Bàn về khái niệm chủ quyền của các quốc gia tầm trung

Tác giả: Phạm Vũ Thiều Quang

Với bản đồ quyền lực toàn cầu ngày càng phân mảnh, các quốc gia tầm trung – không đủ lớn để áp đặt luật chơi, nhưng cũng không nhỏ đến mức phải chấp nhận – đang trở thành những nhân vật chính của thế kỷ 21. Từ hành lang Liên Hợp Quốc, các vòng đàm phán đa phương, tới các tuyến hàng hải tấp nập, các quốc gia tầm trung thường xuất hiện trong vai trò nhà điều phối, cầu nối, thỉnh thoảng là kẻ phá bĩnh – song hiếm khi vắng mặt.

Khái niệm “quốc gia tầm trung” vốn linh hoạt – nó có thể bao gồm một Indonesia hơn 200 triệu dân với ba thập kỷ liên tiếp tăng trưởng trên 5% và được dự báo sẽ bước vào nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới; một Singapore là đảo quốc chỉ 6 triệu dân nhưng là trung tâm hàng hải và tài chính của Châu Á; một Hàn Quốc đã “hoá rồng”, đồng thời xếp thứ hai về sản xuất chip và thứ chín về chi tiêu quốc phòng hàng đầu; hay một Việt Nam đang trở thành công xưởng mới của thế giới với tham vọng vươn lên. Điểm chung không nằm ở quy mô lãnh thổ hay dân số, mà ở cách các quốc gia này sở hữu “đòn bảy” đủ mạnh – kinh tế đủ lớn để khiến các nước lớn phải lắng nghe, năng lực ngoại giao đủ dày để tham gia hợp tác đa phương, và có lẽ quan trọng nhất – tham vọng vượt xa khỏi vị thế phụ thuộc.

Từ sau Chiến tranh Lạnh, số lượng các quốc gia tầm trung đã tăng vọt, và cấu trúc của nhóm này cũng trở nên đa dạng hơn. Đầu tiên, có những nước đang “leo tầng” với tham vọng trở thành nước lớn, như Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Nigeria – nơi nguồn lực tự nhiên dồi dào và dân số lớn, trẻ sẽ giúp đưa họ tiệm cận ngưỡng ảnh hưởng toàn cầu. Thứ hai, có một nhóm các trung cường đã đạt đến trạng thái phát triển ổn định, tiêu biểu là Canada, Úc, Hàn Quốc, Singapore và Ả Rập Saudi. Đây là những quốc gia công nghiệp hóa, có chỉ số phát triển cao, nhưng vẫn duy trì sự thận trọng trước các xung đột giữa các siêu cường. Ở một tầng nấc khác là các quốc gia trung cường đang phát triển, như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, hay Philippines– những nước đang hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, song vẫn còn thiếu nguồn lực để tự thiết kế luật chơi riêng. Riêng châu Âu thì lại có nhóm quốc gia tầm trung “trong khối” – Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển… – dù được hậu thuẫn bởi thị trường và thể chế chung của EU và khuôn khổ an ninh của NATO, nhưng phải phần nào đó hy sinh chủ quyền cứng. Dù khác nhau về quy mô và mức độ phát triển, các quốc gia tầm trung vẫn xuất hiện ngày càng rõ nét trong cấu trúc quyền lực toàn cầu – chiếm gần một nửa G20, đảm nhận các vị trí luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, và tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế. Như vậy, có thể thấy trong thế kỷ 21 rằng các quốc gia tầm trung không còn là ngoại lệ, mà đã trở thành hình mẫu phổ biến.

Song có lẽ khái niệm trọng tâm không phải là “trung cường”, mà là chủ quyền. Từ Hoà ước Westphalia năm 1648 cho tới Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp quốc, học thuyết quan hệ quan hệ quốc tế vẫn đặt khái niệm chủ quyền – quyền tự quyết tuyệt đối của một thực thể chính trị – làm nền tảng chính. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên ràng buộc lẫn nhau; cả về kinh tế, an ninh, chính trị; chủ quyền không còn đồng nghĩa với khả năng khép kín biên giới hay tự cung tự cấp, mà đặc biệt với các quốc gia tầm trung là khả năng tự định đoạt điều kiện hội nhập. Nói cách khác – ai tham gia bàn tiệc toàn cầu với thực đơn do chính mình góp phần soạn thảo, thì người đó mới thực sự có chủ quyền. Và tại đây, đối tượng mặc định cần khẳng định chủ quyền không phải là các nước láng giềng cùng sức, mà chính là những nước lớn luôn sẵn sàng dịch chuyển làn ranh lệ thuộc – đôi khi qua các lệnh trừng phạt kinh tế, khi khác bằng các biện pháp quân sự toàn diện.

Hơn một thế kỷ qua, giới học giả quan hệ quốc tế đã tranh luận về khái niệm này. Các nhà hiện thực (realists) coi chủ quyền như bức tưởng thành bất khả xâm phạm, và an ninh lãnh thổ được coi là ưu tiên tối thượng. Trái lại, chủ nghĩa tự do thể chế (liberal institutionalism) lại ví chủ quyền như cổ phiếu chứng khoán – một phần được “niêm yết” trong các định chế đa phương để đổi lấy lợi nhuận hợp tác, miễn là cổ động kiểm soát được lượng sở hữu có quyền quyết định. Thập niên 1990 đã đẩy mạnh luận điểm thứ hai, khi làn sóng toàn cầu hoá khuyến khích các quốc gia đánh đổi chủ quyền dựa trên biên giới cứng lấy các quy tắc chung và lợi ích từ một nền kinh tế toàn cầu mở. Tuy nhiên, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ từ 2016 tới nay – với Brexit, các đòn thuế quan của Mỹ, và cuộc chiến công nghệ xung quanh ngành bán dẫn – dường như lại kéo quỹ đạo thế giới trở về lập luận của phe hiện thực. Chủ quyền của một quốc gia có thể bị đe doạ bất cứ lúc nào khi phụ thuộc quá nhiều vào một tuyến vận tải, nền tảng công nghệ, hay mạng lưới tài chính do nước khác kiểm soát.

Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ: chủ quyền không phải là một lựa chọn rạch ròi giữa có và không, mà là một phổ liên tục về mức độ tự chủ. Với những nước nhỏ như Lào hay Fiji, biên độ chiến lược gần như không đáng kể, và chủ quyền thường gắn liền với bài toán sinh tồn kinh tế trước mắt. Ở chiều ngược lại, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Nga, và Ấn Độ lại sở hữu đủ tiềm lực – kinh tế, quân sự, hay cả hai – để tự đặt ra làn ranh đỏ và buộc các bên khác phải cân nhắc cái giá khi vượt qua. Nằm ở giữa hai cực là các quốc gia tầm trung – có thể bị kéo theo quỹ đạo của các nước lớn, nhưng cũng có khả năng tác động trở lại, dù chỉ một phần, vào luật chơi đang được áp đặt. Chính vì nằm ở vị trí “lưng chừng quyền lực” mà việc gìn giữ và vận hành chủ quyền không còn đơn thuần là một bài toán kỹ thuật, mà trở thành nghệ thuật thực hành chính sách – đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén, và khả năng định vị liên tục trong môi trường thay đổi.

