Nguồn: Liana Fix và Michael Kimmage, “What If America Abandons Ukraine?,” Foreign Affairs, 01/05/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Rủi ro lớn nhất có lẽ là đối với phần còn lại của Châu Âu.
Tổng thống Donald Trump thích sự linh hoạt. Không nao núng khi hướng đi thay đổi, ông không thích bị ràng buộc bởi tiền lệ trong quá khứ, hoặc bởi chính những lời hứa của mình. Dù ông đã cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, và dù Washington vừa ký một thỏa thuận với Kyiv, theo đó cấp cho Mỹ một phần doanh thu trong tương lai từ trữ lượng khoáng sản của Ukraine, Trump vẫn có thể quyết định rời khỏi đất nước này hoàn toàn nếu ông không đạt được giải pháp hòa bình mà ông hướng tới. Văn bản cuối cùng của thỏa thuận khoáng sản vẫn chưa được công bố, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nó bao gồm các đảm bảo an ninh cho Ukraine. Với cương vị là Tổng Tư lệnh, Trump có thể giảm thiểu sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine một cách đột ngột và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một Ukraine bị Mỹ đẩy sang bên lề sẽ không phải là một Ukraine bị bỏ rơi. Sau ba năm chiến tranh, hàng chục quốc gia hiện đang ủng hộ quân đội ngày càng có năng lực của Ukraine. Không đồng minh nào có thể thay thế Mỹ, nhưng sự hợp lực của tất cả các đồng minh sẽ tạo nên điểm khác biệt: Mỹ không thể chấm dứt chiến tranh chỉ bằng cách rời đi. Dù Ukraine sẽ phải chật vật giữ vững phòng tuyến khi không có sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng Nga vẫn không có con đường dễ dàng nào để giành chiến thắng. Rủi ro thực sự của việc Mỹ đột ngột rút hỗ trợ không phải là Ukraine sẽ sụp đổ ngay lập tức, mà là việc các quốc gia châu Âu riêng lẻ có thể mất đi ý chí chính trị để chống lại Nga.
Nếu Mỹ từ bỏ Ukraine, châu Âu sẽ phải chịu nhiều bất hạnh. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ kết luận rằng sau khi đã cống hiến hết mình cho việc bình thường hóa quan hệ với Moscow, Washington sẽ chẳng còn hứng thú với việc cung cấp sự răn đe đáng tin cậy mà nước này đã cung cấp trong nhiều thập kỷ. Họ sẽ xem việc chính quyền Trump từ bỏ Ukraine là bước đầu tiên để hướng tới một châu Âu hậu Mỹ, nếu không muốn nói là một thế giới hậu Mỹ. Trong bối cảnh này, Moscow có thể bị cám dỗ để đe dọa châu Âu phải khuất phục, và một số nước châu Âu có thể chọn cách xoa dịu thay vì mạo hiểm với cơn thịnh nộ của Nga.
PHÒNG THỦ
Vì Chính quyền Trump khó có thể tán thành một gói hỗ trợ bổ sung khác cho Ukraine, nên trong những tháng tới, số lượng vũ khí và đạn dược chuyển từ Mỹ đến Ukraine sẽ giảm dần. Đúng là Trump đang tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Ukraine dưới hình thức thỏa thuận chia sẻ doanh thu, nhưng Mỹ vẫn có thể cắt giảm hoặc dừng các hỗ trợ nhắm mục tiêu và tình báo mà họ đang cung cấp. Dù Nga vẫn sẽ phải vật lộn để giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng họ cũng không phải lo lắng về việc thua cuộc. Họ có thể dựa vào chiến lược gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và khủng bố người dân Ukraine để khiến họ rời khỏi đất nước. Kyiv có nhân lực, vật lực, và sự hỗ trợ để duy trì chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ, nhưng các lực lượng Nga có thể chậm rãi tiến lên và dần dần giành lấy lãnh thổ, hoàn thành mục tiêu của Putin là đưa bốn khu vực của Ukraine vào tầm kiểm soát hoàn toàn của mình.
