Cuộc chiến Thái Lan-Campuchia: Canh bạc vượt tầm kiểm soát

Nguồn: Nhạc Hán, 岳汉|泰柬之战:两个东盟近邻,为何生死相搏?, Sina Finance, 25/07/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Giữa Thái Lan và Campuchia đang nổ ra một cuộc chiến. Đó không phải là một xung đột nhỏ, mà là một cuộc giao tranh với quy mô lớn. Hai quốc gia Phật giáo ở Đông Nam Á đã thực sự dùng vũ lực với nhau, với kết quả là cảnh tượng pháo nổ đạn bay không ngớt.

Phía Campuchia đã sử dụng hệ thống phóng rocket BM-21 “Grad” 122mm thời Liên Xô để bắn phá các thị trấn biên giới của Thái Lan. Các doanh trại quân đội, bệnh viện, nhà dân, trạm xăng ven đường và cửa hàng tiện lợi… đều không thoát khỏi cuộc tấn công, khiến hơn chục thường dân Thái Lan thiệt mạng, trong đó có 6 người ở một cửa hàng tiện lợi.

Phía Thái Lan cũng thay đổi thái độ mềm mỏng thường thấy của mình và lập tức điều động 10 chiếc F16 hai lần vượt qua biên giới để oanh tạc Campuchia và san phẳng trụ sở của hai sư đoàn lục quân Campuchia.

Đến thời điểm này của cuộc chiến, cả hai bên đều đã trở nên đầy hận thù. Hai quốc gia Phật giáo Đông Nam Á trước nay vốn hiền hòa này đã có thù oán gì mà lại dẫn đến cuộc chiến hỗn loạn như hiện nay? Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu căn nguyên của cuộc chiến này.

Ân oán Thái Lan-Campuchia: Hai nạn nhân xâu xé lẫn nhau

Có khá nhiều người không biết rõ về mối hận thù giữa Thái Lan và Campuchia và cho rằng cuộc chiến này chắc hẳn là do một quốc gia nào đó xúi giục. Thực ra, giữa hai quốc gia này có một ân oán khá sâu đậm, mà có thể nói là “núi liền núi, sông liền sông, nhưng thâm thù thì đời đời kiếp kiếp”.

Vào thời nhà Đường (Trung Quốc), phần lớn bán đảo Đông Dương nằm dưới sự kiểm soát của Đế quốc Khmer, tức Campuchia cổ đại. Vào thời điểm đó, người Thái chỉ là một bộ tộc nhỏ chịu sự cai trị của người Khmer và họ thậm chí còn chưa có quốc gia hay hệ thống chữ viết. Do đó, có thể nói rằng “Thái Lan từng là một phần của Campuchia”.

Về sau, người Thái dần lớn mạnh và trỗi dậy, rồi đánh bại người Khmer – những người từng là chủ nhân của họ – đến mức gần như vong quốc. Trong một loạt cuộc chiến tranh ủy nhiệm tranh giành với Việt Nam, Thái Lan từng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Campuchia và trở thành tông chủ quốc trên thực tế của Campuchia trong một thời gian.

Sau đó, người Pháp đến và đánh bại người Thái, tiếp tục chia cắt Campuchia và buộc Thái Lan nhượng lại lãnh thổ cho Campuchia thuộc Pháp, qua đó tạo ra vô số “quả mìn tranh chấp lãnh thổ” giữa Thái Lan và Campuchia sau này.

Vì vậy, cả hai bên đều rất bất mãn và cảm thấy mình là nạn nhân. Campuchia coi Thái Lan là kẻ vô ơn phản phúc, còn Thái Lan coi Campuchia là kẻ vô lý cùng quẫn. Người dân hai nước đều cực kỳ khó chịu với nhau, và chỉ cần một xung đột nhỏ trên mạng cũng có thể dẫn đến một cuộc khẩu chiến toàn quốc giữa hai bên.

