Trung Quốc: Khó khăn kinh tế làm lộ năng lực quan chức

Print Friendly, PDF & Email

lkq

Nguồn: MinXin Pei, “Behind China’s woes, myth of competent autocrats,” Nikkei Asian Review, 01/02/2016.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sự giảm tốc kinh tế không ngừng và nỗi lo sợ lộ rõ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thổi bay nhiều huyền thoại được tán tụng từ lâu. Một trong số đó cho rằng Trung Quốc là một chế độ chuyên quyền có năng lực được vận hành bởi các nhà kỹ trị thông minh và các chính trị gia quyết đoán. Những vấp váp gần đây của Bắc Kinh, như quyết định sai lầm và tốn kém nhằm cứu bong bóng chứng khoán khỏi một vụ đổ vỡ, việc phá giá bất ngờ đồng nhân dân tệ và sự can thiệp mạnh mẽ liền sau đó bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm hỗ trợ đồng tiền này, đã chứng tỏ rằng các nhà kỹ trị Trung Quốc có vẻ cũng không thông minh như người ta tưởng. Còn với những chính trị gia của nước này, họ có vẻ rất quyết đoán, nhưng chỉ là trong việc tạo ra những quyết định tai hại.

Khi bàn về Trung Quốc, chất lượng chính sách là một món tài sản có giá trị hơn nhiều so với ở các nước khác. Với Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, năng lực chính là lý do để nắm quyền. Không được bầu bởi người dân, lãnh đạo ĐCS Trung Quốc luôn cố thể hiện rằng khả năng của họ trong việc tạo ra các lợi ích kinh tế giúp biện minh cho chế độ độc đảng. Do vậy đảng có lợi ích lớn trong việc thể hiện năng lực vì các bằng chứng của sự bất tài sẽ đe dọa sự cầm quyền của đảng.

Với các nhà đầu tư nước ngoài hay đối tác thương mại, năng lực của Bắc Kinh trên thực tế là tất cả những gì họ có thể trông cậy vào. Với sự thiếu minh bạch và sự vắng mặt của chế độ pháp quyền, tại Trung Quốc tồn tại một sự bất định về mặt chính sách khiến hầu hết phải bất an. Nhưng nếu những người trong chiếc hộp đen của Bắc Kinh biết họ đang làm gì, các đối tác thương mại của Trung Quốc và những nhà đầu tư có thể yên tâm lên giường ngủ và không lo không còn gì trên người khi tỉnh dậy.

Những người hay hoài nghi đã luôn đặt câu hỏi về việc có phải Trung Quốc luôn có những nhà kỹ trị xuất sắc có đủ sự độc lập trong việc làm chính sách và vì thế có thể bù đắp cho những thiếu sót rõ ràng của các chế độ chuyên quyền, như chính phủ độc đoán, ngụy tạo dữ liệu một cách có hệ thống, chủ nghĩa thân hữu và thiếu minh bạch. Họ chỉ ra những chính sách thất bại rõ ràng và kinh niên như đầu tư quá mức, tiêu dùng yếu, bỏ bê việc bảo vệ môi trường và các yếu kém trong cung cấp hàng hoá công như là những bằng chứng của sự thiếu năng lực quản lý.

Trước khi thị trường Trung Quốc suy sụp và dấy lên phong trào thoái vốn, những người tin vào ảo tưởng của sự chuyên chế có năng lực dường như từng có chút lợi thế trong cuộc tranh luận này. Thông thường họ chỉ việc phô trương các dữ liệu phát triển tuyệt vời của Trung Quốc như là bằng chứng rõ ràng nhất về năng lực của lãnh đạo Trung Quốc.

Ở một mức độ nào đó, những người ủng hộ đó không sai hoàn toàn. Điều hành một nền kinh tế đang chuyển tiếp, không có các thể chế cơ bản mà các nền kinh tế thị trường phát triển bắt buộc phải có, là một thách thức với cả những người thông minh nhất. Về tương đối, Trung Quốc cũng có nhiều nhà hoạch định chính sách có năng lực hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển. Nhưng đó là một tiêu chuẩn rất thấp để đánh giá Bắc Kinh. Trung Quốc khát khao trở thành một siêu cường hạng nhất và luôn so mình với các quốc gia hạng nhất – đặc biệt là nước Mỹ – trong quản trị kinh tế vĩ mô. Vậy nên ca tụng Trung Quốc bằng cách cho rằng nó làm tốt hơn một số nước kém phát triển sẽ xúc phạm đến bất cứ quan chức Trung Quốc nào có lòng tự trọng.

