#196 – Quái vật đảo Jekyll (Ch. 11): “Công thức Rothschild” giúp trục lợi từ chiến tranh

Print Friendly, PDF & Email

rothschild

Nguồn: G. Edward Griffin, “The Rothschild Formula”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 11.

Biên dịch: Lưu Ngọc Trâm | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island 

Nội dung chính: Sự trỗi dậy của gia tộc Rothschild ở châu Âu; truyền thống của các nhà tài chính trong việc thu lợi từ cả hai phía của xung đột vũ trang; công thức chuyển chiến tranh thành nợ và chuyển nợ quay ngược lại chiến tranh.

Cho đến giờ chúng ta đã theo sát các nhà khoa học chính trị và tiền tệ trong chủ đề về tiền cùng với lịch sử thao túng nó. Bây giờ ta sẽ vòng lại một chút dọc theo con đường song song để xem xét cùng khung cảnh lịch sử đó dưới một góc độ khác. Trên đường đi, dường như chúng ta sẽ dường như lạc lối vài lần, và bạn sẽ tự hỏi những thứ này có thể liên quan gì đến Cục Dự trữ Liên bang. Hãy tin rằng mọi chuyện đều có lý do của nó và khi chúng ta quay lại với đề tài đang bàn luận thì mối liên hệ sẽ trở nên rõ ràng một cách phũ phàng.

Lợi nhuận từ chiến tranh

Chương này tập trung vào lợi nhuận đến từ chiến tranh và cụ thể hơn là xu hướng của những người thu được những lợi nhuận này sẽ thúc đẩy chính phủ tham gia vào các cuộc xung đột quân sự vì lợi ích cá nhân chứ không vì lý do quốc gia hay lòng yêu nước. Cơ chế để đạt được điều này trong quá khứ phức tạp hơn so với việc chỉ cho chính phủ tham chiến vay tiền và sau đó thu lãi, dù đây cũng là một phần của quy trình. Lợi ích thu được trên thực tế luôn nằm dưới hình thức giành được sự ưu ái về chính trị trên thị trường. Nhà sử học người Pháp Richard Lewinsohn đã viết năm 1937:

Dù thường được gọi là các chủ ngân hàng, những nhà tài trợ cho chiến tranh trong thời kỳ tiền tư bản… không phải là các chủ ngân hàng theo nghĩa hiện đại của từ này. Không giống với các ngân hàng hiện đại hoạt động bằng tiền gửi của khách hàng [hay trong thời gian gần đây là tiền tạo ra từ con số không bởi các ngân hàng trung ương – chú thích của tác giả], họ hoạt động bằng lượng tài sản mà chính họ tích lũy được hoặc thừa kế và đem cho vay với lãi suất cao. Chính vì vậy những kẻ dám đầu tư vào chiến tranh phải là những kẻ cực kỳ giàu có và đa phần họ đều đúng như vậy cho đến thế kỷ 17.

Tuy nhiên, khi đầu tư vào chiến tranh các chủ nợ giàu có này không hẳn luôn đặt vấn đề lãi suất trên trước hết. Trong vấn đề này họ thường bày tỏ sự phục tùng trước các khách hàng khả kính của mình. Nhưng bù lại họ sẽ đòi đảm bảo cho bản thân các đặc quyền mà từ đó có thể chuyển thành lợi nhuận công nghiệp hay thương mại như là quyền khai thác mỏ hay độc quyền bán hoặc nhập khẩu, vv… Có khi họ còn được quyền thu một số loại thuế nhất định như là một cách đảm bảo cho khoản cho vay của mình. Do đó cho dù các khoản cho vay này mang đến những rủi ro có thực và thường không đem lại nhiều lãi, lợi ích gián tiếp khá đáng kể đủ để những chủ nợ cảm thấy xứng đáng.[1]

