Kỷ niệm ngày Sài Gòn thất thủ: Phải thận trọng với mong muốn giữ thể diện bằng mọi giá

Nguồn: Jonah Shrock, “On the Anniversary of the Fall of Saigon, Beware of the Desire to Save Face at All Costs”, The HKS Student Policy Review, 30/04/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Đúng ngày này 50 năm trước, Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt, từ đó chính thức biến cuộc phiêu lưu sai lầm kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ tại Việt Nam thành một thất bại. Một sự thật đáng ngại là quá trình đưa ra quyết định trong thời chiến phần lớn không dựa trên việc liệu Mỹ có khả năng giành chiến thắng hay không, hay thậm chí, liệu Việt Nam có quan trọng về mặt chiến lược hay không. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách ở Washington đã chọn leo thang xung đột, chủ yếu dựa trên cơ sở rằng: Thất bại sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng, và theo đó là mức độ khả tín của Mỹ. Nếu Hoa Kỳ từ bỏ, các cường quốc khác sẽ nghi ngờ quyết tâm của Mỹ.

Tổn hại thay cho nước Mỹ khi lối tư duy ấy vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Sau Việt Nam, chúng ta đã được chứng kiến thêm những ví dụ khác cho câu nói mà Tổng thống Obama từng nhắc đến – “dội bom một ai đó để chứng tỏ ta sẵn sàng dội bom lên người đó”. Khi chúng ta bước sâu hơn vào nhiệm kỳ của Trump, kỷ niệm ngày Sài Gòn thất thủ là lời nhắc nhở rằng danh tiếng của nước Mỹ có lẽ không quá quan trọng, cũng chẳng dễ kiểm soát như nhiều người vẫn tưởng. Sự ám ảnh với danh tiếng mới là thứ đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ đi chệch hướng.

Trong bản ghi nhớ gửi Tổng thống Johnson vào tháng 2 năm 1965, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy viết: “Trách nhiệm của nước Mỹ là một hiện thực không thể khác, một hiện thực có thể cảm nhận được rõ trong bầu không khí của châu Á và ở cả những nơi khác. Uy tín quốc tế của Mỹ…[đang] bị đe doạ trực tiếp tại Việt Nam”. Nói cách khác, cả thế giới đều biết Mỹ đã cam kết giúp miền Nam Việt Nam; do đó, Mỹ sẽ trông thật thảm bại nếu rút lui.

Thế nhưng chính Bundy cũng hoài nghi về khả năng thắng trận. Chỉ bốn tháng sau, Bundy viết: “Nếu và khi ta muốn thay đổi chiến lược và chấm dứt tổn thất ở đây, thì nên làm thế với lí do phía (Nam) Việt Nam không hoàn thành nghĩa vụ của họ”. Ngay từ tháng 6 năm 1965, Bundy đã chấp nhận sự thật rằng Mỹ không thể chiến thắng cuộc chiến này. Vì vậy, theo Bundy tính toán, chúng ta tốt hơn hết nên biến cuộc chiến trở thành lỗi của Việt Nam Cộng hòa, thay vì lỗi của Mỹ. Cứu vãn thể diện là ưu tiên hàng đầu.

Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Lyndon B. Johnson cũng từng hoài nghi về khả năng thắng lợi và tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh Mỹ. Ngay trước khi đơn vị bộ binh đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam, ông nói với Thượng nghị sĩ Richard Russell: “Ở Việt Nam chẳng có tia hy vọng nào cả. Một chút cũng không. Thế nhưng, cùng với lời nói ấy và bản ghi nhớ của Bundy, trong cùng năm đó, Johnson vẫn công khai biện minh cho quyết định leo thang chiến tranh.

Theo Johnson, việc Mỹ tích cực thể hiện cam kết của mình là rất quan trọng, bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của cả đồng minh và kẻ thù. Trong bài phát biểu tại Đại học Johns Hopkins vào tháng 4 năm 1965, Johnson cho biết việc rút lui sẽ làm lung lay niềm tin vào “giá trị lời hứa và giá trị lời nói của Mỹ”.  Ông nói với khán giả, nếu Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, những người cộng sản sẽ trở nên bạo gan hơn và Giao tranh sẽ lại tiếp diễn ở hết nước này đến nước khác” – về cơ bản đây là một cách diễn đạt “Học thuyết Domino”. Lập luận này đơn giản một cách đầy ngộ nhận: Một lần bất tín, vạn lần bất tin.

