Nguồn: Heidi Crebo-Rediker, “America’s Most Dangerous Dependence”, Foreign Affairs, 07/05/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
Washington cần đảm bảo nguồn cung khoáng sản quan trọng mà Trung Quốc không kiểm soát
Trước thềm Thế chiến II, Mỹ đã trở nên quá phụ thuộc đến mức nguy hiểm vào nguồn nhập khẩu khoáng sản và kim loại quan trọng từ nước ngoài – mặc dù các quan chức đã cảnh báo về sự mong manh của chuỗi cung ứng này cả thập kỷ trước đó. Quốc hội đã thông qua đạo luật thành lập Kho Dự trữ Quốc phòng vào năm 1939. Nhưng khi Mỹ bước vào chiến tranh một năm sau, quy mô và tính cấp bách của nhu cầu quốc phòng ngay lập tức đã vượt xa đáng kể năng lực khai thác và sản xuất trong nước, cũng như kho dự trữ vũ khí mới.
Tổng thống Franklin Roosevelt đã phải nhanh chóng chuyển quyền kiểm soát kho dự trữ cho một cơ quan mới thành lập – Công ty Dự trữ Kim loại, do các nhà công nghiệp dân sự điều hành – cơ quan này đã lùng sục khắp thế giới để mua hoặc đổi bất cứ thứ gì có thể từ bất cứ đâu với bất kỳ giá nào. Để duy trì nền kinh tế thời chiến, các cơ quan chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân cũng mở rộng hoạt động khai thác và tinh chế trong nước, nghiên cứu chế tạo vật liệu tổng hợp thay thế và tài trợ cho các tiến bộ công nghệ để cải thiện hiệu quả và năng suất của các mỏ. Mặc dù Mỹ đã giành chiến thắng quyết định trong cuộc chiến, nhưng sự thiếu chuẩn bị của đất nước đã dẫn đến chi tiêu khẩn cấp quá mức khi phải cạnh tranh với các cường quốc phe Trục để giành lấy các vật liệu quan trọng và gây ra sự chậm trễ tốn kém trong việc tăng cường sản xuất xe tăng, máy bay và đạn dược. Washington đã phải dựa vào các nguồn khoáng sản và kim loại từ nước ngoài đầy rủi ro và chưa được kiểm chứng, đồng thời sử dụng các tuyến vận chuyển dễ bị tấn công.
Ngày nay, Mỹ đang ở trong một tình thế tương tự như những năm cuối thập niên 1930. Các quan chức chính phủ và các nhà phân tích độc lập từ lâu đã nhận ra rằng Mỹ một lần nữa đang quá phụ thuộc đến mức nguy hiểm vào các đối thủ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, về các khoáng sản, kim loại và nguyên tố đất hiếm quan trọng. Những tài nguyên này – vốn là đầu vào then chốt trong các công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng năng lượng và hệ thống quốc phòng – đóng một vai trò sống còn đối với nền kinh tế thời bình và an ninh quốc gia của Mỹ. Trong thập kỷ qua, Washington đã thực hiện một số bước đi có ý nghĩa để giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của đất nước.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn còn quá khiêm tốn. Nếu một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, ví dụ như ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn có thể ngừng xuất khẩu tất cả các vật liệu quan trọng sang Mỹ và các đồng minh của nước này. Không giống như năm 1940, đối thủ quân sự chủ yếu hiện tại của Mỹ lại chính là quốc gia sản xuất phần lớn các khoáng sản và nguyên tố đất hiếm cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất hệ thống quốc phòng và công nghệ tiên tiến – và kiểm soát tới 90% hoạt động chế biến các vật liệu này trên toàn thế giới.
Trong khi đó, trong 15 năm qua, Bắc Kinh đã cho thấy họ sẵn sàng sử dụng vị thế gần như độc quyền trong việc cung cấp và tinh chế các tài nguyên chiến lược để trừng phạt các đối thủ của mình. Ví dụ, vào năm 2010, Trung Quốc đã cắt nguồn cung một số nguyên tố đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp về cái mà họ gọi là quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku). Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, nguyên tố đất hiếm và công nghệ tinh chế độc quyền sang Mỹ để trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và thuế quan do chính quyền Biden và Trump áp đặt. Nếu không có phản ứng khẩn cấp ngay hôm nay để “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng của mình, Mỹ có thể sẽ không có cách nào để đối phó thỏa đáng với sự kìm kẹp của Trung Quốc trong tương lai.