Triều đại của gia tộc Rothschild

Sẽ không hoàn chỉnh khi bàn đến chức năng của ngân hàng như là một cơ chế tài trợ cho chiến tranh nếu không nhắc đến cái tên Rothschild. Chính Mayer Amschel Rothschild đã nói: “Để tôi phát hành và kiểm soát tiền của quốc gia thì tôi chẳng cần quan tâm ai viết ra luật.”[2] Nhà viết tiểu sử Frederic Morton đã kết luận rằng triều đại Rothschild: “đã chinh phục thế giới triệt để hơn, xảo quyệt hơn và lâu dài hơn cả thời kỳ Caesar trước đó hay thời kỳ Hilter sau này”.[3] Triều đại này bắt đầu vào giữa thế kỷ 18 ở Frankurt, Đức bởi Mayer Amschel Bauer, con của một thợ kim hoàn. Mayer là thư ký cho Ngân hàng Oppenheimer ở Hanover và sau cùng là thành một cổ đông nhỏ. Sau khi cha ông qua đời, ông quay lại quê hương Frankfurt để tiếp tục việc kinh doanh của gia đình. Trước cửa ra vào nhà ông treo hình một chiếc khiên đỏ khắc hình một con chim đại bàng làm biểu tượng của cửa tiệm. Trong tiếng Đức cái khiên đỏ gọi là Rothschild, vì vậy ông đổi tên mình từ Bauer thành Rothschild và thêm hình năm mũi tên vàng được con đại bàng quắp ở móng vuốt, tượng trưng cho năm người con trai của mình.

Vận may của nhà Rothschild bắt đầu khi Mayer áp dụng hoạt động ngân hàng cho vay theo tỉ lệ. Như ta đã biết thì không chỉ có ông ta làm như vậy, nhưng gia tộc Rothschild chiến thắng một cách ngoạn mục trong cuộc đua này. Điều này một phần nhờ vào đầu óc kinh doanh sắc bén của ông ta, một phần do năm người con đặc biệt, cả năm đều trở thành những trung tâm quyền lực về tài chính theo cách riêng. Khi năm người con trưởng thành và học được phép màu của việc biến nợ thành tiền, họ đã vượt ra ngoài phạm vi của Frankurt và lập thêm các hoạt động trong các trung tâm tài chính không chỉ ở châu Âu mà còn trên khắp thế giới văn minh.

Trong vòng 50 năm đầu của thế kỷ 19, năm anh em đã thực hiện nhiều vụ giao dịch quan trọng nhân danh các chính phủ ở Anh, Pháp, Phổ, Áo , Bỉ , Tây Ban Nha, Naples, Bồ Đào Nha, Brazil, nhiều tiểu quốc thuộc Đức và một số quốc gia nhỏ khác. Họ là chủ ngân hàng riêng của những ông hoàng bà chúa châu Âu. Họ đầu tư các khoản lớn trên thị trường thông qua đại diện ở những nơi xa xôi như Mỹ, Ấn Độ, Cuba và Úc. Họ là người cung cấp tài chính cho Cecil Rhodes, tạo điều kiện cho người này giành được thế độc quyền đối với những mỏ kim cương ở Nam Phi. Ngoài ra họ còn liên kết với công ty De Beers (một hãng khai thác kim cương- NHĐ).[4]

Nhà viết tiểu sử Derek Wilson viết rằng:

Những người đả kích hay gièm pha về ảnh hưởng “xấu xa” của gia tộc Rothschild có một lượng lý do đáng kể biện minh cho sự lo lắng và giận dữ của mình. Cộng đồng các ngân hàng luôn tự hình thành nên “quyền lực thứ năm” gồm những thành viên có khả năng gây ảnh hưởng đến những sự kiện quan trọng nhờ kiểm soát hầu bao của chính phủ. Thế nhưng gia tộc Rothschild lại quyền lực hơn bất kỳ một đế chế tài chính nào từng có trước đó. Gia tộc này kiểm soát một lượng tài sản khổng lồ. Nó hoạt động ở phạm vi quốc tế. Nó hoàn toàn độc lập. Các chính phủ hoàng gia lo sợ vì không kiểm soát được gia tộc này. Các phong trào của người dân ghét gia tộc này vì nó không thỏa theo mong ước người dân. Những người theo chủ nghĩa hợp hiến phẫn nộ với gia tộc này bởi ảnh hưởng của nó được thực thi đằng sau hậu trường  – một cách bí mật.[5]

