Châu Âu nên đàm phán với Donald Trump như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Janan Ganesh, “How Europe should negotiate with Donald Trump,” Financial Times, 21/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trump bị ám ảnh bởi tiền bạc nhưng hồ sơ cho thấy không phải lúc nào ông ta cũng cứng rắn trong đàm phán.

Có lẽ bởi vì nó không mang tính tục tĩu hay gây sốc, nên tuyên bố đáng chú ý nhất mà Donald Trump đưa ra kể từ khi rời nhiệm sở đã không thu hút được sự chú ý của thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News hồi mùa hè năm ngoái, khi được hỏi liệu ông có bảo vệ Đài Loan bằng vũ lực hay không, ông nói hòn đảo này, nơi kiếm bộn tiền từ chất bán dẫn, “đã cướp mất công việc kinh doanh của chúng ta.”

Lập luận này thật ngớ ngẩn. [Việc Đài Loan thu lợi nhuận từ chất bán dẫn không liên quan đến khả năng Mỹ bảo vệ hòn đảo.] Và cũng thật thiếu tế nhị khi nhắc đến tiền trong lúc tính mạng con người đang lâm nguy. Nhưng đây là cơ hội để hiểu sâu hơn về tâm trí con người. Nếu nó là một bộ phim, hẳn chúng ta đã tấm tắc khen cách phát triển nhân vật theo kiểu “hành động hơn lời nói” này.

Ở một mức độ mà ngay cả những người quan sát thân cận nhất của ông cũng khó mà hiểu hết, Trump, ứng viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, xem mọi thứ là các giao dịch. Và không phải theo một cách khôn ngoan. Ông sống ở một thế giới trước David Ricardo, nếu không phải là trước cả Adam Smith, nơi của cải được hiểu như một chiếc bánh mà các quốc gia cạnh tranh để giành phần. Nhiều hơn cho anh có nghĩa là ít hơn cho tôi.

Nếu Mỹ thâm hụt tài khoản vãng lai với Trung Quốc, thì thực tế là Mỹ đang thua. Nếu Mỹ gánh một phần không tương xứng trong chi phí của NATO, thì Mỹ là kẻ ngu ngốc. Đừng bận tâm nhắc đến tất cả những gì Mỹ được đền đáp. (Nếu Vladimir Putin có các thỏa thuận phòng thủ tập thể trên một lục địa khác, phe cực hữu sẽ ca ngợi đó là “chiều sâu chiến lược”, chứ không coi đó là gánh nặng.) Để đối phó với Trump, trước tiên hãy chấp nhận rằng quan điểm mọi thứ đều có tổng bằng không của ông ấy là không thể lay chuyển.

Điều này khiến châu Âu rơi vào tình trạng tệ hơn, hoặc tốt hơn, tuỳ vào suy nghĩ của từng người. Trump sẵn sàng bán rẻ đồng minh để lấy tiền. Nhưng ông cũng có thể bị thuyết phục không làm vậy vì tiền. Nếu lục địa già chịu chi nhiều hơn cho quốc phòng – vốn là điều họ đang làm – thì mối bất bình chính của Trump với NATO thực sự đã biến mất. Nói cách khác, khi ông càu nhàu về những đồng minh “hay trì hoãn,” ông chẳng có ẩn ý về điều gì rộng hơn, sâu sắc hơn, hay vĩ đại hơn. Đó không phải là sự khinh thường đối với phương Tây hay sự ngưỡng mộ đối với những kẻ độc tài săn mồi. Những quan điểm đó, ngay cả khi ông thực sự nghĩ thế, cũng chỉ là thứ yếu bên cạnh niềm tin vĩnh viễn của Trump, rằng nước Mỹ đang bị móc túi.