Bốn trụ cột của chủ quyền được lý giải trong các phần tiếp theo – pháp lý, chiến lược, kinh tế-công nghệ, và chuẩn mực – chính là những điểm tựa mà các quốc gia tầm trung dựa vào để gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng không tồn tại như những thành phần tách biệt, mà gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong “bộ dụng cụ” chủ quyền của các quốc gia tầm trung. Ví dụ, một phán quyết trọng tài thành công (trụ pháp lý), có thể củng cố hình ảnh của một quốc gia như người bảo vệ luật lệ quốc tế (trụ chuẩn mực), từ đó thu hút dòng vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các đối tác cùng chí hướng (trụ kinh tế-công nghệ), đồng thời nâng cao uy tín trong các thể chế an ninh phi liên minh (trụ chiến lược). Điều còn thiếu không phải là công thức chung – vì Indonesia và Canada hiển nhiên không thể đi cùng một lộ trình – mà là khung phân tích để nhận diện đâu là lợi thế sẵn có, đâu là điểm yếu cần bù đắp, và đâu là cách phối hợp thông minh giữa các trụ cột để vừa đảm bảo mức độ tự chủ đối đa, vừa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ một thế giới mở.

Chủ quyền pháp lý – tư pháp

Đối với các quốc gia tầm trung, chủ quyền khó có thể được bảo đảm bởi sức mạnh quân sự, mà sẽ phụ thuộc nhiều vào mật độ các quy tắc quốc tế mà họ có thể viện dẫn. Đây có thể hiểu là khái niệm “chủ quyền pháp lý – tư pháp” – là khả năng ghi khắc lợi ích quốc gia vào các điều ước, án lệ, và thông lệ thủ tục, khiến ngay cả các cường quốc cũng bị ràng buộc. Khởi nguồn từ nguyên tắc bình đẳng có chủ quyền của Hoà ước Westphalia, khái niệm này dần được “pháp điển hoá” với sự bùng nổ của các thể chế đa phương sau 1945. Nếu trong trật tự lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, khi luật pháp quốc tế chủ yếu được sử dụng để dẫn dắt cạnh tranh giữa hai siêu cường (ví dụ: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, NPT; hay Định ước Helsinki), thì kỷ nguyên toàn cầu hoá hậu 1990 cho thấy việc chính các quốc gia tầm trung tham gia vào quá trình thiết kế hiệp ước, kiện tụng, và khơi tạo chuẩn mực có thể bù đắp sự thiếu hụt trong sức mạnh vật chất. Từ 2016 – khi thuế quan, các lệnh trừng phạt, và kiểm soát xuất khẩu bắt đầu xuất hiện – chính những thông lệ quốc tế này đã trở thành “lá chắn” chủ quyền – nó làm tăng chi phí cưỡng ép của các nước lớn về uy tín, kinh tế, và ngoại giao.

Những văn bản đầu tiên như Hiến chương Liên Hợp Quốc hay Công ước Genève 1958 về Biển cả chỉ đảm bảo bình đẳng về mặt lý thuyết, còn việc thực thi vẫn phụ thuộc phần lớn vào sức mạnh của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, khi các hệ thống quy định về thương mại và môi trường pháp lý quốc tế bước vào giai đoạn trưởng thành, các quốc gia tầm trung nhận ra rằng luật pháp quốc tế có thể trở thành một công cụ quyền lực chung. Có thể coi đây là một “kho vũ khí” pháp lý, mà tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước yếu hơn, có thể cùng sử dụng để bảo vệ lợi ích. Ví dụ điển hình là tại Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Indonesia đã thúc đẩy thành công khái niệm “quốc gia quần đảo” để hợp pháp hoá các hành lang hàng hải chạy xuyên qua vùng biển bị chia cắt bởi các đảo của nước này; Việt Nam đã khéo léo đưa vào điều khoản về “quyền lịch sử” nhằm bảo vệ lợi ích tại các vùng biển truyền thống của những quốc gia mới giành độc lập. Trong khi đó, Canada đóng vai trò điều phối, đảm bảo các điều khoản liên quan đến lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và quyền tài phán nghề cá của các nước nhỏ và vừa.

Ngày nay, các học giả gọi xu hướng này là đấu tranh pháp lý (lawfare), tức là việc sử dụng các quy trình pháp lý để đạt được mục tiêu địa chính trị. Phán quyết năm 2016 trong vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc là một ví dụ tốt, cho thấy một quốc gia có hải quân tầm trung vẫn có thể vô hiệu hoá luận điểm chủ quyền của một cường quốc mà không cần nổ súng. Trong khi đó, Việt Nam đã liên tục gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc kể từ 2009, trích dẫn UNCLOS để bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc – và mỗi công hàm đều đưa ra tiền lệ mà các quốc gia thứ ba có thể trích dẫn.

Qua lăng kính lý thuyết quan hệ quốc tế, có thể bắt đầu từ chủ nghĩa thể chế tân tự do (neoliberal institutionalism) của Robert Keohane, vốn lý giải rằng các quốc gia tầm trung ưa chuộng các thể chế pháp lý quốc tế do các quy tắc làm giảm chi phí giao dịch, mở rộng quy mô mà mọi quốc gia phải thực thi, và tạo ra tiền lệ qua các tranh chấp khác nhau để minh chứng và trừng phạt việc không tuân thủ. Tuy nhận thức rằng thế giới hoạt động trong một hệ thống “vô chính phủ”; tức là không có quyền lực tối cao; nhưng việc có các thể chế có thể hạn chế vi phạm khi thiết lập những lợi ích lâu dài và có đi có lại khi tuân thủ. Thêm vào đó là Trường phái Anh (English School) – nhấn mạnh khía cạnh xã hội, coi thế giới là một “xã hội quốc tế” (Hedley Bull) vận hành không chỉ bằng quyền lực, mà còn bằng các chuẩn mực chung, nơi luật pháp trở thành công cụ chính để các quốc gia được công nhận và khẳng định địa vị. Ở góc độ thực tế hơn, chính lý thuyết đấu tranh pháp lý coi việc kiện tụng là sự “tiếp nối của chính trị bằng biện pháp pháp lý”, biến toà án thành một mặt trận đề định hình dư luận. Cuối cùng, khung lý thuyết hậu thực dân giúp lý giải cách các nước từng bị đô hộ tái khẳng định tiếng nói; sử dụng chính hệ thống luật pháp do phương Tây định hình để giành lại tiếng nói.