Tự trói chân mình
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Bộ Quốc phòng Mỹ xác định rằng 99% kho dự trữ quốc phòng quốc gia các khoáng sản và nguyên tố đất hiếm quan trọng – mà ở đỉnh điểm có giá trị gần 42 tỷ USD (đã điều chỉnh theo lạm phát) – là dư thừa. Do đó, Bộ Quốc phòng đã bán hết chúng, chuyển sang mô hình tìm nguồn cung ứng toàn cầu “vừa đúng lúc”. Trong khoảng ba thập kỷ vừa qua, sự tự mãn của Washington và tham vọng chiến lược của Bắc Kinh nhằm thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng và nguyên tố đất hiếm đã giúp Trung Quốc xây dựng được một mạng lưới khai thác toàn cầu và gần như độc quyền trong khâu tinh chế và chế biến những vật liệu này. Bắc Kinh đã đầu tư vào các mỏ ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh, đồng thời xây dựng các cơ sở khai thác, tinh chế, sản xuất và tái chế trong nước với chi phí thấp hơn so với các công ty Mỹ có thể quản lý, đặc biệt là do họ phải đối mặt với ít rào cản về môi trường và lao động hơn. Trung Quốc cũng phát triển các công nghệ độc quyền để cải thiện hiệu quả và năng suất, bao gồm cả các sản phẩm cuối cùng tiên tiến như pin, tuabin và vũ khí.
Các khoản đầu tư được trợ cấp của Trung Quốc đã đẩy nhiều đối thủ cạnh tranh dựa trên thị trường đến chỗ đóng cửa hoặc phá sản. Ngày nay, các công ty khai thác và tinh chế khổng lồ của Trung Quốc hoạt động mà không chịu nhiều áp lực phải duy trì khả năng sinh lời thương mại, không bị ràng buộc bởi nhiều hạn chế đối với các công ty được tài trợ bởi các nhà đầu tư và người cho vay tư nhân. Kết quả là, các công ty khai thác của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường, làm giảm giá hàng hóa toàn cầu và tiếp tục làm suy yếu các dự án thương mại.
Nhận thấy sự tổn thương của Mỹ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và thù địch, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã ký một loạt các sắc lệnh hành pháp để đảm bảo khả năng phục hồi lớn hơn trong thăm dò, khai thác, tinh chế, sản xuất và tái chế khoáng sản. Tổng thống Joe Biden sau đó đã khởi động một đánh giá toàn chính phủ về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở và đầu tư thêm nhiều vốn chính phủ vào chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng khi có nguồn vốn mới. Phần lớn khoản đầu tư này sử dụng các chương trình tài trợ hoặc cho vay của Bộ Năng lượng và Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950. Đạo luật đó cho phép tổng thống cấp vốn, cho vay và bảo lãnh vay, cũng như cam kết mua hàng cho các công ty trong nước, Canada, và gần đây hơn là Úc, để mở lại các mỏ cũ hoặc phát triển mỏ mới, xây dựng các cơ sở tinh chế và tái chế mới, đồng thời hỗ trợ sản xuất pin.
Những động thái này của Washington đã rót vốn cho nhà sản xuất mangan đạt tiêu chuẩn pin đầu tiên của Mỹ, cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm tích hợp đầy đủ đầu tiên, việc mở rộng quy mô khai thác và sản xuất lithium, và sự phát triển của chuỗi cung ứng than chì. Chính quyền Biden đã sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển việc khai thác vật liệu từ các nguồn phi truyền thống như chất thải khai thác và thiết kế các vật liệu thay thế mới; đồng thời, họ cũng hỗ trợ giai đoạn thương mại hóa ban đầu của những công nghệ mới này. Và ông Biden đã khởi động sáng kiến Đối tác An ninh Khoáng sản với các đồng minh đáng tin cậy để tiếp tục đảm bảo và đồng tài trợ cho các chuỗi cung ứng đa dạng hóa.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Trump đã ký một số sắc lệnh hành pháp nhằm tạo ra một chiến lược khoáng sản quan trọng tập trung hơn dưới Hội đồng Thống trị Năng lượng Quốc gia mới, đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án khai thác và tinh chế mới, mở cửa đất liên bang cho việc khai thác mới và mở rộng các công cụ đầu tư chính sách công nghiệp. Sắc lệnh hành pháp đầu tiên trong số này thừa nhận rằng “an ninh quốc gia và kinh tế” của Mỹ “hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng” bởi “sự phụ thuộc vào sản xuất khoáng sản của các cường quốc nước ngoài thù địch”. Ông cũng tìm cách đảm bảo các mỏ vật liệu quan trọng ở nước ngoài, nhắm mục tiêu vào Cộng hòa Dân chủ Congo, Greenland và Ukraine.
