Lý giải chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay

Print Friendly, PDF & Email

t1larg.erdogan.afp_.gi_

Nguồn:  “Alone in the world, The Economist, 06/02/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hiếm có quốc gia nào có không gian địa chính trị nhạy cảm hoặc đóng nhiều vai trò quốc tế quan trọng và chồng chéo như Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này là cửa ngõ và là cầu nối đến châu Âu, đặc biệt là cho hàng trăm ngàn người tị nạn Syria trong những tháng gần đây, cũng như con đường dẫn đến các nguồn cung cấp năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một vùng đệm cách ly một Iran luôn tràn đầy khí thế cách mạng và là một rào cản đối với những tham vọng về phía nam của Nga từ trước khi nước này gia nhập NATO năm 1952 (và thậm chí mạnh mẽ hơn kể từ khi Vladimir Putin quyết định can thiệp vào một Syria hỗn loạn). Đây vẫn luôn là một mỏ neo cho vùng Trung Đông luôn bất ổn, và xét về một số phương diện cũng là một mô hình cho các quốc gia Hồi giáo khác do có chính phủ tương đối bao dung, khá dân chủ và nền kinh tế vận hành khá hiệu quả.

Tuy nhiên, đất nước này thường không thể hiện được cả sức mạnh và trách nhiệm cùng một lúc. Nhiều thập niên sau Thế chiến II, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chú tâm vào vấn đề nội bộ, và là một đồng minh tin cậy của phương Tây, ở cả NATO cũng như OECD (với tư cách là thành viên sáng lập), nhưng nước này chưa hề có sức mạnh thực thụ. Nền kinh tế điêu đứng, và dưới sự cai trị của các vị tướng, đất nước này hầu như né tránh việc bỏ công tốn sức vào các vấn đề đối ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn như khi xâm lược và chia đôi đảo Síp vào năm 1974. Những rắc rối với các nước láng giềng như Hy Lạp, Bulgaria và Armenia trở nên căng thẳng hơn, và mối quan hệ với châu Âu và Mỹ vẫn xa cách và chưa ấm áp. Với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì một kiểu liên minh ngầm và thực dụng. Đối với sân sau Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn lảng tránh.

Thái độ lãnh đạm vốn phản ánh khuynh hướng hoài nghi thế giới bên ngoài, đã chấm dứt một cách đột ngột nhưng đáng hoan nghênh khi đảng AK lên cầm quyền. Dưới sự dẫn dắt của Ahmet Davutoglu, người từng giữ vị trí cố vấn chính sách đối ngoại và sau đó là bộ trưởng ngoại giao trước khi trở thành thủ tướng, đất nước này tuyên bố một chính sách “không bất hòa với các nước láng giềng”. Làn sóng ấm áp đột ngột từ Ankara đã mang lại kết quả tức thì. Các bất đồng trước đó, ngay cả với đất nước thù địch như Armenia hoặc người Kurd ở miền bắc Iraq, đã được gạt sang một bên. Châu Âu dường như đã sẵn lòng mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù chỉ là rất khiêm tốn. Nga trở thành đối tác thương mại quan trọng. Các láng giềng Ả Rập hân hoan chào đón cựu thủ lĩnh đế quốc Ottoman trở lại. Xuất khẩu sang Trung Đông bùng nổ. Trong một thời gian, tổng thống Erdogan thực sự trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ lúc ấy tưởng chừng có vẻ trong ấm ngoài êm.

Tránh nhắc tới EU

Về trách nhiệm, đất nước này thể hiện chưa tốt trên nhiều phương diện. Đó không phải hoàn toàn do lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ. Một phần nguyên nhân cho việc gia nhập EU vẫn chưa đi tới đâu bắt nguồn từ nhiều chính sách đa phương nhập nhằng của EU. Sau cuộc suy thoái kinh tế và sự thất bại về vấn đề Hy Lạp, châu Âu cũng có vẻ kém hấp dẫn hơn so với lúc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2005. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng AK đã  cảm thấy bị xúc phạm một cách vội vàng, thiếu trách nhiệm. Dù đúng là EU đã đơn phương đóng băng đàm phán về một nửa trong số 33 “chương” phải được hoàn thiện trước khi gia nhập, Thổ Nhĩ Kỳ đáng nhẽ không nên nới lỏng nỗ lực của mình để tuân thủ những gì mà EU gọi là acquis (các quy tắc chung). Bằng cách đó, chính phủ AK báo hiệu rằng họ coi những vấn đề như tự do báo chí, độc lập tư pháp và chống tham nhũng như một phần cái giá phải trả cho việc trở thành thành viên EU chứ không phải là mục tiêu thiết yếu cho chính họ.