Thách thức đối với những nhà tư tưởng lớn trong thời đại Trump là phải chấp nhận rằng đây là một con người đang đắm chìm trong những câu chuyện về tài khoản và hóa đơn. Nhưng nếu có thể vượt qua rào cản về tinh thần đó, ông ta sẽ trở nên ít đáng sợ hơn một chút. Trump – theo nghĩa tốt – có một cái giá.

Và đây cũng không phải là một hành vi tống tiền. Điều chúng ta cần nhớ về Trump là ông luôn muốn tuyên bố chiến thắng trong mọi cuộc đàm phán. Để đạt được mục tiêu đó, ông sẽ không nhất quyết đòi hỏi những điều khoản khó khăn nhất. Năm 2018, ông đã đồng ý với một phiên bản sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ – đạt được một số yêu cầu, bỏ qua những yêu cầu khác – thay vì hoàn toàn từ bỏ đàm phán.

Năm 2020, ông đã ký cái mà ông gọi là thỏa thuận đình chiến thương mại “lịch sử” với Trung Quốc. Đổi lại là gì? Một cam kết không thể thực thi được về việc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Sự kiêu hãnh của ông có hai mặt. Nó thúc đẩy ông gây hấn, nhưng cũng khiến ông giải quyết tranh cãi bằng bất cứ điều khoản nào ông có thể tự chọn theo ý mình. Trên thực tế, thật khó để biết điều gì xúc phạm ông nhiều hơn: trở thành kẻ ngốc trong một thỏa thuận, hay bị coi là bất lực trong việc sửa đổi nó.

Liệu Trump có bảo vệ các đồng minh trong trường hợp NATO bị tấn công hay không? Vì Điều 5, vốn đặt ra nguyên tắc phòng thủ tập thể, chỉ được kích hoạt một lần trong 75 năm, nên đó là một câu hỏi về bản chất là không thể trả lời. Cách tiếp cận thực tế hơn là làm thế nào để ngăn chặn việc ông rời bỏ, hoặc cắt giảm ngân sách cho NATO trong thời gian chờ đợi, hoặc phá hoại, hoặc làm suy yếu tổ chức này bằng những luận điệu của mình. Câu trả lời là tin vào những gì ông ấy nói và giải quyết vấn đề tiền bạc, bởi nó không phải là ẩn ý cho điều gì khác.

Dù ông có vẻ ngoài bất hợp tác, một cử chỉ tài chính sẽ có tác dụng hơn đối với Trump (“Hãy nhìn xem tôi đã lấy được gì từ người châu Âu”). “Giao dịch” chỉ là cách nói khó nghe hơn của “có thể thương lượng.” Trump có thể là tổng thống tệ nhất trong kỷ nguyên NATO, nhưng một người chống tự do và thân Kremlin, vốn không thiếu trong cánh hữu Mỹ, sẽ khó bị ràng buộc hơn vào liên minh.

Trong một trong những bộ phim tuyệt vời của Mỹ, Being There, người ta đã gán những suy nghĩ to tát cho lời nói của một người đàn ông có đầu óc đơn giản. Trump không phải là người có đầu óc đơn giản, nhưng cả những người ủng hộ và kẻ thù của ông đều đang đặt nặng tính triết lý lên vai ông – giống như Đấng Cứu tinh của Thiên Chúa Giáo, hoặc phát xít thập niên 1930 – mà vốn dĩ ông chẳng hề nghĩ đến. Mối quan tâm của ông không ở mức độ trừu tượng như vậy.

Ngay cả mối bất bình của ông với Trung Quốc cũng hẹp hơn, tập trung vào thương mại hơn so với phần lớn Washington hiện nay. Sau khi được đào tạo về tư tưởng, tầng lớp chính trị đã nhìn nhận ông theo nghĩa rộng – là một kẻ “độc tài” thế này, theo “chủ nghĩa cô lập” thế kia – trong khi ông chỉ đơn giản là một kẻ keo kiệt. Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc đàm phán với Trump là không ai tệ hơn những nhà trí thức trong nhiệm vụ này.