Bộ Quốc phòng Mỹ ám ảnh với cuộc chiến xoay quanh Đài Loan

Nguồn: James Palmer, “The Pentagon Fixates on War Over Taiwan”, Foreign Policy, 06/05/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Giữa lúc giới lãnh đạo quân sự Mỹ lo ngại về Trung Quốc, Tổng thống Trump lại xem nhẹ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tiêu điểm tuần này: Quân đội Mỹ ưu tiên ngăn chặn một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan; Điện Kremlin xác nhận về chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Bắc Kinh xem xét việc đàm phán về fentanyl với Washington như một giải pháp hạ nhiệt thuế quan.

Lầu Năm Góc chú tâm đến kịch bản xung đột ở Đài Loan

Bộ Quốc Phòng Mỹ đang ngày càng chú tâm hơn đến một cuộc xung đột giả định với Trung Quốc – cùng lúc khi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm suy yếu các liên minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đã vạch ra kế hoạch tái cấu trúc quân đội Mỹ nhằm chuẩn bị cho các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, thay vì các cuộc chống nổi dậy lẻ tẻ. Một bản ghi nhớ chỉ đạo nội bộ từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, có vẻ như được xây dựng dựa trên “Dự án 2025” của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), đã xác định Trung Quốc là “mối đe doạ gia tăng duy nhất” đối với Mỹ. Ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan là ưu tiên hàng đầu và theo đó, Mỹ được cho là sẽ “chấp nhận rủi ro ở những chiến trường khác”.

Kế hoạch tái cấu trúc này lấy cảm hứng từ cuộc cải tổ gây tranh cãi của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ vào năm 2020, trong đó chuyển hướng lực lượng này từ trọng tâm linh hoạt chiến thuật sang một lực lượng tác chiến “nhảy cóc đảo” (island hopping – chiếm từng đảo theo tuần tự) phục vụ cho cuộc xung đột ở Thái Bình Dương. Nhưng chiến lược này chỉ hợp lý nếu người ta tin rằng Trung Quốc xâm lược Đài Loan là điều không thể tránh khỏi trong vài năm tới, kéo theo một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ.

Sự hình dung này đã trở thành một nỗi ám ảnh ở Washington suốt nhiều năm qua. Chỉ mới tuần trước, Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã nêu ra khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan vào năm 2027 – năm đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Cấp dưới của Paparo, tướng Ronald Clark, đã lặp lại mối lo ngại tương tự trong một phỏng vấn gần đây. Điều đáng ghi nhận là Paparo đã phát biểu một cách chính xác rằng thực ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa từng ra lệnh cho PLA xâm lược Đài Loan trong năm 2027, thay vào đó, ông Tập chỉ yêu cầu PLA phải sẵn sàng thực hiện “việc ấy” trước thời điểm đó.

Yêu cầu của ông Tập đối với PLA nghe có vẻ nguy hiểm, nhưng chúng không nhất thiết ngụ ý gì về nguy hiểm trước mắt. Các nước có thể nói suông suốt hàng thập kỷ về việc chiếm đoạt lãnh thổ và rồi đột nhiên hành động – như trường hợp Nga ở Ukraine, hay Argentina ở quần đảo Falkland. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường viện dẫn Đài Loan như một phép hoán dụ cho năng lực sẵn sàng chiến đấu của PLA, và đe doạ Đài Loan phần nào là một sự cần thiết về mặt chính trị đối với mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ dường như chưa xem xét đến những sự kiện gần đây – đặc biệt là đại dịch COVID-19 và cuộc thanh trừng quân đội Trung Quốc đang diễn ra do nạn tham nhũng tràn lan – có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch cải tổ và ngân sách của PLA, tất cả những yếu tố này đều có thể làm trì hoãn mốc thời gian 2027.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự riêng của ông Trump có vẻ như khác biệt với các “diều hâu Trung Quốc” trong chính quyền. Tổng thống Trump “tự tin” rằng ông Tập sẽ không xâm lược Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent. Bất chấp sự thay đổi chiến lược của Lầu Năm Góc, bản thân ông Trump lại không mấy chú tâm đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, liên tục bác bỏ tầm quan trọng của Đài Loan và cố gắng ép các đồng minh của Mỹ đóng góp tài chính cho hỗ trợ quốc phòng.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang đi trên một lằn ranh mong manh, giữa một bên là dàn xếp với ông Trump – vừa dàn xếp trực tiếp, vừa thông qua các nhượng bộ thương mại tiềm năng – bên kia là đối phó với nhóm cử tri trong nước, những người đang bức xúc trước những hành động khó hiểu của Washington. Cuộc bầu cử tại Úc vào ngày 3 tháng 5 cho thấy sự khước từ thẳng thừng đối với chủ nghĩa Trump – đây là một điều đáng lo ngại, nếu xét đến vai trò hậu cần then chốt của Úc trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc, và xét đến triển vọng của thoả thuận tàu ngầm giữa Úc, Anh và Mỹ.

