Hà Lập Phong trở thành trung tâm của đàm phán thương mại Trung – Mỹ

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping’s basketball buddy at center of US trade talks,” Nikkei Asia, 15/05/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ bị thử thách trong thời gian “đình chiến” 90 ngày.

Người bạn cùng chơi bóng rổ thời xưa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày.

Với tư cách là ông trùm kinh tế Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, người đồng thời là thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tham dự các cuộc đàm phán thương mại cấp cao với Mỹ tại Thụy Sĩ vào thứ Bảy và Chủ Nhật ngày 10-11/05.

Hà, 70 tuổi, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập, 71 tuổi, đã thể hiện thái độ cứng rắn với Mỹ. Lần này, ông đã đối đầu trực diện với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.

Tập được biết đến là người yêu thích thể thao. Trong một cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc, ông từng kể về một số môn thể thao yêu thích của mình, bao gồm bơi lội, leo núi, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, và võ thuật.

Người ta nói rằng Tập đặc biệt thích bóng rổ, môn thể thao mà ông bắt đầu chơi từ khi còn nhỏ.

Khoảng 10 năm trước, một quan chức chính quyền thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đã kể với Nikkei một cách đầy hoài niệm rằng Tập rất thích chơi bóng rổ khi ông còn là quan chức cấp cao của thành phố vào thập niên 1980.

Cầu thủ LeBron James của Los Angeles Laker chuẩn bị ném bóng vào rổ khi đấu với Minnesota Timberwolves trong Trận 5 của vòng đầu tiên của Giải NBA Playoffs năm 2025. Tập Cận Bình hiếm khi đề cập đến sở thích của mình với bóng rổ. © Reuters

Tình yêu bóng rổ của Tập không được ca ngợi ở Trung Quốc vì môn thể thao này có nguồn gốc từ Mỹ, và là biểu tượng của đất nước mà Trung Quốc ngày càng bất đồng, dù Tập được cho là vẫn xem các trận đấu của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) trên TV.

Về phần Hà Lập Phong, Washington mô tả phó thủ tướng là một người chống Mỹ cứng rắn, cực kỳ trung thành với Tập. Nhẹ nhõm khi đạt được thỏa thuận đình chiến, Hà đã tự cho phép mình mỉm cười tại một cuộc họp báo ở Thụy Sĩ vào Chủ Nhật.

Trong 90 ngày sắp tới, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau đến tận 115% – một thỏa thuận vẫn giữ nguyên mức thuế suất cao 30% của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả này là tốt hơn mong đợi của Bắc Kinh và có nghĩa là Trung Quốc đã vượt qua được rào cản đầu tiên.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng đang tiến triển sau hậu trường, khi Tập gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 09/05 để tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc Xã trong Thế chiến II.

Putin và Tập theo dõi cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng, đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng trước Đức Quốc Xã trong Thế chiến II, tại Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow, vào ngày 09/05. © Reuters

Những vấn đề lớn trong nước đã buộc Mỹ và Trung Quốc phải từ bỏ lập trường cứng rắn và giảm leo thang cuộc thương chiến căng thẳng giữa hai bên.

Mỹ sẽ chịu thiệt hại nếu thương mại với Trung Quốc bị đình trệ do mức thuế quan cao của Trump. Dòng chảy các sản phẩm như cây thông, đồ trang trí, và các mặt hàng giá rẻ liên quan đến Giáng Sinh có thể bị dừng hoàn toàn.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn tránh việc làm người dân Mỹ bình thường phẫn nộ bằng cách ngăn giá cả tăng vọt trong dịp Giáng Sinh, hoặc để các cửa hàng rơi vào tình trạng kệ hàng trống trơn trong mùa mua sắm Giáng Sinh bận rộn.

Mùa cao điểm cho các lô hàng liên quan đến Giáng Sinh của Trung Quốc đến Mỹ, chủ yếu được xuất khẩu từ tỉnh Chiết Giang, sẽ kéo dài đến khoảng cuối mùa hè. Thỏa thuận đình chiến kéo dài 90 ngày dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 8.

Những người bán cây thông Noel đang chờ khách hàng tại Chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, vào ngày 10/04. © AP

Tập, người đã làm việc nhiều năm tại Chiết Giang, cũng có động cơ tương tự – ông không muốn tỉnh này phải gánh chịu những tổn thất kinh tế do thương chiến gây ra.

Thị trường chứng khoán tại Mỹ, Nhật Bản, và nhiều nơi khác đã tăng vọt sau thông báo về thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng bản thân thị trường chứng khoán Trung Quốc lại không phản ứng tích cực như mong đợi.

Nhiều người tham gia thị trường tại Trung Quốc cho rằng thủ phạm thực sự đằng sau nền kinh tế trì trệ của đất nước họ không phải là thuế quan của Trump, mà là chính sách kinh tế trong nước của Tập. Hà Lập Phong – người sẽ giám sát các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày – là một trong những người chịu trách nhiệm cho các chính sách này.

Vậy ông là ai?

Hà trở thành phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế vào tháng 03/2023 sau khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan lập kế hoạch toàn diện cho Sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của Tập.

