-shing to the test,” Nikkei Asia, 27/03/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Động thái của ông trùm Hong Kong diễn ra khi Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng
Nhà sáng lập CK Hutchison, Lý Gia Thành, đã quay trở lại sân khấu toàn cầu khi quyết định bán quyền khai thác các cảng ở cả hai bên Kênh đào Panama, nơi đã trở thành điểm nóng trong căng thẳng Mỹ-Trung.
Dù động thái này có thể giúp ông trùm Hong Kong ghi điểm ở Washington, nhưng lại khiến ông lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh.
Nhưng có lẽ Lý không cảm thấy bị áp lực. Vị tỷ phú 96 tuổi này nổi tiếng với khả năng nhìn thấu những điều có thể xảy ra trong tương lai và đưa ra hành động phù hợp.
Ông được biết đến là người đã dự đoán chính xác sự thay đổi mạnh mẽ trên thị trường bất động sản Trung Quốc, và đã bán tháo nhiều tài sản ở đại lục trước khi bong bóng bất động sản của nước này bắt đầu vỡ vào năm 2021.
Liệu người đàn ông đã chứng kiến nhiều thập kỷ đấu tranh quyền lực khốc liệt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc có đưa ra một dự đoán khác về quan hệ Mỹ-Trung hay không?

Đúng 30 năm trước, Lý đã tận mắt chứng kiến mặt tối của nền chính trị Trung Quốc thông qua việc tham gia vào một dự án phát triển lớn ở Vương Phủ Tỉnh, một khu phố mua sắm sầm uất ở trung tâm Bắc Kinh.
Vương Phủ Tỉnh nằm không xa Trung Nam Hải, trung tâm chính trị của Trung Quốc, nơi đặt văn phòng của các nhà lãnh đạo đảng.
Vào ngày 04/04/1995, tiếng súng đã vang lên ở một vùng ngoại ô Bắc Kinh, và Vương Bảo Sâm, Phó Thị trưởng Bắc Kinh lúc bấy giờ, được phát hiện đã qua đời. Người ta nói rằng ông đã tự tử bằng cách bắn vào đầu mình.
Cái chết gây sốc của Vương đã dẫn tới một vụ bê bối tham nhũng lớn làm rung chuyển nền chính trị Trung Quốc. Không lâu sau đó, Trần Hy Đồng, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh và là thành viên chủ chốt của “phe Bắc Kinh,” đã bị thanh trừng vì tội tham nhũng.
Trần, một thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng, cuối cùng đã bị kết án 16 năm tù, nhưng người ta nghi ngờ liệu cáo buộc tham nhũng của ông có liên quan đến một tội ác nghiêm trọng hay không.
Sau vụ đàn áp chết người ở Quảng trường Thiên An Môn nhắm vào các sinh viên ủng hộ dân chủ năm 1989, Giang Trạch Dân, khi đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, bất ngờ được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư đảng.
Giang đã được chọn để thay thế Triệu Tử Dương, người bị thanh trừng sau sự kiện Thiên An Môn vì tỏ thái độ thông cảm với sinh viên biểu tình.
Giang là “gương mặt mới” ở Bắc Kinh. Dù nhận được sự hậu thuẫn của nhà lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, nhưng cơ sở ủng hộ chính trị của ông lại cực kỳ yếu.

Về bản chất, sự sụp đổ của Trần Hy Đồng là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong nội bộ đảng. Giang, người lãnh đạo “phe Thượng Hải,” đã hạ bệ Trần để củng cố quyền lực của mình, vì thành viên có ảnh hưởng của phe Bắc Kinh đã cản đường ông.
Vụ án tham nhũng của Trần có liên quan đến dự án phát triển của Lý ở Vương Phủ Tỉnh. Lý hẳn đã cảm thấy lạnh gáy khi bị cho là trung tâm của vụ án.
Nhưng vụ án này – về bản chất là kết quả của cuộc đấu tranh giành quyền lực trong đảng – chỉ có ảnh hưởng tạm thời lên ông trùm Hong Kong.
Lý bắt đầu xâm nhập Trung Quốc từ đầu thập niên 1990, sau khi sự kiện Quảng trường Thiên An Môn dẫn đến lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Ông đã tìm cách xây dựng quan hệ với các công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, bao gồm trong lĩnh vực cảng và nhà ga.
Vào thời điểm xảy ra vụ bê bối tham nhũng năm 1995 của Trần, Lý đã bắt đầu xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Giang, người đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và đang củng cố vị trí người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình.
Quan hệ với Giang và những người thân cận của ông, vốn kiểm soát các ngành liên quan đến vận tải của Trung Quốc, là một tài sản to lớn đối với Lý. Họ đã mở đường để Trung Quốc hỗ trợ một trong những công ty con của CK Hutchison mua lại quyền vận hành hai cảng ở Panama. Lý rất biết ơn Đặng và Giang vì đã giúp doanh nghiệp của ông mở rộng ở Trung Quốc và xa hơn nữa.

