Nguồn: Raphael S. Cohen, “America Under Trump Is the Realists’ Grand Experiment,” Foreign Policy, 08/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chính quyền này sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong cách giảng dạy quan hệ quốc tế cho thế hệ tương lai.
Hãy thử ngồi vào bất kỳ lớp nhập môn quan hệ quốc tế nào tại một trường đại học Mỹ, và có lẽ bạn sẽ được nghe bài giảng mở đầu về “Đối thoại Melos,” trích từ cuốn sách lịch sử nổi tiếng của Thucydides về Chiến tranh Peloponnesse. Trong cuộc đối thoại này, người Athens đưa ra một đề xuất đơn giản cho người Melos trung lập: Đầu hàng hoặc đối mặt với sự hủy diệt. Những người Melos yếu hơn đã viện dẫn đủ loại lập luận – về liên minh, đạo đức, và các vị thần – với hy vọng thay đổi suy nghĩ của người Athens, nhưng vô ích. Cuối cùng, người Melos chọn cách kháng cự và chấp nhận số phận của mình. Từ đó, Thucydides rút ra câu châm ngôn nổi tiếng: “Kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu chấp nhận những gì họ phải chấp nhận.”
Thucydides được xem là cha đẻ của trường phái hiện thực trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa hiện thực cho rằng các quốc gia được thúc đẩy hoàn toàn bởi lợi ích của riêng họ và quyền lực là quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác. Trong các lớp học đại học, Đối thoại Melos đặt ra một câu hỏi mang tính nền tảng về quan hệ quốc tế: Phải chăng Thucydides chỉ đơn thuần ghi lại cách thế giới đã từng tồn tại – hay những gì ông viết vẫn còn đúng cho đến ngày nay?
Mỹ và các đối thủ của họ đang tiến hành một thử nghiệm mới về câu hỏi này ngay trong thời gian thực, kiểm tra xem liệu một chính sách đối ngoại dựa hoàn toàn vào lợi ích quốc gia, và được thực hiện gần như hoàn toàn thông qua chính trị cường quyền có mang lại lợi ích – hay thậm chí có khả thi – trong thời hiện đại hay không.
Tất nhiên, chính trị cường quyền không bao giờ biến mất. Nhưng cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày nay khác hẳn so với thế kỷ 20. Các ranh giới đối đầu về ý thức hệ phân chia chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, và dân chủ tự do trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh đã mờ dần, dù các ranh giới đối đầu về địa chính trị vẫn còn rõ nét. Thế giới ngày nay có lẽ là một thế giới hậu ý thức hệ: Trung Quốc cộng sản đã từ bỏ gốc rễ ý thức hệ của mình để ủng hộ một hệ thống lai giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa độc tài. Điều tương tự cũng đúng đối với nước Nga hậu Xô-viết sau khi họ thất bại trong việc chuyển đổi sang dân chủ – và trở thành một chính phủ chuyên chế dưới lớp áo bầu cử. Theo Freedom House, các lãnh đạo cứng rắn đã trỗi dậy trên khắp toàn cầu suốt 20 năm qua.
Nhưng gần đây, chính sách đối ngoại mang đậm ý thức hệ cũng đang suy giảm ở Mỹ.
Trong dòng lịch sử, Washington luôn pha trộn chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa lý tưởng. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã định hình chính sách đối ngoại của mình dựa trên “một thế giới được xây dựng trên bốn quyền tự do thiết yếu của con người.” Ronald Reagan xem cuộc đấu tranh chống lại Liên Xô là cuộc chiến của tự do và dân chủ chống lại “đế chế quỷ dữ.” George W. Bush đặt “chương trình nghị sự tự do” làm trọng tâm chính sách đối ngoại của mình.
Nhưng nhu cầu thực tế chính trị thường cản trở việc tuân thủ những luận điệu khoa trương của Mỹ. Roosevelt đã hợp tác với nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin để giành chiến thắng trong Thế chiến II. Reagan ủng hộ các quốc gia chuyên chế giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Bush đã ký kết thỏa thuận với các nhà lãnh đạo chuyên chế để theo đuổi cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Ngay cả sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine cũng kết hợp giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực. Chính quyền Biden biện minh cho việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga là để chống lại “các cuộc tấn công trắng trợn nhắm vào tự do và dân chủ,” nhưng đó cũng là chính trị cường quyền cổ điển. Trong khi một số học giả theo chủ nghĩa hiện thực đổ lỗi rằng cuộc chiến này là do những ảo tưởng tự do của phương Tây, thì ý tưởng rằng các quốc gia sẽ hành động để bảo vệ an ninh của chính họ – trong trường hợp này là bằng cách bảo vệ Ukraine trước mong muốn mở rộng ranh giới của Nga ở châu Âu – lại là chủ nghĩa hiện thực điển hình.
