Nguồn: Stephen M. Walt, “Asia Is Getting Dangerously Unbalanced,” Foreign Policy, 01/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chính quyền Trump tiếp tục xuất hiện khắp các mặt báo, nhưng câu chuyện thực sự đáng quan tâm có thể lại ở nơi khác.
Với tất cả sự hỗn loạn hiện đang nhấn chìm chính sách đối ngoại của Mỹ, rất dễ để người ta quên mất một số khía cạnh cơ bản hơn của chính trị toàn cầu. Tất cả chúng ta đều đang bị phân tâm bởi vụ Signalgate, đàm phán Nga-Ukraine, sự thù địch ngày càng rõ ràng của chính quyền Trump đối với châu Âu, một cuộc thương chiến đang rình rập, vết thương tự gây ra do quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Canada, cũng như cuộc tấn công có hệ thống vào các thể chế dân chủ bên trong nước Mỹ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc theo kịp tất cả những sự kiện này, thì bạn không đơn độc.
Nhưng xin để tôi kéo bạn ra khỏi các tít báo này một lát và mời bạn tập trung vào một vấn đề lớn hơn, với những tác động lâu dài hơn: tương lai của các liên minh của Mỹ tại châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tạm dừng sử dụng một ứng dụng không an toàn để nhắn tin cho các đồng nghiệp (và một nhà báo) về các kế hoạch tấn công ở Yemen, và đang cố gắng trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á. Tôi chúc ông may mắn, vì sự kết hợp giữa sự thiếu kinh nghiệm của Hegseth và các chính sách của chính quyền Trump cho đến nay sẽ khiến nhiệm vụ đó trở nên không dễ dàng.
Cho đến gần đây, tôi vẫn giải thích chủ đề này bằng một câu chuyện đơn giản, quen thuộc, và có lẽ khiến người ta yên lòng, dựa trên lý thuyết cân bằng quyền lực/cân bằng đe dọa theo chủ nghĩa hiện thực. Câu chuyện đó sẽ bắt đầu với sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc từ cảnh đói nghèo, thiếu hụt công nghệ, và yếu kém về quân sự, lên vị thế hiện tại là cường quốc số 2 thế giới, cùng với những nỗ lực bền bỉ của nước này nhằm khẳng định quyền kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông và sửa đổi các khía cạnh quan trọng khác của nguyên trạng quốc tế và khu vực.
Trong câu chuyện này, những diễn biến đầy kịch tính cuối cùng đã khiến Mỹ và phần lớn các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Kết quả là, một liên minh cân bằng đã thành hình – bắt đầu với các đồng minh châu Á hiện tại của Mỹ và dần mở rộng để bao gồm một số quốc gia khác. Mục tiêu của liên minh rất đơn giản: ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực. Các yếu tố chính của nỗ lực đó bao gồm việc điều chuyển thêm lực lượng Mỹ đến khu vực; đàm phán thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh, và Mỹ; ký thỏa thuận Trại David để tăng cường hợp tác an ninh giữa Mỹ, Hàn Quốc, và Nhật Bản; thuyết phục Philippines đảo ngược tiến trình hành động của họ và làm sâu sắc thêm quan hệ với Mỹ (bao gồm cả sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ tại nước này); mở rộng hợp tác an ninh với Ấn Độ; và tiếp tục công việc của cái gọi là Bộ tứ Quad (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia). Một dấu hiệu khác là sự ủng hộ lớn hơn trong khu vực đối với Đài Loan, bao gồm tuyên bố vào tháng 6/2021 của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó là Nobuo Kishi, rằng “hòa bình và ổn định của Đài Loan có liên hệ trực tiếp với Nhật Bản.”
Bài học rút ra từ câu chuyện này là: Mỹ và các đối tác châu Á có lý do mạnh mẽ và rõ ràng để duy trì và củng cố quan hệ đồng minh của họ, bất kể ông chủ Nhà Trắng là ai. Nó cũng ngụ ý một kết luận lạc quan: Cân bằng quyền lực sẽ hoạt động đúng như mô tả, và nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực là tự chuốc lấy thất bại.