Luật pháp quốc tế có khả năng đảm bảo chủ quyền của quốc gia tầm trung qua ba “tầng” cơ chế chính. Thứ nhất, nó tái định hình sự chênh lệch quyền lực, biến sức mạnh của nước lớn thành nghĩa vụ pháp lý. Thay vì để sức mạnh quân sự hay kinh tế quyết định tất cả, luật pháp buộc các nước lớn phải hành xử theo quy tắc. Ví dụ, Úc đã đưa Nhật Bản ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) về hoạt động săn bắt cá voi vì mục đích khoa học, và vào năm 2014 giành được lệnh cấm toàn diện đối với chương trình JARPA II. Trong trường hợp này, nguy cơ của việc không tuân thủ phán quyết và mất danh tiếng đa phương bị coi là lớn hơn bất kỳ lợi ích khoa học nào. Thứ hai, nó quốc tế hoá tranh chấp, từ đó làm giảm áp lực song phương. Khi được đưa ra cơ quan tài phán quốc tế, vụ việc không còn là chuyện riêng giữa hai nước, mà có thể thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều quốc gia khác, giúp “làm loãng” sức ép của nước này đối với nước kia. Ví dụ gần đây là vụ Campuchia chính thức đệ đơn lên ICJ tháng 6/2025 đề nghị phân xử tranh chấp biên giới với Thái Lan, có thể thấy rõ là bước đi nhằm quốc tế hoá tranh chấp – và sẽ còn đáng theo dõi thêm. Thứ ba, luật pháp quốc tế giúp mua thời gian và tạo đòn bẩy do quá trình khởi kiện và xét xử thường kéo dài nhiều năm. Điều này có thể “đóng băng” hiện trạng hay tạo bất định đủ lâu để bên yếu thế tìm kiếm sự ủng hộ và xây dựng năng lực răn đe.

Dĩ nhiên, luật pháp quốc tế không hoàn toàn ràng buộc được các nước lớn. Nhiều bản án quốc tế không được thi hành, và năng lực cưỡng hành của hệ thống đa phương thường bị giới hạn bởi ý chí chính trị của các nước lớn. Trung Quốc ngay lập tức phủ nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông; Nga rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền và coi các phán quyết của Strasbourg là vô hiệu; Washington thì để ghế thẩm phán WTO bỏ trống, khiến cơ chế phúc thẩm tê liệt. Ở những trường hợp ấy, quyền lực cứng chiến thắng quyền lực quy tắc – ít nhất là trên bề mặt. Tuy nhiên, luật quốc tế vẫn có thể “định giá lại” quyền lực: nó không loại trừ cưỡng ép, nhưng tăng chi phí và rủi ro gắn liền với hành động đơn phương. Ngay cả khi kết quả chỉ là trì hoãn, hay điều chỉnh bên lề, sự tồn tại của quy tắc và khả năng nêu tên–chỉ trích trên diễn đàn toàn cầu vẫn đủ để tạo sự khác biệt cho các quốc gia tầm trung.

Như vậy, trong bối cảnh cạnh tranh đa cực, chủ quyền pháp lý – tư pháp trao cho các quốc gia tầm trung một dạng “sức mạnh ảo” dễ dàng tận dụng và phát triển nguồn lực hơn hẳn so với chi phí đầu tư quốc phòng. Bằng cách sử dụng các khung pháp lý ràng buộc các nước lớn, sử dụng toà án để quốc tế hoá tranh chấp, và bồi đắp uy tín qua việc kiến tạo các khung pháp lý mới, các quốc gia tầm trung có thể khẳng định chủ quyền bằng cách “đấm vượt hạng cân”, làm cho chi phí cưỡng ép luôn cao hơn lợi ích mà các nước lớn có thể đạt được.

Chủ quyền chiến lược

Bản chất của chủ quyền chiến lược là khả năng linh hoạt. Đó là năng lực của một quốc gia vốn không đủ lớn để góp phần áp đặt trật tự thế giới, nhưng cũng không thể đứng ngoài cuộc, và phải có khả năng nhanh chóng thay đổi hay mở rộng các đối tác, tư thế chiến lược và lựa chọn quân sự để không một nước lớn nào có thể áp đặt các quyết định an ninh lên họ. Theo nghĩa này, quyền tự chủ là tương đối chứ không phải tuyệt đối – một quốc gia tầm trung không nhất thiết phải trung lập hoàn toàn, nhưng phải có khả năng điều chỉnh lại thế cân bằng, khi chi phí an ninh – kinh tế cho các mối liên kết bên ngoài gia tăng. Áp dụng vào đời thật, điều này đồng nghĩa với việc xây dựng một “danh mục đầu tư” đa dạng gồm các công cụ cứng và mềm – từ các liên minh, thoả thuận hợp tác song phương, năng lực răn đe, cơ chế hợp tác nhóm nhỏ (minilaterals), hành lang thương mại cho đến các chiến lược xây dựng câu chuyện của một quốc gia. Những công cụ này cho phép các quốc gia tầm trung có thể điều chỉnh nhanh chóng mỗi khi bối cảnh an ninh, thị trường, cũng như là chính trị nội bộ thay đổi.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chủ quyền chiến lược về cơ bản là một lựa chọn nhị phân: các quốc gia buộc phải đưa những quyết định rõ ràng về an ninh. Các nước tầm trung hoặc phải liên kết chặt chẽ với một trong hai khối siêu cường—như Tây Đức chọn NATO, Ba Lan chọn Khối Warszawa— và như một hậu quả chấp nhận hy sinh một phần quyền tự chủ để đổi lấy sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy. Nếu không theo phe, có thể công khai chọn lập trường không liên kết như Ấn Độ, Nam Tư, Ai Cập, hay Indonesia từng làm tại Hội nghị Bandung năm 1955, và chấp nhận đánh đổi ảnh hưởng ngoại giao để lấy không gian hành động độc lập rộng hơn. Cả hai con đường đều mang tính lựa chọn dài hạn, một khi đã chọn sẽ rất khó đảo ngược. Sự tan rã của trật tự lưỡng cực vào đầu những năm 1990 và vị thế bá quyền của Mỹ đã nới lỏng đáng kể những ràng buộc này. Với nguy cơ bị xâm lược giảm mạnh, các quốc gia tầm trung như Singapore, Thái Lan, và Malaysia bắt đầu thử nghiệm chiến lược “bắt hai tay” – duy trì hợp tác quốc phòng với Mỹ trong khi hội nhập kinh tế sâu rộng với Trung Quốc. Chiến lược này tối đa hoá khả năng linh hoạt trên cả phương diện ngoại giao lẫn kinh tế, cho phép tận dụng cạnh tranh giữa các cường quốc chừng nào nó còn là một cuộc chơi lành mạnh, trong khi hạn chế tối đa việc bị chi phối bởi một nước lớn duy nhất.

