#114 – Bản chất của quyền lực quốc gia

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Hans J. Morgenthau (1948). “The Essence of National Power”, in H.J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace (New York, NY: Alfred A. Knopf), pp. 73-79.

Biên dịch: Phạm Khánh Ly | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

1. Quyền lực quốc gia là gì?

Chúng ta đã nói rằng khi đề cập đến khái niệm quyền lực (hay sức mạnh), chúng ta muốn nói tới quyền lực của một người chi phối tư tưởng và hành động của những người khác, một hiện tượng được tìm thấy bất kể khi nào có loài người sống và tương tác với nhau trong xã hội. “Quyền lực của một đất nước” hay “quyền lực quốc gia” đã được thảo luận như thể một khái niệm hiển nhiên, đã được giải thích khá đầy đủ bởi những gì chúng ta đã nói về quyền lực nói chung. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta dễ dàng hiểu rằng các cá nhân đều tìm kiếm quyền lực, nhưng khát vọng về quyền lực trong các quần thể được gọi là các quốc gia sẽ được lý giải ra sao? Quốc gia là gì? Chúng ta muốn nói lên điều gì khi gắn những khát vọng và hành động cho một quốc gia?

Một quốc gia được hiểu theo nghĩa thông thường như vậy chắc chắn không phải là một vật thể thực nghiệm nhìn thấy được. Những gì có thể quan sát thực nghiệm chỉ là công dân của quốc gia đó. Từ đó, quốc gia là một khái niệm trừu tượng bao gồm một số lượng cá nhân có chung những đặc điểm nhất định nào đó, và chính những đặc điểm đó làm cho họ trở thành những thành viên của cùng một quốc gia. Bên cạnh việc là thành viên của một quốc gia và có những suy nghĩ, cảm xúc và hành động theo tư cách đó, mỗi cá nhân còn có thể thuộc về một tôn giáo, một tầng lớp xã hội hoặc kinh tế, một chính đảng hay một gia đình và họ cũng có thể suy nghĩ, có cảm xúc và hành động theo những tư cách như vậy nữa. Vì thế, khi nói về quyền lực hay chính sách đối ngoại của một quốc gia nào đó, trên phương diện thực nghiệm chúng ta chỉ muốn nói đến quyền lực hoặc chính sách đối ngoại của các cá nhân nhất định trong quốc gia đó.

Tuy nhiên, điều này lại nảy sinh một khó khăn khác. Quyền lực hay chính sách đối ngoại của nước Mỹ hiển nhiên lại không có nghĩa là quyền lực hoặc chính sách đối ngoại của tất cả những cá nhân thuộc về đất nước được gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Việc nước Mỹ đã trỗi dậy sau Thế chiến thứ II trở thành một cường quốc hùng mạnh nhất trên thế giới không ảnh hưởng đến quyền lực của đại đa số cá nhân công dân Mỹ. Tuy nhiên nó lại ảnh hưởng đến những người quản lý quan hệ đối ngoại của Mỹ, cụ thể hơn chính là những người phát ngôn và đại diện cho Mỹ trên diễn đàn quốc tế. Một quốc gia theo đuổi các chính sách, đường lối quốc tế với tư cách là một tổ chức pháp lý gọi là nhà nước mà các nhân viên của nó làm đại diện cho quốc gia trên diễn đàn quốc tế. Họ lên tiếng đại diện đất nước, đàm phán các hiệp ước nhân danh nó, vạch ra mục tiêu, lựa chọn giải pháp để đạt được chúng và cố gắng để giữ vững, phát triển và chứng minh quyền lực của đất nước mình. Họ chính là những cá thể mà khi xuất hiện với tư cách là đại diện cho quốc gia trên diễn đàn quốc tế, đã nắm trong tay quyền lực và theo đuổi các đường lối của đất nước họ. Họ chính là minh họa cho những thuật ngữ thực nghiệm về quyền lực hoặc chính sách đối ngoại của một quốc gia mà chúng ta đã nhắc tới ở trên.

Vậy thì làm sao đại đa số công dân của một nước với quyền lực của các cá thể không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của quyền lực quốc gia có thể tự gắn mình với quyền lực và chính sách đối ngoại của đất nước họ, tự mình trải nghiệm chúng như thể chúng là của mình, và hành xử như vậy với một cảm xúc mãnh liệt thường hơn cả cảm xúc đối với tham vọng quyền lực cá nhân của họ? Bằng việc đặt câu hỏi này, chúng ta đã tự đặt ra vấn đề về chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Trong những thời đại trước của lịch sử, tập thể mà quyền lực, tham vọng quyền lực của nó cuốn hút các cá thể gắn bó với nhau được xác định bởi quan hệ huyết thống, tôn giáo, hoặc chung lòng trung thành với một vị vua chúa nào đó. Trong thời đại chúng ta, sự gắn bó với quyền lực và đường lối của quốc gia hầu như đã thay thế cho, hoặc ít nhất làm lu mờ, những cách xác định bản sắc đó của các thời đại trước. Vậy, hiện tượng chủ nghĩa dân tộc hiện đại ấy sẽ được giải thích ra sao?