Oái oăm thay, Đế chế Khmer lại ưa thích xây dựng các đền thờ trên vách đá, mà những vị trí ấy lại nằm đúng ranh giới địa lý tự nhiên giữa Thái Lan và Campuchia, kết quả là đã dẫn đến những tranh chấp và xung đột bất tận. Năm 2008, hai nước từng giao chiến tại Đền Preah Vihear ở biên giới và tình hình cũng tương tự tại một số ngôi đền khác. Khi thường thì đó là nơi du khách cả hai nước cùng thắp nhang, nhưng vào những lúc căng thẳng thì chúng lại trở thành trận địa để binh lính và du khách hai bên “chào hỏi” lẫn nhau, rất dễ dẫn đến những vụ nổ súng ngoài ý muốn.

Người dân hai bên vốn không ưa nhau, còn giới cầm quyền thì muốn lợi dụng sự thù ghét tích tụ nơi người dân để kích động tình cảm hận thù dân tộc chủ nghĩa nhằm đạt được mục tiêu chính trị của riêng mình.

Tất cả những điều này đều là điều kiện tất yếu dẫn tới cuộc chiến Thái Lan-Campuchia.

Nguyên nhân thực sự dẫn đến cuộc chiến hiện tại chính là “Sự kiện Cuộc gọi” – sự vụ lớn diễn ra cách đây không lâu và sẽ đi vào lịch sử ngoại giao thế giới.

Sự kiện Cuộc gọi: Giết chú chim bồ câu hòa bình

Vào thời đương đại, nền chính trị Thái Lan đã bước vào kỷ nguyên Thaksin. Thaksin và Hun Sen có nhiều điểm tương đồng về tính cách và tham vọng chính trị (cả hai đều muốn trở thành “tể tướng không ngai” đứng sau nắm giữ toàn quyền). Thaksin chỉ Hun Sen cách làm ăn, còn Hun Sen thì nhiều lần che chở Thaksin trong thời kỳ lưu vong. Hai người đã xây dựng một tình bạn chân thành.

Thaksin cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, hy vọng thiết lập nên một cộng đồng lợi ích vượt khỏi biên giới quốc gia, dựa trên mối liên kết với các chính trị gia có thế lực khác ở Đông Nam Á. Vì vậy, khi người của phe Thaksin cầm quyền, Thái Lan sẽ “thân Campuchia”; còn khi các thế lực chống Thaksin lên nắm quyền, Thái Lan sẽ phần nào đó “chống Campuchia”. Kết quả cuối cùng là giới quân sự và phe bảo thủ của Thái Lan đã cố tình kích động tình cảm chống Campuchia trong nước để chống lại Thaksin, đồng thời gán cho Thaksin tội cấu kết với nước ngoài và phản quốc.

Vào tháng 5/2025, một cuộc xung đột quy mô nhỏ đã nổ ra giữa Thái Lan và Campuchia ở khu vực biên giới. Chính phủ của Paetongtarn (thực chất là chính quyền Thaksin) đã nỗ lực hết sức để giải quyết xung đột. Như chúng ta đã biết, quân đội Thái Lan xưa nay vốn không chịu sự kiểm soát của chính phủ, thêm vào đó, cuộc đấu đá chính trị nội bộ ở Thái Lan đang diễn ra gay gắt vào thời điểm này. Tướng Boonsin – Tư lệnh Quân khu 2 miền Đông của Thái Lan vốn là một người chống Thaksin quyết liệt. Không nghe lệnh chính phủ, Boonsin điều động quân đội hạng nặng tiến đến biên giới Thái Lan-Campuchia, phong tỏa biên giới, cố tình làm trầm trọng hóa mâu thuẫn giữa hai bên và đe dọa “chiếm Phnom Penh trong ba ngày”, qua đó đẩy chính phủ của Paetongtarn vào thế khó.

