#217 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.14): Tạo ra kẻ thù để hưởng lợi từ chiến tranh

Print Friendly, PDF & Email

lenin-gosr

Nguồn: G. Edward Griffin, “The Best Enemy Money Can Buy”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 14.

Biên dịch: Trương Thị Phương Thanh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nội dung chính: Cuộc đảo chính ở Nga mà trong đó phe thiểu số Bolshevik giành quyền kiểm soát từ phe đa số cách mạng; vai trò của những nhà tài phiệt New York giả dạng thành những viên chức Hội Chữ Thập Đỏ nhằm ủng hộ phe Bolshevik; nỗ lực liên tục kể từ đó của Mỹ để xây dựng tiềm năng gây chiến của Nga; sự nổi lên của một “kẻ thù thực sự” theo Công thức Rothschild.

Trong phần trước chúng ta thấy rằng Phái đoàn Hội Chữ Thập Đỏ trong cách mạng Nga “không gì hơn là một cái mặt nạ” như theo lời nhân viên của chính nó. Điều này dẫn đến câu hỏi logic là động cơ và mục tiêu đích thực được giấu đằng sau chiếc mặt nạ đó là gì?

Trong những năm sau đó, câu hỏi này được giải thích bởi chính những người tham gia rằng họ đơn giản chỉ tham gia vào một nỗ lực nhân đạo nhằm giữ chân Nga trong cuộc chiến tranh chống lại Đức, qua đó giúp đỡ sự nghiệp tự do của Anh và các đồng minh. Đối với Jacob Schiff và những nhà tài phiệt người Do Thái khác ở New York, còn có sự giải thích thêm rằng họ chống lại Sa hoàng vì chủ nghĩa bài Do Thái của ông ta. Tất nhiên, đây là những động cơ đáng ngưỡng mộ, và chúng được những sử gia chính thống chấp nhận một cách không phê phán kể từ đó. Thật không may, những giải thích chính thức không phù hợp với thực tế.

Hai cuộc cách mạng tại Nga

Thực tế là có 2 cuộc cách mạng ở Nga vào năm đó, không phải một. Cuộc cách mạng thứ nhất, được gọi là Cách Mạng Tháng Hai, dẫn đến sự thành lập một chính phủ xã hội chủ nghĩa lâm thời dưới sự lãnh đạo của Aleksandr Kerensky. Chính phủ này có các chính sách tương đối ôn hòa và cố gắng điều hòa tất cả các bè phái cách mạng bao gồm những người Bolshevik vốn là nhóm thiểu số nhỏ nhất. Khi Cách Mạng Tháng Hai nổ ra, thì Lenin và Trotsky thậm chí không ở Nga. Lenin ở Thụy Sĩ và không về cho đến tháng 4. Trotsky vẫn ở New York viết tuyên truyền và diễn thuyết.

Cuộc các mạng thứ hai, được gọi là Cách Mạng Tháng Mười, là cuộc cách mạng mà thông qua đó những người Bolshevik lên nắm quyền. Thật ra đó không phải là một cuộc cách mạng. Đó là một cuộc đảo chính. Những người Bolshevik đơn giản tận dụng sự hỗn loạn và do dự tồn tại giữa các nhóm cấu thành chính phủ mới và làm cho họ bất ngờ bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng. Với sự kết hợp của hối lộ và tuyên truyền, họ tuyển nhiều trung đoàn lính bộ binh và lính thủy và chiếm đóng bằng quân sự tất cả các tòa nhà chính phủ và trung tâm liên lạc một cách bài bản vào lúc mờ sáng ngày 25 tháng 10. Không ai được chuẩn bị để đối phó với một sự táo bạo như vậy, và hầu như không có sự kháng cự nào. Đến lúc bình minh khi người Nga còn chưa biết điều gì đã xảy ra chứ đừng nói đến có tiếng nói trong hành động đó, đất nước của họ đã bị một bè phái nhỏ kiểm soát và trở thành một nước gọi là “cộng hòa nhân dân” đầu tiên của thế giới. Trong vòng hai ngày, Kerensky đã chạy thoát thân, và tất cả các bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời đã bị bắt.

