Vua Arthur có phải là nhân vật có thật hay không?

Print Friendly, PDF & Email

2015-10-07-1

Nguồn: “Was King Arthur a real person?”, History.com (truy cập ngày 7/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Đối với rất nhiều người, những câu chuyện về Vua Arthur xứ Camelot không còn gì là xa lạ. Đó là vị vua huyền thoại đã lãnh đạo các lực lượng Anh (gồm cả những Hiệp sĩ Bàn Tròn được ông hết mực tin tưởng) trong những trận chiến chống lại quân xâm lược Saxon vào đầu thế kỷ thứ 6 SCN. Nhưng Vua Arthur có phải là một người thật hay chỉ là anh hùng thần thoại xứ Celt?Dù đã tranh cãi trong suốt hàng trăm năm, song các nhà sử học vẫn chưa thể khẳng định là Vua Arthur có thực sự tồn tại hay không. Ông không xuất hiện trong nguồn sử liệu duy nhất còn sót lại về cuộc xâm lược của người Saxon, trong đó tác giả là Gildas, một thầy tu xứ Celt, viết về một trận chiến có thực tại Mons Badonicus (đồi Badon) vào khoảng năm 500 SCN. Vài trăm năm sau, Arthur xuất hiện lần đầu trong những ghi chép của một sử gia xứ Wales có tên Nennius, người đã liệt kê lại 12 trận đánh mà vị quân vương này được cho là đã tham chiến. Tất cả các trận đánh đều bắt nguồn từ thơ ca xứ Wales, và chúng diễn ra ở nhiều địa điểm và thời điểm khác nhau đến mức một con người không thể tham gia vào tất cả các trận đánh đấy được.

Những cây bút khác của xứ Wales sau này đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nennius, và danh tiếng của Vua Arthur đã lan truyền ra bên ngoài xứ Wales và vùng Celt, đặc biệt là sau khi cuộc chinh phạt của người Normandy năm 1066 nối kết Anh với miền bắc Pháp. Trong cuốn sách nổi tiếng thế kỷ 12 “Lịch sử các vị Vua của nước Anh” (tên gốc “History of the Kings of Britain”), Geoffrey xứ Monmouth đã viết nên câu chuyện đầu tiên về cuộc đời Vua Arthur, mô tả thanh kiếm thần của ông là Caliburn (sau này được gọi bằng tên Excalibur), người hiệp sĩ trung thành Lancelot, Hoàng hậu Guinevere, và pháp sư Merlin. Cuốn sách là một sự kết hợp vô cùng hấp dẫn giữa huyền thoại và thực tế, và được cho là dựa trên một bản thảo tiếng Celt đã thất truyền mà chỉ Geoffrey mới đọc được.

Một chuỗi tác phẩm của nhà thơ Pháp Chrétien de Troyes đã mang lại cho Arthur một sứ mệnh linh thiêng bằng cách đưa đến cho ông nhiệm vụ đi tìm Chén Thánh bí ẩn. Mặc dù Arthur có thể không có thật, nhưng quyền lực huyền thoại của ông lại ngày càng mạnh mẽ theo thời gian. Nhiều bậc quân vương Anh từ Henry VIII đến Nữ Hoàng Victoria đã lợi dụng truyền thuyết về Vua Arthur vì mục đích chính trị, trong khi vô số nhà văn, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim, và các nghệ sĩ khác đều đã tự tạo ra những phiên bản câu chuyện về Arthur của riêng họ cho hậu thế.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]