Chính trên cơ sở lập luận này, Hoa Kỳ đã quyết định leo thang chiến tranh. Trong khoảng thời gian tám năm từ 1965 đến ngày rút quân, hơn một triệu sinh mạng đã bị cướp đi. Nhìn lại, chúng ta đều biết nỗ lực này sẽ thất bại và Sài Gòn rồi cũng sẽ thất thủ sau mười năm khốc liệt. Nhưng liệu việc tiếp tục một cuộc chiến, chủ yếu để giữ danh tiếng cho Hoa Kỳ, có phải là một mục đích chính đáng ngay từ ban đầu?

Nhiều học giả an ninh quốc tế nghiên cứu về khái niệm khả tín (credibility) sẽ trả lời là “Không”. Darryl Press, giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Dartmouth, đưa ra phân tích về quá trình ra quyết định của các nhà lãnh đạo khi đối phó với mối đe doạ từ kẻ thù. Ông phát hiện ra rằng: tiền lệ có hay không giữ lời hứa của đối phương đều không ảnh hưởng đến tính toán của các nhà lãnh đạo.

Thay vào đó, sức mạnh và lợi ích mới là thứ quyết định. Đối phương có khả năng thực hiện lời đe doạ ngay lúc này không? Làm vậy có phục vụ lợi ích của họ hay không? Nếu câu trả lời cho cả hai đều là “Có”, thì khi đó, dù đối phương có tiền lệ thất hứa đi chăng nữa, lời đe doạ ấy vẫn sẽ được xem xét một cách nghiêm túc. Điều này vẫn đúng ngay cả khi tiền lệ thất hứa chỉ mới xảy ra gần đây, và người lãnh đạo vẫn cùng là một người.

Khi Press tìm hiểu sâu một ví dụ quen thuộc thường được viện dẫn, liên quan đến giai đoạn trước khi Thế chiến II bùng nổ, ông phát hiện ra rằng dù Anh và Pháp trước đó không kiềm chế được Đức Quốc xã, nhưng “hầu như các nhà lãnh đạo người Đức cũng không bao giờ nhắc đến sự nhu nhược trước đây của Anh – Pháp trong tranh luận về các lựa chọn đối ngoại”. Để Hitler sáp nhập Áo và chiếm Sudetenland là một sai lầm, vì điều đó đã trao cho Đức thế thượng phong trong cán cân quyền lực, chứ không phải vì điều đó làm phe Đồng minh bị mất uy tín.

Một số minh chứng khác cũng cho thấy hành động trong quá khứ không mấy ảnh hưởng đến mức độ khả tín của các liên minh. Cũng trong giai đoạn đó, Mussolini đã bội ước cam kết giúp Hitler đánh Tiệp Khắc và Ba Lan. Tuy vậy, khi Hitler lên kế hoạch chiếm Pháp, ông ta vẫn mặc định Mussolini sẽ giúp mình bằng cách giữ chân quân Pháp ở biên giới Ý. Danh tiếng không định hướng cách Đức Quốc xã đánh giá tình hình – sức mạnh và lợi ích mới là yếu tố quyết định.

Không phải nhà nghiên cứu khoa học chính trị nào cũng đồng ý với phân tích trên. Chẳng hạn như, Frank P. Harvey và John Mitton đã viết một cuốn sách phản bác lập luận của Darry Press. Một số học giả khác như Keren Yarhi-Milo, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế và Công vụ thuộc Đại học Columbia, lại đưa ra một lập trường trung dung khác khá thuyết phục. Trong điều kiện các yếu tố khác ngang bằng nhau, danh tiếng (reputation) có thể tác động đến mức độ khả tín (credibility), nhưng danh tiếng đến từ đâu lại là một câu chuyện khác vừa khó nắm bắt, vừa khó kiểm chứng đối với các nhà hoạch định chính sách. Ví dụ, Keren cùng Alex Weisiger đã phát hiện ra rằng: Một quốc gia lùi bước trước khủng hoảng sẽ dễ đối mặt với nhiều thách thức hơn trong năm tiếp theo, cho dù khó chứng minh được nguyên nhân của điều này. Keren cũng có công trình nghiên cứu cho thấy thiên kiến có ảnh hưởng đến cách các nhà lãnh đạo nhìn nhận quyết định của các cường quốc khác. Như vậy, danh tiếng có thể quan trọng trong một số trường hợp nhất định, nhất là khi sức mạnh và lợi ích chưa rõ ràng. Nhưng xét cho cùng, làm thế nào để biết rõ hành động của mình đang tạo nên loại danh tiếng gì vẫn là một điều nan giải.

