#156 – Quái vật đảo Jekyll (Ch.4): Các quỹ tín dụng và bong bóng nhà đất

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “Home, Sweet Loan”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 4.

Biên dịch: Đinh Nguyễn Lan Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương trước của cuốn The Creature from Jekyll Island

CHƯƠNG 4: NHÀ Ở, MÓN NỢ NGỌT NGÀO

Nội dung chính: Lịch sử sự can thiệp của chính phủ ngày càng tăng trong ngành bất động sản, việc bóp nghẹt các lực lượng thị trường tự do trong ngành bất động sản dân dụng; cuộc khủng hoảng xuất hiện sau đó trong ngành quỹ tín dụng; sự giải cứu ngành này với khoản tiền từ thuế của người dân.

Như chúng ta đã thấy ở những chương trước, hậu quả gây nên bởi cartel ngân hàng là có thể xảy ra bắt nguồn từ thực tế rằng tiền có thể được tạo ra từ con số không. Nó cũng phá hỏng sức mua qua khoản thuế ẩn được gọi là lạm phát. Cơ chế mà việc này diễn ra bị che giấu đi và rất tinh vi.

Bây giờ, chúng ta cùng chuyển từ thế giới phức tạp của ngân hàng trung ương sang thế giới rối rắm của các quỹ tín dụng (S&L – savings-and-loan industry). So sánh cho thấy vấn đề trong ngành quỹ tín dụng rất dễ hiểu. Đơn giản là lượng lớn tiền đang biến mất vào hố đen gây nên bởi việc chính phủ quản lý sai lầm, và rốt cuộc chúng ta phải gánh chịu sự tổn thất này. Kết quả là tương tự nhau ở cả hai trường hợp.

Chủ nghĩa xã hội bén rễ ở Mỹ

Tất cả đều bắt đầu từ một khái niệm. Việc khái niệm này bén rễ ở Mỹ là kết quả của cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. Những chính trị gia người Mỹ đã ấn tượng với cách mà các nhà Mác-xit cấp tiến có thể thu hút được sự ủng hộ của công chúng thông qua việc đổ lỗi cho hệ thống tư bản về những nỗi thống khổ của đất nước và hứa hẹn một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Họ ngưỡng mộ và lo sợ những người cấp tiến này; ngưỡng mộ họ về kỹ năng thao túng tâm lý đám đông; và lo sợ họ sẽ được lòng dân và chiếm đa số phiếu bầu trong các cuộc bầu cử. Sẽ không bao lâu nữa trước khi nhiều nhân vật chính trị bắt đầu bắt chước các diễn giả đường phố, và các cử tri rất phấn khởi bỏ phiếu cho họ.

Mặc dù các khía cạnh cực đoan và bạo lực của chủ nghĩa cộng sản nói chung bị từ chối, nhưng các lý thuyết đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội trở nên phổ biến đối với những giới tinh hoa có giáo dục. Chính họ sẽ trở thành các lãnh đạo trong một hệ thống xã hội chủ nghĩa của Mỹ một cách tự nhiên. Một ai đó phải chăm sóc công chúng và nói với họ phải làm gì vì lợi ích của họ, và nhiều người có bằng đại học và những người giàu có trở nên say mê với suy nghĩ được đóng vai trò đó. Và vì vậy, khái niệm chủ nghĩa xã hội trở nên được chấp nhận rộng rãi bởi tất cả các giai tầng ở Mỹ – từ “đám đông bị đè nén” cho tới giới tinh hoa có giáo dục – rằng chính phủ cần quan tâm chăm sóc công chúng và bảo vệ họ trước các vấn đề kinh tế.

Và vì vậy, khi hơn 1.900 quỹ tín dụng bị phá sản trong cuộc Đại Suy thoái, Herbert Hoover – và một Quốc hội sẵn sàng nhất – đã tạo ra Hội đồng ngân hàng cho vay tiền mua nhà liên bang (FHLBB) để bảo vệ những người gửi tiền trong tương lai. Hội đồng bắt đầu phát hành các điều lệ cho các cơ quan tín dụng để buộc các cơ quan này tuân thủ những quy định của mình, và công chúng được làm cho tin rằng những nhà điều tiết của chính phủ sẽ thông minh, thận trọng và thật thà hơn các nhà quản lý tư nhân. Một điều lệ liên bang được đưa ra như một sự bảo chứng của chính phủ đối với Hội đồng. Cuối cùng, người dân cũng được bảo vệ.

