14/04/1950: Nền tảng Chính sách thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh của Mỹ ra đời

Print Friendly, PDF & Email

lindsay-nsc68-2012-04-14

Nguồn:President Truman receives NSC-68,” History.com (truy cập ngày 13/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 14 tháng 4 năm 1950, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman nhận được Tài liệu số 68 của Hội đồng An ninh Quốc gia (viết tắt là NSC-68). Bản báo cáo này là kết quả của một nỗ lực làm việc nhóm, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), và các cơ quan hữu quan khác. NSC-68 đã đặt nền tảng cho chính sách Chiến tranh Lạnh của Mỹ trong hai thập niên sau đó.

Phải đối mặt với những quan ngại về chính sách đối ngoại, đặc biệt là việc Liên Xô thử thành công bom nguyên tử vào tháng 9 năm 1949 và Trung Quốc sụp đổ dưới tay chủ nghĩa cộng sản tháng 10 cùng năm, Tổng thống Truman đã yêu cầu một đánh giá lại và đầy đủ chiến lược ngoại giao của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. NSC-68 đã ra đời sau 4 tháng làm việc và hoàn thành vào tháng 4 năm 1950 để đáp ứng yêu cầu này.

Bản báo cáo này mở đầu bằng việc công nhận Mỹ đang phải đối mặt với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Thế chiến II đã tàn phá Đức và Nhật Bản; Pháp và Anh cũng phải chịu tổn thất nghiêm trọng. Tình hình này khiến Hoa Kỳ và Liên Xô trở thành hai cường quốc duy nhất trên thế giới. Liên Xô là mối đe dọa mới và đáng sợ đối với quyền lực của Mỹ. Được cổ vũ bằng “một đức tin cuồng tín mới” của chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô đã tìm cách áp đặt “quyền lực tuyệt đối của nó lên các nước khác trên thế giới.” Do đó, xung đột với Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi. Theo báo cáo, việc phát triển vũ khí hạt nhân có nghĩa là, ”Mỗi cá nhân phải đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt lớn hơn bao giờ hết,” và kết quả là, “tính toàn vẹn và sức sống của chế độ của chúng ta [nước Mỹ] đang ở trong tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết trong lịch sử.”

Theo báo cáo, Mỹ nên quyết liệt theo đuổi một chính sách “kiềm chế” sự bành trướng của Liên Xô. NSC-68 khuyến cáo Mỹ nên bắt tay vào việc nhanh chóng mở rộng lực lượng quân sự thông thường và vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển bom nhiệt hạch mới. Ngoài ra, tăng cường viện trợ quân sự cho các đồng minh là cần thiết, cũng như cần sử dụng hiệu quả hơn các phương tiện “bí mật” nhằm đạt được các mục tiêu của Mỹ. Chi phí của những biện pháp này ước tính là khoảng 50 tỉ đô la Mỹ; tại thời điểm báo cáo được ban hành, Mỹ chỉ chi tiêu 13 tỉ đô la cho ngân sách quốc phòng.

Truman đã hơi do dự với chi phí đi cùng các khuyến nghị của báo cáo. Là một chính trị gia, ông ngần ngại việc công khai ủng hộ một chương trình dẫn đến việc đánh thuế nặng lên dân chúng Mỹ, đặc biệt là vì mức tăng chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ trong giai đoạn hòa bình. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Chiến tranh Triều Tiên tháng 6 năm 1950 đã thúc đẩy ông phải hành động. Truman phê chuẩn NSC-68 thành chính sách chính thức từ tháng 9 năm 1950. Như một viên chức Bộ Ngoại giao từng nhấn mạnh, “Ơn Chúa, Triều Tiên đã tới,” vì động thái xâm lược của chủ nghĩa cộng sản này được cho là rất quan trọng trong việc thuyết phục dân chúng Mỹ ủng hộ gia tăng chi tiêu quân sự. NSC-68 vẫn là nền tảng của chính sách Chiến tranh Lạnh của Mỹ cho tới ít nhất là năm 1970. Các tài liệu chính được giữ bí mật cho đến khi các sử gia thành công trong việc vận động giải mật chúng năm 1975.