Đó là cách mà những người Cộng sản giành chính quyền ở Nga và cũng là cách mà họ nắm giữ nó sau đó. Trái ngược với huyền thoại Marxist, họ chưa từng đại diện cho nhân dân. Họ đơn giản là có súng.

Những sự kiện cơ bản của cái được gọi là cuộc cách mạng này được miêu tả bởi Giáo sư Leonard Schapiro trong tác phẩm uy tín của ông, The Russian Revolution of 1917:

Tất cả bằng chứng gợi ý rằng khi cuộc khủng hoảng xảy ra, phần lớn các đơn vị của Doanh trại Petrograd không ủng hộ chính phủ mà chỉ đơn giản là giữ trung lập… Những đơn vị Cossack cự tuyệt lời kêu cứu của chính phủ, khiến chính phủ chỉ có vài trăm nữ binh sĩ và khoảng hai nghìn học viên trường sĩ quan đứng về phía mình. Ngược lại, những người Bolshevik có thể trông cậy vào nhiều trung đoàn để thực hiện mệnh lệnh của họ. Các đơn vị của Hạm đội Baltic cũng ủng hộ họ…

Trong sự kiện này, sự tiếp quản của phe Bolshevik hầu như không có đổ máu: trái ngược với những gì đã xảy ra vào tháng Hai, không có biểu hiện của một thành phố cách mạng tại Petrograd vào ngày 25 tháng 10. Các đám đông những người ăn mặc đẹp tràn ngập những con đường vào buổi tối. Những rạp chiếu phim và nhà hàng vẫn mở cửa, và tại nhà hát opera, Shaliapin biễu diễn vở Boris Godunov. Những nhà ga chính và các dịch vụ được tiếp quản vào buổi sáng ngày 25 tháng 10 mà không có tiếng súng nào vang lên…

Một tàu chiến và nhiều tàu tuần dương, bao gồm tàu Aurora, đã cập bến Petrograd từ Kronstadt và được neo với đại bác nhắm vào những mục tiêu trong thành phố…

Chính phủ Lâm thời bên trong Cung điện Mùa Đông… nhận được tối hậu thư kêu gọi các thành viên của nó đầu hàng, với lời đe dọa bắn phá cung điện bằng tàu Aurora và bằng đại bác của Pháo đài Peter và Paul… Đến 9 giờ 40 phút tối thì tàu Aurora được lệnh khai hỏa– và bắn ra một quả pháo rỗng. Tác động chính của việc này là nhằm kéo mỏng lực lượng học viên trường sĩ quan bảo vệ cung điện vốn lúc này số lượng đã giảm xuống. Những nữ binh sĩ, một phần của lực lượng bảo vệ cung điện, cũng rời đi trước khi cung điện bị chiếm đóng. Lúc 11 giờ đêm một vài quả pháo thật được bắn, và cung điện bị hư hỏng nhẹ…

Câu chuyện về cuộc tấn công ấn tượng vào Cung điện Mùa Đông vốn phổ biến trong giới sử gia Liên Xô và trong các rạp chiếu bóng chỉ là một huyền thoại. Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 26 tháng 10, một biệt đội nhỏ quân lính, theo sau là một đám đông hỗn loạn và được dẫn dắt bởi hai thành viên của Ủy ban Cách mạng Quân sự tiến vào cung điện. Dường như những học viên trường sĩ quan còn lại chuẩn bị phản kháng nhưng được các bộ trưởng ra lệnh đầu hàng. Cuối cùng, tổng số thương vong là 3 học viên trường sĩ quan bị thương.[1]

Sự ủng hộ của nhân dân là không cần thiết

Eugene Lyons đã từng là phóng viên của hãng United Press trong cách mạng Nga. Khi bắt đầu sự nghiệp ông rất thông cảm với những người Bolshevik và chế độ mới của họ, nhưng sáu năm thật sự sống trong lòng chủ nghĩa xã hội không tưởng mới đã làm tan vỡ hoàn toàn những ảo tưởng của ông. Trong quyển sách được ca ngợi của ông, Workers’ Paradise Lost, ông tóm tắt ý nghĩa thật của Cách mạng Tháng Mười:

Lenin, Trostky, và phe cánh của họ không lật đổ chế độ quân chủ. Họ lật đổ xã hội dân chủ đầu tiên trong lịch sử Nga, được lập nên thông qua một cuộc cách mạng nhân dân thực thụ vào tháng 3 năm 1917… Họ đại diện cho phần nhỏ nhất của các phong trào cấp tiến… Nhưng phong trào của họ là một phong trào vốn chế giễu số đông và thẳng thắn ngờ vực quần chúng. Công nhân có thể được giáo dục về vai trò của họ sau cuộc cách mạng; họ sẽ không được dẫn dắt mà bị dồn đến thiên đường trên mặt đất của họ. Lenin luôn chế nhạo sự ám ảnh của các nhóm xã hội chủ nghĩa cạnh tranh lẫn nhau về (huấn luyện) “cơ sở quần chúng” của họ. Ông từng nói “Hãy trao cho chúng tôi một tổ chức gồm các nhà cách mạng chuyên nghiệp và chúng tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga.”…

Thậm chí những nhóm công nhân này bị lừa bịp thảm hại, không có một ý niệm nào về những mục đích thật sự mà họ đang phục vụ. Họ nghĩ rằng họ đang tiến đến các Xô-viết đa đảng, tự do, công bằng, và những mục tiêu khác mà những người tổ chức của họ xem chỉ là những thứ cảm xúc vô nghĩa…

Sắp sửa hình thành chủ nghĩa độc tài nhưng Lenin còn dám hứa hẹn rằng nhà nước sẽ mất dần đi, vì “nhu cầu vũ lực sẽ biến mất”. Không phải trong tương lai xa, mà là ngay lập tức: “nhà nước vô sản bắt đầu yếu dần đi ngay lập tức sau thắng lợi của nó, vì trong xã hội không có giai cấp nhà nước là không cần thiết và không thể tồn tại… Chính quyền Xô-viết là một loại nhà nước mới, trong đó không có bộ máy hành chính quan liêu, cảnh sát, quân đội thường trực.” Hơn nữa: “Chừng nào nhà nước còn tồn tại thì sẽ không có tự do. Khi có tự do, thì sẽ không có nhà nước”.

Trong vòng vài tháng sau khi họ giành được chính quyền, phần lớn những thông lệ thuộc chế độ Nga hoàng mà những người theo chủ nghĩa Lenin chỉ trích được phục hồi, thường ở những hình thức không tốt đẹp gì: những người tù chính trị, những bản án không xét xử và không có thủ tục buộc tội, ngược đãi dã man những người bất đồng quan điểm, án tử hình đối với nhiều loại tội hơn ở bất cứ quốc gia hiện đại nào. Những thông lệ khác được áp dụng trong những năm sau đó, bao gồm đàn áp tất cả những đảng phái khác, khôi phục hộ chiếu nội địa, tình trạng nhà nước độc quyền báo chí, cùng với những thông lệ mang tính đàn áp mà nền quân chủ đã vượt qua được khoảng trên một thế kỷ.[2]

Dĩ nhiên, tất cả những điều này đi chệch câu chuyện chính của chúng ta, nhưng chúng ta cần minh họa một thực tế vốn đã bị che đậy bởi dòng thời gian và sự chấp nhận chuyện hoang đường của các sử gia chính thống. Thực tế là Lenin và Trosky không được gửi đến Nga để lật đổ vị Nga hoàng bài Do Thái. Theo yêu cầu của Phố Wall, nhiệm vụ của họ là nhằm lật đổ cách mạng.