Dù vậy, những hành động đe doạ về mặt quân sự của Bắc Kinh có thể khiến các quốc gia quay lại với Washington. Gần đây, Trung Quốc có phần kiềm chế giọng điệu ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, nhưng đã tham gia tranh chấp trên biển với Philippines và Việt Nam, đồng thời đe doạ các nước đứng về phía Mỹ trong thương chiến.

Xét cho cùng, một châu Á – Thái Bình Dương ngày càng chia rẽ có thể sẽ không có lợi cho ông Trump. Mỹ cần đồng minh ở châu Á hơn là Trung Quốc cần họ; đến năm 2027, nhiều quốc gia có lẽ sẽ tránh chọn phe giữa hai phe siêu cường vốn đều không đáng tin và hiếu chiến như nhau.

Tin tức được quan tâm

Chuyến thăm Nga của ông Tập. Điện Kremlin đã xác nhận hôm Chủ Nhật rằng ông Tập sẽ thăm Nga từ thứ Tư, thời gian được sắp xếp trùng dịp Nga kỷ niệm ngày Thế chiến II kết thúc ở châu Âu, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng. Đây sẽ là chuyến thăm thứ 11 của ông Tập đến Nga trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc – con số này nhiều hơn gấp đôi số lần ông Tập thăm bất cứ quốc gia nào khác.

Ngày Chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt vì cả Nga và Trung Quốc đều xem những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và vị thế của mình trong trật tự toàn cầu hiện nay được hậu thuẫn bởi những thắng lợi của họ trong Thế chiến II. Đối với Trung Quốc, điều này lại có phần châm biếm, bởi chính Trung Hoa Dân Quốc, chứ không phải Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, mới là một phần của các cường quốc thuộc phe Đồng Minh và nắm giữ ghế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến năm 1971.

Vì vậy, chuyến thăm của ông Tập là một hành động mang tính biểu trưng nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine – đặc biệt hơn khi diễn ra trong bối cảnh Kyiv tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh trực tiếp viện trợ cho Moscow.

Đàm phán về fentanyl có thể diễn ra. Trung Quốc đang cân nhắc đề xuất khởi động đàm phán với Mỹ về vấn đề fentanyl như một “lối thoát” tiềm năng trước các mức thuế quan của ông Trump, tờ Wall Street Journal cho hay. Dù vẫn còn sớm nhưng Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), được cho là đã tìm cách tiếp cận các quan chức của ông Trump để đàm phán.

Cả Mexico và Canada đều đã ngăn chặn được một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ vào tháng 2, bằng cách đưa ra cho Trump những nhượng bộ lấy lệ trong vấn đề fentanyl.