Hoover được kế nhiệm bởi Franklin D. Roosevelt (FDR) ở Nhà Trắng, trở thành biểu tượng của xu hướng mới. Trong sự nghiệp chính trị trước đây của mình, ông từng là hình mẫu của chủ nghĩa cá nhân và tự do kinh doanh. Ông đã phản đối (sự quản lý của) chính phủ và ủng hộ thị trường tự do, nhưng đến giữa cuộc đời, ông lại thay đổi suy nghĩ để bắt nhịp với với luồng gió chính trị đang thay đổi. Ông được ghi danh vào lịch sử là người tiên phong trong chủ nghĩa xã hội ở Mỹ.

Chính F.D. Roosevelt đã đặt bước tiến tiếp theo hướng tới chủ nghĩa bảo trợ chính phủ trong ngành quỹ tín dụng – cũng như ngành ngân hàng – bằng việc lập ra Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Công ty Bảo hiểm Tín dụng Liên bang (FSLIC). Từ đó về sau, cả người dân và các nhà quản lý quỹ tiết kiệm đều không phải lo lắng về những khoản thua lỗ. Mọi thứ sẽ được hoàn trả lại bởi chính phủ.

Một ngôi nhà trên mỗi lô đất

Cùng lúc đó, các khoản vay nợ mua nhà riêng được trợ cấp thông qua Cơ quan Quản lý nhà Liên bang (FHA) vốn cho phép các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn các trường hợp không được trợ cấp. Điều này sẽ giúp mọi người dễ dàng hiện thực hóa giấc mơ có một ngôi nhà của riêng họ. Trong khi những người theo chủ nghĩa Mác-xit đang hứa hẹn cho người dân một con gà trong mỗi cái nồi, thì những người theo Chính sách Mới (New Dealers – những người ủng hộ chính sách New Deal của Tổng thống Roosevelt – NHĐ) lại thắng cử bằng việc thúc đẩy xây nhà trên từng lô đất cho người dân.

Ban đầu, nhiều người đã có thể mua nhà. Những người này nếu không được trợ cấp thì đã không thể làm được điều đó hoặc phải chờ rất lâu để có được số tiền trả trước nhiều hơn. Mặt khác, tín dụng dễ dàng do FHA hỗ trợ bắt đầu đẩy giá nhà lên đối với giai cấp trung lưu, và nhanh chóng san bằng lợi thế mà khoản tiền trợ cấp mang lại. Tuy nhiên, các cử tri không đủ nhận thức để hiểu được những tác động làm lợi ích bị xóa bỏ đi này và tiếp tục bầu cho các chính trị gia cam kết mở rộng hệ thống.

Bước tiếp theo là việc Cục Dự trữ Liên bang yêu cầu các ngân hàng đưa ra lãi suất thấp hơn lãi suất của các quỹ tín dụng. Kết quả là dòng tiền di chuyển từ các ngân hàng sang các quỹ tín dụng và đã sẵn sàng được sử dụng cho vay mua nhà. Đây là chính sách quốc gia có tính toán để hỗ trợ ngành bất động sản nhưng gây bất lợi cho các ngành khác đang cạnh tranh tiếp cận với cùng nguồn vốn đầu tư đó. Điều này có thể sẽ không tốt cho nền kinh tế về tổng thể nhưng lại là chính sách chính trị tốt.

Từ bỏ thị trường tự do

Những phương pháp này loại bỏ một cách hiệu quả các khoản vay bất động sản từ thị trường tự do và đưa chúng vào sân chơi chính trị, và duy trì ở đó mãi về sau. Sự tổn thất gây ra cho người dân từ sự can thiệp này sẽ không xảy ra ngay, nhưng khi nó tới sẽ là thảm hoạ.