Những ngôi sao của thời đại quá khứ

Trong thời hậu Mao, Trung Quốc đã may mắn khi có hai thủ tướng cực kỳ tài giỏi, Triệu Tử Dương (1980-1987) và Chu Dung Cơ , người đã trở thành ông trùm kinh tế của Trung Quốc vào năm 1993, và đảm nhận chức thủ tướng, thủ lĩnh chính sách kinh tế của quốc gia này, từ 1998 đến 2003. Cả hai đã đóng vai trò trụ cột trong việc khởi động cũng như duy trì cải cách và phát triển của Trung Quốc. Dưới thời Triệu, người bị ĐCS Trung Quốc gạt ra vì ông từ chối tiêu diệt những người biểu tình đòi dân chủ năm 1989, Trung Quốc đã áp dụng những chính sách táo bạo và sáng tạo để gỡ bỏ chủ nghĩa xã hội và nuôi dưỡng một nền kinh tế thị trường trong thời kỳ vốn cơ bản chưa có bất cứ lộ trình cải cách rõ ràng nào.

Sau khi Chu được giao lại hồ sơ kinh tế giữa năm 1993 khi Trung Quốc đối mặt với lạm phát phi mã, ông chĩa mũi nhọn vào các cải tổ thiết yếu, như việc tái thống nhất tỉ giá hối đoái qua một lần phá giá đồng tiền lớn, đổi mới chế độ tài khóa, và cải cách khu vực tài chính. Sau khi ông trở thành thủ tướng năm 1998, Chu dẫn đầu những nỗ lực của Trung Quốc trong việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, và đóng cửa hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhà nước thua lỗ.

Sự thiếu năng lực trong quản lý kinh tế ít gây hậu quả xấu khi Trung Quốc được hưởng các lợi thế phát triển tốt, như nhân công giá rẻ và sự mở cửa với thị trường thế giới. Những yếu tố cấu trúc này đã che đậy và bù đắp lại ảnh hưởng của những chính sách tồi. Một ví dụ là chính sách kích thích kinh tế khổng lồ bằng nợ của Bắc Kinh sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Việc bơm một lương tương đương 15 ngàn tỷ USD tín dụng vào nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2009-2013 đã tạm thời hỗ trợ phát triển và giúp thế giới tránh được một cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng hậu quả thật là thảm họa—một bong bóng tài sản khổng lồ, dư thừa công suất, và một mức độ nợ quá lớn. Đây chính là những căn nguyên lý giải cho việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc hiện nay.

Giống như thủy triều rút làm lộ ra những người bơi khỏa thân, sự phát triển sụt giảm ở Trung Quốc hiện nay đã để lộ ra năng lực yếu kém của các nhà làm chính sách kinh tế của nước này, và những căn nguyên sâu xa hơn là sự yếu kém trong quản lý xuyên suốt cả hệ thống.
Trong những nguyên nhân mang tính hệ thống của các chính sách tồi, thủ phạm hiển nhiên nhất chính là sự thống trị của các chính trị gia trong việc làm chính sách kinh tế. Trong khi không hề thiếu các nhà kỹ trị có năng lực trong nhà nước đảng trị, những người có quyền quyết định cuối cùng, từ các thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị cho tới các lãnh đạo tỉnh, là các chính trị gia điển hình thường bị chi phối bởi lợi ích chính trị của cá nhân hơn là các lợi ích về hiệu quả kinh tế.

Những chính sách giúp họ được đề bạt được ưa chuộng hơn những chính sách có thể gây ra các khó khăn ngắn hạn và gây hại cho tiền đồ của họ. Đôi khi, các nhà kỹ trị được quyền ra quyết định lớn hơn, nhưng điều đó chỉ xảy ra sau khi các chính trị gia đã làm rối tung mọi thứ đến mức vì quá tuyệt vọng nên phải cho phép các nhà kỹ trị vào dọn dẹp. Dựa trên mẫu hình này, có lẽ sẽ có cái may đằng sau cơn hỗn loạn kinh tế gần đây của Trung Quốc bởi các nhà kỹ trị tài năng có thể sẽ lại được giao trách nhiệm.