Các phương pháp của Washington cũng mâu thuẫn với nhau. Mỹ chắc chắn sẵn sàng sử dụng “cây gậy lớn”; họ đã trực tiếp tham chiến hoặc tham gia vào các cuộc chiến ủy nhiệm trên năm châu lục gần như liên tục trong thế kỷ qua. Và việc Mỹ sử dụng sự cưỡng ép phi quân sự – đặc biệt là các lệnh trừng phạt kinh tế – cũng ngày càng thường xuyên hơn, tăng hơn chín lần kể từ đầu thế kỷ 21.
Tuy nhiên, trong lịch sử, Mỹ thường kết hợp các biện pháp trừng phạt này với “quyền lực mềm” – thuật ngữ được Giáo sư Joseph Nye của Harvard phổ biến, dùng để chỉ khả năng thuyết phục và lôi kéo thay vì ép buộc các quốc gia thực hiện theo ý mình. Mỹ đã chi trung bình hơn 1% ngân sách liên bang cho viện trợ nước ngoài mỗi năm trong suốt một phần tư thế kỷ qua, nhưng điều đó đã giúp họ trở thành quốc gia tài trợ lớn nhất thế giới và mang lại cho họ rất nhiều quyền lực mềm.
Để chính danh hóa hơn nữa các hành động của mình, và thúc đẩy tầm nhìn về một trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ, Mỹ thường hoạt động thông qua các thể chế đa phương. Sau Thế chiến II, nước này đã đi đầu trong việc tạo ra những nền tảng của trật tự quốc tế hiện tại – bao gồm Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, NATO, và các thể chế và liên minh khác. Dù Mỹ thận trọng duy trì quyền phủ quyết đối với các tổ chức này, và sẽ bỏ qua chúng nếu cảm thấy lợi ích quốc gia cốt lõi của mình bị đe dọa (như trong Chiến tranh Iraq), nhưng họ vẫn đầu tư nhiều thời gian và công sức để “làm mềm” chính trị cường quyền bằng chủ nghĩa đa phương thực sự.
Ngược lại, chính quyền Trump mới đang theo đuổi một cách tiếp cận chính sách đối ngoại theo kiểu hiện thực thuần túy. Các cựu cố vấn, học giả, và nhà báo của Trump đều mô tả chính quyền theo cách này. Các vị trí an ninh quốc gia quan trọng được đảm nhiệm bởi những nhân vật tự nhận là theo chủ nghĩa hiện thực. Một số người từng ủng hộ chính sách đối ngoại dựa trên giá trị – bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio – giờ đây cũng đã thay đổi lập trường.
Như thể lấy nguyên xi một trang từ cuốn cẩm nang hiện thực, “Nước Mỹ trên hết” xem lợi ích quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Chính quyền đã bày tỏ nhiều mức độ hoài nghi khác nhau đối với hầu hết các thể chế đa phương – từ Liên Hiệp Quốc đến NATO. Nhiều động thái chính sách đối ngoại lớn – từ Trung Đông đến châu Âu, từ đàm phán xung đột đến kinh tế quốc tế – đã loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ bọc đa phương.
Chính quyền cũng đã thay thế chủ nghĩa lý tưởng bằng một hình thức chủ nghĩa giao dịch hiện thực, trong đó mọi hành động phải gắn liền với những gì mà họ xem là lợi ích quốc gia. Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine, nhưng chỉ khi Ukraine đồng ý nhượng bộ Nga và ký một thỏa thuận khoáng sản. Mỹ nói sẽ duy trì các bảo đảm theo hiệp ước NATO, nhưng chỉ khi châu Âu chịu chi nhiều hơn cho quốc phòng. Mỹ đã dỡ bỏ thuế quan đối với Mexico và Canada, nhưng chỉ sau khi hai quốc gia này hứa sẽ ngăn chặn nạn buôn lậu fentanyl và nhập cư bất hợp pháp.