Hiện thực về sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tự do không có gì là bị thổi phồng, vì đây là vấn đề trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai. Chúng ta có các tổ chức tiết kiệm được kiểm soát bởi chính phủ trên từng bước đi. Các cơ quan liên bang đều có biện pháp đề phòng các tổn thất và thiết lập những quy định cứng nhắc về mức độ lợi nhuận trên vốn, số lượng chi nhánh, phạm vi lãnh thổ hoạt động, các chính sách quản lý, các dịch vụ được cung cấp, và tỷ lệ lãi suất áp dụng. Chi phí gia tăng mà các quỹ tín dụng phải bỏ ra để tuân thủ các quy định này được ước tính bởi Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ vào khoảng 11 tỷ đô la mỗi năm, chiếm 60% trên tổng lợi nhuận của họ.

Trên tất cả, các công ty hoạt động vững mạnh trong ngành cũng phải chi trả hơn 1 tỷ đô la mỗi năm cho các khoản tiền đóng vào cái gọi là quỹ bảo hiểm để bù đắp cho những thua lỗ của các công ty hoạt động yếu kém, một loại hình phạt cho sự thành công. Khi một số tổ chức hoạt động tốt nỗ lực chuyển hình thức hoạt động thành các ngân hàng để thoát khỏi hình phạt này thì các nhà điều tiết lại từ chối. Dòng tiền của họ cần được dùng để hỗ trợ ngân sách giải cứu.

Bảo hiểm cho dân thường?

Khoản tiền gửi tiết kiệm cá nhân trung bình là khoảng 6.000 đô la. Nhưng dưới chính quyền Carter, mức bảo hiểm FDIC tăng từ 40.000 lên 100.000 đô la cho mỗi tài khoản. Những người có mức gửi cao hơn chỉ cần mở nhiều tài khoản, vì vậy, trên thực tế không có giới hạn nào cả. Rõ ràng điều này không liên quan gì tới việc bảo vệ công chúng cả. Mục đích là nhằm giúp các nhà môi giới tái đầu tư những khoản vốn lớn với lãi suất cao mà gần như không có rủi ro nào. Rốt cuộc, các khoản tiền gửi này được bảo hiểm bởi chính quyền liên bang.

Vào năm 1979, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đã đẩy lãi suất lên, và các quỹ tín dụng phải bám sát chính sách để thu hút tiền gửi. Tới tháng 12 năm 1980, họ đang phải trả lãi suất ở mức 15,8% cho các chứng chỉ tiền gửi. Nhưng lãi suất trung bình họ đang tính cho những khoản cho vay có thế chấp mới chỉ là 12,9%. Nhiều khoản cho vay cũ vẫn đang duy trì ở mức lãi suất 7 hay 8%. Nghiêm trọng hơn, một số khoản cho vay đã bị vỡ nợ, nghĩa là chúng đang trả mức lãi suất 0%. Các quỹ tiết kiệm đang ở chế độ báo động đỏ và phải bù đắp sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng cách nào đó.

Các quỹ tín dụng hoạt động yếu kém nhất đã trả lãi suất cao nhất để thu hút tiền gửi và họ là những tổ chức chiếm tỷ trọng lớn tiền gửi từ các quỹ môi giới. Các nhà môi giới không còn quan tâm các tổ chức đó hoạt động yếu như thế nào, bởi vì các quỹ này được bảo hiểm hoàn toàn. Họ chỉ quan tâm tới lãi suất.

Mặt khác những nhà quản lý của các quỹ tín dụng này đã đưa ra lý do rằng họ phải làm cho các quỹ này hoạt động hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn mà họ quản lý chúng. Đó là cơ hội duy nhất để họ kiếm tiền và họ sẵn sàng liều lĩnh với rủi ro. Với họ, chương trình bảo hiểm của chính phủ cũng đã loại bỏ bất kỳ khả năng mất tiền nào đối với những người gửi tiền, vì vậy nhiều người trong số họ đã lao vào lĩnh vực xây dựng bất động sản vốn có lợi nhuận cũng như rủi ro cao.

Công việc làm ăn bắt đầu khó khăn, và năm 1979 là năm đầu tiên kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930 mà toàn bộ giá trị thực của các quỹ tín dụng được liên bang bảo hiểm đã rơi xuống mức âm. Điều này diễn ra bất chấp sự mở rộng của các ngành khác trong nền kinh tế. Người dân bắt đầu lo lắng.