Vì không có khả năng giành được lợi thế tấn công, Ukraine sẽ khó mà kết thúc cuộc chiến theo cách của mình. Sau khi bảo vệ thành công Kyiv vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, Ukraine đã có những động thái táo bạo ở phía nam và phía đông, chiếm lại thành phố Kherson và giải phóng những vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Kharkiv. Tháng 7 năm ngoái, Ukraine thậm chí còn chiếm được một phần lãnh thổ của Nga ở khu vực Kursk. Nhưng theo thời gian, Ukraine đã cạn kiệt khả năng tấn công của mình, và Nga đã dần đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk. Ukraine thỉnh thoảng thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong lãnh thổ Nga, và việc họ làm suy yếu sức mạnh của Hải quân Nga ở Biển Đen là rất ấn tượng, nhưng Kyiv lại thiếu nhân lực và vật lực để chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn. Theo cách gần như không thể nhận ra, Ukraine đã lặng lẽ chuyển từ cuộc chiến rộng mở mà họ tiến hành vào năm 2022 và 2023 sang cuộc chiến phòng thủ mà họ tiến hành kể từ cuối năm 2024.
Khi vắng bóng Mỹ, sự hỗ trợ của các đồng minh còn lại sẽ rất quan trọng đối với Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã có sự đổi mới trong việc sử dụng chiến tranh máy bay không người lái, và các nước châu Âu sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự. Nhưng Ukraine sẽ phải chịu đựng sự thiếu hụt nghiêm trọng về phòng không, chống chọi với các cuộc tấn công bằng tên lửa trên khắp các tiền tuyến mà về cơ bản là không thể bảo vệ được. Kyiv sẽ phải phân chia định mức cho đạn dược và sẽ mất các nguồn thông tin cập nhật từng phút trên chiến trường. Ngay cả khi người châu Âu quyết định tăng cường hỗ trợ, việc nhắm mục tiêu sẽ cực kỳ khó khăn nếu không có các công nghệ của Mỹ.
Giới lãnh đạo Ukraine biết điều gì đang bị đe dọa và điều gì có thể mong đợi. Kyiv sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc nên bảo vệ lãnh thổ nào. Tuy nhiên, với lòng dũng cảm và năng lực của quân đội Ukraine cùng sự hỗ trợ liên tục từ các đồng minh còn lại, Nga không có con đường thực sự nào để tiến về phía trước ở Ukraine. Thương vong của người Nga sẽ không chấm dứt chỉ vì Mỹ từ bỏ Ukraine. Cuộc chiến sẽ vẫn là một sai lầm chiến lược đối với người Nga. Dù vậy, hành động từ bỏ của Mỹ sẽ gây gánh nặng lớn cho châu Âu, đặt ra câu hỏi về cam kết của Washington đối với các đồng minh châu Âu, và nhiều khả năng tạo ra căng thẳng leo thang giữa châu Âu và Nga.
MỘT CHÂU ÂU HẬU MỸ
Chính quyền Trump có thể nghĩ rằng số phận của Ukraine không liên quan gì đến tương lai của liên minh NATO. Trên thực tế, Ukraine là chốt chặn của an ninh châu Âu. Đất nước này là phòng thí nghiệm cho chính sách kiềm chế của thế kỷ 21, vốn là chính sách xuyên Đại Tây Dương ngầm đối với Nga kể từ năm 2022. Việc Mỹ rút khỏi Ukraine sẽ báo hiệu với Moscow rằng Washington không còn cam kết kiểm soát sự bành trướng quyền lực của Nga ở châu Âu nữa. Khi được bật đèn xanh, Nga sẽ bị cám dỗ muốn thử thách nền tảng của an ninh châu Âu, không nhất thiết phải thông qua xâm lược, mà là thông qua đe dọa và tống tiền.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nhắm vào một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu hoặc NATO mà ông cho là yếu hoặc có chia rẽ nội bộ, chẳng hạn như một trong những quốc gia vùng Baltic hoặc Romania. Ông có thể bịa ra một cuộc khủng hoảng, tuyên bố rằng một nhóm thiểu số nói tiếng Nga đang bị đàn áp ở quốc gia này, rồi thể hiện ý muốn leo thang bằng cách phô diễn tầm bắn của tên lửa Nga. Nếu Mỹ không muốn ủng hộ quốc gia mục tiêu, các cường quốc châu Âu lớn hơn – Pháp, Đức, và Anh – sẽ cần phải can dự. Nhưng nếu không có Mỹ, họ có lẽ không thể buộc Nga phải lùi bước. Kho vũ khí hạt nhân kết hợp của Anh và Pháp không đủ khả năng để ngăn cản Moscow tham gia vào hành động tống tiền sử dụng hạt nhân trước hoặc các mối đe dọa thông thường. Nếu không có một chiếc ô an ninh đáng tin cậy của Mỹ dành cho châu Âu, Nga sẽ xem NATO là một con hổ giấy.
