Nga bảo trợ cho các “tiểu nhà nước”: Lý do và rủi ro

Print Friendly, PDF & Email

russian-troops

Nguồn: Reva Bhalla, “The Logic and Risks Behind Russia’s Statelet Sponsorship,” Stratfor, 15/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Nước mẹ Nga có thể khá hào phóng với các tiểu nhà nước của mình. Đầu những năm 1990, khi nước Nga suy thoái không còn lựa chọn nào khác ngoài co hẹp các đường biên giới của mình, Điện Kremlin dù phân rã nghiêm trọng nhưng vẫn có thời gian và tiền bạc để thúc đẩy và viện trợ cho các vùng lãnh thổ ly khai còn non trẻ như Nam Ossetia và Abkhazia ở Gruzia, và Transdniestria ở Moldova. Và khi nền kinh tế Nga dần được củng cố theo thời gian, số lượng lính Nga hiện diện trong các vùng lãnh thổ này cũng tăng lên, và một khoản chi ngân sách lớn hơn đã được Nga dùng để viện trợ cho các chủ thể gần giống quốc gia (quasi-state) này.

Các quốc gia nhỏ hậu Xô viết này có nhiều điểm chung. Tất cả đều nhỏ – Nam Ossetia rộng gần 3.900 km2 và có dân số khoảng 40.000 người; Abkhazia rộng 8.500 km2 và có dân số khoảng 240.000 người; còn Transdniestria rộng 4.100 km2 và có dân số 555.000 người. Tất cả đều bị cô lập về kinh tế, dẫn đến kinh tế kém phát triển, và chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ tài chính từ Nga để tồn tại.

Quan trọng nhất, theo quan điểm của Nga, các quốc gia này nằm tại các vị trí chiến lược trong không gian hậu Xô viết, nơi quân đội Nga có khả năng can thiệp và tạo áp lực lên Gruzia và Moldova nếu như họ gần gũi hơn với phương Tây. Sự hiện diện của quân đội Nga trong các vùng lãnh thổ ly khai này đã hình thành một mạng luới phòng thủ khiến bất cứ nước bảo trợ phương Tây nào cũng buộc phải cảnh giác khi họ muốn bảo vệ hai quốc gia trên. Xét cho cùng thì đây mới chính là giá trị răn đe thực sự của việc viện trợ các tiểu nhà nước.

Nhưng chiến lược của Nga cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và phức tạp trong những năm gần đây. Bên cạnh việc sáp nhập Crimea (rộng 26.000 km2, dân số 2 triệu người,) Nga còn viện trợ thêm cho hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine, là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (với tổng diện tích 16.000 km2, và có dân số lần lượt là 1,5 triệu và 2 triệu người). Dù khó xác định con số chính xác, ước tính từ nhiều nguồn cho thấy hàng năm Nga bơm khoảng 300 triệu USD vào Abkhazia và ít nhất 100 triệu USD/nước cho Nam Ossetia và Transdniestria để viện trợ cho ngân sách quốc gia, cung cấp nhiên liệu giá rẻ, trả lương hưu, v.v… Ngoài ra, trong năm 2015, Nga cũng phân bổ ít nhất 2,42 tỷ USD để hỗ trợ cho Crimea (chưa kể chi phí quân sự) và theo một báo cáo của nhà phân tích kinh tế Sergei Aleksashenko từ trường Higher School of Economics thì Nga đã phân bổ ít nhất 2 tỷ USD ngân sách liên bang năm 2015 để duy trì sự hỗ trợ quân sự ở miền Đông Ukraine, và con số này sẽ còn tăng thêm.

Danh sách này vẫn còn kéo dài thêm nữa. Như thế giới đã quan sát được trong những tuần gần đây, viện trợ quân sự của Nga cho các lực lượng người Alawite trung thành với chính quyền Syria tại tỉnh duyên hải Latakia đã tăng lên đáng kể, với các dấu hiệu cho thấy Nga sẽ hiện diện dài hạn ở đây. Biết rằng mọi đàm phán thương lượng nhiều khả năng sẽ không có kết quả, kế hoạch của Nga là giúp các lực lượng người Alawite của Syria hình thành một nhà nước trên thực tế. Trong khi đó, ở vùng Caucasus, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh vốn đã đóng băng khá lâu cũng có thể có những chuyển biến đáng kể trong những tháng tới. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Azerbaijan có thể hợp tác để thay đổi nguyên trạng giữa Azerbaijan và Armenia, với việc Nga sẵn sàng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến và ở lại lâu dài trong khu vực trong một nỗ lực nhằm thắt chặt sự kiểm soát của họ ở đây.