Dĩ nhiên bí mật là cần thiết cho sự thành công của bất cứ nhóm lợi ích nào, và gia đình Rothschild là bậc thầy trong lĩnh vực này. Bằng cách đứng phía sau, họ tránh được sức mạnh công kích của dư luận vào bản thân và thay vào đó hướng vào các nhân vật chính trị mà họ kiểm soát phần lớn. Phương pháp này sau đó được những người thao túng tài chính thực hiện rất nhiều và nó cũng được áp dụng đầy đủ bởi những người vận hành Cục Dự trữ Liên bang ngày nay. Wilson tiếp tục:

Sự bí mật đã và vẫn luôn là một đặc trưng cho các hoạt động chính trị của gia tộc Rothschild. Rất hiếm khi thấy họ tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng. Họ cũng không bao giờ tìm cách giành các chức vụ trong chính quyền. Cho dù sau này khi một vài người trong gia tộc tham gia vào quốc hội, vai trò của họ cũng không nổi bật ở các phòng họp nghị viện tại London, Paris hay Berlin. Tuy nhiên họ vẫn can thiệp vào việc định hình các sự kiện chính mỗi ngày: bằng cách tài trợ hay kìm hãm các quỹ; bằng cách cung cấp cho các chính khách một dịch vụ ngoại giao chính thức; bằng cách ảnh hưởng đến vấn đề bổ nhiệm các vị trí cấp cao; và bằng sự giao thiệp hầu như mỗi ngày với các nhà làm chính sách lớn.[6]

Làm giàu từ buôn lậu

Chiến tranh liên miên ở châu Âu đã tạo những cơ hội cho việc buôn lậu các loại hàng hóa tiêu dùng khan hiếm qua các hàng rào phong tỏa quân sự. Bởi vì gia tộc Rothschild thường tài trợ cho cả hai phía xung đột và có ảnh hưởng chính trị lớn, sự xuất hiện đơn thuần của biểu tượng tấm khiên đỏ trên bao bì da, trên toa xe hay chỉ một lá cờ trên tàu là đủ để đảm bảo sứ giả hay hàng hóa của họ có thể vượt qua các điểm kiểm tra của bất kỳ phe nào. Khả năng miễn trừ này cho phép hàng hóa của họ xuất hiện tại các chợ đen sầm uất về hàng bông, sợi, thuốc lá, cà phê, đường và cây chàm, đồng thời giúp hàng hóa của họ được vận chuyển tự do qua biên giới của Đức, bán đảo Scandinavia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Pháp.[7] Sự bảo vệ từ chính phủ như vậy có thể xem là một trong những lợi ích gián tiếp tạo ra lợi nhuận thương mại vượt xa lợi nhuận có thể đạt được từ các khoản cho chính phủ vay.

Gần như có thể nói rằng, thất bại của người này là thắng lợi của người kia. Thậm chí cả các nhà viết tiểu sử thiện chí nhất cũng phải thừa nhận rằng trong hơn hai thế kỷ, gia tộc Rothschild đã kiếm lời hậu hĩnh từ chiến tranh và những sự sụp đổ kinh tế, còn những người khác đã phải chịu tổn thất rất lớn.

Napoleon và các chủ ngân hàng

Nếu một bức tranh đáng giá vạn lời nói thì chắc chắn một ví dụ sẽ đáng giá hơn cả tá giải thích. Không có ví dụ nào xác đáng hơn cuộc chiến tranh kinh tế giữa các nhà tài phiệt ở châu Âu thế kỷ 19 và Napoleon Bonaparte. Một thực tế lịch sử dễ bị lãng quên là Napoleon đã khôi phục lại luật pháp và trật tự cho một nước Pháp hỗn loạn sau cuộc cách mạng và chuyển sự tập trung không phải vào chiến tranh mà là vào việc thiết lập sự yên ổn và cải thiện tình hình kinh tế trong nước. Ông đặc biệt quan tâm đến việc tách đất nước và người dân của ông ra khỏi sự kiểm soát của các chủ ngân hàng. R. McNair Wilson trong quyển Monarchy or Money Power (Nền quân chủ hay sức mạnh đồng tiền) đã nói:

Ông ra lệnh rằng tiền của Pháp không được xuất đi đâu với bất kỳ lý do gì mà không có sự đồng ý của Chính phủ, và cũng không được phép sử dụng các khoản vay nợ để đáp ứng các chuyện chi tiêu hiện hành về dân sự hay quân sự… Napoleon nhấn mạnh “Chúng ta nên cân nhắc việc các khoản cho vay có thể dẫn tới điều gì để có thể nhận ra sự nguy hiểm của chúng. Vì vậy tôi không có liên quan gì đến chúng và sẽ luôn chiến đấu chống lại chúng.”…

Mục tiêu của việc này là để ngăn cản sức mạnh từ giới tài chính có thể gây khó khăn cho Chính phủ như đã từng gây khó khăn cho chính quyền vua Louis XVI. Bonaparte khẳng định, khi một chính quyền bị phụ thuộc vào tiền của các chủ nhà băng thì họ chứ không phải những nhà lãnh đạo chính phủ sẽ kiểm soát tình hình bởi “bàn tay cho luôn đặt trên bàn tay nhận.”…

Ông này cũng tuyên bố “tiền không có quê hương, giới tài phiệt không có lòng yêu nước và sự tử tế: mục đích duy nhất của chúng chỉ là lợi nhuận.”[8]

Một trong những đòn đầu tiên của Napoleon để chống lại các chủ nhà băng là thành lập ra một Ngân hàng Pháp Quốc (Bank of France) độc lập do chính ông làm chủ tịch. Điều làm các nhà tài phiệt lo ngại không phải là việc ngân hàng này không được tin tưởng và ngân quỹ của chính phủ không bao giờ được cất ở đây mà là việc ông này từ chối đi vay. Điều này là cả tin tốt lẫn tin xấu đối với các nhà tài phiệt. Tin xấu là họ sẽ mất đi các khoản lợi từ tiền lãi dựa trên tiền gửi theo tỷ lệ. Tin tốt là nếu không dùng đến các khoản nợ thì họ có thể chắc rằng Napoleon không thể tự bảo vệ mình về mặt quân sự. Chính vì vậy ông này sẽ dễ dàng bị lật đổ và thay thế bởi chính quyền quân chủ cũ của Louis XVI, chính quyền chịu tiếp nhận ảnh hưởng của các chủ ngân hàng. Wilson tiếp tục:

Họ luôn trông vào sự thất bại của ông ta. Không ai tin rằng Napoleon đủ tiền chi trả cho chiến tranh với quy mô lớn khi mà cùng với sự tiêu hủy của đồng tiền Assignat ông đã mất đi nguồn cung tiền giấy.[9] Ông sẽ tìm ở đâu lượng vàng và bạc cần thiết để duy trì và trang bị cho một quân đội mạnh? Pitt [Thủ tướng Anh] đã dựa vào một liên minh gồm Anh, Áo, Phổ, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển và nhiều quốc gia nhỏ khác. Khoảng 60.000 người sẽ tham gia vào cuộc chiến. Tất cả nguồn của cải của nước Anh, cũng đồng nghĩa với của cải của thế giới, sẽ được lực lượng áp đảo này tùy ý sửa dụng. Liệu người đàn ông từ đảo Corsica này có thể quy tập được 200.000 quân không? Liệu ông có thể trang bị vũ khí cho họ không? Liệu ông có thể nuôi sống họ không? Nếu viên đạn chì không thể kết thúc đời ông ta thì viên đạn vàng sớm muộn cũng sẽ làm điều đó. Ông sẽ phải như những người hàng xóm của mình, đến với chiếc mũ trên tay để mượn tiền và chấp nhận điều kiện của các chủ ngân hàng…

Ông không thể có được 2.000.000 bảng nên Kho bạc trống rỗng và nguồn tiền kim loại quốc gia cũng vậy. London đầy hứng thú chờ xem vấn đề nan giải này sẽ được giải quyết như thế nào.[10]

Và Napoleon đã giải quyết vấn đề này khá đơn giản bằng cách bán bớt một số bất động sản. Những người Mỹ điên khùng đã bỏ ra 3.000.000 bảng để mua một vùng đầm lầy rộng lớn tên là Louisiana.

