#164 – Tác động chính trị của toàn cầu hóa

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Suzanne Berger (2000). “Globalization and Politics”, American Review of Political Science, No. 3, pp. 43-62.

Biên dịch: Phạm Thị Thu Hà | Hiệu đính: Phạm Thị Huyền Trang

Bài liên quan: #28 – Hãy suy nghĩ lại: Toàn cầu hóa 

Chương này tập trung vào các vấn đề quan trọng được công chúng và các học giả quan tâm hiện nay, đó là ảnh hưởng của sự thay đổi kinh tế thế giới đến chính trị và xã hội của các quốc gia. Trong hai thập kỷ qua, đã có sự tăng trưởng đáng kể của vốn đầu tư gián tiếp, đầu tư trực tiếp nước ngoài và trao đổi thương mại qua biên giới song song với việc nhiều rào cản thương mại về hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia được gỡ bỏ. Sự thay đổi này đặt ra nhiều câu hỏi mới về ảnh hưởng của thương mại và sự dịch chuyển dòng vốn đối với quyền tự chủ của chính phủ các quốc gia – dân tộc (nation-state) và quyền lực tương đối của các nhóm trong xã hội. Những dấu hiệu đầu tiên về việc tổ chức lại trong và giữa các đảng phái chính trị của cả hai cánh tả và hữu về các vấn đề độc lập quốc gia và mở cửa thương mại đặt ra một lĩnh vực chính trị mới phong phú cần được tìm hiểu.

Giới thiệu

Mối quan tâm của công chúng cũng như của các nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa và chính trị ngày một tăng lên là một hiện tượng mới. Trong suốt thập kỷ qua, sự tự do hóa thương mại, tài chính và đầu tư trên phạm vi toàn cầu đã mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động mới cho các chủ thể kinh tế năng động. Sự gia tăng thu nhập của các quốc gia đang phát triển đã tạo ra nhiều thị trường tiêu thụ mới rộng lớn. Sản xuất xuyên biên giới quốc gia đã chuyển các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chế tạo liên quan đến các trình độ kỹ thuật cũng như giá trị được sản xuất ra ngày càng cao hơn sang các xã hội khác. Song song với đó,các thể chế kinh tế cũng đang biến đổi. Các công ty từng hợp nhất theo chiều ngang nay giảm phạm vi kinh doanh và chỉ tập trung vào thế mạnh cốt lõi của mình. Những quan hệ đối tác, chuỗi hàng hóa, liên minh và sáp nhập mới kết nối các nhà sản xuất, nhà cung cấp và khách hàng. Làm thế nào chúng ta có thể đánh giá được tác động của những chuyển dịch phức tạp này đối với xã hội của mình khi mà các rủi ro, lợi ích và an ninh trong nền kinh tế toàn cầu đang được tái phân phối? Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được tác động của sự thay đổi này tới nền chính trị thế giới?

Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, rất ít nhà quan sát chú ý đến các tác động tới chính trị trong nước bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn xuyên biên giới, lượng người di cư, FDI cùng với công nghệ vận tải, công nghệ thông tin mới, những yếu tố đẩy nhanh tốc độ truyền tải thông tin cũng như lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia. Nhưng ý tưởng toàn cầu hóa làm suy yếu sự tự chủ và ảnh hưởng của các quốc gia – dân tộc thực sự đã xuất hiện trong nhiều văn bản trước cả giai đoạn quốc tế hóa. Angell(1913:54-55) đã nghiên cứu về vấn đề này ngay trước thềm thế chiến và ông đã hình dung trước rằng toàn cầu hóa sẽ diễn ra như ngày nay.

Sự phụ thuộc lẫn nhau thiết yếu này… vốn cắt giảm các biên giới đã diễn ra ngày càng phổ biến trong vòng 40 năm vừa qua. [Đó là] kết quả của sự phát triển của nền văn minh mà chúng ta đã cố gắng thiết lập trước đó – thư tín nhanh chóng, sự phổ biến của thông tin tài chính thương mại nhờ vào điện báo và tốc độ tăng trưởng chóng mặt của công nghệ thông tin nói chung đã khiến 6 thủ đô lớn của các nước theo đạo Thiên chúa gắn bó chặt chẽ với nhau hơn nữa trên phương diện tài chính, và thậm chí mối liên hệ này còn mật thiết hơn cả mối liên hệ giữa những thành phố lớn của Anh khoảng 100 năm trước.

Từ sự phụ thuộc lẫn nhau về tài chính, Angell đã suy ra tính vô nghĩa, thực tế là khả năng khó xảy ra, của chiến tranh –bởi ông cho rằng chiến tranh là quá tốn kém đối với cơ cấu giao lưu kinh tế quốc tế nên không thể là một lựa chọn khả dĩ. Chính các dự đoán sai lệch giống như của Angell và thực tế các nền kinh tế quốc dân bị đóng cửa trong khoảng thời gian xảy ra chiến tranh đã khiến cho phạm vi ảnh hưởng của học thuyết về chính trị của các nền kinh tế mở đã giảm xuống ngay khi mới xuất hiện. Từ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đến những năm 1980, các hoạt động trao đổi kinh tế xuyên biên giới vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức đã đạt được ở đầu thế kỷ XX. Khi thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn đầu tư ngắn hạn xuyên biên giới quốc gia đã tăng vùn vụt từ những năm 1970, các nhà khoa học xã hội đã quay trở lại nghiên cứu các câu hỏi của Angell.