Như đã thảo luận từ trước về các ý thức hệ của chính sách đối ngoại mà theo đó trong tư duy của mỗi cá nhân, khát vọng muốn chiếm lấy quyền lực của người khác sẽ bị định kiến là vô đạo đức. Trong khi một trong những căn nguyên của việc hạ thấp đạo đức này xuất phát từ ước muốn của những nạn nhân tiềm tàng được bảo vệ sự tự do của mình trước các mối đe dọa xuất phát từ quyền lực của kẻ khác, thì căn nguyên còn lại bắt nguồn từ nỗ lực của toàn xã hội trong việc kiềm chế và giữ giới hạn đối với các khát vọng quyền lực của các cá thể trong xã hội đó. Xã hội đã thiết lập một hệ thống các quy tắc về đạo đức và các công cụ thể chế cho việc kiểm soát khát vọng quyền lực của các cá thể trong xã hội. Những quy tắc và công cụ trên hoặc đều lái các khát vọng quyền lực của các cá thể vào đúng hướng để không thể gây nguy hiểm cho xã hội, hoặc là làm cho chúng yếu đi hay ngăn cản chúng một cách hoàn toàn. Luật pháp, đạo đức, tập quán, vô số các thể chế và dàn xếp xã hội như thi tuyển cạnh tranh, bầu cử, thể thao, câu lạc bộ xã hội, và các hội ái hữu, tất cả đều nhằm vào mục đích này.

Kết quả là hầu như mọi người đều không thể thỏa mãn được tham vọng quyền lực của mình trong cộng đồng quốc gia. Trong cộng đồng đó, chỉ có một nhóm tương đối nhỏ có thể nắm giữ quyền lực lâu dài đối với đại đa số người dân mà không bị kiểm soát sâu rộng bởi những người khác. Phần đông dân số chủ yếu là đối tượng bị quyền lực kiểm soát chứ không phải là người kiểm soát quyền lực. Khi không được thỏa mãn đầy đủ ước muốn về quyền lực ở trong nước của mình, họ hướng đến chính trường quốc tế để thể hiện những khát vọng chưa được thỏa mãn đó. Ở đó, họ tìm thấy được sự thỏa mãn trong tưởng tượng khi gắn mình với những khát vọng quyền lực của quốc gia. Một người dân Mỹ, khi nghĩ về quyền lực của đất nước mình, anh ta cảm nhận được sự hồ hởi trong lòng mình giống như người dân La Mã tự xác định bản sắc của mình với quyền lực của thành Rome. Cũng như để phân biệt mình với người lạ, anh ta sẽ nói: “Tôi là một công dân La Mã”. Khi chúng ta ý thức rằng mình là thành viên của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, quốc gia với nguồn lực công nghiệp lớn nhất và sự độc quyền về bom nguyên tử; chúng ta tự thăng hoa và cảm nhận được một niềm kiêu hãnh lớn lao. Điều đó như thể là tất cả chúng ta, không phải là từng cá thể riêng lẻ mà là một tập thể, với tư cách là công dân của một nước cùng đều sở hữu và kiểm soát thứ quyền lực lớn lao đó. Quyền lực mà các nhà đại diện của chúng ta đang thực thi trên chính trường quốc tế trở thành quyền lực của chúng ta, và nỗi thất vọng mà chúng ta trải qua bên trong cộng đồng quốc gia sẽ được bù đắp bởi sự vui lây từ quyền lực quốc gia.