Vậy là mỗi lần Hun Sen định động binh, Thaksin lại thuyết phục ông rút quân; nhưng mỗi lần Hun Sen rút quân, quân đội Thái Lan lại sỉ nhục Hun Sen ở biên giới. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại khiến Hun Sen cảm thấy bị chơi khăm, và rạn nứt dần nảy sinh giữa ông với Thaksin và Paetongtarn.

Vào ngày 15/6, Hun Sen và Paetongtarn đã có một cuộc gọi riêng tư, trong đó Paetongtarn khẩn thiết mong Hun Sen không đổ thêm dầu vào lửa, với những câu nói mềm mỏng như “Boonsin của Quân khu 2 là một kẻ điên” và “Nếu chú có yêu cầu gì, cháu sẽ sắp xếp cho chú”. Không ngờ rằng, ngày hôm sau, Hun Sen đã công khai bản ghi âm cuộc gọi cho công chúng thông qua cấp dưới của mình, và Paetongtarn ngay lập tức bị nhấn chìm trong những lời mắng nhiếc rằng “đã làm nhục đất nước”.

Có thể những lời nói của Thaksin đã chọc giận Hun Sen, hoặc có lẽ Hun Sen bất mãn vì sự giúp đỡ lâu dài mà mình dành cho Thaksin đã không được đền đáp xứng đáng, hoặc có lẽ ông muốn một chiến thắng ngoại giao để củng cố quyền lực của bản thân và con trai Hun Manet? Chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ động cơ tâm lý thực sự đằng sau động thái gây sốc này của Hun Sen. Nhưng kết quả thì đến ngay lập tức. Paetongtarn bị công chúng lên án gay gắt và chẳng bao lâu sau bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ. Việc Paetongtarn bị hạ bệ chỉ còn là vấn đề thời gian và chính quyền Thaksin cũng theo đó mà lung lay dữ dội.

Tuy nhiên, Hun Sen đã bỏ qua một vấn đề căn bản: Nếu đẩy Paetongtarn và Thaksin vào đường cùng, điều đó đồng nghĩa với việc loại bỏ “thế lực thân Campuchia” duy nhất của Thái Lan. Vậy sau này còn ai có thể lên tiếng bảo vệ Hun Sen?

Để tồn tại và cũng để trả thù, Thaksin và Paetongtarn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra tay trừng phạt Campuchia.

Vì vậy, Thái Lan bắt đầu đoàn kết lại để đối phó với Hun Sen và công khai truy bắt Kok An – “túi tiền” của Hun Sen tại Thái Lan, mạnh tay triệt phá ngành công nghiệp lừa đảo điện tử xuyên biên giới Thái Lan-Campuchia và tấn công tận gốc vào các nguồn lực sống còn của Hun Sen. Thaksin công khai chỉ trích Hun Sen là kẻ “không ra gì”, trong khi Hun Sen thì tố cáo Thaksin “bất trung với Quốc vương Thái Lan”. Tình bạn giữa hai người sụp đổ và quan hệ giữa hai nước cũng rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Đứng trước cái hố do chính mình đào, Hun Sen chọn cách ném thêm một quả mìn nữa xuống hố.

Cuối tháng 7, nhiều loại mìn mới bất ngờ xuất hiện tại biên giới Thái Lan-Campuchia, khiến một số binh sĩ Thái Lan bị thương, có người bị mất chân. Chính phủ Thái Lan lập tức trục xuất Đại sứ Campuchia tại Thái Lan và triệu hồi Đại sứ Thái Lan tại Campuchia về nước – tương đương với việc tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Campuchia.

Rạng sáng ngày 24/7, lực lượng biên phòng Thái Lan phát hiện binh sĩ Campuchia được vũ trang đầy đủ bắt đầu di chuyển về phía hàng rào thép gai phong tỏa biên giới, và trên trận địa của Thái Lan xuất hiện tiếng vo ve của máy bay không người lái. Sau đó, một cuộc đọ súng đã nổ ra giữa hai bên.