Trong lượng văn liệu xuất hiện trong những năm 1990 này, nhận thức chung về khái niệm toàn cầu hóa được hiểu là một loạt sự thay đổi trong kinh tế thế giới vốn có xu hướng tạo ra một thị trường thế giới chung đối với hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động. Trong một nghiên cứu tái hiện toàn bộ các góc nhìn về toàn cầu hóa, Glyn và Sutcliffe định nghĩa toàn cầu hóa như là “một ý tưởng cho rằng thế giới ngày nay là một nền kinh tế đơn nhất nếu nhìn theo hướng vĩ mô. Có nghĩa là yếu tố quyết định tới thu nhập và việc làm ngày nay có thể chỉ được hiểu ở phạm vi toàn cầu và không còn ở mức độ quốc gia nữa.” (Glyn & Sutcliffe 1992:77). Tuy nhiên, ngoài khái niệm trên, gần như không có bất kỳ quan điểm thống nhất nào về toàn cầu hóa. Các nhà nghiên cứu bất đồng cả về những đặc điểm cơ bản nhất của quá trình toàn cầu hóa. Tình hình trên cho thấy có sự phân chia trong quan điểm của các nhà nghiên cứu này, các cuộc tranh luận tập trung khá nhiều vào những vấn đề chưa được giải quyết trong đó có các hệ quả chính trị của quá trình toàn cầu hóa.

Trước hết, nếu sự gia tăng của các dòng chảy kinh tế xuyên quốc gia như là một phần của nền kinh tế thế giới còn gây nhiều tranh cãi, thì hiện tượng này có nên được diễn giải như là sự xuất hiện của toàn cầu hóa hay chỉ là sự mở rộng và tăng cường của các mô hình quốc tế hóa và khu vực hóa (trước đây)? Hiện nay quan điểm coi toàn cầu hóa như một hiện tượng mới và không thể đảo ngược được công nhận bởi hầu hết các bài viết dành cho đông đảo độc giả. Người tiên phong trong vấn đề này là Ohmae (1990), ông đã lập luận rằng “nền kinh tế liên kết” (interlinked economy) đã xóa bỏ các đường biên giới quốc gia. “Trên bản đồ chính trị thế giới, những đường ranh giới giữa các quốc gia từ trước đến nay vẫn rất rõ ràng. Nhưng trên bản đồ cạnh tranh (competitive map), bản đồ thể hiện dòng dịch chuyển thực sự của hoạt động tài chính và công nghiệp, những đường biên giới này đã và đang biến mất trên phạm vi rộng lớn” (Ohmae 1990:18). Hay, theo một nhà bình luận Anh, “Các quyền hạn[của nhà nước] đối với tỷ giá hối đoái … mức thuế, chính sách công nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đã bị bào mòn” (Economist, 1995).

Các nhà quan sát này khẳng định rằngtoàn cầu hóa làm suy yếu chính phủ các quốc gia không chỉ bằng cách thu hẹp các nguồn lực nằm dưới sự quản lý của nhà nước để kiểm soát tình hình kinh tế xã hội mà còn bằng cách làm giảm tính chính danh và quyền lực của chính phủ trong mắt công chúng. Nhìn tổng thể những quốc gia công nghiệp phát triển trong hai thập kỷ qua, ta có thể thấy một sự xói mòn lòng tin của công chúng đối với chính phủ trung ương. Ngay cả khi những nhà phân tích đề cập đến vai trò của các nguyên nhân mang tính quốc gia cụ thể của sự mất lòng tin này, họ vẫn có xu hướng nhấn mạnh đến tính phổ quát của những thay đổi này – làm thế nào toàn cầu hóa ở mọi nơi đã phá hủy quyền kiểm soát các dòng chảy thông tin của nhà nước, từ đó làm suy yếu khả năng tác động tới công chúng của chính phủ. Các ảnh hưởng của việc quốc tế hóa truyền thông, hoạt động tiếp thị và xuất khẩu văn hóa Hoa Kỳ và sự bãi bỏ quy định về kiểm soát thông tin, tất cả tổng hợp lại làm suy yếu các giá trị và truyền thống quốc gia, từ đó làm cạn kiệt sự ủng hộ đối với các hành động ở quy mô quốc gia. Ảnh hưởng của các thay đổi này trong nền kinh tế quốc tế được biết đến qua việc các nhà lãnh đạo quốc gia đang dần đánh mất quyền kiểm soát đối với những nguồn lực quyết định sự phồn vinh của một quốc gia cũng như các phương tiện giúp đạt được những nhận thức chung của công chúng về sự thịnh vượng của nước nhà. Trong quan điểm phổ biến về trật tự chính trị tương lai này, sự giảm sút vui trò của các quốc gia – dân tộc là một thực tế trung tâm.

Quan điểm này về toàn cầu hóa không chỉ xuất hiện trên các bài viết của những người có tư tưởng lạc quan về ảnh hưởng của những thay đổi này tới xã hội, như Ohmae và Friedman (Friedman 1999), mà còn bởi những nhà nghiên cứu cảm thấy mối đe dọa từ những thay đổi này(Grieder 1997). Ví dụ như cuốn L’Horrerur Economique, cuốn sách cảnh báo nhưng hậu quả vô cùng đáng ngại của toàn cầu hóa tới việc làm và sự tồn tại của quốc gia, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Pháp (Forrester 1996).