Những vấn đề còn bỏ ngỏ này đã đưa tổng thống Erdogan và các đối tác châu Âu vào một tình thế không dễ chịu chút nào. Đối mặt với việc người tị nạn ồ ạt từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Tây Âu, họ đã khôn ngoan dùng kiểm soát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn để đổi lấy tiền hỗ trợ từ châu Âu, nhượng bộ đi lại tới châu Âu cho người Thổ Nhĩ Kỳ và hứa hẹn sẽ khôi phục lại kế hoạch gia nhập EU bị trì hoãn của Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai bên đều chẳng đạt được kết quả như ý muốn. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ coi gói viện trợ 3 tỷ euro của châu Âu cho những người tị nạn chỉ đơn thuần là khoản ban đầu. Về phần mình, EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại ngày càng tăng về các vấn đề quyền tự do công dân và nhân quyền, và đặc biệt việc Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục đàn áp người Kurd.

Những điểm sáng không phải là không có: quá trình gia nhập EU lại có tiến triển, và chủ nghĩa thực dụng ngày càng thể hiện mạnh mẽ ở tất cả các bên trong cuộc xung đột đảo Síp, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, mang lại tín hiệu tốt cho một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, niềm hy vọng của tổng thống Erdogan đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU trước năm 2023, khi đất nước này kỷ niệm 100 năm nền cộng hòa, dường như xa vời hơn bao giờ hết.

Nhưng chính tại Trung Đông, và đặc biệt là cuộc nội chiến ở Syria, là nơi mà vấn đề trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi ngờ nhiều nhất. Thay vì là một người bạn và cố vấn sắc sảo cho các nước láng giềng lâm nạn, Thổ Nhĩ Kỳ lại quá ngây thơ, quá nuông chiều và quá ương ngạnh, và cũng không có nhận thức đầy đủ về sự phức tạp của khu vực đến mức chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Một quan chức của Liên Hợp Quốc phụ trách về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thất vọng nói: “Thành thật mà nói, tôi không biết họ đang cố gắng để đạt được điều gì”.

Đó một phần có thể là vì sự lãnh đạm. Từ sau thất bại của đế chế Ottoman ở Trung Đông vào năm 1918 tới khi tổng thống Erdogan lên nắm quyền, người Thổ Nhĩ Kỳ hầu như thờ ơ với khu vực này. Khi Mùa xuân Ả Rập bùng nổ năm 2011, chính phủ đã chọn cách đánh giá các sự kiện thông qua lăng kính của lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ: người dân thực sự, nghĩa là người Sunni ngoan đạo thuộc tầng lớp lao động Hồi giáo, cuối cùng cũng gạt bỏ giới tinh hoa quân sự phương Tây hóa của họ. Đảng AK nồng nhiệt đón nhận lực lượng Hồi giáo mới trỗi dậy của khu vực và bỗng dưng phớt lờ các nhà độc tài mà đảng này mới gần đây còn ve vãn làm khách hàng cho hàng hóa của Thổ.

Tại Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ các đảng Sunni trong các cuộc biểu tình chống tình trạng phân biệt đối xử của chính phủ do người Shia chiếm đa số kiểm soát, để rồi sững sờ khi Nhà nước Hồi giáo lợi dụng những bất bình của người Sunni để thiết lập nên một nhà nước caliphate. Tại Ai Cập, theo lời những người Thổ Nhĩ Kỳ thạo tin, người của Erdogan đã khuyên Đảng Huynh đệ Hồi giáo trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của họ học hỏi các chiến thuật của AK như chỉ bổ nhiệm những người trung thành với Đảng tại tòa án tối cao. Chính quyền quân sự đương nhiệm của Ai Cập vì vậy có thái độ vô cùng thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở Syria, tổng thống Erdogan, người vừa cách đây không lâu đã trải qua kỳ nghỉ trên bãi biển với gia đình tổng thống Assad tại một khu nghỉ mát Thổ Nhĩ Kỳ, lại hậu thuẫn hoàn toàn cho cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Syria này. Giống như nhiều cơ quan tình báo phương Tây, chính cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng quả quyết rằng người Sunni chiếm đa số 70% trong nước sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế, qua đó đánh giá thấp sự bền bỉ và tàn bạo của một chế độ dân tộc thiểu số đang lâm vào bước đường cùng. Một nhà báo có quan điểm mang tính phê phán đã nói: “Chúng ta đang suy nghĩ điều gì vậy? Chúng ta không phải là một quốc gia  mukhabarat” (nghĩa là “cảnh sát mật” trong tiếng Ả-rập). Vậy mà chúng ta đang tiến vào một nơi có một gã mukhabarat vô nhân tính nhất trên hành tinh (chỉ Assad), do hai siêu cường mukhabarat là Iran và Nga hậu thuẫn.”