Tín dụng và niềm tin đầy đủ

Các nhà bảo vệ ở Washington đã phản hồi vào năm 1982 với một nghị quyết chung của lưỡng viện Quốc hội tuyên bố rằng FSLIC vẫn nhận được tín dụng và niềm tin đầy đủ của chính phủ Mỹ. Đó là một câu nói trấn an, nhưng nhiều người có cảm giác không thôi rằng theo cách nào đó chính người dân sẽ phải chi trả cho điều đó. Và họ đã đúng. Báo cáo khách hàng đã giải thích rằng:

Phía sau các ngân hàng đang gặp rắc rối và các công ty bảo hiểm đang gặp rắc rối ngày càng tăng là “tín dụng và niềm tin đầy đủ” của chính phủ – trên thực tế đây là một lời hứa được đảm bảo thực hiện bởi Quốc hội rằng tất cả người dân sẽ phải đóng góp thông qua thuế hoặc thông qua lạm phát để giúp những người gửi tiền an toàn. [1]

Khó khăn của các quỹ tín dụng được bất ngờ đưa ra ánh sáng ở Ohio vào năm 1985 khi Home State Savings Bank của Cincinnati sụp đổ do khả năng thua lỗ 150 triệu đô la tại một công ty chứng khoán Florida. Điều này đã làm dấy lên một đợt đột biến rút tiền gửi không chỉ tại 33 chi nhánh của Home State mà còn ở nhiều quỹ tín dụng khác. Tin tức này đã tác động đến thị trường quốc tế nơi mà các nhà đầu cơ nước ngoài đã bán tháo đồng đô la để mua những loại tiền tệ khác, một số cũng chuyển qua mua vàng.

Trong vòng một vài ngày, những người gửi tiền đòi rút tiền đã khiến 60 triệu đô la chảy ra khỏi quỹ “bảo hiểm” 130 triệu đô của quốc gia, quỹ được hình thành theo kế hoạch bảo vệ của chính phủ, mà vẫn không đủ. Nếu đợt đột biến rút tiền gửi được phép tiếp tục, quỹ này có thể sẽ bị xóa sổ vào ngày tiếp theo. Đã đến lúc phải có giải pháp chính trị.

Vào ngày 15/3, Thống đốc bang Ohio Richard Celeste đã tuyên bố một trong số những “ngày lễ ngân hàng” ít ỏi từ sau cuộc Đại suy thoái và đóng cửa tất cả 71 quỹ tiết kiệm được quốc gia bảo hiểm. Ông đã cam kết trước công chúng rằng không có gì phải lo lắng. Ông nói rằng đây chỉ là một “giai đoạn tạm lắng…cho đến khi chúng ta có thể chứng minh được một cách thuyết phục sự lành mạnh của hệ thống chúng ta”. Sau đó ông ta đã bay tới Washington và gặp Paul Volcker, Chủ tịch Hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, và  Edwin Gray, chủ tịch Hội đồng Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang, để đề xuất sự hỗ trợ từ liên bang. Họ đã đảm bảo với ông ta về sự hỗ trợ này.

Một vài ngày sau đó, những người gửi tiền được cho phép rút 750 đô la từ tài khoản của họ. Vào ngày 21/3, Tổng thống Reagan đã xoa dịu thị trường tiền tệ thế giới với đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng đã chấm dứt. Hơn nữa, ông ta nói rằng, vấn đề đã được “giới hạn trong phạm vi Ohio”.[2]

Đây không phải là lần đầu tiên có sự thất bại trong quỹ bảo hiểm được quốc gia bảo trợ. Quỹ ở Nebraska đã bị sụp đổ vào năm 1983 khi Công ty Commonwealth Savings Company of Lincoln phá sản. Số tiền gửi lên đến hơn 60 triệu đô, nhưng quỹ bảo hiểm lại chỉ có chưa đầy 2 triệu đô la để bảo hiểm cho không chỉ công ty này mà cả toàn bộ hệ thống. Những người gửi tiền đã may mắn khi lấy lại được 65 cent trên mỗi đô la và thậm chí điều này cũng phải mất đến 10 năm mới hoàn thành.[3]