Khi miêu tả toàn cầu hóa như một thực tại toàn diện, những công trình nghiên cứu nổi tiếng đã chấp nhận kết quả coi toàn cầu hóa là một xu hướng mạnh mẽ và hầu như không thể đảo ngược mà nhiều học giả đã tìm hiểu một cách thận trọng hơn. Các nhà phân tích này có quan điểm không đồng nhất về tầm quan trọng của các yếu tố khác nhau trong việc giải thích sự giảm sút khả năng kiểm soát nền kinh tế của chính phủ và sự gia tăng đột biến các dòng chảy thương mại và vốn đầu tư xuyên biên giới. Một vài người nhận định rằng động lực chính của quá trình trên là sự xuất hiện của các công nghệ thông tin mới (Castells 1996); những người khác lại nhấn mạnh vai trò của sự tự do tài chính và việc xóa bỏ các luật lệ, cũng như lợi ích chính trị và hệ tư tưởng đã tạo nên sự thành công của các thay đổi chính sách này tại những quốc gia phát triển nhất (Scharpf1991, Hellerner 1994, Wadw 1996, Strange 1997). Trong khi đó, những người còn lại tập trung vào tác động chính trị của các lợi ích được hình thành bởi “sự mở rộng ra bên ngoài của thương mại” (exogenous easing of trade) – các thay đổi trong luật lệ, công nghệ, hoặc giá cả đã gỡ bỏ các hàng rào trong trao đổi quốc tế hoặc gia tăng lợi nhuận từ hoạt động thương mại này, từ đó tạo ra các cơ hội sinh lời mới đối với một vài nhóm trong xã hội tham gia mua bán qua biên giới quốc gia (Frieden & Rogowski 1996). Theo quan điểm này, dù bắt nguồn từ đâu, thì quá trình tự do hóa này cũng tăng tốc khi có những chủ thể kinh tế đã nhận ra khả năng sử dụng tài sản của mình một cách có lợi hơn trong các thị trường mở.

Cụ thể, từ góc nhìn này, chúng ta vẫn có thể đạt được các tác động từ toàn cầu hóa mà không cần phải đưa các yếu tố sản xuất qua biên giới. Ví dụ, để làm giảm tiền lương tại Hoa Kỳ, các công ty không cần nhập khẩu lao động từ Mexico hay di chuyển nhà máy tới Mexico. Họ đơn giản chỉ cần có khả năng (đe dọa) sẽ thực hiện điều này. Khả năng thay thếnhân công và sản xuất ở trong nước bằng nhân công và sản xuất ở nước ngoài làm suy giảm quyền mặc cả của người lao độngbằng cách làm cho cầu về nhân công trong nước trở nên co giãn hơn (Rodrick 1997: 16-27, Slaughter 1997). Trong một nền kinh tế mở toàn cầu, ngay cả nhữnggia tăng trong thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ có đôi chút liên hệ tới quy mô của nền kinh tế nội địa cũng có thể gây ra những tác động lớn đến các yếu tố chi phí và giá cả sản phẩm, như quan điểm Wood (1994) và Rodrick đã đưa ra. (Feenstra 1998). Dần dần, toàn cầu hóa có thể  gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế và chính trị quốc gia ngay cả ở những quốc gia mà phần lớn vốn đầu tư thuộc về chính phủ và hàng hóa hay dịch vụ được sản xuất và phục vụ tiêu dùng trong nước lấn át hẳn các hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù có sự khác nhau trong ảnh hưởng của các yếu tố tạo ra nền kinh tế toàn cầu hóa, tất cả các phân tích về toàn cầu hóa này đều có chung một điểm cốt lõi, đó là sự suy giảm vai trò của các đơn vị kinh tế quốc gia.

Trái ngược với những người xem sự phát triển của kinh tế toàn cầu như một quá trình mang tính quyết định của đời sống kinh tế, những học giả khác lại cho rằng sự thay đổi trong vòng 20 năm qua là biểu hiện của quá trình quốc tế hóa hoặc khu vực hóa. Hirst và Thompson (1996) đã phân biệt giữa nền kinh tế quốc tế, tại đó những thành phần cơ bản vẫn thuộc về quốc gia, và một nền kinh tế toàn cầu, tại đó “các nền kinh tế quốc gia được gộp vào và nối lại với nhau thành một hệ thống thông qua các quy trình và giao dịch quốc tế” (1996:7-13). Theo quan điểm của họ, sự tăng lên của chu chuyển quay vốn, thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hai thập kỷ qua nên được hiểu là sự tương tác tăng cường giữa các thực thể vẫn còn mang tính quốc gia đặc trưng. Trên thực tế, ngay cả những công ty lớn nhất được tự do đầu tư nguồn vốn và phát triển hoạt động kinh doanh ở hầu hết khắp nơi trên thế giới vẫn phải tiếp tục tập trungmột phần lớn nhân công, vốn đầu tư, các nghiên cứu phát triển, sản lượng và doanh thu tại chính các nước chủ nhà;và do đó những công ty này được gọi là các công ty đa quốc gia chứ không phải là các công ty xuyên quốc gia (Hirst và Thompson 1996:76-98). Phần lớn các hoạt động kinh tế không phải là thương mại xuyên biên giới, mà sự sản xuất cho thị trường trong nước và các dịch vụ phi thương mại vẫn là các hoạt động chính tại tất cả các thị trường trừ một số quốc gia – thành phố nhỏ như Singapore và Hồng Kông (Krugman 1994).