Trong một châu Âu hậu Mỹ, Moscow sẽ thiết lập các quan hệ riêng lẻ với các nước châu Âu, đối đầu với một số nước bằng mối đe dọa lãnh thổ và các chiến thuật vùng xám (như các chiến dịch thông tin sai lệch), và thưởng cho những nước khác vì sự đồng thuận của họ bằng năng lượng giá rẻ. Tình cảnh này có thể thúc đẩy một số nước châu Âu theo đuổi sự trung lập hoặc thậm chí là quan hệ đối tác với Nga. Khi không còn bị một thế lực cân bằng như Mỹ kiểm soát, Putin có thể tái lập phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu. Và sau đó, liên minh bá quyền xuyên Đại Tây Dương – con rồng mà các nhà chiến lược Nga đã cố gắng tiêu diệt từ cuối những năm 1990 – sẽ không còn nữa.
Chắc chắn, Nga không có năng lực quân sự để chiếm nhiều lãnh thổ châu Âu bên ngoài Ukraine, và điều đó rất có thể không phải là ý định thực sự của Moscow. Nhưng bằng cách đe dọa và cám dỗ châu Âu, Putin có thể gây chia rẽ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương và làm suy yếu dự án châu Âu.
TRÁI TIM CỦA AN NINH CHÂU ÂU
Viễn cảnh về một nước Mỹ ít cam kết hơn đã gieo rắc nỗi sợ ở châu Âu, qua đó thúc đẩy chi tiêu quốc phòng cao hơn ở EU. Nhưng người châu Âu, bao gồm cả người Anh, vẫn chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc phòng thủ của chính họ. Họ không có ý chí chính trị để thực hiện một hành động chung. Họ thiếu tiền, phần cứng quân sự (đặc biệt là các yếu tố hỗ trợ quan trọng như khả năng tình báo và không vận), cũng như các cấu trúc chỉ huy và kiểm soát cần thiết cho bất kỳ hoạt động phòng thủ chung nào của châu Âu. Những khả năng này sẽ không sẵn sàng trong nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập kỷ, và chiếc ô hạt nhân của Pháp và Anh, ngay cả khi được mở rộng sang các nước châu Âu khác, cũng không thể sánh được với Nga. Chỉ có Mỹ mới có thể đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy.
Sau khi bị Mỹ bỏ rơi và thiếu một liên minh quốc phòng chỉ dành riêng cho châu Âu, một số quốc gia châu Âu có thể bị đe dọa phải ký các thỏa thuận với Moscow. Họ có thể tái lập quan hệ thương mại hoặc nhượng bộ các yêu cầu của Nga liên quan đến việc đồn trú quân đội và thiết bị quân sự của châu Âu. Hiện tại, ở châu Âu đã tràn lan các đảng phái chính trị sẵn sàng chiều theo Điện Kremlin để đạt được lợi ích ngắn hạn. Và vì kết quả mong muốn – khả năng tự vệ của châu Âu mà không có Mỹ – có thể cần hơn một thập kỷ để đạt được, nên các công dân có thể miễn cưỡng bỏ phiếu cho các chính trị gia hứa sẽ đầu tư vào quốc phòng ngay hôm nay.