Nhưng các bước mà cả Biden và Trump đã thực hiện đều chưa đủ. Phong cách đơn phương của Trump đang khiến tương lai của Đối tác An ninh Khoáng sản của Biden trở nên rủi ro, vì quan hệ đối tác đòi hỏi sự tin tưởng. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại với các đồng minh giàu tài nguyên có thể đảm bảo nhiều cơ hội hơn để đồng tài trợ cho việc khai thác, tinh chế và sản xuất nam châm và pin ở hạ nguồn. Đến cuối cùng, chỉ có một số lượng hạn chế các quốc gia có tài sản địa chất để giúp đảm bảo chuỗi cung ứng vật liệu quan trọng hiện đại, và chính quyền Trump phải xác định cách tốt nhất để hợp tác với họ. Tuy nhiên, Mỹ phải làm nhiều hơn là chỉ khai thác và tinh chế. Washington có thể bắt kịp, nhưng chỉ khi họ cũng tăng cường dự trữ cho cả nhu cầu quốc phòng và dân sự quan trọng; sử dụng các công cụ tài chính mới sáng tạo để bảo vệ các khoản đầu tư thương mại của Mỹ; đưa ra các chính sách và tài trợ để khuyến khích sự phát triển của một ngành công nghiệp tái chế mạnh mẽ cho các khoáng sản và nguyên tố đất hiếm quan trọng; và hỗ trợ đầy đủ hơn cho nghiên cứu và phát triển.
Nguyên tắc đầu tiên
Nhiệm vụ có thể thực hiện ngay lập tức nhất là củng cố Kho Dự trữ Quốc phòng Quốc gia (NDS). Tính đến đầu năm 2023, NDS chỉ nắm giữ 1,3 tỷ USD tài sản, bao gồm 912 triệu USD giá trị khoáng sản dự trữ – còn không đủ đáp ứng một nửa yêu cầu ước tính của Lầu Năm Góc và chỉ bằng một phần mười những gì cần thiết cho cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Khoản thiếu hụt là 13,5 tỷ USD. Trong ngắn hạn, Quốc hội nên cấp ít nhất toàn bộ 13,5 tỷ USD để lấp đầy khoảng trống tài chính này, giải quyết cả thâm hụt quốc phòng và công nghiệp dân sự, đồng thời ưu tiên lưu trữ các khoáng sản dễ bị Trung Quốc sử dụng như vũ khí nhất.
Trên thực tế, kho dự trữ nên đưa ra một mức giá sàn cố định trong một khoảng thời gian nhất định mỗi tháng để mua các vật liệu có nguồn gốc trong nước, điều này sẽ mang lại cho các nhà sản xuất Mỹ sự chắc chắn về giá hơn. Sau khoảng thời gian cố định đó, để tiết kiệm tiền của người nộp thuế Mỹ, kho dự trữ nên có sự linh hoạt trong việc tìm kiếm và mua hàng với mức giá thấp nhất có thể trên thị trường toàn cầu, tận dụng việc bán phá giá và tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu của Trung Quốc. Mục tiêu trung hạn của Washington nên là khôi phục quy mô NDS về mức thời Chiến tranh Lạnh cho đến khi chuỗi cung ứng của nước này ít bị tổn thương hơn.
Mở rộng các chức năng của NDS là bước đầu tiên để bảo vệ chống lại các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc. Nhưng các công ty Trung Quốc lớn, được nhà nước trợ cấp không chỉ thống trị nguồn cung khoáng sản và nguyên tố đất hiếm quan trọng. Trung Quốc còn kiểm soát giá cả của chúng, và so với các hàng hóa khác như dầu thô, giá của nhiều khoáng sản quan trọng và hầu hết các nguyên tố đất hiếm đều kém thanh khoản và thiếu minh bạch. Trừ khi các sàn giao dịch tư nhân bắt đầu cung cấp sự rõ ràng về giá cả đầy đủ và các công cụ phòng ngừa rủi ro hợp lý, Mỹ phải triển khai các công cụ tài chính mới để các công ty khai thác và tinh chế dựa trên thị trường có thể phòng ngừa việc bán phá giá và tình trạng giá cả kém thanh khoản của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã sử dụng Tổng công ty Tín dụng Hàng hóa của Bộ Nông nghiệp để thực hiện một chức năng tương tự trong 22 thị trường hàng hóa nông sản, bảo vệ nông dân Mỹ khỏi hậu quả của sự biến động giá khi giá giảm xuống dưới mức đảm bảo.