Các nhà phân tích, những người nhìn nhận sự thay đổi của nền kinh tế thế giới là sự gia tăng ảnh hưởng sâu rộng của các mô hình quốc tế hóa lâu đời chứ không phải là quá trình toàn cầu hóa, cũng thắc mắc liệu có sự phát triển mới về bản chất nào đang diễn ra hay không. Nếu chúng ta xem xét giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX đến nay, chúng ta có thể học được gì về sự biến đổi theo thời gian của các cấp độ trao đổi hàng hóa, thông tin, vốn và lao động xuyên biên giới quốc gia? Nếu các cấp độ trao đổi nguồn lực này đã từng xuất hiện trước đó, chúng ta có thể học được gì về khả năng điều tiết sự dịch chuyển kinh tế của chính phủ các quốc gia vàrộng hơn là về sự sinh tồn của chính trị quốc gia trong một nền kinh tế quốc tế?

Nghiên cứu về nền kinh tế quốc tế trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với quan điểm thường thức mới về nền kinh tế toàn cầu hóa khi chỉ ra quá trình quốc tế hóa đã từng diễn ra rất mạnh mẽ. Năm 1913, tại hầu hết các quốc gia phát triển, các cấp độlưu chuyển vốn và dịch chuyển lao động vượt biên giới quốc gia đã gần như có thể so sánh với cấp độ hiện tại (Zenvin 1992, Strikwerda 1993, Bairoch 1996, Wadw 1996, Williamson 1998, Wade 2000). Cable (1995: 24,29) chỉ ra rằng chỉ trong những năm 1979 và 1980, tỷ lệ thương mại trong tổng thu nhập quốc nội (GDP) ở nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới bằng mức đã đạt được trong năm 1913. Hoạt động đầu tư nước ngoài ước tính chiếm 9% GDP toàn cầu vào năm 1913, sau đó giảm hơn một nửa, và đến năm 1990, tỷ lệ này vẫn chưa trở lại mức đã đạt được trong năm 1913. Theo khảo sát của tờ Economist tại các quốc gia và nền kinh tế quốc tế nói chung,các dòng vốn trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã ở mức độ như ngày nay và thậm chí sự chu chuyểnvốn ròng còn cao hơn rất nhiều so với ngày nay(Economist 1995:5,9).

Tất nhiên, có thể có sai sót khi giả định mối quan hệ giữa kinh tế quốc tế và hệ thống chính trị tại các quốc gia phát triển trong năm 1913 và ngày nay là như nhau. Đã có những sự thay đổi trong thị trường vốn toàn cầu, liên quan đến mức độ hội nhập đạt được trước khi xảy ra khủng hoảng trong hai cuộc chiến tranh thế giới và Đại Suy thoái. Tốc độ và tổng lượng vốn ngày nay đang ở một mức độ cao hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu thế kỷ XX. Những công cụ tài chính mới, các công nghệ truyền thông mới và sự tập hợp các chủ sở hữu rộng lớn hơn cùng với sự phát triển của những nhà đầu tư tổ chức đã tạo nên một môi trường mới.

Krugman (1995) chỉ ra một vài khác biệt quan trọng giữa mô hình thương mại đương đại và mô hình thương mại trong giai đoạn quốc tế hóa mạnh mẽ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Các hoạt động trao đổi ngày nay bao gồm một phần đáng kể các hoạt động thương mại nội ngành. Năng lực ngày càng cao của các quốc gia đang phát triển đã làm gia tăng hoạt động xuất khẩu từ các xã hội có mức lương thấp đến nơi có mức lương cao cũng như những cơ hội mới trong việc mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài và thuê ngoài từ các nền kinh tế có mức lương cao đến các nền kinh tế có mức lương thấp. Sự phân mảnh sản xuấtnày được bắt nguồn từ những công nghệ thông tin và giao thông vận tải mới và đang làm biến đổi các tổ chức công nghiệp tại các quốc gia phát triển. Cuối cùng, trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, ngược lại với giai đoạn trước, số lượng các quốc gia giao thương đã gia tăng cùng với một tỷ lệ đóng góp rất lớn của thương mại trong tổng GDP (Krugman 1995:331-37). Mặc dù có sự khác biệt này, góc nhìn dài hạn hơn khôngcho thấy một tiến trình không thể đảo ngược tiến tới các mức độ quốc tế hóa chưa từng có và thậm chí lớn hơn (vào đầu thế kỷ XX). Thay vào đó, bức tranh kinh tế thế giới cho thấy sự hoạt động mạnh mẽ của thương mại vào lúc khởi phát Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, theo sau đó là một sự đổ vỡ mạnh mẽ các mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia phát triển, sau đó lại là quá trình dần tái tạo mạng lưới kinh tế quốc tế, và cuối cùng là một sự quay lại (tại thời điểm bước sang thế kỷ XXI) một thế giớiquốc tế với cácràng buộc và cơ hội quốc gia, điều mà một vài bậc tiền bối của chúng ta đã từng chứng kiến.

Nếu như có một sự thay đổi cấp tiến nào đó trong nền kinh tế toàn cầu, thì một vài người cho rằng đó không phải là toàn cầu hóa mà là khu vực hóa (Zysman và Schwartz 1998). Sự phát triển của thương mại và đầu tư trong bất cứ nhóm nào thuộc bốn nhóm kinh tế lớn nhất– Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ, khu vực Mỹ Latinh và Đông Á– đều lớn hơn hẳn sự phát triển của hoạt động trao đổi giữa bốn nhóm trên với nhau và với phần còn lại của thế giới (Lawrence 1996). Nếu hiện tượng này được giải thích là quá trình khu vực hóa chứ không phải toàn cầu hóa thì sẽ hoàn toàn hợp lý khi tập trung vào vai trò của chính trị trong việc xây dựng các hiệp định thương mại khu vực (ví dụ Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên minh châu Âu và khu vực Bắc Mỹ) hơn là tập trung vàocác thay đổi trong công nghệ thông tin liên lạc và giao thông vận tải hay là các lý thuyết kinh tế về lợi thế so sánh, bất kể là theo các biến thểlý thuyết của Heckscher-Ohlin hay Ricardo-Viner.

