Nguồn: “Will Australia’s election make any difference to its foreign policy?” East Asia Forum, 13/06/2016.
Biên dịch: Thái Khánh Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Quan niệm truyền thống về lựa chọn chính sách đối ngoại cho rằng nó đã nằm trong ADN của các quốc gia – dân tộc, phụ thuộc vào vị trí của quốc gia đó trong cộng đồng quốc tế và những toan tính về lợi ích của nó trong các vấn đề quốc tế.
Theo quan niệm này thì sự thay đổi quyền lãnh đạo từ Đảng Dân chủ Nhật Bản sang Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhật Bản chỉ là sự chuyển tiếp bên ngoài hơn là thay đổi về bản chất của chính sách đối ngoại. Nếu Abe mơ về một nước Nhật từng là một cường quốc với chính sách đối ngoại độc lập hơn, thì thực tế sẽ hạn chế tham vọng của ông để phù hợp với tầm vóc nước Nhật – dù đó là tham vọng về phá vỡ những hạn chế trong khuôn khổ liên minh an ninh với Mỹ, tham vọng dành cho những đạo luật an ninh mới, về việc thay đổi điều khoản hòa bình trong hiến pháp và về làm thế nào để cứng rắn hơn với Trung Quốc. Những gì ông đã thay đổi chỉ là những điều chỉnh theo một xu hướng rõ ràng. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản vẫn được duy trì ổn định trong một thời gian dài.
Một số người cũng hy vọng là điều tương tự cũng xảy ra với Hoa Kỳ nếu Donald Trump giành được chức tổng thống Mỹ, nhưng họ có thể đã quá lạc quan.
Nhưng có những quan niệm khác về lựa chọn chính sách đối ngoại, đặc biệt là khi các cấu trúc cơ bản của lợi ích quốc gia cũng đang trải qua những thay đổi lớn và đang đứng trước nhiều lựa chọn.
Vậy khả năng kì bầu cử sắp tới của Australia sẽ tạo ra sự khác biệt trong chính sách đối ngoại là bao nhiêu?
Không nhiều, theo ông Russell Trood, cựu Thượng nghị sĩ của Đảng cầm quyền, giờ là Giáo sư đại học và là tác giả của tiểu luận đề dẫn tuần này.
Không phải là ông Trood tin tưởng Đảng cầm quyền sẽ được bầu lại và do đó tiếp tục chính sách đối ngoại sẵn có. Mà đó là do cả hai phe đối lập chính trị tại Úc đều cùng phản ánh cơ cấu lợi ích của Úc trong vấn đề đối ngoại và sử dụng cùng một lý thuyết về chính sách đối ngoại. Ông Trood thừa nhận, dù kết quả của cuộc bầu cử không đảm bảo tính liên tục của chính sách đối ngoại, nó sẽ không ‘cung cấp nhiều chỉ dẫn về định hướng tương lai”. Ông cho rằng có một sự đồng thuận cao trong giới tinh hoa chính trị chính thống của Úc về những ưu tiên chính sách đối ngoại. Chúng bao gồm việc duy trì và tăng cường quan hệ an ninh của Australia với Hoa Kỳ, tích cực hội nhập với khu vực châu Á bao gồm cả tăng cường với Ấn Độ, chống lại chủ nghĩa khủng bố cực đoan và bảo vệ an ninh quốc gia.
Lãnh đạo đối lập Bill Shorten và các đồng nghiệp của ông đã không làm gì nhiều “để cải tiến nghị trình đối ngoại này mà chấp nhận đối phó với các vấn đề quốc tế [mới] khi chúng xuất hiện”. Bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ đối lập Tanya Plibersek đã giữ đúng kịch bản này, chỉ khác một chút là bà cam kết nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới biển do nó đã ‘đầu độc quan hệ’ với Đông Timor.
Đảng Lao động đối lập chia sẻ tham vọng của chính phủ của Thủ tướng Turnbull là hội nhập sâu hơn với hệ thống toàn cầu. Sách trắng Quốc phòng của chính phủ Turnbull, trong đó ưu tiên làm việc với tất cả các nước để “xây dựng trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ’, đã nhận được sự ủng hộ của Đảng Lao động.
