Nguồn: Phùng Siêu, 冯超:想以越南为支点?美国注定是“竹篮打水一场空”, Guancha, 30/04/2025.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Vào ngày 30/4 năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chính phủ Việt Nam không chỉ gửi lời mời tham gia duyệt binh tới các “chiến hữu” cũ là Trung Quốc, Lào và Campuchia, mà còn mời cả Mỹ – quốc gia đã “biến lưỡi gươm thành lưỡi cày”, cũng như nhiều tổ chức quốc tế và nhà hoạt động của các phong trào hòa bình và phản chiến.
Thế nhưng, chính quyền Trump lại cấm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và những nhà ngoại giao khác tham gia các hoạt động liên quan với lý do “tránh để các hoạt động kỷ niệm làm ảnh hưởng đến trọng tâm của 100 ngày đầu nhiệm kỳ”. Quyết định vô lý này không chỉ xé toạc vết sẹo lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam mà còn phản ánh thế lưỡng nan sâu sắc của Mỹ trong việc lấy Việt Nam làm điểm tựa để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: sự lôi kéo quân sự chỉ mang tính khoa trương, quan hệ kinh tế đầy rẫy lỗ hổng, còn sự thâm nhập văn hóa thì không phù hợp với môi trường địa phương, dẫn đến kết cục “giỏ tre lấy nước uổng phí công”.
Kể từ khi chính quyền Trump đề xuất ý tưởng về “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào ngày 5/11/2017, Mỹ đã nỗ lực tái định hình trật tự châu Á-Thái Bình Dương thông qua các biện pháp đa chiều về quân sự, kinh tế và văn hóa, trong đó coi Việt Nam là một trong những điểm tựa quan trọng. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy chiến lược này thông qua Việt Nam đã nhiều lần thất bại. Từ cuộc chiến thương mại với mức thuế quan cao đến các hợp tác quân sự mang tính phô trương, từ thất bại của việc gắn kết kinh tế đến sự bất lực trong việc thâm nhập văn hóa, logic bá quyền của Mỹ đã bộc lộ những khiếm khuyết về mặt cấu trúc trước “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Bài viết này phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tại Việt Nam thông qua bốn khía cạnh: chính sách thuế quan, hợp tác quân sự, hợp tác kinh tế và sự thâm nhập văn hóa, qua đó chỉ ra xung đột cốt lõi giữa logic bá quyền của Mỹ và thực tế khu vực.
Thuế quan ép buộc chỉ là đòn “boomerang” của áp lực kinh tế
Vào tháng 4/2025, Mỹ đã áp mức thuế trừng phạt lên tới 46% đối với hàng hóa của Việt Nam với lý do “cân bằng thâm hụt thương mại”, trong đó bao gồm các ngành xuất khẩu chủ lực như giày dép và đồ nội thất, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp lên khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu giày dép và 22% kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ. Ở bề ngoài, chính sách này là một biện pháp kinh tế, nhưng thực chất đây là động thái chiến lược của Mỹ nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và làm suy yếu lợi ích từ sự chuyển dịch công nghiệp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam không rơi vào thế bị động như Mỹ kỳ vọng, mà thay vào đó đã giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua việc đa dạng hóa cơ cấu thị trường và thúc đẩy hòa giải ngoại giao. Điều này chủ yếu được thể hiện ở hai điểm sau:
Đầu tiên là chủ động nhún nhường và áp dụng chiến lược đàm phán linh hoạt. Chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức đề nghị Mỹ đình chỉ thuế quan và cam kết tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và công nghệ của Mỹ để đổi lấy không gian hòa hoãn thông qua “những nhượng bộ chiến thuật”.
Thứ hai là tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực. Với sự phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi công nghiệp tích hợp với Trung Quốc (ví dụ, 80% nguyên liệu thô của ngành dệt may phụ thuộc vào Trung Quốc), Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu. Trong quý I năm 2025, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc tăng 17,46% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch thương mại của ASEAN với Trung Quốc cũng tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Do đó, mặc dù thuế quan cao gây ra những cú sốc ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ phải đối mặt với những phản ứng ngược và “vũ khí thuế quan” của Mỹ cũng đang dần đi tới sự tự hủy diệt.