Tuy nhiên, trạng thái cân bằng này đã bị phá vỡ sau 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Trường Sa trên Biển Đông, và đặc biệt là khi Nga phát động chiến tranh toàn diện vào Ukraine năm 2022. Mỹ dưới chính quyền Trump cũng có những động thái phi chủ quyền rõ rệt, chẳng hạn như các tuyên ngôn muốn sáp nhập Canada hay mua lại Greenland từ Đan Mạch, và gần đây nhất là quyết định tham gia vào chiến tranh Israel-Iran. Và một lần nữa, các quốc gia tầm trung nhận thấy rằng chủ quyền chiến lược phải dựa vào năng lực răn đe thực chất, nhưng lần này phải đồng thời nhắm vào nhiều cực quyền lực khác nhau. Những quốc gia trước đây quen với việc cân bằng giữa các lợi ích kinh tế và an ninh nay buộc phải nhanh chóng tăng cường năng lực răn đe nội địa hoặc tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ bên ngoài. Thế giới đã bước vào giai đoạn có thể gọi là trạng thái “đa cực bị hạn chế” (constrained multipolarity) – khi căng thẳng giữa các nước lớn đủ gay gắt để các quốc gia tầm trung theo đuổi chiến lược cân bằng, nhưng cũng đủ mức phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và công nghệ (xem phần dưới) để các tính toán sai lầm bị trừng phạt. Không gian mắc lỗi đang ngày càng hẹp đi, và chủ quyền chiến lược không còn là một lựa chọn tĩnh giữa các khối, mà đã trở thành các quyết định đòi hỏi sự linh hoạt – tương tự như việc quản lý một danh mục đầu tư liên tục phải điều chỉnh theo những biến động địa chính trị.

Vậy, ngày nay thì chủ quyền chiến lược được bảo đảm thế nào? Đầu tiên là chiến lược cân bằng từ bên ngoài – tức “nhập khẩu” các bảo đảm an ninh cứng từ một đối tác lớn hơn – vẫn là con đường rõ ràng và trực tiếp nhất. Phần Lan và Thuỵ Điển đã dành toàn bộ giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh huấn luyện lực lượng dự bị, tích trữ nhiên liệu và đạn dược, xây dựng mạng lưới hầm trú ẩn kiên cố (Thuỵ Điển có khoảng 64,000; Phần Lan có khoảng 50,000) – nhưng cả hai đều nhận thức rằng các biện pháp “phòng thủ toàn dân” này vẫn chưa đủ trước khả năng tấn công tổng lực của Nga, Khi Nga tấn công Ukraine năm 2022, Helsinki và Stockholm nhanh chóng kết luận rằng việc hy sinh một phần nhỏ quyền tự chủ ngoại giao là cái giá không đáng kể so với sự đảm bảo tuyệt đối từ Điều 5 của NATO. Họ không từ bỏ năng lực phòng vệ nội tại – Phần Lan vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự cho nam giới, tạo ra một trong những lực lượng dự bị lớn nhất châu Âu so với quy mô dân số (khoảng 900.000 người) – nhưng bổ sung thêm được một lá chắn an ninh từ bên ngoài. Ngược lại là chiến lược cân bằng nội tại – dồn nguồn lực vào các năng lực chống tiếp cận (denial capabilities) để làm tăng đáng kể chi phí tấn công mà không nhất thiết phải chọn phe rõ ràng. Hệ thống phòng thủ tên lửa KAMD của Hàn Quốc, mạng lưới phòng không ba tầng – Vòm Sắt, David’s Sling, và Arrow – của Israel, hay là trung tâm dữ liệu của Estonia đặt tại Luxembourg để sao lưu các hệ thống kỹ thuật số thiết yếu – đều vận hành theo một nguyên lý. Nếu không thể đánh bại sức mạnh quân sự áp đảo của nước lớn, hãy khiến viễn cảnh chiến thắng của họ trở nên cực kỳ tốn kém hay hoặc thiếu chắc chắn.

Giữa hai thái cực trên là chiến lược “đặt cược nhiều cửa” (hedging) phổ biến nhất tại Đông Nam Á ngày nay. Có lẽ lập trường ngoại giao đa phương của Việt Nam là ví dụ điển hình nhất, khi cùng nâng cấp quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, hay Ấn Độ lên cùng một mức đối tác chiến lược toàn diện, gửi thông điệp rằng không phụ thuộc hoàn toàn vào bất kỳ đối tác nào. Bổ sung cho chiến lược này là các cơ chế hợp tác nhóm nhỏ (minilaterals) – như Bộ tứ (Quad), I2U2, ASEAN + 3 (APT), hay AUKUS – cho phép các chương trình hợp tác cụ thể nhưng tránh ràng buộc bởi hiệp ước chính thức. Cuối cùng, các quốc gia tầm trung cũng có chiến lược “liên kết các vấn đề”, biến yếu tố địa lý hay nguồn lực trong nước thành đòn bẩy đàm phán. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ khai thác vai trò kiểm soát eo biển Bosphorus để dẫn dắt thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Biển Đen giữa Ukraine và Nga; hay Ả Rập Saudi giữ quyền lực quyết định nhịp độ thị trường dầu mỏ qua OPEC. Ấn Độ, quốc gia mới “tốt nghiệp” khỏi câu lạc bộ quốc gia tầm trung để trở thành cường quốc mới nổi, vẫn giữ ghế trong BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tiếp tục mua vũ khí Nga, đồng thời hợp tác hậu cần với Mỹ, Pháp, và là tham gia Bộ Tứ (Quad). Khi kết hợp lại, những công cụ này tạo cho các quốc gia tầm trung một dạng năng lực như bộ giảm xóc – linh hoạt, đa tầng, và có thể điều chỉnh nhanh chóng.

Nhiều lăng kính lý thuyết giúp lý giải logic đằng sau các chiến lược này. Chủ nghĩa hiện thực phòng thủ (defensive realism) do Kenneth Waltz gây dựng cho rằng mục tiêu tối thượng của các quốc gia là để đảm bảo an ninh chứ không phải tìm kiếm sự thống trị; do đó, họ sẽ tìm cách cân bằng trước các mối đe doạ để bảo vệ sự tồn tại của chính mình. Với các quốc gia tầm trung, điều đó đồng nghĩa với việc đi tìm liên minh, xây dựng năng lực răn đe, hay đặt cược nhiều cửa khi cán cân quyền lực trong khu vực biến động. Chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển (neoclassical realism) đi sâu hơn, liên kết cách ứng xử của một quốc gia trên trường quốc tế với các động lực nội bộ. Tức là dưới cùng sức ép bên ngoài, các quốc gia tầm trung sẽ phản ứng khác nhau dựa vào liên minh chính trị trong nước, năng lực thể chế, và quan điểm của giới tinh hoa. Có thể cân nhắc hai ví dụ: (1) chính sách quyết đoán trên biển của Thổ Nhĩ Kỳ theo học thuyết “Mavi Vatan” (Quê hương Xanh) bắt nguồn từ liên minh chặt chẽ giữa giới tinh hoa quân sự và chính quyền Tổng thống Erdogan, hay sức ảnh hưởng chính trị của các tập đoàn chaebol đối với các chính sách phòng vệ thương mại của Hàn Quốc. Ở những nơi địa lý tạo ra điểm yếu, lý thuyết phức hợp an ninh khu vực (Regional Security-Complex Theory) giải thích vì sao các vùng đệm then chốt – Ba Lan ở sườn đông NATO, Ukraine giáp Nga, Iran giữa Israel và Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ nối Biển Đen với Địa Trung Hải – thì bất kỳ quyết định liên kết nào sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng ra toàn khu vực. Để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, một số nước chọn theo đuổi chiến lược “can dự đa hướng” (omni-enmeshment) do Evelyn Goh đề ra – chủ động xây dựng mạng lưới liên kết chằng chịt, da tầng với nhiều nước lớn để không bên nào có độc quyền gây sức ép. Khi việc tham gia các liên minh chính thức quá nhạy cảm, các quốc gia tầm trung cũng có thể “cân bằng mềm” (soft balancing) – tận dụng các luật lệ quốc tế, bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, hay trang bị quân sự một cách có chọn lọc.