Đừng nhầm lẫn: Tôi thích câu chuyện đơn giản của mình và tôi nghĩ có khá nhiều sự thật trong đó. Nhưng cũng có nhiều lý do để nghi ngờ nó – và trên hết là không nên quá tự mãn.
Trước hết, Trung Quốc sẽ không ngồi yên. Họ đang thích nghi với hoàn cảnh mới, và trong một số trường hợp, họ đã thành công. Việc ra mắt mô hình trí tuệ nhân tạo DeepSeek không hẳn là một “khoảnh khắc Sputnik,” nhưng nó đã chứng minh khả năng đổi mới vượt qua một số rào cản mà Mỹ đặt ra để ngăn cản sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ rất nhiều tiền và công sức vào năng lực sản xuất chip và điện toán lượng tử trong nước, và họ đã thống trị một loạt các công nghệ xanh (như xe điện) mà người Mỹ chọn quay lưng lại. Các trường đại học và viện nghiên cứu của Trung Quốc đang dần cải thiện, trong lúc chính quyền Trump nhắm mục tiêu vào các trường đại học Mỹ bằng các lý do đáng ngờ, khiến các nhà khoa học Mỹ khó hợp tác với các đối tác nước ngoài hơn, đồng thời cắt giảm tài trợ liên bang cho nghiên cứu và phát triển. Nếu bạn đã quen với suy nghĩ rằng Mỹ sẽ luôn dẫn đầu biên giới công nghệ, hãy nghĩ lại đi.
Thứ hai, một trong những đồng minh châu Á quan trọng nhất của Mỹ – Hàn Quốc – đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, sau nỗ lực bất thành của Tổng thống đang bị luận tội Yoon Suk-yeol nhằm áp đặt thiết quân luật vào tháng 12/2024. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện tại được giải quyết và sự ổn định được khôi phục, thì xã hội Hàn Quốc có lẽ vẫn sẽ cực kỳ phân cực. Cũng có khả năng cao là lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung cuối cùng sẽ giành được chức tổng thống, và trong quá khứ, Lee đã tỏ ra hoài nghi hơn về quan hệ Mỹ-Hàn và đã ủng hộ một cách tiếp cận hòa giải hơn với Trung Quốc và Triều Tiên.
Thứ ba, đúng là Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy. Độ tuổi trung bình ở Đài Loan là 44, ở Hàn Quốc là gần 45, và ở Nhật Bản là gần 50. Ở Mỹ là khoảng 38, và ở Trung Quốc là nhỉnh hơn 40. Ngược lại, dân số Ấn Độ, Indonesia, và Philippines trẻ hơn nhiều, với độ tuổi trung bình đều dưới 30. Đối với các quốc gia có độ tuổi trung bình cao, dân số sụt giảm và già đi sẽ cản trở việc gia tăng đáng kể năng lực quân sự của họ, đơn giản là vì việc đưa những người đàn ông và phụ nữ trẻ ra khỏi lực lượng lao động và bắt họ mặc quân phục sẽ khiến nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả hơn.
Kế đến là vấn đề hành động tập thể. Ngay cả khi các quốc gia phải đối mặt với một mối đe dọa chung và có động lực rõ ràng để hợp tác cùng nhau, thì họ vẫn sẽ bị cám dỗ để những quốc gia khác gánh vác phần việc nặng nhọc, hoặc chấp nhận rủi ro lớn nhất. Đây không phải một hiện tượng mới, nhưng nó cũng sẽ không biến mất. Nó có thể được khắc phục bằng tài năng lãnh đạo liên minh và ngoại giao bền vững, nhưng không chắc rằng chúng ta sẽ có đủ cả hai yếu tố này trong những năm tới.
Điều này đưa tôi đến với chính quyền Trump.