Những học giả nghiên cứu các nền kinh tế quốc nội của những quốc gia phát triển nhất lập luận rằng sự thay đổi lớn nhất trong 20 năm qua không phải là sự tăng lên của hoạt động thương mại quốc tế (nhập khẩu cộng xuất khẩu) mà là sự gia tăng công ăn việc làm trong ngành dịch vụ so với ngành chế tạo (Iversen và Wren 1998). Các thay đổi về công nghệ có thể giải thích cho sự chuyển dịch của các cơ cấu kinh tế xã hội của từng quốc gia hơn là cho sự quốc tế hóa.

Tóm lại, mặc dù các học giả có chung quan điểm về định nghĩa toàn cầu hóa hoặc tương lai toàn cầu hóa, họ vẫn không thống nhất được liệu sự thay đổi hiện tại trong môi trường kinh tế quốc tế bắt nguồn từ toàn cầu hóa hay từ những nguyên nhân khác. Trong những lý thuyết nghiên cứu về các nguyên nhân khác, sự quốc tế hóa, khu vực hóa và sự gia tăng của nền kinh tế dịch vụ được đề cập nhiều nhất.

Toàn cầu hóa có tái định hình chính trị trong nước hay không?

Hình ảnh thứ hai bị đảo ngược

Nghiên cứu về ảnh hưởng của toàn cầu hóa tới chính trị trong nước dựa trên mô hình khoa học chính trị mà Gourevitch (1978) đã gọi một cách phù hợp là “hình ảnh thứ hai bị đảo ngược” (the second immage reversed), một tham chiếu về các mô hình lý thuyết quan hệ quốc tế của Waltz (1959)(Theo Waltz, chính trị quốc tế bị tác động ở ba cấp độ, bởi các cá nhân lãnh đạo [Waltz gọi hình ảnh thứ nhất], bởi chính trị trong nước của các quốc gia [hình ảnh thứ hai], và bởi tính chất của hệ thống quốc tế [hình ảnh thứ ba]. Vì vậy, “hình ảnh thứ hai bị đảo ngược” chỉ tác động của chính trị quốc tế tới chính trị trong nước – NBT). Waltz đã nghiên cứu tìm kiếm những lý thuyết lý giảicách thức sự thay đổi trong các yếu tố quốc tế tác động đến đời sống trong nước như thế nào. Sự thay đổi của kinh tế quốc tế ảnh hưởng tới các chủ thể trong nước ra sao? Có phải những sự thay đổi giống nhau sẽ tạo ra những kết quả giống nhau đối với chính trị các quốc gia hay không? Theo nghiên cứu của Gourevitch (1986) về phản ứng của các quốc gia đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế chung, cơ chế mà nhờ đó sự thay đổi của thị trường thế giới tác động tới chính trị quốc gia là một quá trình chuyển dịch thông qua sự thay đổi của các mức giá mà các nhà sản xuất trong nước phải chi trả và được nhận về. Gourevitch nhấn mạnh khả năng các chính trị gia xây dựng những liên minh lợi ích quốc nộitừ các nhóm vốn bị tác động bởi các biến động trong đời sống do sự chuyển dịch của kinh tế thế giới gây nên. Ở những quốc gia Gourevitch đã nghiên cứu trong suốt thời kỳ khủng hoảng 1873-1896, 1929-1949 và những năm 1970, “các chủ thể xã hội” hay các nhóm lợi ích cơ bản đều giống nhau: nông dân, các nhà tư bản tài chính, công nhân, các nhà tư bản công nghiệp. Tuy nhiên, các mô hình thỏa hiệp mà các nhóm lợi ích này hướng đến, dưới áp lực từ các sự kiện bên ngoài, và các chính sách kinh tế mà các liên minh này ủng hộ lại có sự khác biệt rất lớn từ nước này sang nước khác. Các chính sách của chính phủ, các kết cấu nhà nước, các tổ chức trung gian và các nhà chính trị đã xây dựng nên các liên minh khác nhau từ các nhóm xã hội (giống nhau).

Nếu nghiên cứu của Gourevitch về bản đồ các nhóm lợi ích xã hội chỉ ra giới hạn trong sự hiện diện và tầm quan trọng của một vài nhóm trong các xã hội có cùng mức độ phát triển kinh tế, thì quan điểm của ông về chính trị tại các xã hội này lạirộng mở hơn rất nhiều. Nông dân Thụy Điển và Đức trong những năm 1930 có thể muốn được bảo hộ ở mức độ như nhau, nhưng cuối cùng người Thụy Điển đã hỗ trợ một liên minh Dân chủ-Xã hội với công nhân, trong khi người Đức lạichìm trong chủ nghĩa Đức quốc xã (Gourevitch 1986:124-81). Trong nghiên cứu tương tự, tác phẩm của Katzenstein (1985) về xu hướng tân tập đoàn hóa (neo-corporatism – xu hướng hình thành chính sách kinh tế dựa trên đàm phán giữa các nhóm lợi ích, bao gồm giới doanh nghiệp, nghiệp đoàn công nhân, và nhà nước – NBT)tại những nền kinh tế nhỏ và mởcũng tập trung vào sự đa dạng trong phản ứng của các nhóm xã hội dưới áp lực chung từ nền kinh tế quốc tế, tùy thuộc vào các cơ cấu và chính sách chính trị (Katzenstein 1985). Cho dù có sự tương đồng trong các lợi ích kinh tế tại các xã hội ở các giai đoạn phát triển kinh tế giống nhau, phản ứng chính trị đối với sự biến đổi và những cú sốc của nền kinh tế quốc tế là không thể xác định được vì chúng được điều chỉnh bởi các đảng phái chính trị, hệ tư tưởng, chiến lược và hành động tùy thuộc của giới lãnh đạo.