Cả Thái Lan và Campuchia đều cáo buộc đối phương nổ súng trước.

Sau tiếng súng, quân đội Campuchia đã khai hỏa toàn diện với quân đội Thái Lan tại sáu điểm ở biên giới, đồng thời sử dụng hệ thống phóng rocket BM-21 “Grad” do Nga sản xuất để bắn phá sâu vào lãnh thổ Thái Lan. Bộ binh Campuchia nhanh chóng đột phá qua các tuyến đường núi bị quân đội Thái Lan phong tỏa và chiếm giữ hai ngôi đền tranh chấp vốn do Thái Lan kiểm soát trên thực tế. Quân đội Thái Lan đóng tại đó đã rút lui.

Quân đội Thái Lan cũng nổi giận và đáp trả bằng cách dùng những chiếc F16 “át chủ bài” để ném bom các mục tiêu ở Campuchia. Họ đã phá hủy sở chỉ huy của hai sư đoàn lục quân Campuchia ở biên giới, tiêu diệt một số xe tăng và bệ phóng rocket, và đánh sập một số con đường dẫn đến tiền tuyến.

Chỉ trong một ngày, xung đột Thái Lan-Campuchia đã leo thang từ thế giằng co sang chiến tranh nóng, vượt xa mức độ của cuộc đụng độ tại Đền Preah Vihear năm 2008 và trở thành cuộc chiến lớn nhất trong khu vực kể từ những năm 1980.

Quân đội Thái Lan tương đối mạnh mẽ và có thể tự do tấn công các mục tiêu quân sự trên bộ của Campuchia mà không bị thiệt hại. Trong khi đó, quân đội Campuchia yếu hơn và chỉ có một lượng lớn pháo đã cũ, nên buộc phải tiến hành pháo kích ồ ạt vào lãnh thổ Thái Lan, gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở dân sự và dân thường bên phía Thái Lan. Cho đến nay, đã có hơn 10 người Thái Lan thiệt mạng (chủ yếu là dân thường), hàng chục người bị thương và hàng trăm ngôi làng cùng hàng vạn người phải sơ tán khẩn cấp.

Chiều ngày 24, Không quân Thái Lan đã mở đợt không kích thứ hai, oanh tạc các trại lính và xe tăng, pháo binh của Campuchia, đồng thời mở cuộc phản công trên bộ vào quân đội Campuchia.

Song song với đó, cuộc chiến thông tin và ngoại giao cũng diễn ra quyết liệt. Campuchia tung tin đã “bắn hạ một máy bay quân sự Thái Lan”, trong khi Thái Lan đưa tin “Hun Sen đã bỏ trốn sang Trung Quốc”. Phái đoàn ngoại giao của hai nước cũng chỉ trích hành động gây hấn của đối phương tại Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Anwar Ibrahim của Malaysia – nước đang là Chủ tịch luân phiên ASEAN – đã kêu gọi hai bên ngừng bắn và tiến hành đàm phán. Trung Quốc cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cuộc giao tranh và kêu gọi hai bên giải quyết những bất đồng một cách thỏa đáng.

Cuộc chiến Thái Lan-Campuchia: Canh bạc vượt khỏi tầm kiểm soát

Vậy tại sao cuộc chiến Thái Lan-Campuchia lại nổ ra? Và nó sẽ đi đến đâu?

Cuộc chiến này thực chất là một trò chơi chính trị do cả Thái Lan và Campuchia phát động nhằm phục vụ cho những động cơ chính trị nội bộ của họ, và cuối cùng đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Nhìn vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, Campuchia đã chuẩn bị tốt cho cuộc xung đột này và có nhiều khả năng sẽ khai chiến. Mục tiêu chiến lược của Campuchia thông qua các biện pháp quân sự giới hạn để phá vỡ thế đàn áp chiến lược của Thái Lan đối với nước này, và thông qua một chiến thắng mạo hiểm để ổn định chính trị trong nước, đồng thời lật đổ chính quyền Thaksin và gây bất ổn cho nội bộ Thái Lan.