Nhờ có hai triệu người tị nạn

Đúng như những lời khen ngợi, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp nơi trú ẩn cho người tị nạn trốn khỏi cuộc nội chiến Syria. Một nhà ngoại giao tại Ankara nói: “Ở châu Âu, người ta không hề hay biết người Thổ Nhĩ Kỳ đã hào phóng như thế nào”. Quả thực, trên 2 triệu người Syria đã lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền nước này có lẽ đã dành 10 tỷ đô la xây dựng các trại sạch sẽ và cung cấp trường học, y tế và thực phẩm miễn phí. Phần lớn những người tị nạn Syria sống bên ngoài trại vẫn nhận được phúc lợi tương tự và có thể tự do di chuyển trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhạy cảm về việc bảo vệ chủ quyền của mình. Các cơ quan nước ngoài cho biết tiền của họ được hoan nghênh, nhưng các chương trình và sự giám sát của họ thì không. Liên Hiệp Quốc cũng không được phép đăng ký hoặc xử lý hồ sơ tị nạn, du khách không được tiếp cận các trại tị nạn, kể cả thành viên quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù người Syria biết ơn sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hầu như không ai muốn sống nhờ vào những khoản ban ơn đó. Là “khách” trên đất Thổ, họ không được phép lao động, mặc dù trong quy định mới được đưa ra trong tháng 1, họ giờ đây có thể xin giấy phép lao động sau 6 tháng.

Đáng lo ngại nhất là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến của chính nước này. Sau khi quay lưng với chế độ Assad tàn bạo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự lún sâu hơn bao giờ hết vào đầm lầy Syria bằng việc hỗ trợ phe nổi dậy cùng các đồng minh phương Tây và Ả Rập. Bất chấp sự phớt lờ của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi thiết lập một khu vực để bảo vệ thường dân tại chính Syria. Nhưng các nhà quan sát phương Tây cho biết viện trợ quân sự bí mật của Thổ đã được phát cho các băng nhóm từ lâu, và mức độ của nó không bao giờ đủ để đảo ngược tình thế (nên càng làm cho chiến sự dai dẳng hơn).

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ủng hộ những thỉnh cầu ngoại giao bằng những đề nghị hay hành động quả quyết. Cho dù là thành viên của NATO, và trước sự tàn bạo rõ rệt của Nhà nước Hồi giáo, đất nước này đã không để cho liên quân chống IS do Mỹ cầm đầu sử dụng căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc thậm chí không phận của mình, cho đến khoảng 9 tháng sau khi cuộc không kích chống IS bắt đầu tháng 9/2014. Kể từ đó vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh chủ yếu không phải đánh bom IS mà là đánh bom phiến quân người Kurd thuộc Đảng PKK.

Quyền lực của các cơ quan an ninh Thổ có lẽ đã bị hạn chế ở nước này, nhưng sự ám ảnh quá mức rằng người Kurd là mối đe dọa nổi bật của đất nước này đã lan truyền rộng rãi ra bên ngoài. Điều này càng khiến Thổ mắc kẹt vào cả Iraq và Syria, nơi người Kurd thiểu số đã hình thành một vùng đất dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng lo ngại hơn cả với Thổ Nhĩ Kỳ là phương Tây đã ca ngợi người Kurd như là lực lượng chống IS hiệu quả nhất trên thực địa.

Trước khi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ được áp đặt vào năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép quá cảnh gần như bất cứ ai trên đường tới hoặc từ cuộc chiến ở Syria về. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hàng trăm nghi phạm Hồi giáo cực đoan bị cảnh sát giam giữ đã được thả sau các cuộc điều tra chóng vánh. Trong khi đó, chính phủ vội vàng khép tội khủng bố đối với cảnh sát và các nhà báo phơi bày việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria. Mãi cho tới gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hủy hợp tác an ninh với Pháp do phẫn nộ về những phát biểu của Pháp về sự kiện người Thổ diệt chủng người Armenia.

Kể từ sau vụ đánh bom ở Ankara, và nhất là kể từ khi một phần tử IS đánh bom tự sát giết chết 10 khách du lịch tại Istanbul vào ngày 12/01, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xem xét nghiêm túc những mối đe dọa trong nước từ các phần tử IS cực đoan. Sửng sốt bởi sự can thiệp mạnh mẽ của Nga tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu đánh giá lại mối quan hệ với Kremlin. Vào cuối tháng 11, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đi lạc vào không phận của nước này, gây ra một làn sóng phẫn nộ từ Nga. Bất chấp các mối đe dọa trừng phạt và sự gia tăng đột biến của các cuộc không kích của Nga chống lại phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vững lập trường.

Ở phía xa hơn, Thổ Nhĩ Kỳ đã lặng lẽ xoa dịu căng thẳng với Israel, tránh những phản ứng hung hăng đối với cuộc tấn công của Israel vào một tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới dải Gaza năm 2010. Chính phủ Erdogan cũng tỏ ra thực tâm muốn chương trình đàm phán EU trở lại bình thường. Thay vì hậu thuẫn Ả Rập Saudi, cũng là một cường quốc Sunni trong cuộc đấu tranh chống lại Iran của người Shia, Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ mối quan hệ thân thiện với cả hai bên. Có lẽ trong các vấn đề đối ngoại, ít nhất Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cân bằng sức mạnh với trách nhiệm.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]