Vai trò quan trọng của ngành kinh tế chính trị

Print Friendly, PDF & Email

20111128-politics-economy-business

Nguồn: Dani Rodrik, “The Tyranny of Political Economy”, Project Syndicate, 08/02/2013

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đã từng có thời những nhà kinh tế học chúng ta tách rời khỏi chính trị. Chúng ta nhìn nhận công việc của mình là mô tả các nền kinh tế thị trường hoạt động ra sao, khi nào chúng sụp đổ, và các chính sách được thiết kế cẩn thận có thể tăng cường hiệu quả nền kinh tế như thế nào. Chúng ta phân tích sự đánh đổi giữa các mục tiêu mâu thuẫn nhau (ví dụ như sự bình đẳng và hiệu quả kinh tế), và các chính sách được thiết kế nhằm đạt những kết quả kinh tế mong đợi, bao gồm việc tái phân phối tài sản. Nó sẽ phụ thuộc vào việc các chính trị gia có sử dụng những lời khuyên của chúng ta và các quan chức có thực hiện chúng hay không.

Sau đó, một số trong chúng ta trở nên tham vọng hơn. Quá bức xúc với thực tế rằng nhiều lời khuyên bị bỏ qua (rất nhiều giải pháp cho thị trường tự do vẫn đang chờ được sử dụng!), chúng ta chuyển bộ công cụ phân tích của mình sang sử dụng cho hành vi của chính những chính trị gia và quan chức. Chúng ta bắt đầu nghiên cứu hành vi chính trị, sử dụng đúng khung ý tưởng mà chúng ta dùng để phân tích các quyết định của người sản xuất và tiêu dùng trong một nền kinh tế thị trường. Các chính trị gia trở thành những nhà cung cấp các ưu đãi chính sách nhằm tối đa hóa thu nhập; các công dân trở thành các nhóm lợi ích và nhóm vận động hành lang tìm đặc lợi; và các hệ thống chính trị trở thành những thị trường mà trong đó các phiếu bầu và ảnh hưởng chính trị được dùng để đổi lấy các lợi ích kinh tế.

Vì thế mới sinh ra lĩnh vực kinh tế chính trị với đặc thù lựa chọn lý tính, và một trường phái lý thuyết hóa mà rất nhiều nhà khoa học chính trị sẵn sàng mô phỏng. Cái lợi nhãn tiền là chúng ta giờ đây có thể giải thích tại sao các chính trị gia đã làm rất nhiều điều vi phạm tính hợp lý của kinh tế học. Thực tế, không có sự sai lệch kinh tế nào mà từ “nhóm lợi ích” không thể giải thích được.

Tại sao sao rất nhiều ngành đóng cửa không cho phép cạnh tranh? Bởi vì các chính trị gia bị thao túng bởi những người nắm giữ lợi ích cá nhân. Tại sao các chính phủ lại dựng lên những hàng rào thương mại quốc tế? Bởi vì nhóm hưởng lợi từ bảo hộ thương mại tập trung sức mạnh với nhau và có tầm ảnh hưởng chính trị, trong khi những người tiêu dùng thì lại phân tán và không có tổ chức. Tại sao những tầng lớp chính trị thượng lưu ngăn chặn những cải tổ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển? Bởi vì tăng trưởng và phát triển sẽ làm suy yếu sự nắm giữ quyền lực chính trị của họ. Tại sao lại tồn tại những cuộc khủng hoảng tài chính? Bởi vì các ngân hàng chi phối quá trình làm chính sách để họ có thể thực hiện những rủi ro quá mức, bất chấp quyền lợi của đa số quần chúng.

Để thay đổi thế giới, chúng ta cần phải hiểu nó. Và cách phân tích này dường như đưa chúng ta đến một nấc thang cao hơn trong khả năng hiểu những hệ quả kinh tế và chính trị.

Nhưng có một nghịch lý trong tất cả những điều này. Chúng ta càng cho rằng mình đang giải thích được các hiện tượng thì càng có ít khả năng cải thiện các vấn đề.  Nếu hành vi của các chính trị gia bị quyết định bởi các nhóm lợi ích mà họ chịu ơn, thì sự ủng hộ các chính sách cải cách của các nhà kinh tế học sẽ không bao giờ được lắng nghe. Khoa học xã hội của chúng ta càng hoàn thiện thì việc phân tích chính sách càng trở nên không cần thiết!

Đây là nơi mà sự tương đồng giữa khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên bắt đầu bị phá vỡ. Hãy xem mối quan hệ giữa khoa học và kỹ thuật. Khi hiểu biết của các nhà khoa học về quy luật tự nhiên vật chất ngày càng trở nên tinh vi hơn, các kỹ sư càng có thể xây những cây cầu và tòa nhà tốt hơn. Những cải tiến trong khoa học tự nhiên giúp thúc đẩy hơn là ngăn cản khả năng định hình môi trường vật chất của chúng ta.

