01/07/1997: Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Jiang Zemin shakes hands with Charles, Prince of Wales at the handover ceremony for Hong Kong at the Hong Kong Convention and Exhibition Centre, at midnight of 30 June 1997.

Nguồn:Hong Kong returned to China,” History.com (truy cập ngày 30/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày mùng 1 tháng 7 năm 1997, Hồng Kông được trao trả lại cho chính quyền Trung Quốc trong một buổi lễ có sự hiện diện của Thủ tướng Anh Tony Blair, Thái tử Charles, Thân vương xứ Wales, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Trừ việc vài ngàn người Hồng Kông đã phản đối việc trao trả này thì buổi lễ đã diễn ra trang trọng và hòa bình.

Năm 1839, nước Anh xâm lược Trung Quốc để đè bẹp những người phản đối sự can thiệp của Anh vào các vấn đề kinh tế, xã hội, và chính trị của đất nước này. Một trong những hành động đầu tiên của người Anh trong chiến tranh là đánh chiếm Hồng Kông, một hòn đảo nhỏ thưa thớt người nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam của Trung Quốc. Năm 1841, Trung Quốc đã nhượng lại hòn đảo cho người Anh bằng việc ký Hiệp định Xuyên Tị (Convention of Chuenpi – nghĩa đen là “hiệp định xỏ mũi”), và đến năm 1812 Hiệp ước Nam Kinh được ký, chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất.

Thuộc địa mới của Anh đã phát triển thành một trung tâm thương mại Đông-Tây và là cửa ngõ và trung tâm phân phối thương mại cho miền Nam Trung Quốc. Năm 1898, nước Anh được cấp thêm 99 năm cai trị Hồng Kông theo Điều ước Bắc Kinh lần thứ hai. Tháng 9 năm 1984, sau nhiều năm đàm phán, Anh và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận chính thức, theo đó Anh chấp thuận việc trao trả hòn đảo này vào năm 1997, và để đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa ở Hồng Kông.

Ngày mùng 1 tháng 7 năm 1997, Hồng Kông được trao trả hòa bình cho Trung Quốc trong một buổi lễ với sự tham dự của nhiều người Trung Quốc, Anh, và các quan chức quốc tế. Đặc khu trưởng của chính phủ Hồng Kông mới, ông Đổng Kiến Hoa, đã xây dựng một chính sách dựa trên khái niệm “một quốc gia, hai chế độ,” nhờ đó mà duy trì được vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tư bản quan trọng ở châu Á.