Chính quyền Trump đã đề xuất một chính sách “thuế quan phân cấp”, áp dụng mức thuế thấp hơn (như 10%) hoặc miễn trừ đối với một số quốc gia, trong khi lại áp mức thuế cao (lên tới 145%) đối với Trung Quốc, với mục đích chia rẽ quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia khác thông qua đòn bẩy kinh tế.
Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng miễn thuế để “dụ” thế giới bao vây Trung Quốc đã phản ánh tầm nhìn chiến lược ngắn hạn của Mỹ. Điều này chủ yếu được thể hiện ở hai điểm sau:
Đầu tiên là nghịch lý của sự chuyển dịch chuỗi công nghiệp. Mặc dù các công ty đa quốc gia như Apple và Samsung đang cân nhắc việc chuyển năng lực sản xuất sang Ấn Độ và Mexico do áp lực về chi phí, nhưng các cơ sở sản xuất điện tử của Việt Nam – với vai trò là một nút thắt cốt lõi của chiến lược “Trung Quốc+1” – vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ kỹ thuật của Trung Quốc và chi phí chuyển dịch trong ngắn hạn là rất đắt đỏ.
Thứ hai, nó sẽ khiến xu thế “đồng minh” xa cách và đối tác “mất lòng tin” bùng phát trở lại trên phạm vi toàn cầu. Cây gậy thuế quan của Mỹ đã bị hơn 70 quốc gia phản đối. Các nước ASEAN đang nhanh chóng xích lại gần Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính còn khẳng định rõ ràng rằng “không được làm tổn hại lợi ích của các thị trường khác”, điều này làm nổi bật sự cô lập của bá quyền kinh tế Mỹ. Mỹ đã cố gắng tái định hình chuỗi cung ứng bằng thuế quan, nhưng chính phản ứng linh hoạt của Việt Nam và sự hợp tác ngày càng sâu sắc hơn trong khu vực đã khiến nỗ lực này bị phản tác dụng và khiến Mỹ bị đẩy vào thế lưỡng nan của “bức màn sắt kinh tế” do chính mình dựng lên.
Chính sách thuế quan của Trump đối với Việt Nam có trọng tâm là “cân bằng thâm hụt thương mại”, điều này trong ngắn hạn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và trong dài hạn sẽ buộc nước này phải điều chỉnh cơ cấu thương mại và chính sách công nghiệp. Dù Việt Nam đã cố gắng giảm áp lực thông qua hòa giải ngoại giao và nhượng bộ một phần, nhưng cuộc chơi thuế quan vốn có bản chất là một động thái chiến lược của Mỹ nhằm tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu và các quy tắc thương mại. Việc hai bên có thể đạt được thỏa hiệp trên các diễn đàn như APEC trong tương lai hay không sẽ quyết định độ dẻo dai của nền kinh tế Việt Nam và diễn biến của cục diện thương mại khu vực. Và Việt Nam không thể xem nhẹ điều này.
Hợp tác quân sự mang tính biểu tượng hơn là thực chất
Để củng cố vai trò của Việt Nam như một “điểm tựa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tương tác quân sự với nước này. Mỹ đã và đang nỗ lực nâng cao sự hiện diện của mình và cố gắng biến Việt Nam thành một “tiền đồn biên giới” ở Biển Đông thông qua các hoạt động ngoại giao tàu sân bay (như chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam năm 2018 và tàu USS Ronald Reagan năm 2023), bán vũ khí (như việc chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng giám sát ở Biển Đông) và các cuộc tập trận quân sự chung (như việc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương). Về tập trận chung và đào tạo cán bộ, Mỹ đã mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, đồng thời đào tạo cán bộ quân sự phía Việt Nam và thâm nhập vào vấn đề Biển Đông dưới danh nghĩa cái gọi là “hợp tác an ninh biển”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thăm Việt Nam hai lần chỉ trong vòng một năm. Philip Davidson – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và người kế nhiệm Mattis là Mark Esper cũng lần lượt đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm này cho thấy Mỹ coi trọng Việt Nam, nhưng chủ yếu tập trung vào các tương tác cấp cao và tuyên bố chiến lược, trong khi thiếu những nội dung hợp tác quân sự sâu sắc. Sự lôi kéo quân sự này mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất.