Những ghi chú từ nhật ký của Lincoln Steffens

Việc điều này là một động cơ chủ yếu của các tài phiệt New York được làm sáng  tỏ trong nhật ký của Lincoln Steffens, một trong những tác giả cánh tả nổi tiếng thời bấy giờ của Mỹ. Steffens ở trên tàu S.S. Kristianiafjord khi Trosky được đưa đi và bị bắt ở Halifax. Ông cẩn thận ghi lại những cuộc nói chuyện với những hành khách khác cũng đi đến nước Nga vốn đang bị xung đột tàn phá. Một trong số họ là Charles Crane, phó chủ tịch Công ty Crane. Crane là một người ủng hộ Woodrow Wilson và cựu chủ tịch ủy ban tài chính của Đảng Dân chủ. Ông cũng đã thành lập Công ty Westinghouse ở Nga và đã có không ít hơn 23 chuyến thăm trước đó. Con trai ông, Richard Crane, là trợ lý thân tín của Ngoại trưởng thời đó, Robert Lansing. Do đó, đọc những ghi chú của Steffens về những quan điểm của những người bạn đồng hành này sẽ làm sáng tỏ nhiều điều. Ông viết: “… tất cả đồng ý rằng cuộc cách mạng chỉ ở giai đoạn đầu, và nó phải phát triển. Crane và những người Nga cấp tiến trên tàu nghĩ rằng chúng tôi có thể ở Petrograd để chứng kiến một cuộc cách mạng lần hai.”[3]

Chính xác. Tái cách mạng chính là nguyện vọng và mục tiêu, không phải sự loại bỏ chủ nghĩa bài Do thái.

Liên quan đến khẳng định của Thompson rằng ông chỉ cố gắng giữ Nga tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh chống lại Đức, thì một lần nữa tại đây, lý lẽ của những sự kiện thực tế chống lại điều đó. Kerensky và chính phủ lâm thời ủng hộ nổ lực chiến tranh. Tuy nhiên, những người giả danh Hội Chữ Thập Đỏ cuối cùng lại dành sự ủng hộ mạnh nhất cho những người Bokshevik vốn chống lại nó. Cái cớ của họ là việc những người Bokshevik rõ ràng sẽ nhanh chóng kiểm soát chính phủ mới và họ chỉ đơn thuần nhìn về tương lai. Họ nói không thích những người Bolshevik, nhưng phải đối phó với những người này một cách thực dụng. Do vậy họ trở thành những người ủng hộ trung thành chỉ nhằm giành được ảnh hưởng đối với những người chắc chắn thắng cuộc, và hy vọng thuyết phục được họ thay đổi lập trường đối với cuộc chiến.

Than ôi, sự việc đã không diễn ra theo cách đó. Như chúng ta đã thấy họ có ảnh hưởng nhưng những người Bolshevik không bao giờ thay đổi quan điểm của họ. Sau khi giành quyền kiểm soát trong cuộc đảo chính Tháng Mười, họ thực hiện chính xác tất cả những gì mà họ đã cam kết. Họ ký một hiệp ước hòa bình với Đức và tịch thu tài sản cá nhân. Họ cũng bắt đầu một trong những vụ tắm máu lớn nhất thế giới nhằm loại bỏ phe đối lập. Bạn sẽ hiểu rằng không có gì trong việc này có thể được đổ lỗi cho những kẻ giả danh Hội Chữ thập đỏ. Tất cả chính là lỗi của Wilson và những chính trị gia khác ở nhà, những người mà vì không nghe theo lời khuyên của Thompson gửi những đồng đô la tiền thuế đến cho những người Bolshevik đã buộc họ phải hành động quyết liệt như vậy. Ít nhất đó là quan điểm được chấp nhận.

Trên thực tế, thắng lợi của những người Bolshevik vào thời điểm đó không có gì là chắc chắn, và có ít lý do – bên ngoài sự ủng hộ của chính những nhà tài phiệt New York – để tin rằng họ sẽ trở thành tiếng nói thống trị nước Nga. Nhưng, thậm chí nếu chúng ta chấp nhận giả định rằng những người này là những nhà quan sát chính trị sắc sảo mà thật sự có thể đoán trước hướng đi tương lai, thì chúng ta vẫn đối mặt với những câu hỏi lớn, không ít trong số đó là những suy nghĩ và lời nói của chính những người giả danh Hội Chữ thập đỏ. Ví dụ, tháng 2 năm 1918, Arthur Bullard đang ở Nga với tư cách là trưởng chi nhánh Nga của Ủy ban Thông tin Công cộng, vốn là vũ khí tuyên truyền thời chiến của chính phủ Mỹ. Bullard được miêu tả một cách chính xác bởi sử gia George Kennan như là một “nhà văn tự do, một người theo chủ nghĩa xã hội tự do, và là tai mắt riêng của Đại tá House.”[4] Với chức vụ của mình, ông có nhiều dịp bàn bạc với Raymond Robins và, trong một báo cáo mô tả một trong những cuộc trò chuyện này, Bullard viết:

