Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Chinese politics may be in a calm before the storm,” Nikkei Asia, 20/03/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Cuộc họp mới nhất của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cung cấp một số manh mối.
“Và rồi chẳng còn ai nữa?” Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc không phải là truyện trinh thám của Agatha Christie, mà là trò chơi quyền lực của Tập Cận Bình.
Một số vị tướng của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lần lượt biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong thời gian gần đây và tung tích của họ vẫn chưa được xác định. Tướng hiện là cấp bậc cao nhất trong PLA.
Các vị tướng mất tích được cho là phụ tá thân cận của Tập, người đồng thời giữ các chức vụ Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch Nước, và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Sự mất tích bí ẩn của các vị tướng được Tập ủng hộ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Hôm thứ Ba (01/04), trong một động thái leo thang căng thẳng giữa hai bờ eo biển, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của PLA đã tuyên bố khởi động các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu mô tả cuộc tập trận có sự tham gia của lục quân, hải quân, không quân, và quân chủng tên lửa là “một lời cảnh báo nghiêm khắc và là biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với các lực lượng ly khai ‘đòi độc lập cho Đài Loan’.”
Trước thềm cuộc tập trận quân sự quy mô lớn này, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã tiến vào “khu vực phản ứng” của Đài Loan, khiến quân đội Đài Loan phải theo dõi chặt chẽ các động thái của con tàu.
Điểm đáng ngờ là liệu hành động đe dọa Đài Loan của Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến những diễn biến chính trị đang xảy ra bên trong chính quân đội Trung Quốc hay không?

Hãy xem đó là một trò đánh lạc hướng.
Kể từ tháng 1, một bài viết kỳ lạ đã xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội Trung Quốc. Bài viết có tiêu đề: “Tổng tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân nước ta đã đi đâu?”
Dù vậy, bài viết chỉ mô tả xuất thân của Tướng Vương Xuân Ninh, chỉ huy lực lượng này, chứ không cung cấp manh mối nào về nơi ông có thể ở hiện nay.
Bất chấp bản chất nhạy cảm về mặt chính trị của tiêu đề bài viết và việc kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc, bài viết này vẫn chưa bị chính quyền Trung Quốc xóa đi.
Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAPF) đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì an ninh nội bộ ở Trung Quốc. Lực lượng này nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự hàng đầu của đất nước, cũng giám sát PLA.
Vương được cho là một trong những phụ tá đáng tin cậy của Tập. Người ta tin rằng ông đã được chính nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chọn để đảm nhiệm chức vụ chỉ huy PAPF. Nhưng Vương đã biến mất khỏi sân khấu trung tâm khá lâu và bỏ lỡ nhiều cuộc họp quan trọng.
Một sĩ quan cấp cao của Hải quân PLA cũng đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng, và hoạt động của một số nhân vật quân đội có ảnh hưởng khác cũng không được báo cáo suốt một thời gian dài.
Những vụ mất tích này xảy ra ở gần như tất cả các lực lượng của PLA, bao gồm Lục quân và Quân chủng Tên lửa.
Cuộc họp quan trọng hàng tháng của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng vào thứ Hai đã cung cấp một số manh mối về bí ẩn này.
Ban lãnh đạo đảng cầm quyền cũng tổ chức các buổi họp nghiên cứu, nếu cần thiết, vào cùng ngày với cuộc họp hàng tháng. Khác với buổi họp nghiên cứu, hình ảnh và video về tất cả những người tham dự cuộc họp Bộ Chính trị hàng tháng thường không được công khai.
Cuộc họp Bộ Chính trị hôm thứ Hai đã đi kèm một cảnh báo gay gắt khác thường, dường như phản ánh sự thất vọng và cảm giác khủng hoảng của Tập đối với sự trì trệ và kém cỏi của nhiều quan chức trong đảng và chính phủ.