Hơn nữa, chính quyền đã dựa vào “cây gậy” nhiều hơn là “củ cà rốt.” Họ cho giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cắt giảm 83% ngân sách viện trợ nước ngoài, và ra lệnh đóng cửa Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ (cơ quan mẹ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA và nhiều các tổ chức khác). Thay vào đó, họ dựa nhiều hơn vào thuế quan – nhắm vào cả đồng minh lẫn đối thủ – và chí ít là đối với các nhóm khủng bố như Hamas và Houthi, họ sử dụng lời lẽ đe dọa hoặc vũ lực thực sự.
Thử nghiệm về chủ nghĩa hiện thực này sẽ diễn ra như thế nào? Một vài chỉ dấu sẽ xuất hiện nhanh chóng, chẳng hạn như liệu sự mất cân bằng thương mại có được giải quyết, chi tiêu quốc phòng ở châu Âu có tăng lên, và các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông có kết thúc hay không. Cách tiếp cận của chính quyền Trump đã ghi nhận một vài chiến thắng ban đầu – giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn được mong đợi từ lâu, dù không bền vững, cho cuộc chiến Israel-Hamas chỉ một ngày trước khi Trump nhậm chức, tăng cường kiểm soát nhập cư và ma túy ở biên giới Mexico và Canada, và khiến người Trung Quốc bán cổ phần tại các cảng xung quanh Kênh đào Panama.
Một nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa hiện thực là các quốc gia trước hết và trên hết phải quan tâm đến an ninh của chính mình, và do đó cố gắng “cân bằng quyền lực” với các quốc gia đối thủ của họ, hoặc chí ít là các quốc gia đe dọa họ. Từ rất lâu trước thời chính quyền Trump thứ hai, một loạt các đối thủ của Mỹ – trước hết là Trung Quốc, sau đó là Nga, Iran, và Triều Tiên – đã cố gắng chống lại sức mạnh của Washington, đúng như chủ nghĩa hiện thực gợi ý.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ngày nay là liệu chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ có kích động các hành vi cân bằng quyền lực hay không – thậm chí có thể từ các đồng minh và đối tác truyền thống của Washington, những nước cho đến nay vẫn xem Mỹ là một thế lực nhân từ, nếu không muốn nói là tích cực, trên trường quốc tế, nhưng giờ đây phải tự lo liệu cho mình.
Đó có thể là một điểm cộng tích cực thực sự cho một số người theo chủ nghĩa hiện thực, những người từ lâu đã thúc đẩy một chính sách đối ngoại Mỹ mang tính thu hẹp hơn. Nhưng nếu các quốc gia này sau đó sử dụng quyền tự chủ mới của mình để theo đuổi các mục tiêu trái ngược với lợi ích của Mỹ, thì kết quả có thể là tiêu cực ròng.
Dù vậy, câu hỏi cuối cùng là liệu thử nghiệm chủ nghĩa hiện thực này có tạo ra một thế giới khiến Mỹ trở nên mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và an toàn hơn hay không. Ngay cả một số người theo chủ nghĩa hiện thực cũng có những hoài nghi của riêng mình. Suy cho cùng, nếu không có những rào chắn của một trật tự quốc tế, thế giới sẽ quay trở lại trạng thái vô chính phủ Hobbes. Và đó không phải là một nơi đặc biệt hấp dẫn để sống.
Nếu xem lịch sử cổ đại là một chỉ dẫn, thì trong tương lai gần, chúng ta có lẽ sẽ không biết liệu sự chuyển hướng sang chủ nghĩa hiện thực cứng rắn này có mang lại kết quả tốt đẹp hay không. Trong ngắn hạn, chính trị cường quyền ủng hộ người Athens. Melos đã bị khuất phục. Thucydides kể lại rằng: người Athens “đã xử tử tất cả những người đàn ông trưởng thành mà họ bắt được, bán mọi phụ nữ và trẻ em làm nô lệ, và sau đó cử năm trăm người đến định cư và chiếm giữ nơi đó.” Tuy nhiên, về lâu dài, câu trả lời lại không mấy rõ ràng. Rốt cuộc thì Sparta mới là bên giành chiến thắng trong Chiến tranh Peloponnesse, và Athens – nơi từng là trung tâm của nghệ thuật, văn hóa, thương mại, và một đế chế rộng lớn – đã chẳng bao giờ lấy lại được vinh quang trước đây.
Duy chỉ có một điều chắc chắn: Thử nghiệm lớn của những người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong cách giảng dạy quan hệ quốc tế cho thế hệ sau.
Raphael S. Cohen là giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết tại Dự án Không quân của Tập đoàn Rand và giám đốc Chương trình An ninh Quốc gia tại Trường Sau Đại học Pardee Rand.