Ông ấy [Robins] có một ít sự tiếc nuối – cụ thể, rằng sự công nhận những người Bolshevik đáng ra phải làm từ lâu, rằng nên thực hiện điều đó ngay lập tức, và nếu Hoa Kỳ công nhận những người Bolshevik từ sớm, “Tôi tin rằng bây giờ chúng ta đã kiểm soát được những tài nguyên dồi dào của Nga và có những tay chân giúp giám sát ở tất cả những điểm ở biên giới.”[5]

Những con sói đằng sau mặt nạ

Năm sau đó, Thượng viện Hoa Kỳ tiến hành một cuộc điều tra về vai trò của những công dân Mỹ nổi bật trong việc ủng hộ sự vươn lên nắm quyền của phe Bolshevik. Một trong những tài liệu đưa vào hồ sơ là một thông cáo Robins gửi cho Bruce Lockhart. Trong đó Robins nói:

Ông sẽ nghe người ta nói rằng tôi là một đại lý của Phố Wall; rằng tôi là tay chân của William B. Thompsons nhằm đoạt lấy công  ty Đồng Altai cho ông ta; rằng tôi đã có 500.000 mẫu đất trồng gỗ tốt nhất ở Nga cho bản thân tôi; rằng tôi đã nắm được Đường tàu lửa xuyên Siberi; rằng họ trao cho tôi độc quyền bạch kim ở Nga; rằng điều này giải thích việc tôi làm việc cho Xô-viết… Ông sẽ nghe tin đồn đó. Hiện tại, tôi không nghĩ là điều này đúng, thưa Ngài ủy viên, nhưng chúng ta hãy giả định rằng nó đúng. Chúng ta hãy giả định rằng tôi ở đây để giành lấy nước Nga cho Phố Wall và những doanh nhân Mỹ. Chúng ta hãy giả định rằng ông là một con sói Anh và tôi là một con sói Mỹ, và rằng khi cuộc chiến tranh này kết thúc chúng ta sẽ ăn thịt lẫn nhau để giành giật thị trường Nga; chúng ta hãy làm vậy một cách hoàn toàn thẳng thắn, đàn ông, nhưng đồng thời chúng ta hãy giả định rằng chúng ta là những con sói khá thông minh, và rằng chúng ta biết nếu chúng ta không đi săn cùng nhau thì trong thời điểm này con sói Đức sẽ ăn thịt cả hai chúng ta.[6]

Giáo sư Sutton đã xem xét tất cả điều này trong bối cảnh chung. Trong đoạn văn sau đây, ông nói về William Thompson, nhưng nhận định của ông áp dụng cho cả Robins và tất cả những nhà tài phiệt khác tham gia phái đoàn Hội Chữ thập đỏ ở Nga.

Những động cơ của Thompson chủ yếu là về tài chính và thương mại. Cụ thể, Thompson quan tâm đến thị trường Nga và cách thức mà thị trường này có thể bị ảnh hưởng, làm trệch hướng, và chiếm được để khai thác sau chiến tranh bởi một hoặc vài công ty trên Phố Wall. Hiển nhiên Thompson xem Đức là một kẻ thù, nhưng không phải là một kẻ thù chính trị mà là kẻ thù về kinh tế hay thương mại. Công nghiệp Đức và ngân hàng Đức là kẻ thù thật sự. Nhằm qua mặt nước Đức, Thompson sẵn sàng rót tiền vốn vào bất kỳ cỗ máy chính trị quyền lực nào mà sẽ giúp đạt được mục tiêu của ông. Nói cách khác, Thompson là một người Mỹ theo chủ nghĩa đế quốc chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc Đức, và cuộc đấu tranh này được nhận ra và khai thác một cách khôn ngoan bởi Lenin và Trotsky…