*Clip: The collapse of the American dream explained in animation

Vẽ đường cho gian lận

Trong những ngày đầu của chính quyền Reagan, quy định của chính phủ đã thay đổi để các quỹ tín dụng không còn bị hạn chế hoạt động trong việc nhận thế chấp cho vay mua nhà nữa, vốn là lý do duy nhất ban đầu cho sự ra đời của chúng. Thực tế, họ thậm chí không còn bị yêu cầu phải được người đi vay trả trước một khoản trên tài sản thế chấp. Bây giờ họ có thể cho vay 100% số tiền mua nhà hoặc thậm chí hơn thế nữa. Các toà nhà văn phòng và các trung tâm thương mại đang mọc ra khắp nơi vượt quá cả nhu cầu. Những nhà phát triển bất động sản, các công ty xây dựng, quản lý và những nhà thẩm định kiếm được nhiều triệu đô. Lĩnh vực này sớm trở nên quá dư cung và bắt đầu xuất hiện gian lận. Hàng tỷ đô đã biến mất vào các dự án đã chết. Trong ít nhất 21 quỹ tín dụng sụp đổ, có chứng cứ cho thấy Mafia và CIA có liên quan.

Gian lận không nhất thiết phải trái với luật pháp. Trên thực tế, hầu hết gian lận trong các quỹ tín dụng không chỉ hợp pháp mà còn được cổ suý bởi chính phủ. Đạo luật Gam–St. Germain cho phép các quỹ tiết kiệm cho vay một số tiền tương ứng với giá trị bất động sản được thẩm định thay vì giá trị thị trường. Chẳng bao lâu sau các nhà thẩm định nhận được khoản phí hậu hĩnh cho việc thẩm định không đúng thực tế này. Nhưng đó không phải là gian lận, đó là chủ đích của những người làm luật. Số tiền mà giá trị thẩm định vượt quá giá trị thị trường được gọi là “giá trị được thẩm định” và được coi giống như vốn. Vì các quỹ tín dụng được yêu cầu phải có 1 đô la tiền vốn cho mỗi 33 đô la tiền gửi, một mức thẩm định vượt quá giá trị thị trường 1 triệu đô la có thể được sử dụng để thu hút 33 triệu đô la tiền gửi từ các nhà môi giới Phố Wall. Và lợi nhuận ước tính từ các nguồn tiền gửi này là một trong những cách mà các quỹ tín dụng được cho là sẽ dùng để bù đắp những phần thua lỗ mà chính phủ không phải chi tiền ra – khoản tiền mà thực tế chính phủ không có. Trên thực tế chính phủ như nói rằng: “Chúng tôi không thể đảm bảo kế hoạch bảo vệ của chúng tôi, vì vậy hãy lấy lại tiền bằng cách đặt các nhà đầu tư vào rủi ro. Không chỉ chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn nếu các bạn thua lỗ, mà chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy chính xác phải thực hiện nó như thế nào”.

Sự sụp đổ bắt đầu

Mặc dù những mánh lới kế toán đã được tạo ra để khiến các quỹ tín dụng đang tiến dần đến chỗ chết trông có vẻ vững mạnh, nhưng tới năm 1984 sự sụp đổ đã bắt đầu. FSLIC đã đóng cửa một quỹ vào năm đó và đã chuẩn bị cho việc sáp nhập 26 quỹ khác vốn đã mất khả năng thanh toán. Để thuyết phục các quỹ mạnh nhận sáp nhập các quỹ đã phá sản, chính phủ đã cung cấp tiền để bù lại các khoản nợ. Tới năm 1984, các vụ sáp nhập được trợ cấp này đã khiến FDIC tốn hơn 1 tỷ đô la mỗi năm. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu khiêm tốn.