Tuy nhiên, khi có những tính toán sai lầm, chính những nỗ lực của các quốc gia tầm trung nhằm đảm bảo chủ quyền chiến lược lại có thể phản tác dụng. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga vào năm 2017 và bắt đầu nhận những hệ thống đầu tiên vào năm 2019, nhưng chỉ vài tuần sau đó bị Mỹ cắt bỏ sự tham gia của nước này vào chương trình phát triển máy bay F-35 tiên tiến. Năm 2020, Ankara phải hứng chịu lệnh trừng phạt toàn diện từ Washington, bao gồm lệnh cấm tất cả các giấy phép xuất khẩu của Mỹ cho Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ – vẫn còn hiệu lực cho đến nay. Ukraine là minh chứng cho hậu quả thảm khốc từ những tính toán sai lầm: sau 2008, Kyiv tuyên bố mục tiêu gia nhập NATO mà không nhận được bảo đảm an ninh rõ ràng nào từ liên minh, và cũng không xây dựng đủ năng lực răn đe nội địa. Các bảo đảm từ Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 nhanh chóng trở nên vô giá trị, và Nga đã lợi dụng điều này – đầu tiên sáp nhập Crimea năm 2014 trước khi mục tiêu NATO ngày càng rõ của Ukraine thúc đẩy Moscow phát động chiến tranh toàn diện năm 2022. Iran cũng mới rơi vào tình thế tương tự – suốt nhiều năm, Tehran dựa vào chiến tranh uỷ nhiệm thông qua Hezbollah, Hamas, và lực lượng Houthi, cũng như là chương trình hạt nhân để răn đe Israel và giữ Mỹ ở khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, chỉ cách đây vài hôm, Tổng thống Trump quyết định trực tiếp tham gia vào chiến tranh Iran-Israel trong chiến dịch “Midnight Hammer”, không kích ba cơ sở phát triển hạt nhân của Iran. Có lẽ Iran đã đánh giá sai nghiêm trọng khi Washington sẽ đứng ngoài xung đột, minh chứng rõ hậu quả khi lạm dụng chiến lược leo thang thông qua lực lượng uỷ nhiệm và đọc sai lằn ranh đỏ của cả Israel lẫn Mỹ.

Dựa trên đó, bài học cho các quốc gia tầm trung tương đối rõ ràng: trong một thế giới đa cực tranh chấp gay gắt, chủ quyền chiến lược là một động từ, chứ không phải danh từ. Cần liên tục tái cân bằng, tái thương lượng, thậm chí tái sáng tạo một cách linh hoạt nhất có thể trước khi khủng hoảng ập đến. Bởi khi các biện pháp cưỡng ép của nước lớn ập đến, thì “danh mục đầu tư” một quốc gia tầm trung nắm giữ sẽ quyết định khả năng sinh tồn.

Chủ quyền kinh tế – công nghệ

Trong thế kỷ 20, bộ công cụ chủ quyền của các quốc gia tầm trung thường ưu tiên liên minh an ninh (ví dụ Ba Lan dựa vào NATO sau 1990, Hàn Quốc dựa vào quan hệ đồng minh với Mỹ), và đa phương hoá pháp lý (thông qua Liên Hợp Quốc hay GATT, sau này trở thành WTO). Việc kiểm soát năng lực sản xuất hay công nghệ chủ chốt được xem là có phần nào quan trọng, nhưng hiếm khi được gọi là vấn đề “chủ quyền”. Điều này do quá trình toàn cầu hoá thuận lợi khiến cho mối quan tâm chính của các quốc gia tầm trung là để tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu, hơn là đảm bảo khả năng tự chủ. Một vài nền kinh tế đang phát triển có áp dụng các biện pháp bảo hộ theo ngành để phát triển nội lực công nghiệp, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil, hay Hàn Quốc trong những năm 1960, nhưng phần lớn gần như “mở hoàn toàn” cánh cửa vào thị trường để thu hút nguồn lực phát triển – trong đó thì Đông & Đông Nam Á có lẽ thành công nhất trong điều này.

Tuy nhiên, logic đó bắt đầu sụp đổ sau năm 2016, khi Tổng thống Trump khôi phục các mức thuế quan an ninh quốc gia, kích hoạt Điều 301 đối với hàng hoá Trung Quốc và siết kiểm soát đầu tư – kinh tế đã bị “an ninh hoá”. Xu hướng cũng diễn ra tương tự sau Brexit ở Anh, làn sóng cánh hữu ở Châu Âu, và gần đây nhất là “Ngày giải phóng” của Trump. Các biện pháp “trả đũa” chuỗi cung ứng toàn cầu hoá, từ Đạo luật CHIPS & Science của Mỹ, đến Đạo luật Chip châu Âu trị giá 43 tỷ USD, nhanh chóng biến năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng & công nghệ lõi thành vấn đề sinh tử về chủ quyền. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia tầm trung đang phát triển phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu – Việt Nam, Malaysia… – ngay lập tức phải “bảo vệ” chủ quyền kinh tế. Đặc biệt với Việt Nam, nơi tỷ lệ xuất khẩu đối với GDP hiện đang là 94%, đứng thứ 9 thế giới – chỉ cần một cú sốc thuế quan hay bị lọt vào danh sách kiểm soát xuất khẩu có thể xoá sổ toàn bộ lợi thế cạnh tranh tích luỹ được trong 5-10 năm qua. Ngoài thiệt lại kinh tế, việc mất quyền tiếp cận công nghệ lưỡng dụng còn làm trầm trọng hơn “khoảng cách an ninh”; như có thể thấy từ nguy cơ tụt hậu của Trung Quốc khi mất quyền tiếp cận các máy EUV (quang khắc chip) tiên tiến của ASML. Nếu một quốc gia tầm trung phải đối mặt với các biện pháp tương tự, mà không có nền tảng khoa học & công nghệ phát triển như Trung Quốc để phát triển các giải pháp thay thế – hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều.

