Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ khó tử hình binh sĩ đảo chính?

Print Friendly, PDF & Email

turkcoup

Tác giả: Nguyễn Thành Lĩnh

Từ một vụ án tại Việt Nam

Năm 2011, một vụ án đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam, được rùng mình nhớ đến như là vụ án dã man nhất do người chưa thành niên gây ra: Vụ án Lê Văn Luyện.  Với tính chất dã man của vụ án, rõ ràng án tử hình là điều mà dư luận mong muốn. Nhưng cuối cùng, Luyện chỉ nhận án 18 năm tù, mặc cho bản thân phạm tới 3 tội: Giết người, cướp tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Dù là vụ án xảy ra khi mạng xã hội bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ở Việt Nam, nhưng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng mạng, bất chấp dư luận xã hội yêu cầu sự trừng trị hà khắc hơn cho Luyện, mức án 18 năm tù vẫn được giữ nguyên.

Dư luận yêu cầu sửa luật để tử hình Luyện, nhưng may mắn thay may thay điều đó đã không xảy ra, và chắc chắn sẽ không xảy ra trong tương lai. Nếu điều xui rủi ấy xảy ra, đó sẽ là một sự vi phạm nhân quyền không thể tha thứ.

Đến nguyên tắc bất hồi tố – bức tường cản những đám đông độc tài và những nhà nước lạm quyền

Về mặt tư duy lập pháp, nguyên tắc bất hồi tố được hiểu là nhà nước không có quyền ban hành mới nhằm trừng trị nặng thêm các tội phạm đã xảy ra trước đó. Nghĩa là nhà nước Việt Nam không được ban hành luật mới để nâng án của Lê Văn Luyện từ 18 năm tù thành tử hình; hoặc nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ không được sửa luật để tử hình các sĩ quan âm mưu đảo chính. Bởi lẽ, khi diễn ra đảo chính thì hành vi này không đối mặt với mức án tử hình.

Xuất hiện thành văn lần đầu tiên trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789, đến nay nguyên tắc bất hồi tố đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của luật hình sự, được ghi nhận trong nhiều Công ước quốc tế về nhân quyền, dân quyền.

Do đó, vi phạm nguyên tắc này rõ ràng là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Thổ Nhĩ Kỳ và án tử hình sau vụ đảo chính hôm 15/7/2016

Kể từ những năm 1980, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã không tử hình ai. Và đến năm 2004, trong tiến trình gia nhập EU, nước này đã bãi bỏ án tử hình trong luật. Như vậy, hành vi đảo chính của các sĩ quan và binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 là không thể bị tử hình theo qui định của pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó.

Điều này dẫn tới một hệ quả là nếu muốn tử hình họ, nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cần sửa luật để khôi phục án tử hình. Tuy nhiên, điều này là vi phạm nguyên tắc bất hồi tố đã nêu. Bởi lẽ nhà nước không thể ban hành luật mới chỉ vì muốn nặng hơn các tội phạm đã xảy ra.

Nếu ban hành luật mới và sau đó tử hình các sĩ quan, binh lính tham gia đảo chính, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Điều 11), vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Điều 15), vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền (Điểu 7)…

Với việc vi phạm một loạt các văn bản pháp lý quốc tế như thế, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đánh đổi rất nhiều chỉ vì muốn tử hình một vài người, hoặc một vài ngàn người.

Nhưng xét cho cùng thì kẻ thắng là kẻ mạnh. Nếu sau khi sửa luật rồi tử hình các cá nhân có liên quan, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ và mang lại lợi ích cho các quốc gia lớn, thì có lẽ sự vi phạm nhân quyền, và cái chết của vài ngàn người sẽ dần rơi vào quên lãng.

Nguyễn Thành Lĩnh, cử nhân luật học, hiện đang công tác tại tỉnh Ninh Thuận.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]