Từ năm 1980 tới năm 1986, tổng cộng 664 quỹ tín dụng được bảo hiểm đã sụp đổ. Các nhà điều tiết của chính phủ đã cam kết bảo vệ người dân khi bị thua lỗ, nhưng những khoản thua lỗ đã đi quá xa so với mức chính phủ có thể hỗ trợ. Họ không thể đóng cửa tất cả các quỹ tiết kiệm đã phá sản bởi vì đơn giản là họ không có đủ tiền để trang trải các khoản chi bảo hiểm. Vào tháng 3 năm 1986, FSLIC chỉ có 3 cent cho mỗi đô la tiền gửi. Tới cuối năm đó, con số đã rớt xuống còn 0,2 cent cho mỗi đô la được “bảo hiểm”. Rõ ràng là họ phải tiếp tục duy trì hoạt động của các quỹ tiết kiệm, nghĩa là họ phải tìm ra nhiều mánh lới kế toán hơn nữa để che dấu thực trạng.

Việc trì hoãn các vấn đề không thể tránh được càng làm tình hình tồi tệ hơn. Việc duy trì hoạt động của các quỹ tín dụng khiến FSLIC tốn 6 triệu đô la mỗi ngày.[4] Tới năm 1988, hai năm sau đó, toàn bộ ngành quỹ tiết kiệm đã thua lỗ 9,8 triệu đô la mỗi ngày, và những quỹ không hề có lợi nhuận – các công ty đã chết được hà hơi bởi FSLIC – đang lỗ 35,6 triệu đô la mỗi ngày. Tuy nhiên trò chơi vẫn tiếp tục.

Tới năm 1989, FSLIC thậm chí không còn có đủ 0,2 cent cho mỗi đô la được bảo hiểm. Nguồn tiền dự trữ đã hoàn toàn biến mất. Giống như các quỹ tiết kiệm mà nó bảo vệ, bản thân nó cũng mất khả năng thanh toán và phải tìm kiếm các khoản vay. Công ty đã cố gắng bán trái phiếu, nhưng việc này vẫn không thu lại được số tiền mà nó cần. Quốc hội đã thảo luận vấn đề nhưng cũng không cung cấp được nguồn tiền mới nào. Sự sụp đổ của quỹ tiết kiệm Lincoln Savings đã đưa cuộc khủng hoảng lên cao trào. Tiền đã cạn rồi!

Fed chiếm lấy vai trò của Quốc hội

Vào tháng 2, Alan Greenspan, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, và M. Danny Wall, Chủ tịch Hội đồng Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang, đã đạt được một thỏa thuận giành 70 triệu đô la tiền giải cứu lấy trực tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang để hỗ trợ Lincoln Savings.

Điều này đã phá vỡ các tiền lệ. Trong lịch sử, Fed có vai trò tạo ra tiền chỉ cho chính phủ hoặc các ngân hàng. Nếu người dân có mong muốn giải cứu các quỹ tiết kiệm thì Quốc hội là nơi phê duyệt nguồn ngân sách cho việc này. Nếu Quốc hội không có tiền hoặc không thể mượn tiền từ người dân, thì Fed có thể tạo ra tiền (tất nhiên là từ con số không) và đưa tiền cho chính phủ. Nhưng trong ví dụ này, Fed đang chiếm lấy vai trò của Quốc hội và hoàn toàn tự đưa ra các quyết định chính trị. Không có cơ sở nào trong Đạo luật Dự trữ Liên bang cho phép hành động này. Nhưng Quốc hội vẫn im lặng, rõ ràng là vì bản thân Quốc hội cũng thấy tội lỗi vì sự tê liệt của mình.

Cuối cùng, vào tháng 8 năm đó, Quốc hội đã bị những ám ảnh thời F.D. Roosevelt thúc đẩy và bắt tay vào hành động. Nó đã thông qua Đạo luật Cải cách và Khôi phục các Tổ chức Tài chính (FIRREA) và phân bổ tối thiểu 66 tỷ đô la cho 10 năm tiếp theo, 300 tỷ đô la trong hơn 30 năm. Trong số tiền này, 225 tỷ đô la đến từ tiền thuế hoặc lạm phát, và 75 tỷ đô la đến từ các quỹ tín dụng hoạt động tốt. Đó là gói giải cứu lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn tổng chi phí cho các vụ giải cứu Lockheed, Chrysler, Penn Central, và thành phố New York cộng lại (xem Chương 3).

