Kissinger: Một góc nhìn từ Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

henry-kissinger-and-le-duc-tho

Nguồn: Viet Thanh Nguyen, “Kissinger: The View From Vietnam,” The Atlantic, November 27, 2016.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Một trong những khoảnh khắc mang nhiều ý nghĩa quan trọng hơn của mùa chính trị này đã diễn ra vào ngày 11 tháng 2, trong một cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ giữa Bernie Sanders và Hillary Clinton. Đáng ngạc nhiên là nó liên quan đến Henry Kissinger. Clinton không hề giấu giếm sự thân thiện của mình với Kissinger – một việc khiến Sanders thấy khó chịu, nói một cách nhẹ nhàng nhất. “Tôi tự hào mà nói rằng Henry Kissinger không phải là bạn tôi. Hãy xếp tôi vào nhóm những người sẽ không lắng nghe Henry Kissinger,” Sanders nói.

Sanders vô cùng quen thuộc với lịch sử gây tranh cãi từ lâu của Kissinger. Giữa những điều gây tranh cãi ấy là vai trò quan trọng của ông trong vụ ném bom bất hợp pháp vào Campuchia. Từ năm 1969 đến năm 1973, Mỹ đã thả 540.000 tấn bom xuống đất nước này, sát hại từ 150.000 đến 500.000 người Campuchia ở bất cứ đâu. Mục đích, theo Nixon và Kissinger, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia và, trong một thời gian, cũng là ngoại trưởng của Nixon, là để ngăn chặn đường di chuyển của quân đội Bắc Việt qua Campuchia. Với Sanders, chính sách này và các chính sách tương tự đã khiến Kissinger trở thành “một trong những ngoại trưởng gây nhiều thiệt hại nhất.” Đáp lời Sanders, Clinton bảo vệ người đôi khi là thầy của mình. “Đây là một thế giới phức tạp và rộng lớn,” bà nói, lấy việc mở cửa với Trung Quốc của Kissinger làm một ví dụ về cách quản lý ngoại giao của ông.

Trong khoảnh khắc ấy, Clinton đã mất đi lá phiếu của tôi. Không chỉ vì lập trường của bà về Kissinger, mà còn vì lập trường ấy quá phù hợp với quan điểm được chia sẻ rộng rãi của bà về chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. “Nước Mỹ vĩ đại vì nước Mỹ tốt,” bà nói tại Hội nghị Toàn quốc Đảng Dân chủ, tóm tắt một sự đồng thuận lưỡng đảng vốn mạnh mẽ ở Washington và trên cả nước. Là một người tị nạn từ Việt Nam, một đất nước mà Mỹ từng ném bom, đặt mìn, và rải chất độc da cam trong nhiều năm, tôi có những nghi ngờ về cái tốt cốt lõi của Mỹ.

Tôi đến Mỹ với tư cách một người tị nạn từ Việt Nam vào năm 1975, di tản khỏi sự kiểm soát đất nước của các lực lượng cộng sản. Quay cuồng trong thất bại, người Mỹ xoa dịu lương tâm tội lỗi của mình bằng cách đón người Việt Nam tị nạn. Việc giải cứu những người tị nạn ấy khẳng định sự cao quý về bản chất của tính cách Mỹ. Nhưng, như người kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của tôi, tôi là “một trong những trường hợp không may ấy, những người không thể không tự hỏi việc tôi cần sự cứu trợ của Mỹ có phải vì trước hết tôi là người nhận viện trợ của Mỹ hay không.” Mỹ lấy cớ tiến hành các chiến dịch ném bom ở Việt Nam, Campuchia, và Lào, với mục đích giúp đỡ các nước khác, bảo vệ họ dưới danh nghĩa tự do và dân chủ. Nhưng tôi thấy lo lắng bất cứ khi nào các chính trị gia và các công dân đứng đắn sử dụng những từ ngữ cao thượng, cao cả như thế. Trong lời nói của họ, tôi có thể nghe tiếng động cơ B-52 bắt đầu gầm.

Như Kissinger kể lại một cách sống động trong cuộc phỏng vấn với Jeffrey Goldberg, thời gian ông ở Washington đã biến nước Mỹ thành một cường quốc toàn cầu, cho phép nó hoạt động vì những gì mà ông cảm thấy là những lợi ích tốt nhất của cả thế giới lẫn đất nước. “Việc Mỹ khôi phục một quan điểm chiến lược toàn cầu là một yếu tố vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của chúng ta,” Kissinger nói. Suy cho cùng, pax Americana [nền hòa bình Mỹ] của ông được duy trì thông qua việc sử dụng chiến lược vũ lực và chính trị thực dụng. Người dân của các nước ngoài có thể phải trả giá cho tầm nhìn của ông không được tính là một yếu tố trong thế giới quan của ông. Sau ngần ấy năm, khả năng Kissinger có thể đã mắc sai lầm trong thời gian ấy, hoặc trung thành với những liên minh và chính sách dẫn đến hàng ngàn cái chết trên thế giới, dường như không làm ông bận tâm. Thiếu vắng tương tự là bất cứ cân nhắc nào về những con đường thay thế có thể đã tránh được những cái chết ấy.