Việt Nam là ví dụ điển hình cho hiện tượng nan giải nói trên. Một cuộc chiến, vốn nhằm khẳng định danh tiếng về sự kiên định, cuối cùng lại phản tác dụng và khiến các nhà lãnh đạo Mỹ về sau phải thận trọng hơn với nguy cơ sa lầy ở nước ngoài. Ngay cả khi những nhà hoạch định chính sách như Bundy đã đúng khi nhận định rằng danh tiếng góp phần tạo nên sự khả tín, thì mong muốn bảo vệ thanh danh của nước Mỹ và tránh cảnh rút quân trong bẽ bàng đều đã khiến các chính quyền Mỹ liên tiếp sớm muộn phải đối mặt với điều không thể tránh khỏi. Nghịch lý này xuất phát từ thực tế rằng khi chiến tranh kéo dài và chiến thắng ngày càng xa vời, thì cái giá chính trị cho việc rút quân sẽ ngày một cao hơn, khiến bất kỳ tổng thống nào cũng khó chấp nhận thất bại. Nếu rút quân sau năm năm bị xem là tệ, rút quân sau mười năm sẽ càng tệ hơn. Không tổng thống nào muốn mang danh là người sau cùng “đánh mất Việt Nam”.

Thế nhưng, bất chấp bằng chứng trên và thất bại thê thảm ở Việt Nam, chúng ta vẫn không rút ra được bài học. Hễ tranh luận đến chính sách đối ngoại, các nhà hoạch định chính sách Mỹ lại viện dẫn mối lo ngại cho mức độ khả tín của nước Mỹ để liên tục biện minh cho hành động leo thang và tiếp tục hiện diện lâu dài ở nước ngoài.

Lối tư duy tai hại này đã tái diễn ở Afghanistan. Mỹ ban đầu lật đổ được Taliban, nhưng cuối cùng vẫn sa vào một “vũng lầy” tương tự như ở Việt Nam, phá kỷ lục trở thành cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ. Hết lần này đến lần khác, những lời kêu gọi nhằm “cắt lỗ” đều bị bác bỏ vì nỗi sợ làm tổn hại mức độ khả tín của Mỹ. Một lần nữa, vẫn là động lực chính trị dai dẳng này – giữ quân ở Afghanistan thêm một vài năm hầu như không sao, trong khi rút quân lại có thể gây nên hậu quả khôn lường. Tổng thống Biden nhận ra rằng trì hoãn một điều tất yếu chỉ kéo dài thêm gánh nặng. Đúng là việc rút quân được triển khai rất tệ. Nhưng Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã có dũng khí chính trị để chấm dứt một cuộc chiến vốn đã không còn lợi ích gì cho Mỹ nếu tiếp tục.

Ở Washington ngập tràn các cuộc thảo luận tại các viện nghiên cứu bàn về ảnh hưởng đối với mức độ khả tín của Mỹ hậu rút quân. Một số còn cảnh báo, các đồng minh sẽ không còn tin tưởng Mỹ nữa. Nhưng tôi không thấy mấy bằng chứng cho các cảnh báo đó. Ngược lại, chính vì mù quáng theo đuổi quá lâu một mục tiêu vốn không thể đạt được ở Afghanistan, người ta mới nghi ngờ mức độ đáng tin cậy của Mỹ.

Những đề xuất chính sách đối ngoại thiếu sót của Tổng thống Trump – từ chiếm kênh đào Panama tới sáp nhập Greenland – có thể dẫn đến những cạm bẫy tương tự. Ví dụ, việc dùng vũ lực biến Canada thành “tiểu bang thứ 51” của Hoa Kỳ có thể sẽ tạo nên nhu cầu phải thực hiện thêm các chiến dịch chống nổi dậy kéo dài, bởi người dân Canada sẽ không dễ dàng chấp nhận bị xâm lược. Dù khó xảy ra, tuy nhiên, các nước khác cũng có thể sẽ đứng lên bảo vệ Canada, từ đó mở rộng phạm vi xung đột. Các nhà hoạch định chính sách cuối cùng cũng sẽ nhận ra, nguyên trạng cũ – với vùng biên giới yên bình và mối quan hệ kinh tế vững chắc với người hàng xóm phương Bắc – mới là lựa chọn tốt hơn cả. Tuy nhiên, đáp lại những lời kêu gọi từ bỏ mục tiêu ban đầu là những sự phản đối, trong đó cho rằng lùi bước sẽ làm tổn hại đến sự khả tín của nước Mỹ. Nghe hấp dẫn nhưng lịch sử đã cho thấy: theo đuổi sự khả tín bằng mọi giá là đường đến đại hoạ.

Mức độ khả tín của nước Mỹ không nằm ở chỗ cố đánh đến cùng những trận thua, mà nằm ở khả năng đưa ra những cam kết rõ ràng, có chừng mực và gắn với lợi ích chiến lược thực chất. Chính những thứ đó, chứ không phải kiên trì một cách mù quáng, mới là điều khiến nước Mỹ trở nên khả tín.