Một cách giải thích cho sự trùng hợp quan điểm của cả hai đảng này là do Đảng Lao động đối lập chỉ thiệt chứ không được lợi gì nếu thách thức các nguyên lý chính thống trong kỳ bầu cử. Sự thật thì khắc nghiệt hơn: Đảng Lao động Úc ít có khả năng có một chính sách đối ngoại sáng tạo đại diện cho sắc thái lợi ích quốc gia của Úc xung quanh liên minh Mỹ cũng như các lợi ích khu vực và toàn cầu khác so với một chính phủ Turnbull tái đắc cử. Thủ tướng Turnbull có kiến thức sâu sắc về các vấn đề đối ngoại và ít bị hạn chế bởi nhóm bảo thủ trong đảng của ông trong lĩnh vực này so với các vấn đề trong nước. Tư duy của lãnh đạo Đảng Lao động Shorten (nếu không phải của tất cả những người xung quanh ông, bao gồm cả những tài năng trẻ của đảng) đều bị chi phối bởi tư duy đối ngoại ‘chính thống’ và khó có khả năng đưa đến đổi mới chính sách đối ngoại cho đến khi có sự thay đổi thể chế sâu sắc và có lẽ là cả thay đổi thế hệ.
Tài sản chính sách ngoại giao của Australia là sự sáng tạo và khả năng là một tác nhân thay đổi khi giải quyết các vấn đề.
Vậy những vấn đề đang có trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại trước mắt của Úc là gì?
Một vấn đề bức xúc, ông Trood nói, là hàn gắn lại với Nhật Bản sau khi Úc không trao hợp đồng phát triển và sản xuất các tàu ngầm thông thường thế hệ mới cho các nhà thầu Nhật Bản. Đây có thể là một vấn đề nhỏ hơn những gì mọi người thường nghĩ. Việc Nhật Bản không thắng thầu lần này không thể thay đổi chương trình tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước. Vụ việc này, như được nhận thức rộng rãi ở Nhật Bản, có thể đã làm giảm uy tín an ninh của ông Abe, nhưng không làm hỏng mối quan hệ Úc-Nhật Bản. Những người có suy nghĩ khác ở Úc đều là những người có liên kết chặt chẽ với người tiền nhiệm của ông Turnbull, cựu Thủ tướng Tony Abbott, người đã hứa hẹn với ông Abe về hợp đồng này trước khi chấp nhận rằng phải có một quá trình đấu thầu cạnh tranh thích hợp. Vẫn phải có những hoạt động ngoại giao tích cực để giữ gìn quan hệ chính trị, nhưng vụ tàu ngầm đã không thay đổi một mảy may nào cấu trúc lợi ích của Úc.
Mối quan ngại trong khu vực về những tác động gây mất ổn định của Trung Quốc về yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trood lưu ý là Canberra “lo ngại bị lôi kéo vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh và cần đưa ra một chính sách cân bằng – đặc biệt là với Hoa Kỳ – nước đang bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia của chính mình’. Và dù phe nào thắng trong cuộc bầu cử Úc cũng phải đối phó với hậu quả của quyết định đóng cửa Trung tâm tị nạn đảo Manus của Tòa án tối cao Papua New Guinea (PNG). Quyết định này đã phá hỏng kế hoạch gây tranh cãi và được tính toán kỹ lưỡng của chính quyền Canberra nhằm (làm nhụt ý chí và) ngăn chặn những người tị nạn và những kẻ buôn người tìm đến thiên đường ở Úc’. Trớ trêu thay, đối phó với việc đàn áp các cuộc biểu tình gần đây chống lại Thủ tướng O’Neill có thể dễ dàng hơn vì vấn đề đảo Manus đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Úc với chính quyền Port Moresby. Tất nhiên, Đảng Lao động bị ảnh hưởng chính trị bởi chính sách tị nạn hơn bất cứ vấn đề chính sách đối ngoại nào khác, và nếu đảng này giành lại quyền lực, nó sẽ phải làm việc cật lực để hàn gắn sự khác biệt trong đảng và đồng thời duy trì uy tín cầm quyền dù có hoặc không có sự giúp đỡ của PNG.
Trong khi ít có khả năng có các sáng kiến mới về chính sách đối ngoại trong tất cả những lĩnh vực này, ông Turnbull đã có lập trường rõ hơn trong tuyên bố của mình về vấn đề khu vực và một chính phủ Turnbull mới có vẻ có nhiều khả năng đối phó với các vấn đề này hơn là đối thủ của mình. Trong trung hạn, một chính phủ Đảng Lao động sẽ có nhiều không gian hơn cho các sáng kiến mới.
Khu vực đang thiếu một quốc gia lãnh đạo để hoàn thành cuộc cải cách toàn diện vốn đặc biệt quan trọng với tăng trưởng dựa vào bên cung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn. Hợp tác khu vực ngoài TPP (Hiệp định trong đó có chưa tới một phần ba các quốc gia châu Á tham gia) nhằm hình thành một Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ giải quyết các mục tiêu kinh tế cũng như chính trị trong khu vực. Trong khi chính phủ Úc chỉ là một trong số mười sáu nước muốn thành lập RCEP, sự tham gia năng động và thông minh vào quá trình này của Úc chắc chắn sẽ rất hữu ích.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]