Độc đoán cản trở tài năng

Nguyên nhân còn lại gây ra sự kém cỏi chính là căn bệnh ai cũng biết, đó là sự thoái hóa không ngừng của nhân tài trong một chế độ chuyên quyền.  Phục vụ trong một nhà nước chuyên quyền thường khiến các cá nhân tài năng phải trả cái giá lớn về mặt đạo đức: Nó dẫn đến sự đánh mất phẩm giá cá nhân trong một hệ thống chính trị mang tính thứ bậc nơi thứ duy nhất quan trọng là địa vị của quan chức (đây là lý dao vì sao quan chức Trung Quốc thường có danh thiếp ghi đủ mọi chi tiết vụn vặn về chức vụ và địa vị của họ mà doanh nhân Châu Âu sẽ không thể hiểu nổi). Các quan chức ít thâm niên hay cấp dưới trong hệ thống này thường bị xúc phạm và ngược đãi bởi cấp trên của họ. Do khu vực tư nhân cung cấp nhiều cơ hội tốt hơn và sự thanh thản về tâm lý, nên những cá nhân tài năng nhất sẽ muốn tìm vận may bên ngoài chính phủ.

Hậu quả là, các cơ quan nhà nước thường thu hút được không chỉ những người kém tài hơn mà còn những kẻ cơ hội vốn không thể cạnh tranh nổi trên thương trường. Những người như vậy có thể thu về những lợi lộc khổng lồ nếu sẵn lòng chịu vật lộn trong bộ máy quan liêu Trung Quốc và nhẫn nhục hàng ngày trước cấp trên của họ.

Một hậu quả thậm chí còn tai hại hơn do sự tha hóa không ngừng và thường xuyên của nhân tài chính là xu hướng các thủ lĩnh chính trị thăng chức cho những quan chức mà họ thấy không đe dọa tới con đường tiến thân của mình. Rõ ràng một nhà kỹ trị luôn nổi trội hơn bí thư Đảng của mình là một hiểm họa chính trị nghiêm trọng, cả trong việc tích lũy vốn chính trị hay việc tranh giành đề bạt.  Dần dần, thực tế này cho phép các quan chức tầm thường giả dạng các nhà kỹ trị tài năng sinh sôi nảy nở và chi phối hệ thống từ trên xuống dưới.

Mặt tai hại nhất của sự thoái hóa không ngừng của nhân tài trong bộ máy Trung Quốc chính là quy trình tuyển dụng và đề bạt cứng nhắc được lập ra thời hậu Thiên An Môn. ĐCS Trung Quốc giờ đây yêu cầu một quan chức phải có một thâm niên tối thiểu và phải kinh qua một số vị trí nhất định trước khi người đó có thể được đề bạt vào một vị trí quan trọng. Hệ thống này có thể cung cấp kinh nghiệm quản lý toàn diện cho quan chức Trung Quốc, nhưng nó cũng giúp cho những cá nhân kém hơn đạt đến đỉnh cao vì bên trong nhà nước đảng trị, nhân tố tối quan trọng để leo lên cao không phải là các thành tích được minh chứng mà là khả năng tránh sai lầm. Một lần nữa, nếu họ suy xét cặn kẽ, những người biết tránh rủi ro, chứ không phải những người năng động và thật sự tài năng,  thường mới phát triển được trong nhà nước đảng trị này.

Liệu các nhà hoạch định chính sách tài ba có thể đạt tới đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc ngày nay?

Câu trả lời là còn tùy. Dù chúng ta hiểu rằng một Triệu Tử Dương hay Chu Dung Cơ khác có thể xuất hiện khi ĐCS Trung Quốc cần một vị cứu tinh, bản chất căn bệnh của Trung Quốc sâu xa hơn rất nhiều. Cả Triệu và Chu tạo ra sự khác biệt vì họ phụ trách nền kinh tế khi đường hướng đổi mới – hướng tới một nền kinh tế định hướng thị trường hơn – là quá rõ ràng. Ai có thể hoàn toàn tự tin mà nói rằng Trung Quốc cũng đang trên con đường đó hôm nay?

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư về quản trị chính quyền tại Đại học Claremont McKenna và là tác giả của cuốn China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regime Decay (sắp xuất bản, Harvard University Press).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]