Những xu hướng tâm lý này tồn tại trong mỗi thành viên của một quốc gia, sẽ được ủng hộ bởi các quy tắc đạo đức và thể chế của chính xã hội. Xã hội kiềm chế khát vọng về quyền lực của mỗi cá nhân bên trong cộng đồng quốc gia và khinh miệt những khát vọng muốn tìm kiếm quyền lực cá nhân cho riêng mình. Tuy nhiên xã hội khuyến khích và tôn vinh xu hướng của số đông, vốn thất vọng trong việc thỏa mãn tham vọng quyền lực cá nhân, gắn mình với cuộc đấu tranh quyền lực của quốc gia trên chính trường quốc tế. Quyền lực được theo đuổi bởi riêng một cá thể vì lợi ích riêng mình sẽ bị coi là xấu xa và chỉ được khoan dung trong một giới hạn và biểu hiện nhất định nào đó. Quyền lực được che đậy dưới lớp bọc hệ tư tưởng và được theo đuổi nhân danh hay vì quyền lợi một quốc gia lại trở thành một điều được hoan nghênh mà mọi công dân nên phấn đấu. Các biểu tượng quốc gia là công cụ giúp mỗi cá nhân xác định bản sắc của mình gắn với quyền lực của quốc gia, đặc biệt khi liên quan tới sức mạnh quân sự và trong mối quan hệ với các nước khác. Đạo đức và tập quán của xã hội có xu hướng làm cho sự xác định bản sắc đó trở nên hấp dẫn bằng cách đưa ra phần thưởng cũng như đe dọa áp dụng các hình phạt.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà một vài nhóm cư dân nào đó hoặc là những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho tham vọng quyền lực của đất nước trên chính trường quốc tế, hoặc họ sẽ từ chối không làm gì vì điều này. Những nhóm này chủ yếu là các đối tượng bị kiểm soát bởi quyền lực của kẻ khác, hoàn toàn bị tước đi những giải pháp thực hiện tham vọng quyền lực cá nhân, hoặc cảm thấy bất an nhất khi sở hữu bất cứ thứ quyền lực nào mà họ có bên trong cộng đồng quốc gia. Đặc biệt, không những những người thuộc tầng lớp thấp hơn như viên chức cổ cồn trắng, mà còn phần lớn lực lượng người lao động nòng cốt,[1] đều hết mực gắn mình với tham vọng quyền lực của quốc gia. Hoặc ngược lại, mà giai cấp vô sản cách mạng là một ví dụ điển hình, cụ thể là ở Châu Âu, họ hoàn toàn không xác định bản sắc của mình gắn với các tham vọng quyền lực quốc gia chút nào. Trong khi nhóm sau cho tới lúc này chỉ là một mối quan ngại nhỏ đối với chính sách quốc tế của Mỹ, thì nhóm trước lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Vậy thì, đây chính là nơi chúng ta cần phải tìm kiếm được căn nguyên của chủ nghĩa dân tộc hiện đại và giải thích cho sự khốc liệt đang gia tăng trong việc theo đuổi chính trị quốc tế của các nước trong thời hiện đại. Sự bất an của các cá nhân ngày càng gia tăng ở xã hội phương Tây, đặc biệt trong tầng lớp thấp trong xã hội, đã khuếch đại sự thất vọng liên quan đến nỗ lực tìm kiếm quyền lực cá nhân. Điều đó đến lượt nó làm tăng sự khao khát muốn bù đắp bằng cách gắn kết mình với những tham vọng về quyền lực của quốc gia. Những sự gia tăng này diễn ra cả về chất lẫn lượng.

2. Nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc hiện đại

Cho đến thời Chiến tranh Napoleon, chỉ những nhóm nhỏ dân cư gắn mình với chính sách đối ngoại của quốc gia họ. Chính sách đối ngoại thật sự không mang tính quốc gia mà là chính sách của một triều đình. Sự ủng hộ là đối với quyền lực và chính sách của riêng một đấng quân vương hơn là quyền lực và chính sách của một tập thể, ví dụ như một quốc gia. Trong cuốn tự truyện của mình, Geothe đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đều yêu thích Frederik [Đại đế], nhưng chúng ta có yêu quý gì nước Phổ không?”

Với những cuộc chiến tranh của Napoleon, thời kỳ của chính sách đối ngoại và các cuộc chiến tranh quốc gia đã bắt đầu, đó là sự gắn bó của đại đa số công dân của một quốc gia với quyền lực và chính sách của đất nước. Cho đến thời Thế chiến thứ nhất, mức độ mà các thành viên của các đảng xã hội Châu Âu gắn mình với quyền lực và chính sách của đất nước họ đến mức độ nào vẫn bị nghi ngờ. Tuy nhiên, sự tham gia đầy đủ vào cuộc chiến của phần đông công nhân các nước tham chiến đã chứng minh sự ủng hộ của toàn thể người dân đối với quyền lực và chính sách của đất nước họ.

