Các Hiệp Sĩ dòng Đền là ai?

Print Friendly, PDF & Email

2015-10-04-1

Nguồn: “Who were the Knight Templars?”, History.com (truy cập ngày 4/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Sau khi các chiến binh Công Giáo chiếm được thành Jerusalem trong cuộc Thập Tự Chinh thứ Nhất (1095 – 1099), nhiều nhóm người hành hương từ khắp Tây Âu đã bắt đầu tới thăm vùng Đất Thánh. Khoảng năm 1118, một hiệp sĩ người Pháp có tên là Hugues de Payens đã thành lập một đạo quân với mục đích bảo vệ những người hành hương đó với tên gọi Đoàn Hiệp sĩ nghèo của Vua Solomon (sau đó đổi tên thành đoàn Hiệp sĩ dòng Đền). Năm 1129, đoàn hiệp sĩ được Giáo Hội Công Giáo chính thức công nhận, và đã chiêu mộ được quân lính mới và nhận được những khoản quyên tặng hào phóng từ khắp châu Âu. Nổi tiếng vì quy cách hành xử khắc khổ và trang phục nổi bật (áo trắng thêu hình thập tự đỏ), đoàn Hiệp sĩ dòng Đền đã lập ra nhiều chi hội trên khắp Tây Âu.

Họ dần có được danh tiếng là những chiến binh dũng mãnh trong các cuộc Thập Tự Chinh và lập nên một mạng lưới các ngân hàng, nhờ đó giành được ảnh hưởng tài chính vô cùng lớn. Ở thời điểm đỉnh cao quyền lực, họ từng nắm trong tay một hạm đội tàu lớn, sở hữu đảo Síp và là chủ nợ chính của nhiều bậc quân vương và quý tộc châu Âu.

Các chiến binh Hồi Giáo đã chiếm lại Jerusalem và đảo ngược tình thế Thập Tự Chinh vào cuối thế kỷ 12, điều này buộc các Hiệp sĩ dòng Đền phải rời trụ sở về Paris. Ở đó, Vua Philip IV đã tìm cách tiêu diệt đoàn Hiệp sĩ dòng Đền, có lẽ vì họ đã từ chối cho vị vua đang nợ nần này được nhận các khoản vay thêm. Ngày 13 tháng 10 năm 1307, hàng chục Hiệp sĩ dòng Đền ở Pháp đã bị bắt và tra tấn tàn bạo cho đến khi nhiều người phải khai nhận án oan. Ba năm sau, hàng chục hiệp sĩ bị thiêu sống ở Paris. Dưới áp lực từ Vua Philip, Giáo Hoàng Clement V đã phải miễn cưỡng giải thể đoàn Hiệp sĩ dòng Đền vào năm 1312.

Dù phần lớn các sử gia đều cho rằng đoàn Hiệp sĩ dòng Đền đã giải thể hoàn toàn từ 700 năm trước, song một số người vẫn tin rằng họ đã chuyển sang hoạt động bí mật và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Vào thế kỷ 18, một số tổ chức, đáng chú ý nhất là Hội Tam Điểm, đã phục hồi lại một số biểu tượng và truyền thống của các hiệp sĩ trung cổ này. Gần đây hơn, những câu chuyện về các Hiệp sĩ dòng Đền huyền thoại – như chuyện họ đã tìm được Chén Thánh khi đang chiếm đóng Núi Đền, hay nắm giữ một bí mật có thể hủy diệt cả Giáo Hội Công Giáo – đã được đưa vào nhiều cuốn sách và bộ phim nổi tiếng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]