Từ miền Đông Ukraine, đến vùng đất của người Alawite ở Syria, hay Nagorno-Karabakh, Nga dường như đang rất nỗ lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ trong các vùng chiến lược. Điều này có cái giá rất đắt, nhưng vẫn có những logic địa chính trị đằng sau động thái này.

Dù mạnh hay yếu, dù chế độ là tư bản, cộng sản, hay sa hoàng, Nga cũng buộc phải dựng nên những rào cản địa lý tự nhiên để đảm bảo an ninh của chính mình. Tại miền Đông Ukraine, phần mở rộng tự nhiên của Nga là đến sông Dnieper, và họ sẽ cố sử dụng các khu vực ly khai để vừa làm suy yếu Kiev, vừa tạo ra một vùng đệm hoàn hảo trước sự can dự ngày càng tăng của NATO tại Kiev. Bán đảo Crimea củng cố quyền kiểm soát của Nga đối với căn cứ ở vùng biển nước ấm duy nhất của mình tại Sevastopol trên bờ Biển Đen, và việc triển khai hải quân trên Biển Đen giúp Nga tiếp cận Địa Trung Hải. Các cảng Latakia và Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria – thành trì của phe Alawite giờ đã phụ thuộc vào viện trợ của Nga – trao cho Nga một chỗ đứng ở phía Đông Địa Trung Hải, cùng với khả năng ảnh hưởng đến khu vực Levant (gồm các vùng lãnh thổ thuộc Syria, Libăng, Israel, Jordan – NBT). Tại vùng núi Caucasus, nơi mà Nga đã tăng cường sự hiện diện tại các vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia và tiếp tục là nhà bảo trợ duy nhất của Armenia, một thỏa thuận với Azerbaijan về Nagorno-Karabakh có tiềm năng mở rộng sự hiện diện của Nga và do đó củng cố vùng đệm của họ về phía Nam.

Vùng đệm tại Đông Ukraine

Về thứ tự ưu tiên, vị thế của Nga ở miền Đông Ukraine vẫn luôn đứng đầu. Từ bao thế kỷ nay, Ukraine luôn là vùng trọng yếu của nhà nước Nga và phải được bảo vệ bằng mọi giá. Nếu Ukraine nằm dưới ảnh hưởng hoặc kiểm soát của phương Tây, các sườn phía Tây Nam của Nga sẽ không được phòng vệ. Tuy nhiên, Nga chưa đủ mạnh để tự mình kiểm soát sông Dnieper, và gánh vác các chi phí kinh tế và quân sự kéo theo. Do đó, cách tốt nhất mà Nga có thể thực hiện vào thời điểm này là cố gắng củng cố quyền tự chủ cho các tỉnh ly khai phía Đông, và sử dụng ảnh hưởng của họ với các chỉ huy ly khai để điều chỉnh xung đột khi cần thiết. Nếu Nga cảm thấy các yêu cầu của họ liên quan đến sự mở rộng quân sự của NATO – và các biện pháp trừng phạt hoặc tương tự – đang bị bỏ qua, thì bạo lực ở miền Đông Ukraine sẽ bùng phát. Khi Đức và Pháp hiểu được thông điệp và bắt đầu gây sức ép buộc Kiev phải có những nhượng bộ chính trị nhất định, thì xung đột sẽ xuống thang nhanh chóng.

Mô hình này đã trở nên quen thuộc với tất cả các bên, nhưng nó vẫn còn lâu mới là mô hình lý tưởng cho Moskva. Dù đàm phán diễn tiến như thế nào thì Nga cũng không có ý định rút quân ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, động lực quân sự này khiến chính quyền thân phương Tây tại Kiev quay sang nhờ Mỹ giúp đỡ để chống lại mối đe dọa dai dẳng từ Nga. Do đó, Nga phải cẩn thận với các chuyển động quân sự của mình ở miền Đông Ukraine, cần đưa ra thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động nào của phương Tây cũng có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng cũng không nên đi quá xa khiến cho nước Mỹ phản ứng lại, khiến vùng đệm của Nga rốt cuộc bị thu hẹp đáng kể.