Một trong những điều trớ trêu đau buồn nhất trong lịch sử của riêng tôi là có thể Mỹ đã đạt được những mục tiêu của mình ở Đông Nam Á mà không bao giờ cần đến chiến tranh. Chủ nghĩa tư bản đã thắng thế ở Việt Nam ngày nay, bất chấp chế độ cầm quyền lâu năm của Đảng Cộng sản. Sao cần biến Đông Dương cũ thành sân khấu trực tiếp của Chiến tranh Lạnh, một sân khấu dẫn đến hàng triệu cái chết ở Đông Nam Á? Ở đây tôi tính đến cả cái chết của người Campuchia dưới thời Khmer Đỏ, chế độ mà một số sử gia lập luận là lên nắm quyền nhờ những hệ quả gây mất ổn định của cuộc ném bom rải thảm của Mỹ vốn được Kissinger ủng hộ lên đất nước này.

Một nhà hiện thực chủ nghĩa có thể sẽ bỏ qua lợi ích của việc xem xét một lịch sử khác cho Đông Nam Á, một lịch sử nơi đàm phán, đầu tư tài chính và cơ sở hạ tầng, viện trợ con người, và những nỗ lực hướng tới giải pháp hòa bình và hợp tác có thể dẫn đến một kết cục khác. Dù chúng ta không thể thay đổi quá khứ, hình dung ra những khả năng khác – một điều mà Clinton và giai cấp của bà có vẻ không muốn làm – là cách duy nhất để tìm một con đường khác cho tương lai. Kissinger có vẻ không quan tâm đến việc nhìn lại có chủ đích như vậy, mà chỉ đơn thuần muốn chấp nhận thế giới tàn bạo như vốn thế.

Để hiểu sự nhượng bộ của Kissinger trước sự tàn bạo, hãy xem xét lý giải mà ông đưa ra về việc ném bom Campuchia trong bài phỏng vấn của Goldberg. Chiến dịch được thực hiện, ông nói, để ngăn chặn Bắc Việt khai thác đất nước này. Việc Bắc Việt vi phạm trái phép chủ quyền của Campuchia [theo quan điểm của Mỹ] không thể biện minh cho một cuộc ném bom bất hợp pháp của Mỹ. Điều mà quan điểm của Kissinger tiết lộ là một niềm tin rằng pháp quyền được quyết định bởi sự thống trị của quyền lực. Nhà nước quyền lực nhất – nhà nước có năng lực gây bạo lực nhất – sẽ quyết định điều gì là hợp pháp.

Sự ủng hộ dành cho Kissinger của Gerald Ford, Ronald Reagan, và, cuối cùng, của Clinton, đã bình thường hóa ông, khiến những quan điểm của ông trở thành một phần trung tâm trong nền quản trị Mỹ bằng cách mô tả ông như một nguồn phúc âm chính thống – một phúc âm rao giảng giá trị của con người Mỹ và chấp nhận việc ngẫu nhiên hủy diệt những dân tộc và địa điểm khác là cần thiết. Sự bình thường hóa kiểu này, cũng được duy trì bởi các nhân vật trên truyền thông, các chuyên gia chính sách, và các học giả, là rất nguy hiểm. Nó biến cái đáng lên án thành cái chấp nhận được. Donald Trump đang cố gắng tạo ra một sự chuyển dịch như vậy; không có gì đảm bảo ông sẽ thất bại. Kissinger đưa ra một bài học về cách đạt được thành công, bằng cách không bao giờ chối bỏ và không bao giờ xin lỗi, và bằng cách không ngừng thuyết phục người khác về tính chính danh của nền ngoại giao của ông.

Trong khi tôi phản đối những quyết định của Kissinger từ một quan điểm đạo đức, chúng cũng nguy hiểm về mặt chiến lược, đặc biệt là khi gắn với tự sự “nước Mỹ vĩ đại, vì nó tốt” vốn thường xuyên được người Mỹ tán thành. Họ khó mà hiểu được tại sao người khác có thể phẫn nộ vì bị ném bom, vì suy cho cùng, điều đó là vì lợi ích của chính họ, cứu họ khỏi bất cứ mối nguy hiểm nào mà Washington tin là đe dọa đến đất nước họ. Rồi khi phải chịu hệ quả, người Mỹ lại không thể hiểu tại sao người ta có thể đáp trả những thiện ý của họ bằng các cuộc tấn công chết người. Và quan điểm của Kissinger – rằng vũ lực phải được đáp trả bằng vũ lực lớn hơn – được chính danh hóa, rồi được duy trì.

Là một người Mỹ và một người tị nạn, tôi nhìn thế giới cả từ góc nhìn từ trên không của máy bay không người lái Mỹ lẫn từ góc nhìn của những người ở dưới đất, nhìn lên những máy bay ném bom Mỹ. Cảm giác bất an này cho phép tôi thông cảm với Kissinger ngay cả khi tôi không thể chấp nhận triết lý của ông là bình thường, hoặc tất yếu. Ông có vẻ thông cảm với kẻ quyền lực mà không thông cảm với kẻ không quyền lực. Bằng cách này, ông thể hiện khá tốt những bản năng của nhiều người Mỹ, cũng như của nhiều người khác trên toàn thế giới.

Viet Thanh Nguyen là tác giả của The Sympathizer, cuốn tiểu thuyết được trao giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2015, và Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War

Một bản của bản dịch này được đăng lần đầu trên Facebook Page của tác giả.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]