Quan hệ bền chặt giữa Tập và Hà đã bắt đầu từ những năm 1980. Năm 1985, khi Tập ngoài 30 tuổi, ông được điều động đến Hạ Môn để giữ chức phó thị trưởng thành phố ven biển này.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong lắng nghe bài phát biểu trong cuộc họp Trung Quốc-Thụy Sĩ tại Geneva vào ngày 09/05. Ông và Tập Cận Bình đã là bạn suốt 40 năm. © Reuters

Các viên chức chính quyền thành phố Hạ Môn chào đón Tập hoàn toàn không biết phó thị trưởng mới của họ trông như thế nào. Vì không ngờ ông lại có vẻ ngoài trẻ trung như vậy, một người thậm chí đã hỏi Tập: “Phó thị trưởng Tập vẫn chưa đến sao?”

Các viên chức chính quyền Hạ Môn lớn tuổi không biết phải đối xử thế nào với Tập. Vậy nên, trong những ngày đầu, phó thị trưởng hầu như không có việc gì để làm và thường chơi bóng rổ trong giờ nghỉ.

Hà Lập Phong, người trẻ hơn Tập một tuổi và cũng rất yêu thích bóng rổ, lúc đó đang giữ chức thư ký chính quyền Hạ Môn. Cả hai trở nên hợp nhau nhờ có chung sở thích chơi bóng rổ.

Tình bạn thân thiết của họ đã mở đường cho sự thăng tiến vượt bậc của Hà.

Hai năm sau, Tập tái hôn với Bành Lệ Viện, một ca sĩ nổi tiếng trong quân đội. Tập có mối quan hệ gắn bó đặc biệt với tỉnh Phúc Kiến và đã sống gần 17 năm ở đó.

Tập Cận Bình và vợ, Bành Lệ Viện, đã chụp bức ảnh này vào thời điểm họ kết hôn năm 1987. (Ảnh chụp màn hình từ trang web CCTV)

Sau khi là một quan chức cấp cao của Hạ Môn, Hà rời tỉnh Phúc Kiến quê hương vào năm 2009 để chuyển đến Thiên Tân, nơi ông giữ một chức vụ cấp cao của thành phố trực thuộc trung ương này.

Vào thời điểm đó, Tập đã là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Phó chủ tịch nước.

Hà luôn tràn đầy năng lượng khi làm quan chức cấp cao của Khu đô thị mới Tân Hải, nằm dọc theo bờ biển phía đông Thiên Tân.

Nhìn lại thời điểm đó, viên chức của một công ty nước ngoài nhận xét “Có vẻ như sự thăng tiến của ông ấy đã được đảm bảo. Ông rất tự tin và luôn nói rằng muốn tôi chuyển mọi yêu cầu và vấn đề trực tiếp đến ông ấy.”

Hà sinh ra và lớn lên ở Phúc Kiến và sau đó tốt nghiệp Đại học Hạ Môn. Khác với cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc, ông chưa bao giờ đi du học. Lưu là nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc thương chiến với Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump.

Về phần mình, Hà không có mạng lưới quan hệ cá nhân mạnh mẽ ở Mỹ và cũng không nói tiếng Anh lưu loát. Nhưng ông có một vũ khí đặc biệt có thể sử dụng trong ngoại giao kinh tế: tiếng Mân Nam, một phương ngữ được sử dụng rộng rãi ở Phúc Kiến và Đài Loan.

Phương ngữ này rất khác so với tiếng Trung phổ thông và người Bắc Kinh không thể hiểu được.

Vấn đề là Jensen Huang, CEO của Nvidia, nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, là người Mỹ gốc Đài Loan và nói tiếng Mân Nam.

CEO của Nvidia Jensen Huang phát biểu khi đứng trên cùng sân khấu với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington vào ngày 30/04. Huang và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong có điểm chung. © Reuters

Phó Thủ tướng Hà đã gặp gỡ và trao đổi sâu hơn với Huang bằng cách nói tiếng Mân Nam khi Huang sang thăm Trung Quốc gần đây.

Rất nhiều người gốc Hoa và “Hoa kiều” có xuất thân từ Phúc Kiến đã gầy dựng được vị thế trong giới kinh doanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Đến nỗi, tiếng Mân Nam đã trở thành một “vũ khí” lợi hại trong “vùng kinh tế Trung Quốc.”

Vào thời điểm Tập bắt đầu thăng tiến ở Phúc Kiến, những người Hoa giàu có, nói tiếng Mân Nam ở Indonesia và nhiều nơi khác đã có những đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh này.

“Tôi sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập, có thể là vào cuối tuần này,” Trump phát biểu tại Nhà Trắng vào hôm thứ Hai, sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến 90 ngày. “Điều lớn nhất mà chúng tôi đang thảo luận là việc mở cửa Trung Quốc.”

Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với áp lực từ chính quyền Trump về việc mở cửa thị trường khoa học, công nghệ, và tài chính. Đây vốn là điều mà Bắc Kinh muốn tránh.

Với một người khó đoán như Trump, không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, tùy thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán thương mại toàn diện trong thời gian đình chiến.

Hoàn toàn không thể dự đoán được quan hệ Mỹ-Trung sẽ như thế nào vào tháng 8.

Người bạn cùng chơi bóng rổ của Tập sẽ sử dụng chiến lược nào để tiến hành đàm phán với Mỹ? Khi thời gian không còn nhiều, khả năng đàm phán của ông ấy sẽ bị thử thách.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.