Năm 2024, hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đề xuất Đạo luật Vật liệu Tương lai Quan trọng để hỗ trợ chế biến vật liệu quan trọng trong nước. Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ trao quyền cho Bộ Năng lượng khởi động các chương trình thí điểm để cung cấp giá sàn, cam kết mua hàng trước hoặc hợp đồng kỳ hạn cho các dự án đủ điều kiện tinh chế, chế biến hoặc tái chế nguyên liệu thô quan trọng thành các dạng tinh khiết phù hợp cho các ứng dụng sử dụng lần đầu. Với sự chắc chắn về giá tăng lên đó, các công ty có thể lập kế hoạch tốt hơn và dễ dàng đảm bảo vốn vay và vốn chủ sở hữu hơn. Dự luật cũng sẽ thành lập một Quỹ Luân chuyển Vật liệu Quan trọng tại Bộ Tài chính, quỹ này sẽ tái đầu tư lợi nhuận từ giá phục hồi vào các dự án mới.
Nhưng nếu Quốc hội không thể thông qua đạo luật như vậy, họ vẫn có các lựa chọn khác. Họ có thể ủy quyền cho Phòng Vật liệu Chiến lược thuộc Cơ quan Hậu cần Quốc phòng của Bộ Quốc phòng, cơ quan hiện đang quản lý NDS, triển khai các công cụ tương tự dưới sự hướng dẫn của Bộ Năng lượng và Bộ Tài chính. Tăng cường năng lực tài chính của cơ quan vốn đã chịu trách nhiệm mua, bán, lưu trữ và quản lý khoáng sản và nguyên tố đất hiếm quan trọng có thể giúp việc quản lý NDS phù hợp hơn với một chính sách công nghiệp rộng lớn hơn. Các tổ chức chính phủ khác cũng có thể được trao thêm quyền hạn và các công cụ tài chính mới. Những công cụ này nên hỗ trợ sự phát triển chuỗi cung ứng vật liệu quan trọng trong nước và bảo vệ các doanh nghiệp dựa trên thị trường thông qua việc mua cổ phần, cho vay hoặc bảo lãnh vay vốn, hoặc các công cụ tín dụng khác để đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Trump về sản xuất khoáng sản của Mỹ dự kiến mở rộng quyền hạn của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) để tài trợ cho các dự án khoáng sản quan trọng trong nước. Vì DFC sẽ được tái ủy quyền vào cuối năm nay, Quốc hội đã xem xét việc mở rộng phạm vi, quy mô và các công cụ tài chính hiện có của nó.
Từ rác thành “mỏ vàng”
Củng cố khả năng tiếp cận nguyên liệu thô của Mỹ chỉ là một mảnh ghép của vấn đề. Bất kể nguồn gốc từ đâu, hầu hết các khoáng sản quan trọng và gần như tất cả các nguyên tố đất hiếm đều được gửi đến Trung Quốc để tinh chế và chế biến. Điểm nghẽn này chính là điểm yếu chí tử của toàn bộ chuỗi cung ứng. Chính quyền Trump nên ưu tiên mở rộng năng lực tinh chế của Mỹ hơn là hỗ trợ các hoạt động khai thác mới. Nhưng vì các nhà máy tinh luyện tiêu thụ nhiều nước, có thể gây ra các mối nguy hiểm về môi trường và thường nằm gần đất của người bản địa, nên việc cấp phép cho các nhà máy tinh luyện mới sẽ vẫn khó khăn và tốn thời gian, ngay cả khi các cải cách dự kiến được thực hiện.