Công ty con của CK Hutchison đã mua lại quyền sở hữu cảng từ chính phủ Panama vào năm 1997, cùng năm mà Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc.
Hai cảng được nhắc đến là Cảng Balboa ở phía Thái Bình Dương và cảng Cristobal ở phía Đại Tây Dương của kênh đào.
Năm 2001, bốn năm sau khi Anh trao trả Hong Kong, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới dưới thời Giang Trạch Dân, và thương mại Mỹ-Trung nhanh chóng mở rộng. Kết quả là lợi nhuận của CK Hutchison từ việc điều hành các cảng Panama đã tăng mạnh.
Xu hướng này càng tăng tốc dưới thời người kế nhiệm Giang là Hồ Cẩm Đào, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng phi mã. Tuy nhiên, tình hình của Trung Quốc, nền kinh tế của nước này và của thế giới đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi Tập Cận Bình thay thế Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư đảng vào năm 2012.
Sự thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung là đặc biệt rõ rệt.
Khi Donald Trump, người nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1, tuyên bố sẽ lấy lại Kênh đào Panama, CK Hutchison đã đứng trước nguy cơ trở thành mục tiêu trực tiếp.
Trước lời đe dọa bất ngờ của Trump, không lâu sau, Panama tuyên bố sẽ rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu vào năm 2026, khi biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc hợp tác trong chương trình phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu hết hạn.
Với việc Panama ít nhiều chịu cúi đầu trước Trump, mối đe dọa đối với CK Hutchison đột nhiên trở nên thực tế hơn.
Lý đã hành động rất nhanh. Vào ngày 04/03, tập đoàn của ông đã ký một thỏa thuận bán các tài sản cảng không phải của Trung Quốc, bao gồm hai cảng thuộc Kênh đào Panama, cho một tập đoàn do công ty quản lý tài sản Mỹ BlackRock đứng đầu.
Chính quyền Tập hoàn toàn không hài lòng với thỏa thuận được công bố, nhưng họ đã chọn cách bày tỏ gián tiếp, sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội, cơ quan lập pháp quốc gia của Trung Quốc, kết thúc kỳ họp thường niên vào ngày 11/03.
Văn phòng Sự vụ Hong Kong và Ma Cao của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đăng lại trên trang web của mình một bài viết chỉ trích gay gắt được xuất bản lần đầu trên tờ Đại Công báo, một tờ báo Hong Kong có liên kết với chính phủ Trung Quốc.

Bài viết chỉ trích thỏa thuận của Lý, tin rằng nó sẽ làm suy yếu an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Đại Công báo cũng đăng bài bình luận kêu gọi CK Hutchison dừng giao dịch và cho rằng thỏa thuận này sẽ vi phạm sắc lệnh an ninh quốc gia có hiệu lực tại Hong Kong từ một năm trước.
Hiện vẫn chưa rõ liệu áp lực gián tiếp từ Bắc Kinh có khiến CK Hutchison xem xét lại quyết định của mình hay không.
CK Hutchison là một công ty tư nhân, không phải công ty nhà nước. Họ là một tập đoàn rất lớn, nhưng vẫn không đủ sức để thoát khỏi rủi ro chính trị khi bị kẹt giữa hai kẻ thù kinh tế lớn nhất thế giới.
Dù chính quyền Tập thường nhấn mạnh đến nhu cầu về “lòng yêu nước” và “an ninh quốc gia,” nhưng họ không có cách nào để bảo vệ CK Hutchison khỏi áp lực mà một nước Mỹ kiên quyết gây ra.
Ba thập kỷ trước, khi ngày bàn giao đang đến gần, các công ty Hong Kong đã bắt đầu xích lại gần Trung Quốc đại lục theo công thức “một quốc gia, hai chế độ” hứa hẹn “mức độ tự chủ cao” cho thuộc địa cũ của Anh. Đặng Tiểu Bình cam kết sẽ giữ nguyên công thức này trong 50 năm sau khi bàn giao.
Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào vẫn duy trì sự bảo đảm này, nhưng giờ đây, nó đã biến mất. Xét đến thực tế chính trị mới, việc các thương gia Hong Kong hành xử khác đi là điều dễ hiểu.
Lý Gia Thành sinh ra tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, giáp với Hong Kong, vào năm 1928. Cuộc đời trường thọ đã cho phép ông quan sát nhiều chương khác nhau của lịch sử Trung Quốc, và những bài học rút ra đã dạy ông cách nắm bắt cơ hội một cách nhanh chóng.

Ông cũng có khả năng dự đoán chính xác hướng đi của nền kinh tế và chính trị Trung Quốc, cũng như tình hình chính trị và kinh tế quốc tế xoay quanh nước mình.
Ông đã chứng minh khả năng nhìn xa trông rộng khi âm thầm bán đi nhiều bất động sản của mình ở đại lục sau khi Tập trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Các ông trùm bất động sản nổi tiếng của Trung Quốc đã chú ý đến việc bán tháo tài sản của tỷ phú Hong Kong, và một vài người trong số họ đã thoát khỏi sự sụp đổ của thị trường bất động sản mà không hề hấn gì nhờ làm theo Lý.
Kết quả là, danh tiếng “nhà tiên tri” của Lý đã trở nên vững như bàn thạch.
Lần này, Lý quyết định thoái vốn quyền điều hành của CK Hutchison tại nhiều cảng nước ngoài ngay cả khi chúng vẫn tạo ra lợi nhuận. Liệu “nhà tiên tri” sẽ đúng thêm một lần nữa?
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.