Chuẩn bị cho một tiểu nhà nước của người Alawite ở Syria

Động thái của Nga ở Syria có sự gắn bó sâu sắc với động thái ở Ukraine. Ngay cả khi Nga bị kẹt trong cuộc chiến với Mỹ để giành ảnh hưởng tại các nước thuộc Liên Xô cũ, Moskva cũng cần có các khu vực ngoại vi mang lợi ích chung của cả hai nước để bắt đầu một cuộc đối thoại với Washington. Nga đã nhận ra tình thế hóc búa mà Mỹ đang đối mặt, là làm sao để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo với sự giúp đỡ của các cường quốc khu vực mà vẫn tránh được mớ hỗn độn từ việc thay đổi toàn bộ chính phủ ở đó. Từ đầu năm nay, Nga đã nỗ lực hướng đến một cuộc đàm phán với Mỹ, nhằm quyết định một nhà nước hậu Bashar al Assad, biến mình trở thành một đối tác không thể thiếu của Washington trong việc kết thúc Nội chiến Syria. Mỹ cần cuộc đàm phán này, và họ cũng cần những nước ủng hộ chính quyền al Assad là Nga và Iran, nhằm đưa những người trung thành với chính quyền Assad tới bàn đàm phán. Mỹ càng cần Nga để tạo thuận lợi cho việc đàm phán thì Moskva càng có lợi thế để thương lượng về việc giới hạn sự xâm lấn của phương Tây vào sân sau của nước này.

Tuy nhiên, Nga cũng không ảo tưởng về việc mang lại hòa bình cho các phe phái ở Syria. Đàm phán nào cũng sẽ thất bại nếu như các thế lực đối địch thích giải quyết bằng chiến tranh hơn là ngồi vào bàn thương lượng. Chiến lược của Nga do đó có hai phần – họ phải tạo ra một cơ sở đáng tin cậy cho cuộc đàm phán về Syria mà qua đó họ có thể gây ảnh hưởng với Mỹ, đồng thời, họ cũng phải chuẩn bị cho trường hợp tệ nhất là khi đàm phán không thành thì họ vẫn giữ được vị thế của mình ở Đông Địa Trung Hải. Sự gia tăng quân sự của Nga tại các cảng Latakia và Tartus trong những tuần gần đây, cùng với căn cứ hải quân tại Tartus, là nhằm theo đuổi cả hai mục tiêu này.

Để khuyến khích chính phủ Syria tham gia đàm phán, đầu tiên họ cần được đảm bảo an toàn trong vùng lãnh thổ cốt lõi chạy từ phía Nam qua Damascus lên Zabadani và một phần của Homs và Hama cho tới bờ biển Địa Trung Hải. Đây là một kế hoạch mà Nga và Iran đang làm việc chặt chẽ với nhau. (Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran, người chỉ huy của Lực lượng Quds, được cho là đã đến Moskva hồi đầu tháng 9 để thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu về việc thực hiện chiến lược này.) Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Nga đã xây dựng sân bay, nhiều khả năng còn có tháp không lưu và doanh trại quân đội. Nga dường như đang xây dựng cơ sở hậu cần cho các phương tiện hàng không, chẳng hạn như máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, để giúp củng cố phe Alawite. Nguồn tin của Stratfor cho biết sự mở rộng quân sự của Nga tại Syria cho đến nay đã tiêu tốn khoảng 500 triệu USD, đến từ ngân sách quân sự cho Biển Đen của Nga, trong khi các thiết bị quân sự Nga được triển khai tới Syria vẫn còn đặt dưới sự kiểm soát của Nga. Về bản chất, kế hoạch của Nga và Iran cho phép phe Alawite ngồi vào bàn đàm phán với vị thế cao hơn, đồng thời đảm bảo rằng họ sẽ có một nhà nước của người Alawite trên thực tế để dựa vào khi nhà nước Syria chính thức tan rã.

Thay đổi tại Caucasus?

Chú ý hơn nữa, chúng ta có thể thấy chiến lược của Nga ở vùng Caucasus bắt đầu phát triển sau hơn hai thập niên xung đột bị đóng băng giữa hai nước Liên Xô cũ là Azerbaijan và Armenia, tại vùng đất nhỏ bé Nagorno-Karabakh. Nagorno-Karabakh (rộng 4.400 km2 và người Armenia chiếm đa số trong dân số khoảng 150.000 người) thực chất đã nằm dưới sự kiểm soát của Armenia kể từ sau lệnh ngừng bắn năm 1994. Bị cô lập kinh tế, Armenia hiện đang cho 5.000 quân Nga đồn trú và Nga cũng là nhà bảo trợ duy nhất của nước này. Ngược lại, Azerbaijan, ít bị hạn chế về địa lý hơn và có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, thì luôn lựa chọn cân bằng giữa phương Tây và gốc rễ Liên Xô của họ. Tuy nhiên, quan hệ giữa Azerbaijan và Nga đã trở nên gần gũi hơn bình thường trong những tháng gần đây, điều đó đặt ra cho chúng ta câu hỏi rằng liệu Moskva có phải đã dụ dỗ Baku bằng một đề nghị liên quan đến vấn đề Nagorno-Karabakh hay không?