Thompson không phải là một người Bolshevik; thậm chí ông không phải là một người thân Bolshevik. Cũng không là người thân Kerensky. Hay thậm chí ông cũng không là người thân Mỹ. Động cơ quan trọng hơn hết là việc chiếm được thị trường Nga sau chiến tranh. Đây là một mục tiêu thương mại. Ý thức hệ có thể gây ảnh hưởng đến những nhà hoạt động cách mạng như Kerensky, Trotsky, Lenin,… nhưng không thể đối với những nhà tài phiệt.[7]

Những con sói của nhóm Bàn Tròn có thật sự đạt được mục tiêu của họ không? Trên thực tế, họ có chiếm được những tài nguyên dồi dào của Nga không? Câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ không được tìm thấy trong những cuốn sách lịch sử. Nó phải được lần theo dòng những sự kiện tiếp sau đây. Nếu kế hoạch không thành công, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự sụt giảm quan tâm của giới tài tính cấp cao, thậm chí là thù địch thẳng thừng. Mặt khác, nếu nó thật sự thành công, chúng ta sẽ nhìn thấy không những sự ủng hộ được tiếp tục, mà còn một số bằng chứng lợi nhuận mà những nhà đầu tư thu được, một sự đền đáp cho những nỗ lực và rủi ro của họ. Bằng cách lần theo những dấu vết này, bây giờ chúng ta hãy xem xét khái quát những điều đã thật sự diễn ra từ khi những người Bolshevik được giúp đỡ lên cầm quyền bởi mạng lưới Bàn Tròn.

THÔNG TIN 1: Sau Cách mạng Tháng Mười, tất cả những ngân hàng ở Nga bị tiếp quản và “quốc hữu hóa” bởi những người Bolshevik – ngoại trừ một ngân hàng: Chi nhánh Petrograd của Ngân hàng National City Bank của Rockefeller.

THÔNG TIN 2: Ngành công nghiệp nặng ở Nga cũng được quốc hữu hóa – trừ nhà máy Westinghouse, nhà máy được thành lập bởi Charles Crane, một trong những người đi trên tàu S.S Kristianiafjord đến Nga cùng với Trotsky để chứng kiến cuộc tái cách mạng.

THÔNG TIN 3: Năm 1922, các Xô-viết thành lập ngân hàng quốc tế đầu tiên của họ. Nó không được nhà nước sở hữu và điều hành như lý thuyết Cộng sản tuyên bố, mà được tạo ra bởi một nhóm những ngân hàng tư nhân. Những ngân hàng này bao gồm không những các ngân hàng Nga hoàng cũ, mà còn các ngân hàng Đức, Thụy Điển, và Mỹ. Phần lớn vốn nước ngoài đến từ Anh, bao gồm bản thân chính phủ Anh.[8] Người được bổ nhiệm làm Giám đốc Hoạt động Hải ngoại của ngân hàng mới là Max May, Phó Chủ tịch Công ty Guaranty Trust của Morgan ở New York.

THÔNG TIN 4: Trong những năm tiếp sau Cách mạng Tháng Mười, có một luồng ổn định các hợp đồng lớn và có sinh lợi (nghĩa là không bị cạnh tranh) được ký kết bởi các Xô-viết và những công ty Anh và Mỹ được điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp bởi mạng lưới Bàn Tròn. Ví dụ, lớn nhất trong số này là một hợp đồng 50 triệu bảng về thực phẩm với Morris & Company, công ty đồ hộp ở Chicago. Edward Morris kết hôn với Helen Swift, người có anh trai là Harold Swift. Harold Swift đã từng là một thành viên cấp cao của Phái đoàn Hội Chữ thập đỏ ở Nga.