Trong quá trình này, FSLIC bị loại bỏ bởi nó không có hi vọng trả được nợ và được thay thế bởi Quỹ Bảo hiểm Hiệp hội Tiết kiệm (SAIF). Quỹ Bảo hiểm Ngân hàng (BIF) cũng được hình thành để bảo vệ các ngân hàng thương mại và cả hai hiện nay được điều hành bởi FDIC.

Như các trường hợp khác, khi sự kiểm soát của chính phủ tiền nhiệm không đạt được kết quả như mong muốn, phản ứng của Quốc hội là tăng cường kiểm soát. Bốn lớp quản lý hành chính quan liêu mới được đưa thêm vào mớ hỗn độn hiện có: Uỷ ban Giám sát công ty Resolution Trust Corporation (RTC – một công ty quản lý tài sản của chính phủ Mỹ – NHĐ) nhằm đưa ra các chiến lược cho RTC, công ty Resolution Funding Corporation để gây quỹ hoạt động cho RTC, Văn phòng Giám sát Quỹ Tiết kiệm để thắt chặt giám sát các tổ chức tiết kiệm; và Uỷ ban Giám sát các Ngân hàng cho vay mua nhà với mục đích vẫn còn mơ hồ nhưng có lẽ là để đảm bảo rằng các quỹ tín dụng tiếp tục hoạt động theo định hướng chính trị nhằm trợ cấp cho ngành bất động sản. Khi Tổng thống Bush ký dự luật, ông đã nói:

Đạo luật này sẽ bảo vệ và ổn định hóa hệ thống tài chính Mỹ và đưa các cải cách thường xuyên vào hoạt động để các vấn đề này sẽ không xảy ra một lần nữa. Hơn nữa, dự luật này còn nói với hàng chục triệu người gửi tiền tiết kiệm rằng “Các bạn sẽ không phải là nạn nhân của những lỗi lầm của người khác. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng các khoản tiền gửi được bảo hiểm của các bạn là rất an toàn.”[5]

Dự toán sai

Tới giữa năm tiếp theo, rõ ràng là số tiền 66 tỷ đô la là quá ít. Người phát ngôn Bộ Tài chính giờ trích dẫn con số 130 tỷ đô la, khoảng gấp 2 lần so với mức dự thảo ngân sách ban đầu.

103 tỷ đô la là bao nhiêu? Vào năm 1990, số tiền đó nhiều hơn 30% so với tổng mức lương của toàn bộ giáo viên ở Mỹ. Nó cũng lớn hơn tổng lợi nhuận của tất cả các công ty công nghiệp trong danh sách Fortune-500. Nó có thể cho phép 1,6 triệu sinh viên đến các trường đại học tốt nhất học hết 4 năm, bao gồm cả tiền ở trọ. Và con số này chưa tính tới số tiền bỏ ra để cung cấp thanh khoản cho các quỹ tiết kiệm đã được thâu tóm cũng như khoản tiền lãi phải trả cho các khoản vay phục vụ mục đích này. Chỉ trong vòng vài ngày sau khi khoản tăng này được thông báo rộng rãi, Bộ Tài chính đã chỉnh sửa lại con số, tăng từ 130 tỷ đô la lên 150 tỷ đô la.

Theo như Bộ trưởng Tài chính Nicholas Brady đã tuyên bố với báo chí “Không ai nên giả định rằng các khoản dự toán sẽ không thay đổi. Chúng sẽ thay đổi.”

Thực tế, các khoản dự toán tiếp tục thay đổi qua từng tuần. Chính phủ đã bán hoặc sáp nhập 223 quỹ tiết kiệm phá sản trong suốt năm 1988 và đã đưa ra các mức dự toán ngân sách không đủ so với chi phí. Các nhà tài chính như Ronald Perelman và đối tác đầu tư tại bang Texas là Temple-Inland, Inc., đã mua được nhiều qũy với giá khá hời, đặc biệt là khi tính tới việc họ được hỗ trợ tiền mặt và ưu đãi thuế để tạo điều kiện cho các thương vụ. Vào thời điểm đó Danny Wall, Chủ tịch Uỷ ban ngân hàng cho vay mua nhà liên bang, đã tuyên bố rằng những thương vụ này “đã giải quyết” các vấn đề tồi tệ nhất của các quỹ tiết kiệm. Ông ta đã nói rằng chi phí giải cứu là 39 tỷ đô la. Tạp chí Wall Street đã trả lời rằng:

Lại sai một lần nữa. Nghiên cứu mới, một tập hợp kiểm toán được soạn thảo bởi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, cho thấy rằng tổng chi phí của cái gọi là vụ Giải cứu năm ’88 sẽ từ 90 tỷ đô la đến 95 tỷ đô la, bao gồm ưu đãi thuế dành cho người mua và một lượng lớn tiền lãi đối với các khoản vay của chính phủ để giúp tài trợ cho đợt giải cứu này…

Nhưng thiếu sót đắt đỏ nhất của đợt giải cứu quỹ tiết kiệm năm 1988 không phải là việc làm giàu thêm cho các trùm tư bản. Thay vào đó chính là việc không có thương vụ nào chấm dứt hoặc thậm chí giúp hạn chế nguy cơ của chính phủ đối với việc quản lý yếu kém của các chủ sở hữu mới, các khoản thua lỗ bị che giấu trong ngành bất động sản trong quá khứ hoặc sự thăng trầm của thị trường bất động sản trong tương lai… Và một số thương vụ còn có vẻ là các giao dịch giả mạo, trong đó các quỹ tiết kiệm yếu kém này được bán cho các quỹ tiết kiệm yếu kém khác, và chúng lại cứ thất bại lặp đi lặp lại…

Mặc dù các quỹ tiết kiệm đã tỏ ra là trong tình trạng tồi tệ hơn so với dự kiến của Uỷ ban ngân hàng, ông Wall đã bảo vệ chiến lược giải cứu kiểu hỗ trợ mở của mình. “Chúng tôi không có tiền để trả nợ cho các quỹ này”, ông nói.[6]

Khi Quốc hội thông qua Đạo luật FIRREA năm trước đó để “bảo vệ và ổn định hóa hệ thống tài chính của Mỹ”, tổng số 300 tỷ đô la để làm việc này được cho phép lấy từ tiền thuế và lạm phát trong hơn 30 năm tiếp theo. Giờ đây Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan lại nói rằng chi phí dài hạn thực sự sẽ ở mức 500 tỷ đô la, một số tiền còn lớn hơn tổng các khoản vay cho tất cả các nước Thế giới thứ ba cộng lại. Con số này vẫn quá thấp. Một nghiên cứu riêng không thiên vị được đưa ra bởi Tập đoàn Veribank, Inc. cho thấy khi tất cả chi phí ẩn được tính vào thì hóa đơn đưa ra cho người dân Mỹ sẽ vào khoảng 532 tỷ đô la.[7] Các vấn đề Tổng thống Bush đã hứa sẽ “không bao giờ xảy ra nữa” lại đang xảy ra.

Xào xáo sổ sách kế toán

Những mánh lới kế toán không phải là gian lận

Trái phiếu vụn không hề vụn

Tăng trưởng vốn mà không vay nợ ngân hàng hay gây lạm phát

Vấn đề thực sự trong điều tiết của chính phủ

Quốc hội bị tê liệt, với lý do chính đáng

Một cartel bên trong một cartel

Tổng kết

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Chuong 4.pdf

[1] “How Safe Are Your Deposits?”, Báo cáo khách hàng, tháng 8, 1988, tr.503

[2] “Ohio Bank Crisis That Rufled World”, U.S. News & World Report, 11 tháng 4, 1985, tr. 11

[3]“How Safe Are Deposits in Ailing Banks, S&Ls?” U.S. News & World Report, 25 tháng 3, 1985, tr. 74

[4] “Fizzling FSLIC”, Shirley Hobbs Scheibla, Barron’s, 9 tháng 2, 1987, tr.16

[5]“Review of the News”, The New American, 11 tháng 9, 1989, tr.15

[6]“Audit Report by FDIC Shows Wall’s Estimates for Thrift Bailouts in 1988 Were Wildly Low”, Charles McCoy và Todd Mason, The Wall Street Journal, 14 tháng 9, 1990, tr. A-12

[7]“S&L Industry Rebuilds As Bailout Reaches Final Phase”, Veribanc News Release, Veribanc, Inc. (Wakerfield, Massachusetts), 12 tháng 1, 1994, tr.2