Azerbaijan đã chán nản với cuộc đàm phán qua trung gian là Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, và muốn dùng quân đội đã được chuẩn bị trong thời gian qua để chiếm lại lãnh thổ. Còn Armenia, vốn hiện đang chiếm các cao điểm tại vùng lãnh thổ này nên có lợi thế chiến lược trước Azerbaijan, thì rõ ràng muốn giữ nguyên trạng. Cách duy nhất để buộc Armenia phải đàm phán lại các điều khoản về Nagorno-Karabakh là nếu chiến sự tái diễn và Nga, người bảo trợ duy nhất của Armenia, đóng vai trò trung gian chủ đạo trong thỏa thuận cuối cùng của họ. Không phải ngẫu nhiên khi tại Armenia đã lan truyền tin đồn suy đoán rằng Nga và Azerbaijan đang phát triển một nhận thức chung cho phép các binh lính gìn giữ hòa bình của Nga chiếm đóng và trung lập hóa vùng lãnh thổ này. Chúng ta có quyền nghi ngờ rằng kế hoạch này sẽ khó được áp đặt lên Armenia nếu chỉ sử dụng các phương tiện ngoại giao.

Dù không thể chắc rằng kịch bản này cuối cùng sẽ diễn ra, chúng ta vẫn có đủ căn cứ để đưa tình hình Nagorno-Karabakh trở thành ưu tiên cần phải theo dõi. Và với việc Nagorno-Karabakh nằm trong danh sách lãnh thổ được Nga bảo trợ, cam kết của Nga về việc tạo ra vị thế mới ở nước ngoài sẽ có tiềm năng mở rộng hơn nữa.

Cái giá của viện trợ

Chiến lược của Nga có thể không rẻ, nhưng nó là hoàn toàn hợp lý nếu xét theo quan điểm địa chính trị. Nội bộ nước Nga đang yếu đi và đồng thời họ còn phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Mỹ tại các vùng cửa ngõ thuộc Liên Xô trước đây. Khi Nga vẫn còn trong trò chơi này, họ sẽ cố gắng tạo ra và củng cố các vùng đệm trong vùng cận hải ngoại càng nhiều càng tốt để làm lợi thế trong việc chống lại phương Tây và duy trì bất kỳ ảnh hưởng nào còn lại trong quá trình chuẩn bị cho những năm khó khăn sắp tới. Như vậy, cái giá mà Moskva phải trả cho việc chống lưng cho các tiểu nhà nước, thậm chí khi phải thanh toán bằng một đồng rúp bất ổn, có thể vẫn là khá hợp lý theo quan điểm của Nga. Từ một ước tính thấp và sơ bộ ban đầu, chúng ta có thể giả định rằng Nga đang chi ít nhất là 5 tỷ USD ngân sách hàng năm cho các tiểu nhà nước này, vẫn dưới 3% ngân sách liên bang năm 2015 của Nga là 206 tỷ USD. Số tiền này không bao gồm lượng lớn ngân sách quốc phòng đã được phân bổ trước cho Ukraine và Syria. Ngoài ra còn có một chi phí cơ hội cần nhớ. Nguồn lực quân sự được phân bổ trước sẽ không thể chuyển sang các mục đích khác, như mua sắm, đào tạo, nghiên cứu và phát triển, trừ khi tổng thể ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, các chi phí không chỉ là về mặt tài chính. Nagorno-Karabakh là một mồi lửa; một khi xung đột tiếp diễn, nó sẽ không dễ dàng kiểm soát. Đây là khu vực mà cả hai nước Thổ Nhĩ Kỳ đang hồi phục và Iran sẽ cố gắng chống lại một nước Nga quá tham vọng. Ở Syria, nguy cơ mục tiêu đổ vỡ là có thật, vì chính phủ trung thành với Assad đang chiến đấu chống lại một tập hợp những người Sunni vốn có mục tiêu chung làm suy yếu Iran. Hơn nữa, khi Nga chuẩn bị cho các hoạt động trên không, họ phải tính toán rủi ro nếu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và các đồng minh châu Âu và Ả Rập khác nhập cuộc. Ở Ukraine, khi viện trợ của Nga cho miền Đông ngày càng tăng  thì sự tích tụ quân sự của Mỹ ở biên giới giữa Nga với châu Âu cũng ngày càng phát triển. Cuối cùng thì đây mới là sân sau của Nga, và họ sẽ bị hạn chế hơn nhiều so với Mỹ về mức độ cạnh tranh. Một chiến lược viện trợ cho các tiểu nhà nước có thể chỉ tiến xa tới đó.

Reva Bhalla, có bằng thạc sĩ từ Chương trình Nghiên cứu An ninh của Trường Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown ở Washington, D.C., là chuyên gia phân tích của Stratfor.