THÔNG TIN 5: Khi chi trả cho những hợp đồng này và hoàn lại những “khoản vay” cho những nhà tài phiệt, những người Bolshevik đã làm cạn kiệt vàng của đất nước họ – bao gồm lượng dự trữ khá lớn của chính quyền Nga hoàng – và chủ yếu chuyển nó đến các ngân hàng Anh và Mỹ. Riêng trong năm 1920, một chuyến vận chuyển đến Hoa Kỳ đi qua Stockholm trị giá 39 triệu Krona Thụy Điển; ba chuyến vận chuyển đến trực tiếp gồm 540 thùng vàng trị giá 97 triệu đồng rúp vàng; cộng thêm ít nhất một chuyến vận chuyển trực tiếp khác mang tổng khoảng 20 triệu đô la. (Hãy nhớ, đây là giá trị của năm 1920!). Việc cập bến của những chuyến vận chuyển này được phối hợp bởi Kuhn, Loeb & Company của Jacob Schiff và ký thác bởi Guaranty Trust của Morgan.[9]

THÔNG TIN 6: Vào khoảng thời gian này Chính quyền Wilson gửi 700.000 tấn thực phẩm đến Liên Xô, điều này không những cứu chế độ khỏi sự sụp đổ chắc chắn mà còn trao cho Lenin sức mạnh để củng cố sự kiểm soát của ông đối với toàn nước Nga.[10] Cơ quan Quản lý Thực phẩm Hoa Kỳ (The U.S. Food Administration), đơn vị điều khiển hoạt động khổng lồ này, mang lại lợi nhuận hào phóng cho những công ty thương mại tham gia chương trình. Nó được đứng đầu bởi Herbert Hoover và quản lý bởi Lewis Lichtenstein Strauss, người kết hôn với Alice Hanauer, con gái của một trong những thành viên của Kuhn, Loeb & Company.

THÔNG TIN 7: Những con sói Mỹ, Anh, và Đức nhanh chóng tìm ra vận may lợi nhuận trong buôn bán với chế độ Liên Xô mới. Standard Oil và General Electric cung cấp 37 triệu đô la giá trị máy móc từ năm 1921 đến 1925, và đó chỉ mới là sự mở đầu. Junkers Aircraft ở Đức tạo ra không quân Liên Xô theo đúng nghĩa. Ít nhất ba triệu người lao động khổ sai bỏ mạng ở những hầm mỏ lạnh lẽo của Siberi đào quặng cho Lena Goldfields của Anh. W. Averell Harriman – một trùm đường sắt và giám đốc ngân hàng từ Hoa Kỳ,  người sau này trở thành Đại sứ tại Nga – giành được độc quyền 20 năm đối với tất cả việc sản xuất măng-gan của Liên Xô. Armand Hammer – bạn thân thiết của Lenin – tạo ra một trong những gia tài lớn nhất thế giới bằng cách khai thác a-mi-ăng Nga.

Bối cảnh phụ: Những người mù câm điếc

Trong những năm đầu đó, những người Bolshevik hết sức cần hàng hóa, dịch vụ, và vốn đầu tư nước ngoài. Họ biết rằng họ sẽ bị bòn rút bởi những đồng minh “tư bản” của họ, nhưng vậy thì sao? Đó không phải là tiền của họ. Tất cả những gì họ quan tâm là duy trì quyền lực. Và điều đó không dễ như vẻ ngoài của nó. Thậm chí sau cuộc đảo chính mà qua đó họ giành được quyền kiểm soát cơ cấu chính phủ, họ vẫn không kiểm soát được đất nước nói chung. Thực tế, năm 1919, Lenin đã gần từ bỏ hy vọng bành trướng ra ngoài Petrograd và một phần Moscow. Ngoại trừ Odessa, tất cả Miền Nam nước Nga và Crimea đều nằm trong tay của Tướng Deniken, người kiên quyết chống Cộng sản. Phát biểu trước Đại hội lần thứ mười của Đảng Cộng sản Nga, Lenin trình bày thẳng thắn:

Nếu không có sự giúp đỡ của tư bản, thì chúng ta không thể phục hồi lại sức mạnh vô sản trong một đất nước bị hủy hoại vô cùng, nơi mà tầng lớp nông dân, cũng bị hủy hoại, chiếm phần đông dân số – và đương nhiên vì sự giúp đỡ này mà tư bản sẽ vắt kiệt chúng ta. Đây này là điều mà chúng ta phải hiểu. Do đó, hoặc duy trì loại quan hệ kinh tế này hoặc không có gì cả…[11]

