22/09/1961: Kennedy ký đạo luật thành lập Đội Hòa bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:President Kennedy signs Peace Corps legislation,” History.com (truy cập ngày 21/9/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1961, trong một chiến thắng quan trọng cho chính sách đối ngoại Chiến tranh Lạnh của mình, Tổng thống John F. Kennedy đã ký điều luật thành lập tổ chức Đội hòa bình Mỹ (US Peace Corps) như một cơ quan chính phủ cố định. Kennedy tin rằng Đội Hòa bình có thể cung cấp một vũ khí mới và độc đáo trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960, ứng cử viên Đảng Dân chủ John F. Kennedy hứa hẹn sẽ làm hồi sinh chính sách đối ngoại Mỹ. Ông cáo buộc rằng chính quyền của Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã trở nên trì trệ và thiếu sáng tạo trong việc đối phó với các mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là trong cái gọi là các nước thuộc thế giới thứ ba. Một thời gian ngắn sau khi lên nhậm chức tháng 1 năm 1961, Kennedy hoàn thành lời hứa của ông về một chính sách đối ngoại quyết đoán mới.

Mùng 1 tháng 3 năm 1961, ông ban hành một sắc lệnh thành lập Đội Hòa bình Mỹ. Theo mô tả của Kennedy, tổ chức mới này sẽ là một “đội quân” bao gồm các tình nguyện viên dân sự – giáo viên, kỹ sư, các nhà khoa học nông nghiệp, v.v… – được gửi đến các quốc gia kém phát triển ở châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á, và những nơi khác để hỗ trợ cho người dân của các khu vực này.

Kennedy hy vọng rằng bằng cách cải thiện cuộc sống của người dân ở các nước kém phát triển, họ có thể trở nên cứng rắn hơn trước sức quyến rũ của chủ nghĩa cộng sản, và tin tưởng vào sự chân thành và khả năng của nước Mỹ trong việc giúp đỡ họ. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ trong Quốc hội lại không bị thuyết phục. Chi phí cho chương trình này là khá đắt đỏ. Mặc dù là tình nguyện viên, những người tham gia vẫn cần những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và quan trọng hơn là cần tiền bạc và công cụ để giúp đỡ những người họ được gửi tới để hỗ trợ.

Một số thành viên Quốc hội đánh giá Đội Hòa bình Mỹ là một mưu đồ quan hệ công chúng, một thứ viện trợ nước ngoài tốn kém (vốn chưa bao giờ được Quốc hội hay dân chúng Mỹ tán thành) trong vỏ bọc mới. Tuy nhiên, cuối cùng chương trình này hóa ra lại được ủng hộ mạnh mẽ. Câu chuyện về những người Mỹ trẻ tuổi, có lý tưởng, bất chấp sự thiếu thốn của các vùng đất lạ để giúp đỡ người dân nơi đây phát triển nông nghiệp, xây dựng trường học, hay khoan giếng nước sạch là những chất liệu quan hệ công chúng hiệu quả cho nước Mỹ.

Tháng 9 năm 1961, Quốc hội thông qua đạo luật thành lập Đội Hòa bình Mỹ như một tổ chức hoạt động trên cơ sở lâu dài. Một khoản ngân sách trị giá 40 triệu đô la cho năm tài khóa sau dành cho Đội Hòa bình đã được phê duyệt.

Trong những năm sau 1961, hàng ngàn tình nguyện viên của Đội Hòa bình đã được gửi tới khắp nơi trên thế giới. Một số đã phải đối mặt với sự thờ ơ, một số thậm chí còn phải đối mặt với sự nguy hiểm. Tuy nhiên, phần lớn “đội quân” tình nguyện của Đội Hòa bình Mỹ đã tỏ ra là một vũ khí Chiến tranh Lạnh có giá trị và tương đối rẻ của nước Mỹ. Hầu hết các quốc gia đều hoan nghênh các tình nguyện viên đầy lý tưởng, và công sức của họ đã giúp cuộc sống của hàng trăm ngàn người trở nên tốt đẹp hơn.

Mặc dù ngày nay Đội Hòa bình Mỹ không còn được coi là một vũ khí chống chủ nghĩa cộng sản, mục tiêu cải thiện cuộc sống của nó vẫn còn nguyên vẹn. Đội Hòa bình Mỹ đã sống sót sau Chiến tranh Lạnh và vẫn đang tiếp tục gửi tình nguyện viên tới nhiều quốc gia khác nhau.

(Thời gian gần đây, việc Việt Nam có cho phép Đội Hòa bình Mỹ hoạt động ở Việt Nam hay không đang là một vấn đề trong quan hệ song phương. Đến nay, các thông tin cho thấy về cơ bản Việt Nam đã đồng ý – NBT).

Ảnh: Tổng thống Kennedy ký Đạo luật Đội hòa bình Mỹ 1961 tại phòng Bầu Dục. Trong ảnh còn có Giám đốc đầu tiên của Đội hòa bình Mỹ Sargent Shriver, Hạ nghị sĩ Edna Kelly, Thượng nghị sĩ Robert Kerr, và Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey. Nguồn: jfklibrary.org.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]