thuyết thương mại quốc tế

Trong khi văn liệu về “hình ảnh thứ hai bị đảo ngược” được xây dựng trên một quan điểm nguyên thủy của Mác về các chủ thể xã hội và một loạt hậu quả chính trị có thể xảy ra dưới các áp lựckinh tế thế giới, các nghiên cứu bắt nguồn từ lý thuyết thương mại quốc tế đã đưa ra một bản đồ nhóm lợi ích đơn giản hơn và những dự đoán đáng tin cậy hơn về phản ứng của các nhóm đối với sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. Các lý thuyết thương mại quốc tế nổi tiếng như Heckcher-Ohlin, Stolpor-Samuelson và Ricardo-Viner đã làm sáng rõ học thuyết cơ bản của Ricardo về lợi thế so sánh tương đối với tư cách là lý do mà các quốc gia tìm thấy lợi ích từ việc trao đổi. Những lý thuyết này dự đoán các mô hình thương mại dựa trên sự phân bổ khác nhau về các yếu tố sản xuất ở các quốc gia, và chỉ ra rằng các nhóm xã hội, tùy thuộc vào lợi ích bị ảnh hưởng của họ trong các yếu tố sản xuất, sẽ có tài sản bị thay đổi theo những chiều hướng có thể dự đoán được thông qua việc mở cửa hoặc bảo hộ thương mại (Jones 1971, Magee 1978). Nếu các nhóm lợi ích trong các mô hình được xác định bởi quyền sở hữu các yếu tố sản xuất (đất, lao độngvà vốn), và các yếu tố này được phép di chuyển qua biên giới các quốc gia, theo mô hình của Heckscher-Ohline, hoặc trở thành hàng hóa và dịch vụ được trao đổi, theo mô hình của Stolpoer-Samuelson, thì có thể dự đoán rõ ràng về nhóm nào sẽ ủng hộ và nhóm nào sẽ phản đối việc mở cửa nền kinh tế. Tại những xã hội có nguồn vốn dư thừa hay có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu vốn hoặc xuất khẩu sản phẩm cần nhiều vốn, các nhà tư bản sẽ ủng hộ việc mở cửa thương mại và người lao động sẽ phản đối nó (Rogowski 1987, Scheve và Slaughter 1998).

Làm thế nào để định nghĩa các yếu tố sản xuất và cácchủ thể xã hội là câu hỏi chính trong nghiên cứu này. Ví dụ, chúng ta có nên coi lao động như là một yếu tố sản xuất đơn nhất và mô tả xã hội là có ít hay nhiều lao động, hay chúng ta nên tách biệt lao động có trình độ tay nghề cao với lao động có trình độ tay nghề thấp và mô tả lợi thế so sánh tương đối của các xã hội dựa trên mức độ dồi dào của lao động có tay nghề cao? Nếu chúng ta quan niệm rằng các yếu tố sản xuất là tài sản khan hiếm, các nhà phân tích có nên xem xét cả những tài sản khác nếu chúng có thể tạo ra những lợi ích khác nhau khi mở cửa hay đóng cửa thương mại hay không? Gần đây, Scheve và Slaughter (1998) đã nghiên cứu các ảnh hưởng của quyền sở hữu nhàở tại các quốc gia cócác ngành công nghiệp hướng đến thương mại mở lên quan điểm về thương mại nói chung.