Tuy nhiên, Trung Quốc rất nhạy cảm trước những cáo buộc buôn lậu ma tuý, bởi một phần quan trọng trong huyền thoại dân tộc của họ gắn liền với vai trò của các tay buôn nước ngoài trong thời kỳ các cuộc Chiến tranh Nha phiến, cùng với đó là lập trường chống ma tuý cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Đảng từng trồng và buôn bán thuốc phiện để có nguồn hỗ trợ tài chính trong những năm 1930 – 1940, nhưng đây là một chủ đề cấm kị).

Để tìm ra một lập trường chấp nhận được với cả ông Trump lẫn ông Tập quả thực rất khó.

Công nghệ và Kinh doanh

Tác động của thuế quan lộ diện. Sự sụp đổ chậm rãi trong giao thương với Trung Quốc sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật ở Mỹ trong tháng này, đặc biệt khi lượng hàng hoá vận chuyển sụt giảm mạnh phản ánh trên những kệ hàng siêu thị. Hai gã khổng lồ thương mại điện tử, Temu và Shein, đang trải qua tình trạng nguy cấp ở Mỹ – nơi trước đây từng là thị trường lớn nhất của họ – và nay đang phải chuyển hướng sang châu Âu.

Tác động của giá cả đối với người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ rất lớn, và đáng kể nhất là điều này không thúc đẩy quá trình đưa sản xuất về nước như Trump hứa hẹn, mà ngược lại còn khiến ngành sản xuất trong nước rơi vào hỗn loạn. Khả năng Trump sẽ phải nhượng bộ trước áp lực lạm phát gia tăng, nhưng tác động đến trễ của quá trình vận chuyển toàn cầu vẫn sẽ để lại một khoảng trống lớn ngay cả khi, hoạt động vận chuyển được nối lại vào ngày mai.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đối mặt với vòng xoáy giảm phát khi hàng hoá tràn vào một thị trường nội địa chưa kịp trở tay, một thị trường mà ở đó công chúng vẫn còn e ngại chi tiêu. Các xưởng Trung Quốc hiếm khi đóng cửa hoàn toàn hoặc sa thải nhân công – một phần vì luật lao động Trung Quốc khiến việc sa thải trở nên khó khăn nếu không có sự chấp thuận từ chính quyền địa phương – thay vào đó, họ giảm giờ làm và cắt ca.

Một chiếc máy đánh chữ không ai ngờ đến. Vào thứ Sáu tuần trước, Đại học Stanford thông báo rằng họ đã mua lại được nguyên mẫu chiếc máy đánh chữ MingKwai (Minh Khoái), phiên bản bàn phím đầu tiên cài đặt tiếng Trung. Chiếc máy vốn được cho là đã thất lạc từ lâu, nhưng được tìm thấy trong một tầng hầm ở New York vào năm nay.

Những chiếc máy đánh chữ tiếng Hoa đã đóng vai trò then chốt trong việc đưa các ngôn ngữ dựa trên kí tự (character-based languages) thích nghi với kỷ nguyên hiện đại, từ đó đặt nền móng cho sự bùng nổ của ngành tin học tiếng Trung vào thập niên 1980 và hình thành nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồ sộ của Trung Quốc ngày nay.

Trình Dương Dương (Yangyang Cheng), một nhà vật lí Trung Quốc, đã viết hôm thứ Sáu rằng máy MingKwai được phát minh vào năm 1947 bởi ông Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang), một nhà văn Trung Quốc từng rất nổi tiếng, người đã dành phần lớn cuộc đời mình ở Mỹ và cố gắng định vị bản thân như một cầu nối giữa hai nền văn hoá.

Tuy nhiên, Tiền Chung Thư (Qian Zhongshu), người cùng thời với ông Lâm, lại vẽ nên một bức chân dung không mấy thiện cảm. Trong tiểu thuyết Cat (Con Mèo), ông Tiền mô tả một nhân vật là chân dung bóng gió của ông Lâm, một người đã xuất bản“nhiều bài luận về tính cách dân tộc Trung Hoa, trong đó liệt kê những bản năng phổ quát của con người và rồi gán tất thảy chúng là đậm chất Trung Hoa không tả nổi”.