Kế hoạch hủy diệt nước Mỹ

Napoleon không hề muốn chiến tranh nhưng ông cũng biết rằng những người cai trị tài chính của châu Âu sẽ không bằng lòng với hòa bình trừ khi họ bị buộc phải như vậy do sự thất bại của chế độ bù nhìn hoặc nếu điều đó đem lại lợi ích tiền bạc cho họ theo cách nào đó. Chính vì theo đuổi sách lược thứ hai mà ông đã đe dọa trực tiếp sáp nhập Hà Lan, nước lúc đó đang được anh của ông là vua Louis cai trị. Napoleon biết rằng Hà Lan nợ các chủ ngân hàng người Anh rất nhiều. Nếu Hà Lan bị sáp nhập vào Pháp thì những khoản nợ này sẽ không bao giờ được hoàn trả. Chính vì điều này Napoleon đã đưa ra một đề nghị với các chủ ngân hàng Anh rằng nếu họ có thể thuyết phục chính phủ Anh chấp nhận duy trì hòa bình với Pháp thì ông sẽ để Hà Lan yên. Cuộc thương lượng được tiến hành giữa chủ ngân hàng Pierre-Cesar Labouchere do người Hà Lan gửi đến và chủ ngân hàng người Anh Francis Baring, cha vợ của Labouchere. Cho dù đó là lời đề nghị hấp dẫn với các chủ ngân hàng thì ít nhất trong ngắn hạn điều này cũng đi ngược lại với bản tính của họ khi phải từ bỏ lợi ích của chiến tranh và chủ nghĩa trọng thương. Thế nên họ đã sửa lại lời đề nghị để đưa vào một kế hoạch mà theo đó Anh và Pháp sẽ cùng tập hợp lực lượng để đánh bại nước Mỹ vừa mới giành được độc lập để đưa ít nhất một nửa đất nước có các ngành công nghiệp phát triển của Mỹ về lại dưới sự cai trị của Anh. Kế hoạch khó tin này được chủ nhà băng người Pháp Ouvrard đưa ra nhằm mục đích xâm lược quân sự và chinh phục để sau đó chia chác chiến lợi phẩm. Anh sẽ nhận phần phía Bắc nối liền với Canada trong khi Pháp nhận phần phía Nam. Và Napoleon đã bị dụ dỗ bởi danh xưng “Vua của nước Mỹ”. McNair Wilson nói rằng:

Labouchere đã viết cho Baring vào ngày 21 tháng 3 trong đó có gửi kèm một lá thư cho [Ngoại trưởng Anh] Wellesley đã được viết theo lời Ouvrard, nói rằng:

Từ một người chinh phục, ông ta (Napoleon) đang trở thành một người bảo vệ hòa bình, kết quả đầu tiên của cuộc hôn nhân với Marie Louise là việc ông ta sẽ đề nghị hòa bình với Anh. Với quốc gia chúng ta (tức là Anh) thì hòa bình có lợi hơn do ta bị hạn chế bởi biển. Ngược lại Pháp sẽ có lợi nếu tiếp tục chiến tranh bởi điều này giúp Pháp bành trướng vô hạn cũng như thiết lập nên một hạm đội mới, điều không thể thực hiện được trong điều kiện hòa bình. Tại sao Nội các Anh không đề nghị với Pháp tiêu diệt Mỹ, khiến nước này tiếp tục chịu phụ thuộc vào Anh, và thuyết phục Napoleon giúp sức để phá hủy sự nghiệp cả đời của Louis XVI (người hỗ trợ Mỹ giành được độc lập – NHĐ)? Sẽ có lợi hơn cho Anh khi duy trì hòa bình và tâng bốc sự phù phiếm của Napoleon bằng cách công nhận tước hiệu hoàng đế cùng những việc ông ta làm.

Nội các đã thảo luận về lời đề nghị này và chấp thuận nó. Wellesley ngay lập tức tới nhà báo tin tốt cho Baring… Hà Lan có thể và sẽ bị buộc phải trả nợ bằng vàng.