Thông điệp được tóm tắt như sau: Ngay cả các quan chức cấp cao của đảng và chính phủ cũng sẽ bị giáng chức ngay lập tức nếu họ bị cho là không làm tròn trách nhiệm hoặc lười biếng.
Thông điệp này đi kèm với “hệ thống thanh tra,” trong đó các thanh tra viên sẽ đến kiểm tra các tổ chức trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như các cơ quan nhà nước khác để phát hiện các vấn đề.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là thông điệp này đã được gửi tới tất cả các quan chức cấp cao, bao gồm cả những người trong quân đội. Và chính Tập, người đã thâu tóm quyền lực tối cao, sẽ là người quyết định xem liệu ai đó có không hoàn thành nhiệm vụ, hay đang lười biếng.
Vì lẽ đó, thông điệp này nghe như đến từ chính Tập, người dùng nó để nói rằng bất kỳ ai không hoàn toàn trung thành với ông sẽ bị giáng chức ngay lập tức. Quả vậy, cuộc họp của Bộ Chính trị hôm thứ Hai cũng kêu gọi các đảng viên đảm bảo thực hiện “hai duy trì.”
“Hai duy trì” ở đây bao gồm bảo vệ địa vị của Tập như “hạt nhân” của đảng, và bảo vệ “quyền lực và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất” của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cả hai đều có thể được tóm tắt là thể hiện lòng trung thành không gì lay chuyển đối với Tập.
Thông điệp từ Bộ Chính trị cho thấy rằng chỉ có lòng trung thành của các quan chức cấp cao đối với Tập là chưa đủ, và tình trạng lười biếng, không làm tròn trách nhiệm đang tràn lan trong số các quan chức.
Tập đã thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng mang dấu ấn của riêng mình kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 2012. Nhưng tình hình đang có sự thay đổi. Tập đã không còn che giấu mục tiêu là đánh giá lòng trung thành của các quan chức đối với ông thông qua chiến dịch này.
Cuộc họp Bộ Chính trị hôm thứ Hai cũng kêu gọi tăng cường “đỉnh tầng thiết kế,” tức là thiết kế từ trên xuống, hay ra quyết định từ trên xuống. Câu nói thông dụng trong chính trị này, đã có từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tập với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, cũng là một trong những công cụ mà Tập sử dụng để tập trung quyền lực vào tay mình.
Thuật ngữ này đã được sử dụng ít thường xuyên hơn trong vài năm trở lại đây. Do đó, lời kêu gọi mới của Bộ Chính trị về việc tăng cường “đỉnh tầng thiết kế” báo trước rằng Tập sẽ một lần nữa thắt chặt quyền kiểm soát chính trị đối với các đảng viên.
Vì một lý do nào đó, nhiều mục tiêu gần đây trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập lại là quân nhân. Ngay cả một số vị tướng được chính Tập thăng chức cũng bị đưa vào tầm ngắm.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quân ủy Trung ương Lý Thượng Phúc là người đầu tiên bị thanh trừng vào năm 2023. Chức vụ Ủy viên mà ông bị buộc phải rời bỏ hiện vẫn chưa có người thay thế. Đổng Quân, người kế nhiệm Lý làm Bộ trưởng Quốc phòng, không phải là thành viên Quân ủy Trung ương.
Tháng 11 năm ngoái, Miêu Hoa, Ủy viên kiêm Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương, đã bị đình chỉ chức vụ vì những gì mà chính quyền Trung Quốc gọi là “nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.”
Hà Vệ Đông, một sĩ quan quân đội cấp cao, đã trở thành vị tướng mới nhất nhận được sự chú ý ở nước ngoài khi đối mặt với tình trạng bấp bênh ở trong nước. Ông là một trong hai phó chủ tịch của Quân ủy Trung ương.
Truyền thông Mỹ đưa tin đang có điều gì đó không ổn với Hà, dù cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông báo nào về ông.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo nước ngoài về tung tích của Hà Vệ Đông tại cuộc họp báo ngày 27/03, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết bộ này không có thông tin nào để cung cấp và cũng không nắm rõ tình hình.
Nhưng xét đến cảnh báo được Bộ Chính trị đưa ra vào hôm thứ Hai, ngay cả những thành viên Quân ủy Trung ương quyền lực như Hà và Miêu cũng có thể bị trừng phạt ngay lập tức nếu họ bị xác định là không làm tròn trách nhiệm hoặc lười biếng.

24 thành viên Bộ Chính trị có lẽ cũng không an toàn trước đội quân chống tham nhũng. Tập có thể không ngần ngại sa thải ngay cả những quan chức cấp cao được cho là thân cận với mình nếu họ bị phát hiện có vấn đề.
Nỗi sợ bị Tập bỏ rơi của các quan chức cấp cao đã làm tăng lòng trung thành của họ đối với ông. Ngoài ra, việc nhắm vào những nhân vật có ảnh hưởng nhưng không thân cận với Tập sau khi đã nhắm vào những người thân cận với Chủ tịch tạo ra ấn tượng rằng chiến dịch chống tham nhũng không bao giờ kết thúc này rất công bằng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận độc đoán của Tập có thể phản tác dụng, nhiều khả năng sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ bên trong đảng. Ngoài ra cũng có khả năng nhiều người sẽ giả vờ tuân lệnh nhưng thực chất lại chống đối ông, tìm cách giáng một đòn mạnh vào cơ sở quyền lực của ông.
Tình hình bất thường liên quan đến PLA sẽ kéo dài bao lâu? Câu hỏi này cũng tương tự như việc hỏi rằng PLA sẽ còn tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự gần Đài Loan đến bao giờ.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.