Tuy nhiên, Thế chiến thứ hai đã dẫn tới sự ủng hộ suy giảm so với trong Thế chiến thứ nhất. Sự giảm sút này xảy ra ở tầng đỉnh cũng như tầng đáy của kim tự tháp cấu trúc xã hội. Một mặt, các nhóm những người lãnh đạo trí thức, chính trị gia và quân đội ở Vương quốc Anh và Pháp, vốn tương đối nhỏ nhưng nhiều quyền lực, đã cự tuyệt việc ủng hộ đất nước hoặc thậm chí ủng hộ kẻ thù của quốc gia. Những nhà lãnh đạo này có cảm giác bất an về thế lực của mình, đặc biệt là nếu xét đến sự yếu kém về chính trị và quân sự của nước nhà, và chỉ riêng kẻ thù mới giúp bảo đảm rằng họ vẫn giữ được vị thế của họ trên đỉnh tháp xã hội. Mặc khác, Đảng cộng sản Pháp, vốn ủng hộ cả nước Pháp và Liên Xô, đã có thể hoàn toàn ủng hộ nước Pháp chỉ khi sau cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô năm 1941 khiến khơi dậy cả hai sự ủng hộ này. Chỉ riêng cuộc tấn công của Đức vào nước Pháp không đủ để kích thích người dân tích cực tham gia kháng chiến chống quân xâm lược. Nhưng cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô lại biến Pháp và Liên Xô trở thành những đồng minh trong một sự nghiệp chung, khiến cho những người cộng sản Pháp có thể chống lại người Đức xâm lược với danh nghĩa là kẻ thù chung của cả Pháp và Liên Xô. Sự ủng hộ của những người cộng sản Pháp đối với chính sách của nước nhà đã phụ thuộc vào việc những chính sách đó có phù hợp với quyền lợi và chính sách của Liên Xô hay không. Sự ủng hộ của những người cộng sản đối với các chính sách và lợi ích của nước ngoài, vốn còn lớn hơn so với sự ủng hộ đối với chính sách và lợi ích của quốc gia, là một hiện tượng phổ biến, và vì vậy đã trở thành một thử thách đối với sự gắn kết nội tại của nhà nước cũng như đe dọa sự tồn tại của chính nó.[2]

Về mặt định tính, mức độ gắn kết về tình cảm của cá nhân đối với đất nước tỷ lệ nghịch với sự ổn định của xã hội, phản ánh ở khía cạnh cảm giác an toàn của mỗi cá thể tồn tại trong xã hội đó. Sự ổn định của xã hội và sự an toàn của các thành viên càng lớn thì cơ hội để các tình cảm tập thể dẫn tới việc theo đuổi một hình thức thể hiện chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến càng nhỏ và ngược lại.[3] Những cuộc chiến tranh cách mạng của Pháp vào cuối thế kỷ 18 và các cuộc chiến tranh giải phóng chống lại Napoleon giai đoạn 1812-15 là những ví dụ đầu tiên trong thời kỳ hiện đại cho thấy cảm giác bất an của quần chúng vốn khởi nguồn từ sự bất ổn của xã hội trong nước và dẫn tới sự bùng nổ tình cảm dưới hình thức là sự ủng hộ nhiệt tình của đám đông đối với các cuộc chiến tranh và các chính sách đối ngoại hiếu chiến. Sự bất ổn xã hội trở nên sâu sắc ở nền văn minh phương Tây trong suốt thế kỷ 19. Nó trở nên thường xuyên xảy ra vào thế kỷ 20 do sự suy yếu của các mối quan hệ truyền thống, đặc biệt là dưới hình thức tôn giáo, đồng thời cũng bắt nguồn từ hệ quả tất yếu của đời sống và công việc, cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ. Cảm giác bất an của các nhóm bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này đã tìm thấy một lối thoát ở việc thể hiện bản sắc dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ và cố định. Khi xã hội phương Tây trở nên bất ổn hơn bao giờ hết, cảm giác bất an của người dân càng tăng thêm và tình cảm gắn bó với đất nước trong vai trò là một sự thay thế mang tính biểu tượng cho cá nhân trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các cuộc chiến tranh thế giới, cách mạng, sự tập trung quyền lực kinh tế, chính trị và quân sự, cùng với các cuộc khủng hoảng kinh tế ở thế kỷ 20 đã khiến tình cảm này trở thành một thứ tôn giáo thế tục. Những cuộc chiến tranh giành quyền lực lúc này mang một diện mạo ý thức hệ như là sự đối đầu giữa thiện và ác. Các chính sách đối ngoại sẽ biến những cuộc chiến tranh đó thành sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, được tiến hành như những cuộc thập tự chinh nhằm mang thứ tôn giáo chính trị đúng đắn ra khắp phần còn lại của thế giới.

….

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Ban chat quyen luc quoc gia.pdf

 


[1] Xét về quyền lực, họ không có gì nhiều để mất hoặc giành được từ các chính sách đối ngoại mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn so với các nhóm cư dân khác, ngoại trừ quân đội.

[2] Xem thêm phần  sau, Chương 14.

[3] Những tình cảm tập thể này đương nhiên cũng tìm thấy lối thoát ở sự hiếu chiến trong nước hình thức đấu tranh cách giai cấp, cách mạng và nội chiến.