Tại sao Mỹ chưa phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em?

Print Friendly, PDF & Email

childrights

Nguồn: “Why won’t America ratify the UN Convention on Children’s rights?”, The Economist, 06/10/2013.

Biên dịch: Đào Quốc Thụy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tuần trước, tại trụ sở ở New York, Liên Hợp Quốc tổ chức Sự kiện Công ước (Treaty Event) thường niên, với mục đích thúc đẩy các nguyên thủ quốc gia thành viên ký kết bất kỳ công ước nào trong số hơn 550 công ước của Liên Hợp Quốc. Năm nay, tiêu điểm của Sự kiện là Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em – Công ước đã được tuyệt đại đa số các quốc gia thành viên phê chuẩn, trừ ba nước Somalia, Nam Sudan và Hoa Kỳ. Somalia hiện đang trong tình trạng hỗn loạn, còn Nam Sudan mới trở thành một quốc gia cách đây 2 năm. Vậy điều gì đã cản trở Hoa Kỳ phê chuẩn Công ước này?

Công ước Quyền trẻ em được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1989 và trở thành một trong những công ước về quyền con người được thông qua nhanh chóng nhất và rộng rãi nhất. Công ước xác lập những tiêu chuẩn về giáo dục, chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội, luật hình sự, và xác định quyền của trẻ em có tiếng nói trong các quyết định ảnh hưởng đến trẻ.

Năm 1995, Hoa Kỳ đã ký Công ước Quyền trẻ em nhưng chưa hề phê chuẩn Công ước này. (Bằng việc ký một công ước, một quốc gia thừa nhận các nguyên tắc của công ước đó; việc phê chuẩn một công ước là cam kết pháp lý thực thi công ước đó.). Phê chuẩn một công ước quốc tế ở Hoa Kỳ đòi hỏi phải thực hiện những hành động ở cấp cao: Tổng thống phải đệ trình công ước lên Thượng viện, công ước đó phải được 2/3 thành viên Thượng viện chấp thuận, tức tương đương với điều kiện để sửa đổi hiến pháp. Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em chưa hề được Thượng viên Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận. Mặc dù hai tổng thống Clinton và Obama ủng hộ việc phê chuẩn Công ước này, song các thượng nghị sỹ đối lập thuộc phe Cộng hòa bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng Công ước sẽ không được thông qua.

Những người chống đối Công ước cho rằng Công ước này đe dọa đến chủ quyền quốc gia – một nỗi sợ hãi lâu dài về Liên Hợp Quốc tồn tại trong một bộ phận các nghị sỹ bảo thủ thuộc phe Cộng hòa. Họ e ngại các quyền về kinh tế – xã hội được xác lập trong Công ước sẽ tạo ra những tranh chấp pháp lý đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải thanh toán các chi phí (để triển khai các quyền này cho trẻ em). Để đối phó với mối quan ngại đó, nói chung chính phủ Hoa Kỳ chỉ phê chuẩn các công ước quốc tế về quyền con người với điều kiện các văn kiện đó không có giá trị pháp lý cao hơn các luật hiện hành.

Các tổ chức quyền cha mẹ phê phán Công ước có thể hủy hoại quyền của cha mẹ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục tôn giáo và tình dục. Michael Farris, người đứng đầu một hội về quyền của cha mẹ, ParentalRight.org, coi nguyên tắc của Công ước rằng mọi quyết định của chính phủ phải phục vụ lợi ích tốt nhất cho trẻ em sẽ tạo ra các nguyên tắc bao trùm cho phép các cơ quan hữu trách vô hiệu hóa mọi quyết định của cha mẹ nếu một viên chức chính phủ, ví dụ như giáo viên hay cán bộ công tác xã hội, không đồng ý với quyết định đó. Jonathan Todres, giáo sư luật tại Đại học bang Georgia, không tán thành với điều này: ông lưu ý rằng Công ước này coi gia đình là môi trường tốt nhất của trẻ em và Công ước có tới 19 điều công nhận vai trò của cha me.

Đa số các luật của Hoa Kỳ không mâu thuẫn với Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, nhưng không phải tất cả. Một trường hợp ngoại lệ nổi bật là hiện tại ở Hoa Kỳ công dân dưới 18 tuổi có thể chịu án chung thân mà không được ân xá (cho đến năm 2005, công dân dưới 18 tuổi vẫn có thể phải chịu án tử hình). Công ước Quyền trẻ em cấm việc sử dụng các hình phạt thô bạo, mang tính xúc phạm nhân phẩm. Như vậy việc phê chuẩn Công ước có thể khiến hành động tát tai là bất hợp pháp. Mặc dù Hoa Kỳ có luật chống lạm dụng trẻ em, 2/3 số bang ở Hoa Kỳ cho phép áp dụng hình phạt thể xác ở trường học và không có bang nào trong số đó cấm hình phạt thể xác trong gia đình.

Việc Hoa Kỳ thông qua các công ước quốc tế về quyền con người khác đã giúp chính phủ liên bang xóa bỏ các khoảng trống pháp lý trong hệ thống luật quốc gia. Ví dụ, việc tham gia vào công ước Liên Hợp Quốc về lính trẻ em đã khiến Hoa Kỳ loại trừ trẻ em dưới 18 tuổi tham gia các hoạt động triển khai quân sự. Theo Jo Becker thuộc tổ chức Human Rights Watch –  một tổ chức có trụ sở tại New York –  việc phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em cũng có thể nâng cao uy tín của Hoa Kỳ trong tư cách một quốc gia ủng hộ phúc lợi trẻ em, vì “thật khó ăn nói khi Hoa Kỳ nỗ lực thúc đẩy quyền trẻ em ở các quốc gia khác, và họ sẽ nhắc nhở chúng ta rằng họ đã phê chuẩn Công ước, trong khi chúng ta thì chưa”./.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]