Tóm lại, Hun Sen muốn đẩy Thaksin vào đường cùng, nhưng điều đó lại dẫn đến việc Campuchia bị Thái Lan tấn công mạnh mẽ. Vậy là Hun Sen buộc phải đi một nước cờ hiểm hóc, tung ra một đòn đánh bất ngờ nhằm giành lại thế chủ động trong cuộc xung đột với Thái Lan và đóng thêm một chiếc đinh nữa vào “cỗ quan tài chính trị” của Thaksin. Còn đối với Thái Lan, việc cuộc xung đột này kéo dài đến tận lúc này là hậu quả tất yếu của việc phe bảo thủ chính trị và quân đội Thái Lan muốn “mượn dao” để loại bỏ Thaksin.

Để phá rối Thaksin, quân đội Thái Lan liên tục phá hoại các nỗ lực đàm phán hòa bình và châm ngòi cho cuộc chiến. Kết quả là, chính phủ của Paetongtarn thấy mình đang phải đối mặt với hai làn đạn từ cả Thái Lan và Campuchia, và buộc phải trở nên hiếu chiến hơn những phần tử hiếu chiến và yêu nước hơn những “vị tướng yêu nước”, thì mới có đường sống. Nếu ai cũng muốn đánh, vậy là đánh thôi!

Mâu thuẫn lịch sử nội tại giữa hai nước, đã bị Campuchia lợi dụng với động cơ “mượn cớ đánh ngoại xâm, ổn định nội bộ”, đồng thời bị phe bảo thủ và quân đội Thái Lan thổi bùng lên với động cơ “kích động ngoại xâm để kiềm chế ảnh hưởng của Thaksin”. Những mâu thuẫn này cuối cùng đã bóp nghẹt mọi khả năng hòa bình và đẩy các bên vào tình trạng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Giờ thì không bên nào có thể xuống thang. Trước lòng nhiệt thành dữ dội được kích hoạt bởi chủ nghĩa dân tộc của nhân dân nước mình, không ai dám tỏ ra yếu đuối. Kẻ nào tỏ ra yếu đuối sẽ là kẻ thua cuộc và bán nước. Kết quả là, quan hệ hai nước chỉ có thể tiếp tục giằng co trong vòng xoáy ở chiều đi xuống. Hai quốc gia láng giềng, với nền kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau cao độ, vốn có thể cùng hợp tác nhưng lại đang mắc kẹt trong bầu không khí thù địch kéo dài và không bên nào có thể thoát ra.

Vậy cuộc chiến này rồi sẽ đi về đâu?

Tin tốt là cho đến nay, cả Thái Lan và Campuchia đều chưa có dấu hiệu huy động lực lượng lớn cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Bởi cả Hun Sen lẫn quân đội Thái Lan đều không có đủ quyết tâm và năng lực để tiến hành một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ quy mô lớn. Chiến đấu, thực chất chỉ là một động thái nhằm giữ thể diện, dằn mặt nội bộ và đánh cầm chừng là đã đủ. Còn nếu thực sự triển khai một cuộc chiến quy mô lớn thì chẳng bên nào kham nổi.

Bởi vậy, sẽ không có chiến tranh lớn, nhưng các cuộc đối đầu và xung đột biên giới quy mô nhỏ sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Quân đội Thái Lan có ưu thế vượt trội so với Campuchia, và nhiều khả năng họ sẽ thường xuyên sử dụng lực lượng không quân vượt trội của mình để thực hiện các cuộc không kích vào lãnh thổ Campuchia. Về phía Campuchia, mặc dù có nguồn lực nghèo nàn, nhưng binh sĩ của họ có ý chí chiến đấu tương đối ngoan cường, đồng thời họ cũng có một lượng lớn bệ phóng rocket kiểu Liên Xô. Nhiều khả năng thỉnh thoảng họ sẽ tiến hành pháo kích về phía Thái Lan, điều này sẽ gây áp lực dọc biên giới lâu dài cho Thái Lan. Hai bên có thể sẽ giằng co ở cường độ thấp quanh khu vực các ngôi đền tranh chấp, và các cuộc đọ súng và pháo kích quy mô nhỏ sẽ tiếp tục nổ ra. Đây là trạng thái có nhiều khả năng xảy ra nhất đối với Thái Lan và Campuchia trong tương lai.