Ngay cả các quốc gia sẵn sàng chống lại Nga vẫn có thể bị cám dỗ để từ bỏ các nỗ lực phòng thủ chung kéo dài của châu Âu để đổi lấy các thỏa thuận song phương ngắn hạn với Mỹ. Ba Lan đã yêu cầu Mỹ triển khai đầu đạn hạt nhân trên đất Ba Lan thay vì ở Tây Âu. Nếu một cuộc chạy đua tranh giành sự ủng hộ của Washington xảy ra, Trump sẽ thích thú khi để người châu Âu đối đầu với nhau. Theo thời gian, bối cảnh an ninh châu Âu có thể quay trở lại với tình trạng hỗn độn trước chiến tranh, bao gồm các thỏa thuận an ninh phức tạp và khó hiểu cùng các hiệp ước trấn an, ràng buộc một số quốc gia với nhau trong khi loại trừ những quốc gia khác. Giữa cảnh hỗn loạn, sự xuất hiện của một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia châu Âu là hoàn toàn có thể. Liệu EU có thể chịu được những diễn biến như vậy hay không, hoặc liệu EU có tồn tại được nếu không có NATO do Mỹ lãnh đạo hay không, vẫn là một câu hỏi mở. Một châu Âu mong manh và cay đắng sẽ chỉ có lợi cho Nga.
Để tránh nguy cơ chia rẽ và xung đột ở châu Âu, chính quyền Trump không nên đẩy Ukraine ra vùng ngoại vi của châu Âu. Cũng không nên chỉ nhìn nhận Ukraine dưới góc độ kinh tế. Thay vào đó, Washington nên xây dựng dựa trên thỏa thuận khoáng sản vừa được ký, và cam kết bảo vệ an ninh lâu dài cho Ukraine. Một Ukraine có chủ quyền và có khả năng tự vệ sẽ giúp ổn định toàn bộ khu vực – đây vốn là lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Kể từ khi giành được độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, Ukraine đã thường xuyên bị từ chối một vị trí quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008, liên minh đã hứa sẽ cho Ukraine gia nhập, nhưng lời hứa đã bị lãng quên một cách tàn nhẫn. Trong nhiều vòng đàm phán ngoại giao vào năm 2014 và 2015, sau khi Nga tiếp quản Crimea và xâm nhập vào khu vực Donbas của Ukraine, Pháp và Đức đã dành nhiều nỗ lực vào việc chấm dứt xung đột một cách hời hợt, hơn là giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh khu vực. Hậu quả là, chỉ tám năm sau, Nga đã phát động một cuộc xâm lược tàn bạo, gây ra những gợn sóng bất an trên khắp châu Âu. Ngày nay, tình trạng của Ukraine chắc chắn nằm ở trung tâm của an ninh châu Âu.
Nếu không có Mỹ bên cạnh ở Ukraine, châu Âu sẽ phải đối mặt với những lựa chọn bất khả thi. Các nước châu Âu sẽ phải lấp đầy khoảng trống trong các khoản đầu tư an ninh và quốc phòng của chính họ, cũng như của Ukraine. Nguồn lực hạn chế hoặc áp lực từ Washington nhằm điều chỉnh quan hệ với Moscow có thể khiến châu Âu cắt giảm hỗ trợ cho Kyiv, và làm suy yếu an ninh lâu dài của chính họ trong quá trình này. Hơn nữa, việc Mỹ từ bỏ Ukraine sẽ làm phức tạp thêm khả năng răn đe Nga của NATO. Hiện tại, Moscow đang bị trói buộc ở Ukraine và không đủ khả năng theo đuổi các nỗ lực bành trướng hơn nữa. Nhưng nếu chính quyền Trump quyết định rằng Ukraine không xứng đáng với quan hệ đối tác và hợp tác của Mỹ, thì tham vọng của Putin sẽ chỉ tăng lên – cùng với đó là chi phí răn đe Nga trong tương lai. Nếu Washington quay lưng với Ukraine ngay lúc này, châu Âu có thể trở thành cuộc khủng hoảng nuốt chửng nhiệm kỳ thứ hai của Trump.
Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn sách “Germany’s Role in European Russia Policy: A New German Power?”
Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là tác giả cuốn sách “The Abandonment of the West: The History of an Idea in American Foreign Policy.”