Tái chế là một giải pháp mạnh mẽ, dù chỉ là một phần, và nên được đề cập nhiều hơn trong các đề xuất của Trump. Không giống như nhiên liệu hóa thạch, nhiều khoáng sản quan trọng và nguyên tố đất hiếm có thể được thu hồi từ các thiết bị điện tử, pin đã qua sử dụng và thậm chí cả các hệ thống vũ khí. Mặc dù các phương pháp tái chế hiện tại không thể tạo ra đủ vật liệu chiến lược để thay thế những vật liệu được sản xuất từ các mỏ và cơ sở chế biến mới, nhưng tái chế có thể tạo ra một nguồn cung thứ cấp quan trọng. Ví dụ, vào năm 2022, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng đã khởi động một chương trình thu hồi germani – một nguyên tố cần thiết cho các ứng dụng công nghệ cao, quân sự và liên quan đến năng lượng – từ các hệ thống vũ khí và thiết bị nhìn đêm đã ngừng hoạt động. Hai năm sau, nỗ lực này đã giúp lấp đầy một khoảng trống nguy hiểm khi Trung Quốc cấm xuất khẩu germani sang Mỹ. Trong những năm tới, chương trình tái chế của DLA dự kiến sẽ đáp ứng mười phần trăm nhu cầu germani của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Nhưng năng lực tái chế các tài nguyên chiến lược của Mỹ vẫn tiếp tục tụt hậu so với Trung Quốc. Ví dụ, Bắc Kinh quy định rằng các nhà sản xuất pin phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời sản phẩm của họ, bao gồm cả việc tái chế. Liên minh châu Âu cũng đã thực hiện một quy định bắt buộc tái chế đối với các nhà sản xuất pin. Washington nên làm theo và chủ động hơn trong việc kết hợp tái chế vào chiến lược phục hồi của mình. Bộ Quốc phòng có thể được yêu cầu tái chế nhiều chất thải quân sự hơn, thứ có thể thu hồi được các khoáng sản, kim loại và nguyên tố đất hiếm quan trọng. Bộ Năng lượng đã khuyến nghị chính phủ áp dụng các yêu cầu tái chế cuối vòng đời đối với pin tương tự như các quy định mà Trung Quốc và EU áp đặt, nhưng để điều này xảy ra, Washington phải hỗ trợ tốt hơn sự phát triển của cơ sở hạ tầng tái chế khu vực tư nhân, thứ có thể giúp giảm chi phí.
Tư duy biện luận
Cuối cùng, Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ, lĩnh vực mà họ vốn đã xuất sắc. Các công ty Mỹ đã khai thác lithium từ các mỏ nước muối ở Chile trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây, sự đổi mới được chính phủ tài trợ đã hỗ trợ việc khai thác từ nước muối địa nhiệt ở California. Các công nghệ mới hơn đang cho phép khai thác lithium có hiệu quả thương mại từ nước thải ép vỡ thủy lực dầu khí, mở ra một nguồn tài nguyên nội địa khổng lồ và trước đây bị bỏ qua. Các công ty cũng đang tích cực khám phá các phương pháp thu hồi các nguyên tố đất hiếm từ than đá và các sản phẩm phụ của than, biến các trách nhiệm môi trường thành các cơ hội chiến lược. Các phòng thí nghiệm và trường đại học của chính phủ đang ươm tạo các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực các quy trình mang tính cách mạng để thu hồi và chiết xuất các vật liệu quan trọng.
Thực tế là, những tiến bộ trong hóa học pin có thể giúp Mỹ giảm bớt nhu cầu đối với một số khoáng sản nhất định. Ví dụ, pin lithium iron phosphate đời mới cần ít cobalt hơn so với các thiết kế cũ; pin natri-ion thậm chí có thể làm giảm nhu cầu về lithium và niken. Những đột phá trong kỹ thuật vật liệu nhờ trí tuệ nhân tạo có thể tìm ra các hợp chất hoặc chất thay thế mới cho các nguyên liệu truyền thống, từ đó thay đổi những giả định hiện tại về những nguồn tài nguyên nào thực sự quan trọng.
Nhưng những đổi mới có thể chuyển đổi chuỗi cung ứng của Mỹ đòi hỏi nhiều vốn và sự hỗ trợ chính sách hơn nữa, bao gồm tăng cường tài trợ của chính phủ cho các phòng thí nghiệm và trường đại học nghiên cứu kỹ thuật vật liệu, các khoản tài trợ cho các dự án trình diễn, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trên con đường đạt được khả năng thương mại và các tín hiệu chính sách cho thấy Washington sẵn sàng theo đuổi một chiến lược phục hồi toàn diện. Có một sự đồng thuận rộng rãi giữa các đảng phái rằng Mỹ phải đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng và nguyên tố đất hiếm. Không còn thời gian cho những cải tiến nhỏ giọt nữa. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, tình hình bất ổn gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và xu hướng tách rời kinh tế đều có nghĩa là Washington phải hành động khẩn trương. Giống như năm 1940, thời điểm này đòi hỏi cả tốc độ và tham vọng. Một chiến lược quốc gia về khoáng sản quan trọng, bao gồm việc mở rộng dự trữ của Mỹ, tạo ra các công cụ tài chính mới để hỗ trợ khai thác và tinh chế trong nước, triển khai hỗ trợ nhanh chóng cho hoạt động tái chế và thúc đẩy các công nghệ mới, có thể một lần nữa đảm bảo rằng nền tảng công nghiệp của Mỹ sẵn sàng cho mọi thách thức.
CREBO-REDIKER là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Địa kinh tế Greenberg thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bà từng là nhà kinh tế trưởng đầu tiên của Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Obama.