Cuối cùng, phải nhấn mạnh rằng, trước mắt không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ can dự vào cuộc chiến Thái Lan-Campuchia. Mặc dù quân đội Thái Lan đã sử dụng máy bay F-16, nhưng Mỹ không có động cơ hay nhiệt tình nào để châm ngòi cuộc xung đột giữa hai nước này, chứ đừng nói đến việc xúi giục chính quyền Hun Sen, vốn không thân thiết với Mỹ, chủ động tấn công quân đội Thái Lan mà họ có quan hệ hợp tác. Quan điểm cho rằng “Mỹ đứng sau mọi sự kiện gây bất ổn xung quanh Trung Quốc” đã đánh giá quá cao Mỹ.

Vậy Trung Quốc nên làm gì trước cuộc xung đột Thái Lan-Campuchia? Nhiều người cho rằng, cuộc chiến Thái Lan-Campuchia không liên quan đến chúng ta và hãy để họ tự giải quyết. Thành thật mà nói, mặc dù Trung Quốc vốn không thích can thiệp vào chuyện của người khác, nhưng lần này thật sự có thể cân nhắc việc đứng ra làm trung gian hòa giải.

Thái Lan và Campuchia đều là những quốc gia thân thiện với Trung Quốc. Điều quan trọng là cả hai bên đều không thực sự muốn “sống mái” với bên kia. Giờ đây, khi sự việc đã đến mức này, cả hai nước thực ra đều đang chờ đợi một lối để xuống thang. Khi hai bên đều đã mệt mỏi và đã trút giận xong, nếu có một nước lớn trong khu vực đứng ra dàn xếp, thì dù không thể giải quyết triệt để hận thù giữa hai nước, việc đạt được lệnh ngừng bắn là hoàn toàn khả thi.

Nói thực lòng, cuộc chiến Thái Lan-Campuchia là một cuộc chiến vô lý, không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh được.

Thái Lan và Campuchia không phải Nga-Ukraine hay Palestine-Israel – những nước bị ràng buộc bởi xung đột địa chính trị sâu sắc đến mức “không đánh không được”. Hai nước lẽ ra không cần phải đi đến bước đường này, nhưng vì những toan tính thầm kín của giới cầm quyền của cả hai bên, vì động cơ nội tại của quân đội và phe bảo thủ Thái Lan muốn lật đổ chính quyền dân sự, và vì hành động lố bịch của “ông lão” Campuchia bỗng nhiên nổi giận mà không phân biệt bạn thù, cuối cùng đã dẫn đến đổ máu, khói lửa chiến tranh và cái chết của nhiều người vô tội.

Niềm hy vọng hòa bình đã bị đập tan, xương máu của nhân dân đã đổ xuống. Tất cả những điều này không phải vì quốc gia hay phẩm giá của dân tộc, mà chỉ vì ý niệm tham lam của một tầng lớp, một nhóm người, hay thậm chí của một cá nhân. Những người đã ngã xuống thực sự đã chết một cách quá vô nghĩa.

Trung Quốc phải trân trọng hòa bình, bảo vệ hòa bình, cảnh giác trước sự hỗn loạn xung quanh, nhìn rõ sự thật đằng sau những điều tưởng như phi lý và nỗ lực mang lại nhiều lý trí và bình yên hơn cho thế giới.

Có những mầm mống hận thù được gieo rắc bởi những kẻ tự cho mình là thông minh.