Có một sự phân chia rõ ràng giữa những học giả phân tích chính trị dựa trên phản ứng của các nhóm lợi ích khác nhau đối với kinh tế toàn cầu. Một bên là những nhà phân tích, trong đó có cả Rogowski và Scheve & Slaughter, những người mô tả các yếu tố sản xuất độc lập với lĩnh vựcsử dụng các yếu tố này, và những người tin vào sự dịch chuyển tương đối dễ dàng của các yếu tố giữa các ngành công nghiệp với nhau. Bên còn lại là những người coi các yếu tố là cá biệt đối với từng ngành công nghiệp cụ thể và không dễ dàng dịch chuyển từ một lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, như mô hình lý thuyết thương mại Ricardo-Viner (Frieden 1991, Frieden& Rogowski 1996). Đối với những học giả thuộc nhóm sau, biến số quan trọng đối với các phản ứng chính trị tác động tới sự mở cửa thương mại là lĩnh vực mà tại đó các nhà tư bản đã đầu tư hoặc tại đó công nhân được thuê làm việc, vì thế, ví dụ nhưcác nhà sản xuất giày và những công nhân trong ngành sản xuất giày có thể phản đối việc loại bỏ những hàng rào thương mại để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất với chi phí thấp gia nhập thị trường. Những nhà sản xuất giày sẽ không thể nhanh chóng bán nhà máy sản xuất giày mà vẫn có lợi nhuận, rồi tái đầu tư vào lĩnh vực mới, những công nhân đã quen với các kỹ năng chuyên biệt trong sản xuất giày không thể chuyển sang làm một nghề khác. Trong nghiên cứu này, vấn đề quan trọng là tính đặc thù của các tài sản đặc biệt (xem Altet al 1996, bản tóm tắt nghiên cứu dựa trên các mô hình Heckscher-Ohlin và Ricardo-Viner). Nếu như các dự đoán của Heckcher-Ohlin dựa trên loại yếu tố (lao động, vốn hay đất) là quá rộng nên không thể nắm bắt quy luật lợi ích kinh tế, thì chúng ta phải cần bao nhiêu chi tiết về ngành công nghiệp để có thể phân tích động lực của các phản ứng chính trị? Ngay cả trong một ngành công nghiệp, khi nhìn vào một yếu tố, có rất nhiều đặc trưng quan trọng tiềm tàng. Chúng ta nên phân biệt các nhà tư bản nắm giữ cổ phần của công ty cung cấp giày dép với những nhà tư bản sở hữu nhà máy sản xuất, hoặc chúng ta nên phân biệt những người sản xuất giày dành riêng cho những thị trường đặc biệt (giày dép thời trang cao cấp, giày chỉnh hình, giày bảo hộ lao động) với những nhà sản xuất giày dép hàng loạt (giày thể thao và các loại giày tương tự).

Hai hướng nghiên cứu lý thuyết thương mại trên dẫn đến hai dự đoán riêng biệt về sự ưu tiên và các hành động chính trị. Trong một thử nghiệm sử dụng cảhai mô hình này, Scheve và Slaughter (1998) đã đặt câu hỏi liệu các ưu tiên chính trị-thương mại riêng lẻ có được giải thích tốt hơn bởi các loại yếu tố (factor type) (được xác định bằng trình độ tay nghề của công nhân) hay bởi ngành công nghiệp sử dụng lao động (được xác định bởi mức độ chịu tác động của mở cửa thương mại). Họ nhận ra rằng trình độ tay nghề của người lao động là yếu tố dự báo về các hạn chế thương mại chuẩn xác hơn so với yếu tố lao động trong một ngành công nghiệp bị tác động bởi mở cửa thương mại. Kết quả này phù hợp với mô hình các loại yếu tố Heckscher-Ohlin (factor-type model). Tuy nhiên, những nghiên cứu thực nghiệm khác lại ủng hộ mô hình Ricardo-Viner (Irwin 1996, Magee 1978). Frieden (1991) cho rằng trong ngắn hạn, mô hình các yếu tố đặc trưnglý giải tốt hơn các phản ứng đối với thương mại, mặc dù trong dài hạn, mô hình Heckscher-Ohlin có thể chiếm ưu thế. Sự hội nhập đang tăng lên của các thị trường thế giới có thể dẫn tới sự đồng nhất về lợi ích giữa các loại yếu tố, vì thế rốt cuộc đấu tranh chính trị về toàn cầu hóa có thể trở thành mâu thuẫn giữa lao động và nguồn vốn (tư bản) hơn là giữa lao động/giới chủ trong một ngành công nghiệp với lao động/giới chủ trong một ngành khác.

Những ràng buộc mang tính cấu trúc lên chính phủ trong một nền kinh tế toàn cầu

Nếu chính sách công được coi là kết quả của áp lực nhóm lợi ích, thìcác mô hình chính trị bắt nguồn từ lý thuyết thương mại lại đưa ra một vài dự đoán đơn giản về tương lai của nhà nước trong một nền kinh tế toàn cầu. Sự lưu chuyển nguồn vốnngày một tăng lên và sự ổn định tương đối của lao động có thể làm các chính phủ phản ứng nhanh nhạy hơn với các nhóm lợi ích tư bản. Nếu thuế, chính sách công nghiệp, luật môi trường hay các mối quan hệ công nghiệp tại bất cứ xã hội nào quá cao hoặc quá gò bó, nhà đầu tư sẽ rút và chuyển vốn đến nơi khác; trong khi đó, người lao động lại không dễ dàng dịch chuyển. Vì thế, kết quả dự báo của việc hạn chế đánh thuế đối với nguồn vốn là người lao động sẽ phải chịu một phần gánh nặng thuế lớn hơn và khả năng chi trả cho phúc lợi xã hội sẽ giảm xuống.

Sự lên xuống của cán cân quyền lực ở trong nước giữa tư bản và lao động được toàn cầu hóa mang lại bằng cách thúc đẩy các yếu tố di động sẽ dẫn đến một nền chính trị thăng trầm trong nước. Chế độ dân chủ xã hội khó có khả năng xảy ra hơn vì các động lực để tư bản thỏa hiệp với các giai cấp khác sẽ bị suy giảm do quyền lực ngày một tăng lên của nó. Ngay cả khi những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội giành được phần lớn phiếu bầu cử, như Mitterrand đã làm được tại Pháp năm 1981, một nền kinh tế mở (trong trường hợp của Pháp là nền kinh tế Châu Âu) sẽ đem lại cho những người nắm giữ tài sản lưu động cơ hội đạt được mong muốn của mình bằng cách đe dọa rút vốn chuyển qua nước khác. Mặc dù sự dịch chuyển nguồn vốn gần như không phải là một vấn đề mới đối với các chính phủ cánh tả, từ đầu thế kỷ này, những công cụ chính trị để giải quyết vấn đề này ngày càng hạn chế hơn bao giờ hết.