Trên bình diện cấu trúc, tiến trình dẫn đến hiện trạng của chủ quyền kinh tế – công nghệ đối với các trung cuòng quốc có thể được hiểu là đã diễn ra theo bốn nấc. Đầu tiên, thời kỳ trọng thương của Nhật Bản và Hàn Quốc đặt nền móng cho công nghiệp hoá tại các quốc gia đi sau, với mục tiêu phát triển hơn là chủ quyền. Tiếp đó, kỷ nguyên thương mại tự do dưới WTO và sự trỗi dậy của mô hình sản xuất tinh gọn (lean manufacturing) tại phần lớn thế giới khiến cho mục tiêu sản xuất hiệu quả hoàn toàn áp đảo nhu cầu tự chủ. Lúc này, công nghệ cũng được coi là tài sản công cộng toàn cầu; nên các quốc gia tầm trung chấp nhận sự phụ thuộc để đổi lấy quyền tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Bước ngoặt tiếp theo diễn ra sau 2016, khi sự phụ thuộc thương mại lẫn nhau bị vũ khí hoá – từ thuế thép của Mỹ, lệnh cấm Huawei, đến cơ chế CBAM của EU – định hình lại các lỗ hổng trong khả năng tự chủ sản xuất & công nghệ thành các mối đe doạ an ninh quốc gia. Từ đó, thế giới nay đang bước vào giai đoạn chứng kiến sự trở lại của địa kinh tế, buộc nhiều quốc gia tầm trung phải lập bản đồ chuỗi giá trị (ví dụ ngành chip: khoáng sản à thiết kế à sản xuất à đóng gói) để xác định có thể tự chủ ngành hay công đoạn nào, còn đâu thì phải tiếp tục phụ thuộc vào chuỗi giá trị toàn cầu với rủi ro nhất định.

Mặc dù đây là một trụ cột chủ quyền mới trong thế kỷ 21, các học thuyết liên kết chủ quyền với thương mại & công nghệ đã có từ những năm 1970. Từ lăng kính của lý thuyết “phụ thuộc lẫn nhau phức tạp” (complex interdependence) do Robert Keohane và Joseph Nye đưa ra, các mối dây liên kết kinh tế vốn có tính hai chiều – bên mạnh có thể vũ khí hoá sự phụ thuộc của bên yếu, nhưng bên yếu vẫn có thể “thương lượng gắn kết” với bên mạnh. Điều kiện là phải đa dạng hoá & nắm giữ mắt xích giá trị tối quan trọng. Đồng thời, chủ nghĩa hiện thực địa kinh tế của Edward Luttwak có thể giúp lý giải vì sao các chính sách thương mại, biện pháp trợ cấp, và các lệnh cấm xuất khẩu nay được dùng như vũ khí quyền lực cứng. Trong khí đó, thuyết an ninh hoá của Barry Buzan cho phép nhà nước biện minh việc đưa ra các biện pháp phi thị trường khi coi công nghệ là “mối đe doạ hiện hữu”. Mô hình nhà nước kiến tạo (developmental state) từng được áp dụng cho các nền kinh tế Đông Á hoá rồng (Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan), với nhà nước dẫn dắt kinh tế thị trường cũng đang dần trở lại, do nhu cầu quản lý chặt chẽ các ngành công nghiệp chiến lược trong bối cảnh hiện nay. Nhưng thay vì thép và đóng tàu như Nhật Bản thập niên 1960, mục tiêu giờ là bán dẫn, AI và sắp tới đây là công nghệ mới nổi như lượng tử.

Trên thực địa, các quốc gia tầm trung như Việt Nam giờ phải theo đuổi ba mục tiêu – một là làm dày “màng lọc” chuỗi cung ứng để không phụ thuộc đơn nguồn trong cả xuất lẫn nhập khẩu; hai là cố nắm giữ ít nhất một công đoạn giá trị cao – thiết kế chip, chế tạo pin, tinh luyện khoáng sản – nằm trong lãnh thổ hoặc mạng lưới đồng minh; ba là tự xây dựng hoặc tham gia thiết lập chuẩn mực quản trị dữ liệu, AI, carbon, hay thanh toán số để mở rộng biên độ mặc cả. Liên minh Châu Âu là ví dụ điển hình – khẩu hiệu “tự chủ chiến lược mở” (open strategic autonomy) được giới thiệu trong Chiến lược Thương mại 2021 vừa khẳng định cam kết thị trường, vừa trao cho Brussels quyền kích hoạt công cụ chống các biện pháp ép buộc từ nước khác (Anti-Coercion Instrument), giám sát đầu tư, và chi khoản tiền khổng lồ nhằm phát triển ngành bán dẫn như một “dự án chủ quyền”. Hàn Quốc chọn con đường “bắt hai tay” tinh vi trong ngành bán dẫn; bắt đầu từ việc đưa ra gói ưu đãi thuế với tổng giá trị 260 tỷ USD trong chiến lược K-Semiconductor, ký thoả thuận khoáng sản với Canada và Indonesia, đồng thời tham gia liên minh Chip 4 với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường an ninh chuỗi cung ứng, trong khi không đoạn tuyệt thị trường Trung Quốc – cho đến nay vẫn chiếm hơn một nửa tổng xuất khẩu chip của Hàn Quốc.

Đối với các quốc gia tầm trung đang phát triển, có thể kể đến Indonesia với “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” (resource nationalism) khi cấm xuất khẩu quặng niken chưa chế biến (Indonesia chiếm 42% trữ lượng và 51% sản lượng khai thác mỏ toàn cầu) vào năm 2020, để buộc nguồn vốn FDI đổ vào ngành công nghiệp chế tác niken cho pin trong nước – cùng với đó chấp nhận cả rủi ro thua kiện với EU tại WTO. Thực tế là dù thua kiện vào năm 2023, Jakarta vẫn tuyên bố sẽ mở rộng chính sách tương tự với các loại khoáng sản khác. Việt Nam thì đã thành công với chiến lược tận dụng friend-shoring của các doanh nghiệp FDI sau các biện pháp của Trump đối với Trung Quốc từ 2018 trở đi, đưa ra các ưu đãi đầu tư, miễn thuế hàng thập kỷ đối với các doanh nghiệp như Amkor, Intel, Samsung, Bosch…, cũng như là gia nhập liên tiếp CPTPP, RCEP, IPEF nhằm níu chân các doanh nghiệp công nghệ cao vào mạng lưới công nghiệp đang được thiết lập trong nước. Ở cấp lục địa, Châu Phi cũng đã bắt đầu chứng kiến xu hướng đảm bảo chủ quyền công nghệ, khi 15 ngân hàng trung ương Châu Phi xây dựng hệ thống thanh toán PAPSS bằng đồng nội tệ, giảm lệ thuộc vào USD và nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính.

Như vậy, tầm chiến lược của chủ quyền kinh tế – công nghệ đối với các quốc gia tầm trung sẽ còn gia tăng chừng nào cuộc đua theo đuổi và làm chủ các công nghệ chiến lược còn đang lan rộng tại các nước lớn. Với nguồn lực hạn chế, các quốc gia tầm trung sẽ khó có thể theo đuổi tham vọng bắt kịp các công nghệ chiến lược (AI, bán dẫn, lượng tử…), nhưng vẫn sẽ có thể tìm được chỗ đứng nhất định nếu có những nỗ lực tập trung. Những quốc gia tầm trung nào sớm đầu tư vào năng lực R&D nội địa, xác định một số ngành công nghiệp để tập trung nguồn lực, và nắm quyền đồng kiến tạo luật chơi sở hữu một “lá chắn” chủ quyền hiệu quả nhất qua các cơ chế hợp tác quốc tế (UN, EU, ASEAN…) – sẽ có khả năng làm cho chi phí trừng phạt của bất kỳ nước lớn nào cao hơn lợi ích có thể đạt được, từ đó củng cố chủ quyền toàn diện hơn.