Sau khi nắm quyền trở lại, Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch “vũ trang cho Việt Nam”. Vào tháng 11/2024, Mỹ đã bàn giao lô máy bay huấn luyện T-6C đầu tiên cho Việt Nam, đây là lô vũ khí có quy mô lớn nhất từng được chuyển giao cho Việt Nam trong lịch sử.
Tính đến nay, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có chuyến thăm trực tiếp, nhưng trong cuộc điện đàm giữa hai bên vào ngày 7/2 năm nay, Mỹ đã cam kết sẽ huy động nguồn lực để làm sạch khu vực bị nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật, rà phá bom mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam và hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Các dự án hợp tác này, mặc dù giúp cả hai bên gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, nhưng mang tính biểu tượng nhiều hơn và nhằm mục đích cải thiện hình ảnh của Mỹ tại Việt Nam hơn là tăng cường năng lực quân sự của Việt Nam về thực chất.
Trước những “cám dỗ” quân sự từ Mỹ, Việt Nam kiên định với chính sách quốc phòng “Bốn không” (không ủng hộ nước này chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Khi tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã nêu rõ bốn nguyên tắc “không liên minh, không bành trướng, không khiêu khích, không phụ thuộc” và khẳng định chiến lược tự chủ.
Tuy tiếp nhận trang thiết bị từ Mỹ nhưng Việt Nam từ chối ký bất kỳ thỏa thuận liên minh quân sự nào. Sau khi quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2023, phía Việt Nam vẫn nhấn mạnh “quan hệ Trung-Việt là ưu tiên hàng đầu”, đồng thời tăng cường đối thoại quốc phòng với Trung Quốc, thể hiện sự khôn ngoan trong chính sách ngoại giao cân bằng.
Mặc dù tìm kiếm “sự lên tiếng ủng hộ” từ Mỹ trong hoạt động xây dựng đảo và phát triển tài nguyên ở Biển Đông, nhưng Việt Nam vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập định vị mới cho quan hệ hai nước thông qua khái niệm cộng đồng chung vận mệnh mang ý nghĩa chiến lược vào cuối năm 2023, bất chấp những biến động về nhân sự cấp cao, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay sau khi nhậm chức vào tháng 8/2024 đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và quan hệ hai nước nồng ấm chưa từng có. Ông đã nhiều lần thể hiện bằng hành động thực tế rằng “những khác biệt trên biển không cản trở sự hợp tác”, điều này về bản chất đã làm suy yếu ý đồ kích động đối đầu trong khu vực của Mỹ, qua đó phản ánh lập trường thực dụng của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Dựa trên hai khía cạnh đã phân tích ở trên, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ và việc bán vũ khí không làm thay đổi lập trường thận trọng của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, do sự cảnh giác của Việt Nam đối với lịch sử Chiến tranh Việt Nam (chẳng hạn như vấn đề di sản “chất độc màu da cam”), sự thiếu hụt niềm tin càng trở nên sâu sắc. Vì vậy, “mồi câu” hợp tác quân sự mà Mỹ tung ra đã trở thành “mong muốn một chiều”, trong khi Việt Nam đã biến các tương tác quân sự thành con bài mặc cả thông qua “ngoại giao cây tre”, cho phép nước này vừa có được nguồn tài nguyên mà không mất đi quyền tự chủ. Điều này đã khiến ý tưởng “NATO phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ trở thành viển vông.
Lợi ích ràng buộc từ hợp tác kinh tế dần mất hiệu quả
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD vào năm 2024). Các doanh nghiệp lớn như Intel và Apple đã đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cố gắng thiết lập mối quan hệ “lợi ích cộng sinh” và ràng buộc Việt Nam thông qua đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại thất thường của chính phủ Mỹ dưới thời cả hai đảng đã khiến việc lôi kéo kinh tế thông qua sự phụ thuộc vào thị trường và sự chuyển dịch chuỗi công nghiệp trở nên kém hiệu quả.
Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ thúc đẩy Việt Nam tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn và năng lượng sạch, nhưng mức độ đầu tư thực tế vẫn còn hạn chế. Ngoài các sản phẩm thuộc phân khúc cao, mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào công nghệ Mỹ là không cao và nước này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong các lĩnh vực trọng yếu. Do đó, mặc dù Mỹ đã mời Việt Nam tham gia IPEF, nhưng những cam kết mơ hồ của họ khiến Việt Nam cảm thấy rằng đó chỉ là “lời nói suông”.