Một mặt, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Trung Quốc là đối thủ kinh tế và quân sự, và những nhân vật diều hâu nổi tiếng chống Trung Quốc hiện đang nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền của ông. Đối đầu với Trung Quốc cũng là một trong số ít các vấn đề được lưỡng đảng ủng hộ rộng rãi. Nhưng mặt khác, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ (và đặc biệt là những người như Elon Musk) không muốn xung đột với Trung Quốc làm gián đoạn các giao dịch thương mại của chính họ với Bắc Kinh. Trump từng bày tỏ sự nghi ngờ về việc bảo vệ Đài Loan trong quá khứ, và một trong những động thái đầu tiên của chính quyền ông là gây sức ép buộc nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC đầu tư khoảng 100 tỷ đô la vào Mỹ trong vài năm tới. Trump tự xem mình là một bậc thầy về đàm phán (dù có thành tích không mấy ấn tượng), và ông muốn đàm phán một số loại mặc cả với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông tuyên bố là mình có quan hệ tốt. Ai biết được ông sẽ từ bỏ điều gì trong bối cảnh đó? Đơn giản là rất khó để biết chính xác chính quyền Trump nhìn nhận Trung Quốc như thế nào, hoặc họ có thể chuẩn bị làm gì (hoặc không làm gì) ở châu Á.
Hơn nữa, có một mâu thuẫn lớn giữa mục tiêu chiến lược chống lại Trung Quốc và cách tiếp cận bảo hộ của Trump đối với cả các đồng minh và đối thủ. Mỹ chưa có chiến lược kinh tế nghiêm túc nào cho châu Á kể từ khi Trump hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và chính quyền Biden cũng không đưa ra được chiến lược nào khác. Mức thuế vừa được công bố đối với xe hơi và phụ tùng xe hơi nước ngoài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Hàn Quốc và Nhật Bản, nên khó có thể là cách thức lý tưởng để khuyến khích sự đoàn kết chiến lược lớn hơn với hai nước này. Bắc Kinh đã không bỏ lỡ cơ hội. Trong một cuộc họp gần đây với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh “tiềm năng to lớn” cho thương mại và ổn định, nói với mọi người rằng “láng giềng gần còn tốt hơn họ hàng xa.”
Trump và Musk cũng đang trong quá trình phá vỡ các thể chế chính phủ quan trọng, thay thế các viên chức giàu kinh nghiệm bằng những kẻ trung thành, và giám sát những công việc nghiệp dư tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng. Nếu tôi là đồng minh của Mỹ ở châu Á, việc mất đi đội ngũ chuyên gia và việc xóa bỏ các hạn chế đối với ý thích của tổng thống sẽ khiến tôi lo lắng. Rất lo lắng.
Cuối cùng, người ta phải xem xét liệu bản chất cơ bản của chính phủ Mỹ có đang bị biến đổi theo những cách làm suy yếu “chất keo” gắn kết các liên minh châu Á của Mỹ lại với nhau hay không. Dù những liên minh này chưa bao giờ phụ thuộc vào các giá trị hoặc thể chế chung (nói cách khác, Hàn Quốc, Đài Loan, và Philippines đều là các chế độ độc tài trong thời gian dài), nhưng việc hầu hết các đối tác của Mỹ ở châu Á là các nền dân chủ có cùng chí hướng trong những năm gần đây đã giúp củng cố những quan hệ đó. Tuy nhiên, nếu nước Mỹ đang trên con đường đi đến chế độ độc tài, thì nguồn thống nhất bổ sung đó (chưa kể đến sự khác biệt rõ ràng giữa trật tự chính trị của Mỹ và của Trung Quốc) sẽ không còn nữa.
Là một người theo chủ nghĩa hiện thực, tôi vẫn tin rằng câu chuyện đơn giản của mình có giá trị. Các quốc gia trong tình trạng hỗn loạn có xu hướng nhạy cảm với các mối đe dọa, và một Trung Quốc hùng mạnh và ngày càng tham vọng sẽ mang đến cho các nước láng giềng và Mỹ lý do chính đáng để hợp tác nhằm hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu buộc phải đoán, tôi sẽ nói rằng các liên minh châu Á của Mỹ sẽ vẫn tồn tại vì Mỹ không muốn Trung Quốc trở thành một bá quyền ở châu Á. Người Mỹ không thể ngăn chặn điều đó nếu không có các đối tác trong khu vực, và những đối tác tiềm năng đó cũng không muốn sống trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng tôi không còn tự tin vào dự đoán đó như trước nữa.
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.