Chủ quyền chuẩn mực – danh tiếng

Ngoài ba loại chủ quyền được đề cập trên, khả năng bảo vệ chủ quyền của một quốc gia còn được quyết định bởi những câu chuyện họ tự kể về mình – và việc người khác có tin vào những câu chuyện đó hay không. Đối với các quốc gia tầm trung; quá nhỏ để áp đặt trật tự thế giới, nhưng lại quá quan trọng để đứng ngoài cuộc chơi – chủ quyền chuẩn mực (normative sovereignty) sẽ vừa là biện pháp “nhẹ nhàng” nhất, nhưng cũng linh hoạt nhất trong số các trụ cột chủ quyền. Chủ quyền chuẩn mực dựa trên khả năng xây dựng hình ảnh nhất quán về một quốc gia – có thể là nhà kiến tạo hoà bình, nhà tiên phong về đối phó biến đổi khí hậu, hay trở thành một trung tâm văn hoá – và từ đó chuyển hoá hình ảnh này thành nguồn vốn chính trị. Khi câu chuyện trở nên đủ hấp dẫn, việc trừng phạt quốc gia sở hữu nó cũng sẽ trở nên tốn kém hơn nhiều. Ngược lại, nếu hình ảnh xây dựng thiếu chân thành và không được công nhận – thì chỉ một cuộc khủng hoảng nhỏ cũng có thể làm sụp đổ toàn bộ uy tín đã gây dựng.

Chủ nghĩa kiến tạo (constructivism) nhắc nhở rằng bản sắc quốc gia trong chính trị quốc tế được xây dựng bằng việc trình diễn và thừa nhận lẫn nhau – một quốc gia chỉ trở thành “công dân tốt” nếu được phần còn lại của thế giới công nhận. Lý thuyết về sức mạnh mềm của Joseph Nye cụ thể hoá điều này thành ngôn ngữ chính sách, nhấn mạnh sức hấp dẫn là một nguồn lực ngoại giao không kém gì khả năng cưỡng chế. Giống với chủ quyền pháp lý – tư pháp, Trường phái Anh cũng bổ sung rằng các quốc gia nhỏ có thể nâng cao vị thế trong “xã hội quốc tế” không chỉ qua việc xây dựng các khung luật pháp, mà còn bằng cách thúc đẩy các chuẩn mực phổ quát. Cuối cùng, Andrew Cooper với khái niệm “ngoại giao ngách” (niche diplomacy), khuyên rằng các nước nhỏ nên chọn một số nhỏ các lĩnh vực hẹp và đầu tư mọi nguồn lực để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó – từ đó giành được tiếng nói và ảnh hưởng vượt xa thực lực vật chất.

Thông thường, nguồn vốn uy tín quốc gia được tích luỹ qua ba hướng chính. Đầu tiên là tạo lập chuẩn mực, có thể được thấy qua ví dụ của Ireland khi nước này dẫn dắt việc đàm phán và ký kết Công ước Dublin năm 2008 về cấm bom chùm, từ đó biến quốc gia nhỏ bé này thành trung tâm mỗi khi cộng đồng quốc tế gặp bế tắc trong các vấn đề giải trừ vũ khí. Thứ hai là khả năng kiến tạo hoà bình. Na Uy đã biến vai trò hoà giải quốc tế thành một lợi thế chiến lược thực thụ, thành lập một đội ngũ chuyên nghiệp sẵn sàng đóng vai trò trung gian đàm phán và mở các kênh đối thoại bí mật theo tinh thần của “mô hình hoà giải Na Uy”. Từ Trung Đông (Hiệp ước Oslo 1993 giữa PLO và Israel) đến Venezuela (Thoả thuận Barbados 2023), nhiều bên xung đột chọn Oslo làm điểm hẹn đàm phán. Thứ ba là xây dựng giá trị văn hoá, có thể lấy Costa Rica làm ví dụ – sau khi giải thể quân đội vào năm 1949 và biến điều này thành thương hiệu quốc gia, chính quyền tập trung nguồn lực cho các cải cách kinh tế-xã hội, phát triển du lịch sinh thái, trở thành trụ sở của Toà án Nhân quyền liên châu Mỹ, và quảng bá hình ảnh quốc gia hoà bình, xanh-sạch để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ở mức độ toàn diện hơn, các quốc gia vùng Vịnh đã khai thác triệt để các lợi thế về nguồn vốn từ năng lượng để khẳng định chủ quyền chuẩn mực – danh tiếng khắp ba hướng này. Qatar kết hợp nguồn tài nguyên khí đốt, sức mạnh truyền thông của Al Jazeera, và năng lực ngoại giao hoà giải để trở thành quốc gia không thể thiếu trong các cuộc khủng hoảng quốc tế. Các cuộc đối thoại bí mật giữa Taliban và Washington diễn ra ở Doha trước khi Mỹ rút khỏi Afghanistan năm 2021 đã nâng cao vị thế của nước này – đem lại uy tín quốc tế lớn bất chấp mối thù dai dẳng giữa Iran và Saudi Arabia trong khu vực, thậm chí đem lại mức độ quyền lực ngang bằng cho tiểu vương quốc này. Thành quả gần đây nhất là việc Qatar chủ trì các vòng hoà đàm về Gaza mà không ai khác – Jordan, Ai Cập, Liên Hợp Quốc – có thể làm được. Cuối cùng, việc Qatar đăng cai thành công World Cup 2022 – trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên làm vậy – cho thấy giá trị văn hoá rõ rệt tích luỹ được từ định hướng theo đuổi chủ quyền chuẩn mực.

Nhìn lại lịch sử, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các hoạt động ngoại giao chuẩn mực thường gắn liền với ý thức hệ – Phần Lan củng cố tính trung lập qua Hiệp định Helsinki 1975, Nam Tư khẳng định vị thế bằng lập trường chống thực dân. Sang thập niên 1990, các chuẩn mực mới bùng nổ nhanh chóng; Canada dẫn dắt phong trào cấm mìn sát thương (Ottawa 1997); Nam Phi chấm dứt chế độ apartheid năm 1994 và thúc đẩy chuẩn mực bình đẳng sắc tộc toàn cầu; Chile kết thúc chế độ độc tài Pinochet và xây dựng hình ảnh một nền dân chủ thị trường mới nổi, năng động. Đến những năm 2010, việc xây dựng hình ảnh thuần tuý dựa trên đạo đức trở nên kém hiệu quả hơn – dư luận toàn cầu trở nên hoài nghi hơn, thông tin sai lệch dễ dàng phá huỷ danh tiếng chỉ trong giây lát. Các quốc gia thành công thích nghi bằng cách kết hợp giá trị chuẩn mực với những lợi ích hữu hình – Đan Mạch thúc đẩy điện gió ngoài khơi, Việt Nam thu hút đầu tư xanh bằng cách cam kết Net Zero vào 2050, Chile thúc đẩy hình ảnh “xanh” cho ngành khai khoáng qua các kỹ thuật mới và năng lượng sạch, hay Ghana xây dựng trung tâm đào tạo gìn giữ hoà bình mang tên cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Theo định hướng này, danh tiếng chỉ có thể thành công khi trở thành giải pháp cụ thể cho những vấn đề của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, danh tiếng luôn có thể nhanh chóng biến mất. Ví dụ – chính sách “ngoại giao nữ quyền” của Thụy Điển bị suy giảm độ tin cậy và bị chỉ trích dữ dội khi nước này chấp thuận xuất khẩu vũ khí cho UAE trong cuộc chiến Yemen. Brazil, từng tự khẳng định vai trò bảo vệ rừng Amazon, đánh mất uy tín quốc tế do tình trạng phá rừng tăng nhanh chóng dưới thời Tổng thống Bolsonaro, gây ra sức ép lớn trong đàm phán thương mại với Châu Âu. Các sự kiện lớn đôi khi phản tác dụng – Đại hội Thể thao châu Âu năm 2015 của Azerbaijan và World Cup năm 2022 tại Qatar làm nổi bật các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Các nước lớn cũng sẵn sàng đáp trả những động thái khẳng định quyền lực chuẩn mực vượt quá “làn ranh đỏ” có thể làm tổn hại lợi ích kinh tế – Na Uy từng bị Trung Quốc cắt giảm mạnh nhập khẩu cá hồi sau vụ trao giải Nobel Hoà bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba.

