Nguồn: Aaron Tang, “Will This Conservative Legal Doctrine Undo Trump’s First Months in Office?, New York Times, 20/04/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một học thuyết pháp lý được những nhân vật bảo thủ tại Tối cao Pháp viện Mỹ ủng hộ nhằm hạn chế phạm vi hoạt động của các cơ quan quản lý giờ đây đang được những người phản đối Tổng thống Trump sử dụng để thách thức những tuyên bố không có hồi kết của ông về quyền lực của tổng thống.
Quả là một cú xoay chuyển tình thế.
Trong tay các thẩm phán bảo thủ, học thuyết được biết đến với cái tên “học thuyết về các vấn đề lớn” (major questions doctrine) từng được sử dụng để bãi bỏ chương trình xóa nợ vay cho sinh viên của chính quyền Biden, và hạn chế khả năng quản lý khí thải nhà kính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Học thuyết này, một loại luật đặc biệt mạnh do thẩm phán tạo ra, đã được đưa vào các phán quyết của Tối cao Pháp viện trong những năm gần đây, yêu cầu chính phủ phải nhận được “sự cho phép rõ ràng của Quốc hội” khi đưa ra các quyết định có “tác động lớn về kinh tế và chính trị.”
Giờ đây, như người ta vẫn nói, gieo gió gặt bão, điều này có vẻ không có lợi cho Trump.
Một trong những thách thức gần đây nhất chống lại chính quyền Trump đến từ một nhóm pháp lý bảo thủ, Liên minh Tự do Dân sự Mới, nhằm chống lại các mức thuế quan làm rung chuyển nền kinh tế của Tổng thống. Nhóm này lập luận trong vụ kiện của mình rằng: vì thuế quan là vấn đề có “tác động kinh tế và chính trị lớn,” nên học thuyết về các vấn đề lớn yêu cầu tổng thống phải chứng minh rằng đạo luật mà ông viện dẫn “cho phép rõ ràng” các mức thuế đó. “Tổng thống không thể chứng minh điều đó,” nhóm này khẳng định thay mặt cho một nhà bán lẻ văn phòng phẩm ở Florida.
Một số lượng đáng ngạc nhiên các nhà tư tưởng bảo thủ đã bày tỏ sự ủng hộ lập luận này. Mục tiêu của họ có thể là giải cứu Trump khỏi một lựa chọn chính sách mang tính tự hủy. Tuy nhiên, lập luận pháp lý mà họ đưa ra cũng sẽ đảo ngược phần lớn ba tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Vì giống như thuế quan của mình, những nỗ lực của Trump nhằm đóng băng nguồn tài trợ liên bang, thu hồi quyền công dân theo nơi sinh, can thiệp vào việc quản lý bầu cử của các tiểu bang, và cắt giảm nhân sự của chính phủ bằng cái gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) đều là những vấn đề có ý nghĩa quốc gia to lớn mà Quốc hội chưa cho phép Tổng thống quyết định một cách rõ ràng.
Nhiều vụ kiện sử dụng chính xác những lập luận này hiện đang được chờ xử lý tại các tòa án liên bang trên khắp đất nước. Ví dụ, đây là cách học thuyết về các vấn đề lớn được áp dụng trong một vụ kiện do Quận Santa Clara ở California đệ trình, thách thức nỗ lực của Trump nhằm thu hồi quyền công dân theo nơi sinh đối với trẻ em sinh ra ở Mỹ có bố mẹ là người nhập cư không có giấy tờ: Quận này lập luận rằng theo học thuyết về các vấn đề lớn, “không thể diễn giải” luật nhập cư liên bang là “trao cho tổng thống quyền” thu hồi quyền công dân theo nơi sinh.
Còn đây là cách học thuyết này được sử dụng trong một bản tóm tắt do 14 tiểu bang đệ trình, thách thức các hành động sâu rộng của Elon Musk và DOGE: Về câu hỏi liệu Musk hay DOGE có được Quốc hội chấp thuận rõ ràng để thực hiện các hành động “kinh tế, chính trị, và xã hội lớn” nhằm giải thể các cơ quan thuộc chính quyền liên bang hay không, các tiểu bang lập luận: “Câu trả lời dứt khoát là không. Bị đơn thậm chí không cố gắng gợi ý điều ngược lại.”