Toàn cầu hóa thu hẹp nhà nước bởi nó tăng cường nguồn lực chính trị của các nhóm trong xã hội, những người mong muốn giới hạn quyền lực của chính phủ trong việc điều chỉnh đầu ra trên thị trường. Nó cũng kiềm chế khả năng của các lực lượng chính trị mà hệ tư tưởng của những lực lượng này ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động sản xuất và tái phân phối. Theo quan điểm này, khó có thể đánh giá liệu phe cánh tả hay phe cánh hữu sẽ trúng cử, những hạn chế của nền kinh tế quốc tế sẽ buộc một trong hai bên phải thực hiện những chính sách tài chính tiền tệ giống nhau hoặc phải đối mặt với sự đánh mất năng lực cạnh tranh quốc gia và những khoản đầu tư.

Toàn cầu hóa và chủ nghĩa tân tự do

Người ta không cần nhìn thế giới thông qua lăng kính của thuyết thương mại quốc tế mới nhận ra mối liên kết giữa toàn cầu hóa và sự thu nhỏ của các quốc gia – dân tộc. Trong khi những nhà kinh tế chính trị, những người đã phát triển mô hình chính trị dựa trên lý thuyết lợi thế cạnh tranh,đã nhìn thấy sự mở cửa có mối liên kết với sức mạnh của nhà nước do tác động của mâu thuẫn lợi ích trong nước, những người khác nhìn nhận toàn cầu hóa như là kết quả của sự thay đổi hệ tư tưởng vốn làm biến đổi chính phủ các quốc gia. Sự lan rộng ra toàn cầu của các học thuyết tân tự do (neoliberalism – tư tưởng nhấn mạnh tự do kinh tế, hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, xuất hiện trở lại thời kỳ những năm 1970, 1980, sau thời kỳ phổ biến của học thuyết Keynes – NBT) ở tất cả mọi nơi đã làm giảm tính hợp pháp trong sự can thiệp của chính phủ nói chung vào nền kinh tế cũng như khả năng của từng chính phủ trong việc định hình hay tránh khỏi các tác động của thị trường (Evan 1997). Làn sóng của việc phi điều tiết hóa vốn đã cuốn đi sức mạnh của chính phủ ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới trong hai thập kỷ qua có nguồn gốc từ những thay đổi giá trị sâu xa và phức tạp. Đầu tiên, những thay đổi này đã thu hút sự chú ý của phe cánh hữu, tuy nhiênkhi “những cuộc cách mạng” của Thatcher và Reagan được tái thực hiện, nó đã khiến ngay cả phe cánh tả cũng phải chối bỏ quan điểm này thậm chí còn mạnh mẽ hơn (Scharpf 1991, Kitschelt 1994, Gray 1996, Vandenbroucke 1998).

Đồng thời, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã mở ra một địa thế mới cho chủ nghĩa tự do kinh tế. Theo Wes, trong năm 1978, 1/3 nguồn lao động thế giới sống ở những nền kinh tế tập trung (trích trong Vandenbrouke 1998:13). Trong suốt thập kỷ vừa qua, những nền kinh tế này đã hội nhập vào thị trường thế giới. Ngay cả Trung Quốc, đất nước xã hội chủ nghĩa lớn duy nhất còn lại, chủ nghĩa tư bản và nguyên lý thị trường tự do đã tạo ra những tiến bộ to lớn. Mặc dù có thể có những tranh luận về tốc độ “chuyển dịch” sang kinh tế thị trường, nhưng dường như không còn bất kỳ sự lựa chọn thay thế hợp lý nào khác ngoài nền kinh tế thị trường. Ở cả các nước có nền dân chủ tự do và chủ nghĩaxã hội – nhà nước trước đây, sức hấp dẫn chính trị của chủ nghĩa xã hội hoặc các học thuyết cánh tảvốn mở rộng quyền lực của nhà nước trong việc kiểm soát nền kinh tế đã biến mất. Ở những quốc gia nơi mà các đảng cộng sản tái nổi lên, chức năng chủ yếu của họ chỉ là những phương tiện truyền bá thái độ phản kháng dựa trên chủ nghĩa dân túy.

Sự lan rộng của chủ nghĩa tân tự do được thúc đẩy không chỉ bởi sự thất bại của chủ nghĩa xã hội mà còn bởi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Ở vị trí thống trị độc tôn trong hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu, Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc chấm dứt kiểm soát nguồn vốn trên thế giới và khiến cho sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Thế giới và Ngân hàng Thế giới phụ thuộc vào sự chấp thuận của nước nhận giúp đỡđối với các giới hạn rõ ràng về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế (Wade 2000). Trước viễn cảnh này, toàn cầu hóa không phải phản ảnh sự lan rộng tự phát của các thị trường thế giới và sự phá bỏ các hàng rào bởi các thành phần kinh tế khát khao những cơ hội mới, mà là một câu chuyện được thúc đẩy bởi các lý do chính trị, đó là sự thay đổi hệ tư tưởng, sự sụp đổ ngẫu nhiên của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới.

Đánh giá các ràng buộc đối với chính phủ các quốc gia

Chủ quyền về kinh tế vĩ mô

Chính sách công nghiệp

Sự chấm dứt của nhà nước phúc lợi?

Các biến thể của chủ nghĩa tư bản tại các nước

Toàn cầu hóa và chương trình nghị sự chính trị mới

Tài liệu tham khảo

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Tac dong chinh tri cua toan cau hoa.pdf