Mỹ nên từ bỏ chủ nghĩa biệt lệ?

Print Friendly, PDF & Email

capitol-building-capitol-hill-washington-dc-usa_main

Nguồn: Ana Palacio, “The Indispensable American Partner,” Project Syndicate, 09/03/2015.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Nước Mỹ đang chuẩn bị cho sự kiện chính trị sôi động nhất (và cũng gây mệt mỏi nhất): cuộc đua giành ghế Tổng thống. Với việc nhiệm kỳ tám năm của Tổng thống Barack Obama sắp kết thúc, và Phó Tổng thống Joe Biden có vẻ sẽ không tham gia tranh cử, cuộc đua sẽ diễn ra mà không có một ứng viên đương nhiệm nào. Bởi thế, cuộc bầu cử sẽ không phải là một cuộc trưng cầu ý dân về tình hình 8 năm vừa qua mà là một cuộc cạnh tranh về những ý tưởng, với chủ đề chính đang nổi lên là chính sách đối ngoại.

Các ứng cử viên tiềm năng đã khẳng định lập trường của họ về các vấn đề chính sách đối ngoại, chẳng hạn như ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa là Jeb Bush (em trai cựu Tổng thống George W. Bush – ND) đã dành hẳn một bài phát biểu về chủ đề này. Việc phía Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ đề cử cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (bất chấp những tiết lộ gần đây về việc bà đã sử dụng tài khoản email cá nhân để xử lý các công việc của chính phủ) đã củng cố vị trí trung tâm của chính sách đối ngoại trong cuộc bầu cử.

Nhận thức được xu hướng này, Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tập hợp một nhóm các chuyên gia và các quan chức nhằm giúp bổ sung nội dung cho các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, bao gồm cả việc chuẩn bị một bài thảo luận công khai. Theo quan điểm của tôi với tư cách là thành viên duy nhất đến từ châu Âu của nhóm, thông điệp bao quát là Mỹ không nên coi mình là “cường quốc không thể thay thế” như hiện tại, mà là “đối tác không thể thay thế.”

Đây không chỉ là vấn đề về mặt ngữ nghĩa; sự thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi Mỹ phải nhận thức lại vai trò của mình trên thế giới. Nhưng cả Mỹ và trật tự thế giới tự do mà nó tạo nên sẽ phải đối mặt với một sự đánh đổi lớn. Chìa khóa thành công sẽ nằm ở khả năng nước Mỹ có thể duy trì những mặt tích cực nhất – và loại bỏ những mặt tiêu cực nhất – của khái niệm đậm chất Mỹ: chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism).

Chính sách đối ngoại của Mỹ từ lâu đã được định hình bởi ý niệm về một nước Mỹ độc nhất, gánh vác sứ mệnh đặc biệt nhằm tăng cường tự do, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Ý tưởng này xuất hiện từ năm 1630, khi John Winthrop, thống đốc đầu tiên của Thuộc địa Vịnh Massachusetts, tuyên bố rằng cộng đồng của mình phải hành xử như một “thành phố trên đồi[i] để làm gương cho toàn thế giới. Khi làm như vậy, ông đã gieo hạt giống về cách tiếp cận dựa trên các giá trị mà Mỹ đã áp dụng khi nó dẫn đầu sự phát triển của các quy tắc và cấu trúc của trật tự thế giới ngày nay.

Những quy tắc và cấu trúc này đã mang đến sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có, đem lại lợi ích cho mọi quốc gia (mặc dù Mỹ là nước đạt được thành quả lớn nhất). Nhưng trớ trêu thay, khái niệm chủ nghĩa biệt lệ lại thường khiến Mỹ làm suy yếu hệ thống quốc tế do chính nó nuôi dưỡng. Quả thật, lịch sử Mỹ đã bộc lộ nét biệt lập cố chấp của nước này, mà theo đó “thành phố trên đồi” không phải là ngọn hải đăng, mà chỉ là một pháo đài cố thủ.