Như vậy, chủ quyền chuẩn mực hiếm khi đứng độc lập, nhưng luôn củng cố các trụ cột chủ quyền khác. Dù “nhẹ nhàng” hơn, nhưng vẫn có khả năng tạo ra dư địa ngoại giao quý giá cho các quốc gia tầm trung – nhiều lúc là yếu tố quyết định họ sẽ đứng bên lề hay có được chỗ ngồi thực sự trên bàn đàm phán toàn cầu.

Tương lai của chủ quyền các quốc gia tầm trung

Trên bề mặt, bản đồ quyền lực trong ít nhất 20 năm tới có vẻ đã thành hình – Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tranh ngôi; Châu Âu gấp rút củng cố ngành công nghiệp quốc phòng để tránh phụ thuộc vào Mỹ; Nga, dù sa lầy ở Ukraine, vẫn đủ đòn bẩy phá vỡ thế cân bằng; còn Ấn Độ đang được nhiều nhà quan sát theo dõi xem liệu có thể trở thành “trụ thứ ba” của trật tự quốc tế mới hay không. Nếu mở rộng ra khỏi quỹ đạo đó, sẽ còn thấy một tầng lớp khác với các nhân vật không kém phần quyết định – các quốc gia tầm trung – đôi khi lặng lẽ, đôi khi công khai. Sau một loạt các cuộc khủng hoảng liên tiếp kể từ 2014 dàn trải khắp bốn trụ cột chủ quyền – Crimea, thương chiến Mỹ-Trung, đại dịch COVID-19, chiến tranh công nghệ, chiến tranh Nga-Ukraine, “cuộc chiến pháp lý” với quyền lực của Mỹ tại WTO – điều đáng quan tâm bây giờ sẽ không phải là liệu các quốc gia tầm trung có tiếng nói hay không, mà họ sẽ xoay sở thế nào trong một kỷ nguyên vừa có sự liên kết lẫn các đường ranh chia cắt.

Vậy điều gì đang chờ đợi bốn trụ cột chủ quyền trong tương lai? Nhiều khả năng, đó sẽ là một chu trình siết-nới lặp đi lặp lại. Mỗi khi một nước lớn vũ khí hoá một lĩnh vực mới – sau bán dẫn sẽ là trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, chuỗi cung ứng khử carbon v.v… – các quốc gia tầm trung sẽ lập tức phản ứng. Họ có thể tăng cường năng lực trong trụ kinh tế, cập nhật các khung pháp lý (như thúc đẩy chuẩn đạo đức AI tại UNESCO), hay cùng nhau xây dựng một câu chuyện mới để dẫn dắt dư luận toàn cầu – chẳng hạn như “nền kinh tế tuần hoàn của phương Nam toàn cầu” hay “dân chủ hoá dữ liệu 4.0”. Ở mỗi chu kỳ điều chỉnh này, có lẽ thế giới sẽ chứng kiến sự ra đời của một công thức mới, mà nếu có được đủ ảnh hưởng, sẽ khiến các nước lớn cũng phải thích nghi theo.

Điều đáng chú ý không nằm ở việc trụ cột nào sẽ “chiếm ưu thế”, do mỗi dạng chủ quyền đều sẽ có những điểm mạnh và điểm nghẽn khác nhau, mà nằm trong cách các quốc gia tầm trung có thể linh hoạt đổi vai theo thời cuộc. Ả Rập Saudi, giàu lên nhờ dầu mỏ, giờ đang đặt cược vào siêu dự án NEOM để định hình các chuẩn mực về đô thị bền vững, năng lượng sạch, và công nghệ của tương lai, cũng như là bảo vệ chủ quyền trong thời kỳ hậu dầu khí sắp tới. Canada, từng nổi bật nhờ vai trò gìn giữ hoà bình, nay dẫn đầu trong việc đặt ra chuẩn môi trường – xã hội – quản trị (ESG) cho khai thác lithium – khoáng sản thiết yếu cho xe điện và năng lượng mặt trời. Còn Việt Nam, sau khi phát triển mạnh mẽ suốt 30 năm qua nhờ vào mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, nay đã cam kết theo đuổi mô hình mới dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Từ đó có thể rút ra một mệnh đề quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách ở những quốc gia tầm trung – khái niệm chủ quyền sẽ không bao giờ là một thiết kế hoàn chỉnh. Mỗi một thay đổi trong môi trường quốc tế đều buộc họ phải điều chỉnh liên tục – một hiệp ước mới đòi hỏi năng lực đọc, hiểu và vận dụng các phán quyết pháp lý; một công nghệ mới buộc phải định hình lại toàn bộ mô hình chuỗi giá trị; một biến cố an ninh mới, dù là chiến tranh hay sự xuất hiện của một liên minh mới, sẽ làm lung lay các học thuyết răn đe cũ; còn hình ảnh quốc gia sẽ liên tục bị thách thức bởi những cơn bão truyền thông không biên giới.

Như Bilahari Kausikan, nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore từng nhấn mạnh:“Đối với các nước nhỏ, việc duy trì sự hiện diện không bao giờ là điều hiển nhiên, mà là một sản phẩm nhân tạo – được kiến tạo bởi nỗ lực con người và chỉ có thể duy trì bằng chính nỗ lực đó”. Với các quốc gia trung cường, bốn trụ cột chủ quyền chính là những “sản phẩm” đó; chúng không phải là lá chắn tuyệt đối trước sức ép của các nước lớn, nhưng là nền tảng cho phép họ giữ vững vị thế, và không bị cuốn trôi khi trật tự thế giới dịch chuyển. Sự chủ động trong việc xây dựng, điều chỉnh và kết hợp các trụ cột này sẽ là thước đo thực chất của chủ quyền trong thế kỷ 21.