Mối quan hệ giữa kinh tế chính trị và phân tích chính trị hoàn toàn không giống như thế. Bằng cách ngày càng hiểu rõ hành vi của các chính trị gia, kinh tế chính trị càng tước quyền của các nhà phân tích chính sách. Nó giống như khi các nhà vật lý học không chỉ đưa ra những lý thuyết giúp giải thích các hiện tượng tự nhiên mà còn xác định những cây cầu và tòa nhà nào các kỹ sư sẽ xây. Khi đó sẽ còn rất ít nhu cầu theo học tại các trường kỹ thuật xây dựng.

Nếu như bạn đọc còn thấy có gì đó chưa đúng ở đây, thì tức là bạn đã khám phá ra điều gì đó. Trên thực thế, khuôn khổ tri thức kinh tế chính trị đương đại của chúng ta đầy rẫy những giả định không được nói ra về hệ tư tưởng đứng sau sự vận hành của các hệ thống chính trị. Khi làm rõ những giả định đó, thì vai trò quyết định của những “nhóm lợi ích” biến mất. Thiết kế chính sách, lãnh đạo chính trị và yếu tố con người lại hiện diện lại.

Có ba cách mà tư tưởng định hình lợi ích. Thứ nhất, tư tưởng quyết định việc những tầng lớp chính trị tinh hoa định nghĩa họ và những mục tiêu họ theo đuổi như thế nào – tiền, danh dự, địa vị, thời gian nắm giữ quyền lực, hoặc đơn giản là một vị trí trong lịch sử. Những câu hỏi về bản sắc quyết định việc họ sẽ lựa chọn hành xử thế nào.

Thứ hai, tư tưởng quyết định cách các chủ thể chính trị nhìn nhận thế giới hoạt động như thế nào. Nhóm lợi ích kinh doanh đầy quyền lực sẽ vận động hành lang cho những chính sách khác nhau khi họ tin mở rộng tài khóa sẽ chỉ tạo ra lạm phát hơn là tạo ra tổng cầu lớn hơn. Những chính phủ thiếu nguồn thu sẽ áp đặt mức thuế thấp hơn khi họ nghĩ rằng thuế càng cao thì người dân càng muốn trốn lậu thuế.

Quan trọng nhất theo góc nhìn phân tích chính sách là các tư tưởng quyết định những chiến thuật mà các chủ thể chính trị tin rằng họ có thể theo đuổi. Ví dụ, một cách để các tầng lớp tinh hoa duy trì quyền lực là đàn áp tất cả các hoạt động kinh tế. Nhưng một cách khác là khuyến khích phát triển kinh tế trong khi đa dạng hóa nền tảng kinh tế của riêng họ, thành lập các liên minh, tăng cường công nghiệp hóa theo chỉ đạo nhà nước, hoặc theo đuổi nhiều chiến thuật khác mà chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của giới này. Hãy mở rộng các chiến thuật khả thi (nhờ vào khả năng lãnh đạo giỏi và thiết kế chính sách tốt) và bạn sẽ thay đổi được hành vi và các kết quả một cách triệt để.

Thực ra, điều này giúp giải thích một số bước ngoặt kinh tế đáng kinh ngạc trong vài thập niên gần đây, ví dụ như tăng trưởng vượt bậc của Hàn Quốc và Trung Quốc (lần lượt trong những năm 1960 và cuối những năm 1970). Trong cả hai trường hợp này, những người chiến thắng lớn nhất là “các nhóm lợi ích” (các doanh nghiệp của Hàn  Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc). Điều thúc đẩy cải cách không phải là sự tái cơ cấu quyền lực chính trị, mà là sự xuất hiện của những chiến lược mới. Thay đổi kinh tế thường xảy ra không phải là khi các lợi ích nhóm bị đánh bại, mà là khi các chiến thuật khác nhau được sử dụng để theo đuổi những lợi ích đó.

Rõ ràng kinh tế chính trị sẽ tiếp tục duy trì tầm quan trọng của nó. Nếu không hiểu rõ việc ai được ai mất từ nguyên trạng sẽ gây khó khăn cho việc hiểu được các chính sách hiện hữu. Nhưng việc tập trung thái quá vào những “nhóm lợi ích” có thể dễ dàng làm chệch hướng chúng ta khỏi những đóng góp quan trọng mà phân tích chính sách và hoạt động chính trị có thể tạo ra. Khả năng mang lại thay đổi kinh tế bị hạn chế không chỉ bởi các thực tế quyền lực chính trị, mà còn bởi sự nghèo nàn ý tưởng của chúng ta.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Copyright: Project Syndicate 2013 – The Tyranny of Political Economy