Ngoài ra, chính sách thuế quan của Trump đã gây ra tác động không nhỏ tới Việt Nam, nhưng Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho điều này. Trong bài phỏng vấn với tạp chí điện tử Guancha vào ngày 7/11/2024, học giả Việt Nam Nguyễn Thường Lương đã dự đoán trước điều này. Ông kiến nghị:
“Nếu Trump thắng, có thể coi đây là chất xúc tác quan trọng để mở rộng quy mô thương mại Việt-Mỹ, thậm chí có thể hình thành tam giác thương mại đặc biệt giữa Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á, Mỹ có thể tăng cường đầu tư (vào Việt Nam) để cạnh tranh với Trung Quốc. Việt Nam có cơ hội thu được lợi ích to lớn trong mối quan hệ cạnh tranh này.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thiếp lập cơ chế cảnh báo để ứng phó với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ, xây dựng chiến lược ứng phó với tình trạng hàng hóa từ các đối tác khác gặp trở ngại, đồng thời thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ. Việc hợp tác với các đối tác kinh doanh Mỹ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách bảo hộ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện công nghệ, tiếp cận các mô hình kinh doanh mới và thích nghi hiệu quả với các hình thức rào cản bảo hộ thương mại khác nhau.”
Việt Nam cũng đang kiên định với chiến lược “phi Mỹ hóa” để đột phá. Một mặt, Việt Nam giảm thiểu rủi ro kinh tế từ Mỹ thông qua hợp tác đa dạng. Trước hết, Việt Nam tích cực thúc đẩy hội nhập chiến lược quốc tế và đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa khu vực. Việt Nam đã tích cực tham gia RCEP và CPTPP, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2025 tăng 12% và sang Ấn Độ tăng 18%, qua đó làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào một thị trường duy nhất.
Mặt khác, Việt Nam cũng đang thúc đẩy kế hoạch “Công nghiệp 4.0” nhằm đạt được mục tiêu tự chủ nâng cấp chuỗi công nghiệp, thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào lĩnh vực chất bán dẫn và đầu tư từ Hàn Quốc vào ngành xe điện, qua đó giảm sự phụ thuộc vào con đường duy nhất với Mỹ. Việc thiếu những ưu đãi thực chất trong hợp tác kinh tế với Mỹ đã khiến Việt Nam áp dụng chiến lược “gắn kết đa phương” để phá vỡ ràng buộc, khiến cho ý tưởng của Mỹ về “trục kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trở thành “kế hoạch trên giấy”.
Chiến lược ứng phó do Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tại Việt Nam đề xuất chỉ ra rằng “cần tăng cường hỗ trợ phát triển công nghiệp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và từng bước nắm quyền kiểm soát chuỗi giá trị. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu không chỉ làm tăng chi phí mà còn khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước những thay đổi bên ngoài”. Ông cũng khuyến nghị thiếp lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các tổ chức quốc tế để cùng xây dựng kế hoạch ứng phó, tăng cường công tác dự báo và hoạch định chiến lược.
Giá trị Mỹ không được đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam
Trước tiên, quan hệ Việt-Mỹ vẫn tồn tại những vết sẹo lịch sử và sự thiếu hụt lòng tin. Mỹ đang cố gắng sử dụng sức mạnh mềm văn hóa để xóa nhòa ký ức về Chiến tranh Việt Nam và khởi động các chiến dịch “quan hệ công chúng khủng hoảng” để giải quyết các vấn đề còn sót lại từ chiến tranh. Mỹ đã cam kết hỗ trợ rà phá bom mìn chưa nổ từ Chiến tranh Việt Nam và tuyên truyền “các giá trị dân chủ” để giành được sự ủng hộ của giới trẻ Việt Nam, nhưng di sản của “chất độc màu da cam” từ chiến tranh đôi khi vẫn khơi dậy tâm lý chống Mỹ mạnh mẽ trong công chúng.
Thêm vào đó, còn có một khoảng cách tự nhiên về ý thức hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Việt Nam kiên định với chế độ xã hội chủ nghĩa, từ chối “sự xâm nhập văn hóa”, coi “chống diễn biến hòa bình” là một trong những biện pháp ứng phó với bốn cuộc khủng hoảng chính và luôn cảnh giác với “thúc đẩy dân chủ” kiểu Mỹ.
