24/03/1999: NATO không kích Nam Tư

Print Friendly, PDF & Email

640px-Aviano_f-15

Nguồn:NATO bombs Yugoslavia,” History.com (truy cập ngày 22/03/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 24 tháng 3 năm 1999, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu cuộc không kích nhằm vào Nam Tư, tấn công các căn cứ quân sự của Serbia ở tỉnh Kosovo. Cuộc tấn công của NATO nhằm đáp trả làn sóng thanh lọc sắc tộc của các lực lượng Serbia chống lại người Albania ở Kosovo hôm 20 tháng 3.

Vùng Kosovo nằm ở trung tâm đế chế Serbia cuối thời Trung Cổ, nhưng rồi rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ dưới đế chế Ottoman năm 1389 sau thất bại của người Serbia trong Trận Kosovo. Tới lúc người Serbia giành lại quyền kiểm soát Kosovo từ tay Thổ Nhĩ Kỳ năm 1913 thì số người Serbia ở lại đã bị người Albania áp đảo (về số lượng). Năm 1918, Kosovo chính thức trở thành một tỉnh của Serbia, nó tiếp tục đóng vai trò như vậy sau khi lãnh đạo cộng sản Josip Broz Tito thành lập Cộng hòa Nhân dân Liên bang Nam Tư năm 1945, bao gồm các nước vùng Balkan là Serbia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Slovenia, và Macedonia. Tuy nhiên, Tito cuối cùng cũng trao quyền tự chủ cho Kosovo, và sau năm 1974, Kosovo thực tế đã tồn tại như một nhà nước độc lập, chỉ trừ cái tên.

Serbia không hài lòng trước quyền tự chủ của Kosovo, thứ cho phép Kosovo hành động đi ngược lại những lợi ích của Serbia, và đến năm 1987, Slobodan Milošević được bầu làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Serbia với lời hứa khôi phục quyền cai trị của người Serbia đối với Kosovo. Năm 1989, Milošević trở thành Tổng thống Serbia và hành động rất nhanh chóng để trấn áp Kosovo, tước quyền tự chủ của nó và đến năm 1990 thì gửi quân đội đến để giải tán chính phủ Kosovo. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc Serbia đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Nam Tư vào năm 1991, và đến năm 1992 khủng hoảng Balkan trở thành một cuộc nội chiến. Một nhà nước Nam Tư mới được thành lập, chỉ bao gồm Serbia và một quốc gia nhỏ là Montenegro, và Kosovo bắt đầu 4 năm kháng chiến bất bạo động chống lại chính quyền Serbia.

Tổ chức Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) nổi lên từ năm 1996 và bắt đầu tấn công cảnh sát Serbia ở Kosovo. Với vũ khí thu được ở Albania, KLA tăng cường các cuộc tấn công trong năm 1997, kích động một cuộc tấn công lớn của quân đội Serbia nhằm vào khu vực Drenica do phiến quân kiểm soát từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1998. Hàng chục dân thường thiệt mạng, số người gia nhập KLA gia tăng đáng kể. Tháng 7, KLA phát động một cuộc tấn công ở Kosovo, giành quyền kiểm soát gần nửa tỉnh này trước khi phải tháo chạy sau cuộc phản công của Serbia cuối mùa hè năm đó. Binh lính Serbia đã buộc hàng ngàn người Albania phải rời bỏ quê hương và bị buộc tội tàn sát dân thường ở Kosovo.

Tháng 10 năm 1998, NATO đe dọa không kích Serbia, và Milošević đã đồng ý cho hàng ngàn người tị nạn trở lại quê hương. Tuy nhiên, cuộc chiến nhanh chóng tiếp diễn, và các cuộc đàm phán giữa người Albania ở Kosovo và người Serbia ở Rambouillet (Pháp) hồi tháng 2 năm 1999 đã kết thúc trong thất bại. Ngày 18 tháng 3, các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris tiếp tục thất bại sau khi phái đoàn Serbia từ chối ký một thỏa thuận cho phép Kosovo độc lập và cho phép triển khai quân đội NATO để thực thi thỏa thuận. Hai ngày sau đó, quân đội Serbia phát động một cuộc tấn công mới ở Kosovo. Đến ngày 24, NATO bắt đầu cuộc không kích.

Bên cạnh những căn cứ quân sự của Serbia, chiến dịch không kích của NATO còn nhắm đến các tòa nhà chính phủ Serbia và cơ sở hạ tầng của nước này trong một nỗ lực nhằm gây bất ổn cho chính quyền Milošević. Các vụ đánh bom và chiến dịch tấn công Serbia tiếp tục buộc hàng trăm ngàn người Albania ở Kosovo phải di tản sang các nước láng giềng là Albania, Macedonia, và Montenegro. Nhiều người tị nạn đã được đưa an toàn tới Mỹ và các quốc gia NATO khác. Ngày 10 tháng 6, cuộc không kích của NATO kết thúc khi Serbia đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình, theo đó quân đội Serbia sẽ rút khỏi Kosovo và thay vào đó là lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.

Ngoại trừ hai phi công Mỹ thiệt mạng trong một nhiệm vụ huấn luyện ở Albania, không có nhân viên NATO nào thiệt mạng trong chiến dịch kéo dài 78 ngày này. Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro, chẳng hạn như vụ đánh bom nhầm khiến một số người tị nạn Albania ở Kosovo, các thành viên KLA, và dân thường Serbia thiệt mạng. Sự kiện gây tranh cãi nhất là vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade hôm mùng 7 tháng 5, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao trong quan hệ Mỹ – Trung.

Ngày 12 tháng 6, lực lượng NATO tiến quân vào Kosovo từ Macedonia. Cùng ngày, quân đội Nga cũng tới thủ đô Priština của Kosovo và buộc NATO phải đồng ý một thỏa thuận chiếm đóng chung. Bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình, những người Albania ở Kosovo quay trở lại đã trả đũa người thiểu số Serbia ở Kosovo, buộc họ phải chạy về Serbia. Dưới sự chiếm đóng của NATO, quyền tự chủ của Kosovo được khôi phục, nhưng nó vẫn chính thức là một phần của Serbia.

Slobodan Milošević bị lật đổ bởi một cuộc cách mạng nổi tiếng ở Belgrade hồi tháng 10 năm 2000. Thay thế ông là Thủ tướng dân cử Vojislav Koštunica, một người Serbia có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ôn hòa đã hứa hẹn sẽ tái hòa nhập Serbia với châu Âu và thế giới sau một thập niên cô lập.

Slobodan Milošević chết trong tù ở Hà Lan vào ngày 11 tháng 3 năm 2006, ít ngày trước khi phiên tòa xét xử ông về các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng kết thúc.

Có thể bạn chưa biết: Tên gọi “Nam Tư” trong tiếng Việt là giản xưng của “Nam Tư Lạp Phu,” dịch danh tên gọi “Yugoslavia” trong tiếng Trung Quốc, trong đó [phía] “Nam” là dịch nghĩa từ “Yugo” và Tư Lạp Phu /sīlāfū/ là phiên âm của “Slav” – ND.