Học thuyết này cũng là trọng tâm trong một vụ kiện của Hội đồng Quốc gia của Các Tổ chức Phi lợi nhuận, cùng các nhóm khác, đối với nỗ lực đơn phương của Tổng thống nhằm đóng băng nguồn tài trợ liên bang. Và nó cũng xuất hiện nổi bật trong một vụ kiện do 23 tiểu bang và Washington, D.C., đệ trình, về quyết định đột ngột của Tổng thống nhằm hủy bỏ hàng tỷ đô la tài trợ cho các biện pháp y tế công cộng như vaccine cho trẻ em.
Trong tất cả những trường hợp này – và nhiều trường hợp khác – các bên tranh tụng đang tận dụng học thuyết về các vấn đề lớn để cố gắng kiềm chế những khẳng định quyền lực táo bạo nhất của Trump.
Trớ trêu thay, Tối cao Pháp viện đã sử dụng chính học thuyết về các vấn đề lớn để ngăn Joe Biden viện dẫn quyền lực của tổng thống. Các thẩm phán bảo thủ đã làm như vậy để vượt qua một trở ngại lớn: Mỗi hành động của Biden đều được phép theo học thuyết pháp lý hiện hành, trao cho các cơ quan chính phủ quyền quyết định sâu rộng về cách họ thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao phó.
Những người theo chủ nghĩa tự do chỉ trích tòa án vì đã phát minh ra học thuyết về các vấn đề lớn, vốn không xuất hiện ở bất kỳ đâu trong Hiến pháp Mỹ hoặc bất kỳ đạo luật liên bang nào, nhưng vẫn hoạt động như một “ngón tay cái nặng ký,” như lời Thẩm phán Elena Kagan, để chống lại chính quyền Biden.
Giờ đây, tình thế đã đảo ngược.
Trump, giống như Biden trước đây, đã tìm cách hành động quyết đoán hơn đối với các vấn đề lớn trong khi Quốc hội ngồi ngoài cuộc. Vì vậy, học thuyết này cũng nên được áp dụng theo tương tự.
Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng lần này các thẩm phán bảo thủ sẽ chơi công bằng. Có lẽ học thuyết về các vấn đề lớn thực sự chỉ là quy tắc một chiều, có thể dùng để bác bỏ hành động của một tổng thống Dân chủ, nhưng sẽ không hoạt động trong nhiệm kỳ của một tổng thống Cộng hòa. Đó sẽ là một điều đáng xấu hổ – và là một vết nhơ nữa đối với tính chính danh của một tòa án vốn đã đối mặt nhiều chỉ trích.
Nhưng có một cơ hội là học thuyết về các vấn đề lớn, bất chấp nguồn gốc mơ hồ, có thể được sử dụng cho những mục đích cao cả. Đó là vì nó có khả năng tạo ra sự đồng thuận đáng ngạc nhiên giữa các thẩm phán tự do và bảo thủ của tòa án.
Các thẩm phán bảo thủ có thể đồng tình với giá trị của những nỗ lực quyết liệt của Trump nhằm tinh gọn chính phủ, định nghĩa lại quyền công dân, và hạn chế quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, trọng tâm của học thuyết về các vấn đề lớn là ngay cả khi tổng thống đúng về bản chất, thì đây đều là những vấn đề lớn mà Quốc hội nên quyết định, dựa trên vai trò là cơ quan lập pháp được Hiến pháp quy định của quốc gia.
Theo đó, các thẩm phán bảo thủ có thể ra phán quyết chống lại Trump không phải vì họ không đồng ý với các lựa chọn chính sách của ông, mà đúng hơn là vì họ tin rằng Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát nên là bên đưa ra các lựa chọn đó. Những phán quyết như vậy đáng được khen ngợi vì chúng cho bên thua cuộc được lựa chọn – trong trường hợp này là việc theo đuổi các mục tiêu của chính quyền thông qua quy trình lập pháp thông thường.
Xét cho cùng, hy vọng vào sự cứu rỗi từ các quy tắc kỳ quặc, khó hiểu, do các thẩm phán tạo ra với nguồn gốc pháp lý đáng ngờ hiếm khi là một canh bạc thắng lợi. Nhưng vào thời điểm trật tự hiến pháp của chúng ta phải đối mặt với áp lực và sự bất ổn lớn, thì chúng ta nên nắm bắt bất cứ cơ hội nào có thể. Và việc kiềm chế tổng thống nhân danh học thuyết về các vấn đề lớn sẽ tốt hơn là không có sự kiềm chế nào cả.
Aaron Tang là giáo sư tại trường luật của Đại học California, Davis, và là cựu trợ lý về luật của Thẩm phán Sonia Sotomayor. Ông là tác giả của “Supreme Hubris: How Overconfidence Is Destroying the Court – and How We Can Fix It.”