Thứ hai, trong công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam luôn nhấn mạnh “đổi mới mà không thay đổi bản sắc, hòa nhập mà không hòa tan”, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai bằng văn hóa truyền thống và chủ nghĩa thực dụng.
Việt Nam khéo léo trong việc kết hợp các chiến lược ngoại giao mềm dẻo với sự bền bỉ của đất nước, chấp nhận đầu tư nước ngoài mà không đánh mất tính chủ động. Chẳng hạn, nước này cho phép Starlink triển khai nhưng giám sát chặt chẽ chủ quyền dữ liệu, qua đó củng cố nền tảng văn hóa của “ngoại giao cây tre”. Việt Nam bác bỏ những giá trị đi ngược với toàn cầu hóa kinh tế thị trường, bảo đảm sự phát triển song hành giữa kinh tế và văn hóa, kinh tế không gây tổn hại đến văn hóa và văn hóa cũng không cản trở sự phát triển kinh tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã lần lượt thành lập nhiều cơ quan chuyên trách để chống lại “diễn biến hòa bình” và sự xâm nhập ý thức hệ của các thế lực thù địch, bao gồm Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hoá (gọi tắt là BCĐ 94), Ban Chỉ đạo 609 của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương 213 về chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa – văn học – nghệ thuật.
Một lần nữa, Việt Nam ủng hộ sự đa dạng và chủ nghĩa đa nguyên trong ngoại giao văn hóa. Văn hóa Việt Nam đề cao tính tập thể, giá trị gia đình và sự hòa hợp xã hội, trong khi văn hóa Mỹ thiên về chủ nghĩa cá nhân, tự do và cạnh tranh. Sự khác biệt về giá trị văn hóa này khiến các giá trị Mỹ khó được tiếp nhận rộng rãi trong xã hội Việt Nam.
Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN và đã cân bằng được ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, tránh phụ thuộc quá mức vào văn hóa của một quốc gia đơn nhất thông qua sự hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Khi tiếp nhận văn hóa ngoại lai, Việt Nam có thái độ thực dụng, tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố có lợi cho sự phát triển của mình, đồng thời từ chối những nội dung có thể gây tổn hại đến văn hóa bản địa.
Dựa trên ba điểm trên, sự thâm nhập của văn hóa Mỹ đạt được hiệu quả rất thấp do trở ngại kép của gánh nặng lịch sử và bản sắc địa phương. Việt Nam đã xây dựng được tuyến phòng thủ chiến lược vững chắc dựa trên niềm tự hào văn hóa.
Kết luận: Sự phá sản của logic bá quyền và thắng lợi của chủ nghĩa đa phương
Ý đồ của Mỹ nhằm sử dụng Việt Nam làm đòn bẩy cho cuộc đối đầu trong khu vực đã bị ngăn chặn, đây về bản chất là kết quả tất yếu của cuộc xung đột cơ bản giữa tư duy bá quyền và thực tế khu vực. Điều này xuất phát từ mâu thuẫn về mặt cấu trúc giữa hai bên: Mỹ theo đuổi “an ninh tuyệt đối” và “trật tự đơn cực”, trong khi Việt Nam và các nước ASEAN theo đuổi chiến lược “phòng ngừa” và từ chối trở thành quân cờ trong cuộc chơi giữa các cường quốc.
Trong bối cảnh phân rã của toàn cầu hóa, xu hướng khu vực hóa chuỗi cung ứng và đa dạng hóa văn hóa là điều không thể đảo ngược. Chính sách “sân nhỏ tường cao” của Mỹ đi ngược lại quy luật kinh tế và nguyện vọng của người dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trường hợp của Việt Nam cho thấy, các nước vừa và nhỏ hoàn toàn có thể bảo vệ được lợi ích của mình trong cuộc chơi giữa các cường quốc thông qua ngoại giao linh hoạt và hợp tác đa chiều. Nếu tiếp tục bám vào logic bá quyền, Mỹ không chỉ khó đạt được mục tiêu của “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà còn đẩy nhanh quá trình suy giảm ảnh hưởng của chính mình. Trật tự tương lai châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ là thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và sự phát triển chung, chứ không phải màn độc diễn của một siêu cường nào đó.