Rất không may rằng Napoleon đã phát hiện chuyện đang diễn ra và từ chối quyết liệt việc tham gia vào kế hoạch tấn công Hoa Kỳ. Ông cho bắt giữ Ouvard, bãi chức và lưu đày Fouche, đồng thời công bố toàn bộ câu chuyện trước sự thất vọng cùng cực của Wellesley và Baring.[11]

Điều này không có nghĩa rằng Napoleon là biểu tượng của đức hạnh hay là người ủng hộ những đồng tiền sạch sẽ. Ông từ chối các chủ nhà băng bởi vì sức mạnh tiền tệ của những người này có thể đe dọa quyền tối thượng về sức mạnh chính trị của ông. Ông cho họ quyền tự do hành động nếu họ phục vụ cho mục đích của quốc gia. Và khi nhu cầu tài chính cho quân sự tạm lắng xuống ông sẽ lên án họ vì tạo ra “lợi nhuận xấu xa” và chiếm lấy khoản này từ họ nhân danh người dân. Nếu các chủ ngân hàng phản kháng, họ sẽ bị tống vào tù.

Và như vậy chiến tuyến đã rõ ràng. Napoleon phải bị thủ tiêu bằng bất cứ giá nào. Nhằm thực hiện điều này Ngân hàng Anh đã cho chính phủ “mượn” một khoản tiền giấy khổng lồ để nước này có thể chi trả cho một lực lượng quân sự áp đảo. Một dòng vàng ổn định được tuồn ra khỏi đất nước để xây dựng quân đội Nga, Phổ và Áo. Nền kinh tế một lần nữa bị chao đảo bởi sức nặng của nợ chiến tranh, và người dân thanh toán các hóa đơn mà không dám cằn nhằn bởi họ không hề biết rằng những khoản này đã bị tính vào tài khoản của họ. Wilson kết thúc câu chuyện như sau:

Các chủ ngân hàng đã thắng. Nhờ có vũ khí và ngoại giao của Anh mà Louis XVIII đã khôi phục được vương quyền của tổ tiên. Các khoản vay nợ được ông tùy ý định đoạt dù Napoleon đã để lại cho nước Pháp một tài khoản cân bằng.

Một năm sau người bị toàn bộ các vua chúa và chủ ngân hàng ở châu Âu gọi là “kẻ tiếm quyền” (tức Napoleon – NHĐ) đã giành lại được ngai vàng của mình chỉ với 800 lính mà không hề phải nổ một tiếng súng. Lần này ông không có cách nào khác ngoài phải vay nợ để trang trải việc quốc phòng cho nước Pháp. Thành phố London [giới ngân hàng] cho ông vay 5.000.000 bảng và với số tiền này ông đã trang trải cho đội quân vốn sau đó bị Wellington đánh bại trong trận Waterloo.[12]

Vàng cho Công tước xứ Wellington

Trận Waterloo

Sidonia

Công thức

Chiến tranh triền miên ở Anh thế kỷ 18

Tóm lược

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll-Ch11.pdf

———————–

[1] Richard Lewinsohn, The Profits of  War through the Ages (New York:  E.P. Dutton,  1937),  pp. 55-56.

[2] Dẫn lời bởi Nghị sĩ Robert L. Owen, nguyên Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Ngân hàng và Tiền tệ và là một trong những nhà bảo trợ của Đạo luật dự trữ liên bang, Kinh tế Quốc gia và Hệ thống Ngân hàng, (Washington, D.C.: U.S. Government Printing Office, 1939), p.99.

[3] Frederic Morton, The Rothschild’s: A Family Portrait (New York:  Atheneum,  1962), p.14.

[4] Morton,  pp. 145, 219.

[5] Derek Wilson, Rothschild: The Wealth and Power of  A Dynasty (New York:  Charles Scribner’ s Sons,  1988),  pp. 79,  98-99.

[6] Derek Wilson,  p. 99.

[7] Morton, pp. 40-41.

[8] R. McNair Wilson, Monarchy or Money Power (London: Eyre and Spottiswoode, Ltd., 1933), pp. 68, 72.

[9] Assignat là tiền giấy bạc mà sau đó nhanh chóng trở nên vô giá trị trong thương mại và bị tiêu hủy hoàn toàn trong nền kinh tế Pháp.

[10] R. McNair Wilson, pp. 71-72.

[11] R. McNair Wilson, pp. 81-82.

[12] R. McNair Wilson, p. 83.