Đôi khi, niềm tin rằng nước Mỹ tốt hơn cả nên hành động một mình đã dẫn tới sự tách biệt với thế giới, ngay cả trong thời gian 6 năm qua. Xu hướng này không phải là vấn đề nghiêm trọng trước Thế chiến II (cho dù người Ethiopia và người Mãn Châu có thể nghĩ khác.)[ii] Nhưng ngày nay, sự thoái lui của Mỹ khỏi hệ thống quốc tế do chính nó dựng lên sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng – cụ thể là tình trạng hỗn loạn và vô trật tự, chẳng hạn như việc Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, chủ nghĩa biệt lập (isolationism) không phải là tác động tiêu cực nhất đến từ nước Mỹ. Tệ hơn thế chính là “chủ nghĩa miễn trừ” (“exemptionalism”): Mỹ có thiên hướng đứng ngoài những luật lệ do chính mình thúc đẩy, nhưng lại thường xuyên tích cực đảm bảo thực thi chúng ở những nơi khác. Danh sách những công ước quốc tế lớn chưa được Mỹ phê chuẩn đã khá dài và ngày càng tăng thêm, bao gồm Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước cấm mìn sát thương (còn gọi là Hiệp ước Ottawa), Công ước về quyền trẻ em, và Công ước về quyền của người khuyết tật.

Bên cạnh sự bất bình (của thế giới) do thái độ đó gây ra, chủ nghĩa miễn trừ của Mỹ còn trực tiếp làm suy yếu năng lực của những thể chế đa phương trong việc giải quyết các thách thức mà Mỹ không sẵn sàng hoặc không thể tự mình giải quyết. Làm sao Mỹ có thể hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ luật phân định biển tại các biển Hoa Đông và biển Đông trong khi chính nó từ chối phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)?

Trong vấn đề này, đương nhiên chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng tạo ra ảo giác về một sự thay đổi đang diễn ra, đẩy mạnh những thỏa thuận “mềm” cho phép Mỹ tham gia mà không bị ràng buộc bởi luật lệ. Chẳng hạn như vào tháng 11 (2014), Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được một “thỏa thuận bắt tay” gây tiếng vang lớn về vấn đề khí thải CO2.

Mặc dù những thỏa thuận như vậy tạo nên những dòng tít lớn, chúng không hề mang lại sự ổn định và khả năng dự báo cần thiết cho sự thành công lâu dài. Bởi thế, luật lệ nghiêm khắc và thể chế vững chắc là điều thiết yếu.

Nếu nước Mỹ muốn trở thành “đối tác không thể thay thế” của thế giới, nó phải tái cam kết đối với trật tự dựa trên nền tảng luật lệ đã phục vụ Mỹ và cả thế giới rất tốt trong suốt bảy thập niên qua. Mỹ nên bắt đầu bằng việc củng cố các thể chế hàng đầu, vốn là xương sống của trật tự quốc tế tự do. Đặc biệt, Mỹ nên chấp thuận gói cải cách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã được thỏa thuận năm 2010; thúc đẩy những bước tiến thực sự tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 5 này; và đảm bảo đạt được những cam kết chính thức tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu ở Paris tháng 12 năm nay.

Trách nhiệm của một đối tác không thể thay thế là hỗ trợ các quốc gia khác tự giúp mình. Điều đó đòi hỏi tầm nhìn, cam kết, và quan trọng nhất là khả năng lãnh đạo. Một cuộc thảo luận thẳng thắn về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là rất quan trọng để đảm bảo rằng “thành phố trên đồi” vẫn tiếp tục là ngọn hải đăng của hy vọng – và là một nguồn thúc đẩy sự tiến bộ.

Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha và cựu Phó Chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới, là thành viên của Hội đồng Nhà nước Tây Ban Nha, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Hoa Kỳ.

———————

[i] Khái niệm “thành phố trên đồi” (city upon a hill) chỉ một cộng đồng lý tưởng. Người Mỹ coi đất nước mình là một mô hình kiểu mẫu để các nước khác noi theo – ND.

[ii] Bất chấp những biện pháp trừng phạt của Hiệp ước Versailles được thiết lập vào cuối Thế chiến I, quân đội Nhật Bản đã xâm lược Mãn Châu (vùng Đông Bắc Trung Quốc) năm 1932, và Ý đã tấn công xâm lược Ethiopia bằng vũ khí hóa học năm 1935. Hai sự kiện này cho thấy Hội Quốc Liên (mà Hoa Kỳ từ chối tham gia làm thành viên) hoàn toàn bất lực trong việc giải trừ quân bị và duy trì hòa bình thế giới – ND.