Trong một dịp khác Lenin giải thích sâu hơn lý do của ông khi chấp nhận những điều khoản của Phố Wall. Ông nói:

Khi tìm cách chinh phục thị trường Liên Xô, những nhà tư bản thế giới và những chính phủ của họ sẽ nhắm mắt trước thực tế sâu xa và do đó sẽ trở thành những người mù câm điếc. Họ sẽ mở rộng tín dụng, điều giúp chúng ta củng cố Đảng Cộng sản ở những đất nước của họ; và trao cho chúng ta nguyên liệu và công nghệ mà chúng ta thiếu, họ sẽ phục hồi công nghiệp quân sự của chúng ta, điều không thể thiếu cho sự tấn công giành thắng lợi trong tương lai của chúng ta nhằm vào những nhà cung cấp. Nói cách khác, họ sẽ dốc sức chuẩn bị cho sự tự vẫn của chính họ.[12]

Arthur Bullard, từng được nhắc đến ở trên như là đại diện ở Nga của Hội đồng Thông tin Công cộng Mỹ, hiểu rõ chiến lược của phe Bolshevik. Thậm chí vào đầu tháng 3 năm 1918, ông gửi một bức điện đến Washington cảnh báo rằng trong khi chúng ta nên sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ chính phủ trung thực nào cần giúp đỡ, nhưng “người hay tiền bạc được gửi đến cho những người cầm quyền hiện tại ở Nga sẽ được sử dụng để chống lại người Nga ít nhất là như chống lại người Đức…. Tôi kiên quyết khuyên không nên giúp đỡ vật chất cho chính phủ Nga hiện tại. Những thành phần xấu trong các Xô-viết có vẻ như đang giành được quyền kiểm soát.”[13]

Thật không may, Bullard là một tay chơi yếu trong trò chơi này, và ý kiến của ông bị lọc bỏ bởi những tay chơi khác trên đường đi. Bức điện này được gửi đến cấp trên của ông, không ai khác ngoài Đại tá Edward Mandell House, với hy vọng là nó sẽ được chuyển đến Tổng thống. Tuy nhiên bức điện đã không được chuyển đi.

Một đường đi phụ dẫn tới Thế Chiến II

Cơ chế “truyền máu”

Thuật giả kim mới

Lý do thứ năm để thủ tiêu hệ thống

Tóm lược

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quat vat dao Jekyll-ch 14.pdf

——————-

[1] Leonard Shapiro, The Russian Revolutions of 1917 (New York: Basic Books, 1984), pp. 135-36.

[2] Eugene Lyons, Workers’ Paradise Lost (New York: Funk & Wagnalls, 1967), pp. 13-29.

[3] Lincoln Steffens, The Letters of Lincoln Steffens (New York: Harcourt, Brace, 1941), p. 396.

[4] George F. Kennan, The Decision to Intervene: Soviet-American Relations, 1917-1920 (Princeton, New Jersey: Princeton University Press, 1958), pp. 199, 235.

[5] Bullard ms., U.S. State Dept. Decimal File, 316-11-1265, March 19, 1918.

[6] U.S. Cong., Senate, Bolshevik Propaganda, Subcommittee of the Committee on the Judiciary, 65th Cong., 1919, p. 802.

[7] Sutton, Revolution, pp. 97-98.

[8] U.S. State Dept. Decimal File, 861.516/129, August 28, 1922.

[9] U.S. State Dept. Decimal File, 861.516/815, 836, 837, October, 1920. Also Sutton, Revolution, pp. 159-60, 165.

[10] See George F. Kerman, Russia and the West under Lenin and Stalin (Boston: Little, Brown and Company, 1961), p. 180.

[11] V.I. Lenin, Report to the Tenth Congress of the Russian Communist Party, March 15, 1921. Quoted by Sutton, Revolution, p. 157.

[12] Quoted by Joseph Finder, Red Carpet (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1983), p. 8.

[13] Arthur Bullard papers, Princeton University, cited by Sutton, Revolution, p. 46.