15/01/1970: Qaddafi trở thành Thủ tướng Libya

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Qaddafi becomes premier of Libya, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1970, Muammar al-Qaddafi, vị đại tá trẻ tuổi, đồng thời là lãnh đạo cuộc lật đổ vua Idris hồi tháng 09/1969, đã được Đại Hội Đồng Nhân Dân (General People’s Congress) tuyên bố là người đứng đầu Libya.

Sinh ra trong một túp lều ở vùng sa mạc Libya, Qaddafi là con trai của một người du mục. Ông theo học tại một học viện quân sự ở Libya, và sau đó được thăng chức nhanh chóng trong quân đội. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc Ả Rập nhiệt thành, Qaddafi cùng một nhóm sĩ quan âm mưu lật đổ chế độ quân chủ Libya. Họ đã thành công vào ngày 01/09/1969.

Qaddafi đã lập nên một chế độ độc tài chống phương Tây, pha trộn giữa Hồi giáo chính thống, cách mạng xã hội chủ nghĩa, và chủ nghĩa dân tộc Ả Rập. Năm 1970, ông đã giải thể các căn cứ quân sự của Mỹ và Anh trên đất Libya, trục xuất những người Libya gốc Ý và gốc Do Thái.

Năm 1973, ông quốc hữu hóa các mỏ dầu thuộc sở hữu nước ngoài. Qaddafi cũng khôi phục một số luật Hồi giáo truyền thống, chẳng hạn như việc cấm các loại đồ uống có cồn và cấm đánh bạc. Ông còn tiến hành “giải phóng” phụ nữ và thực hiện các chương trình xã hội để cải thiện mức sống ở Libya.

Trong một tham vọng đoàn kết thế giới Ả Rập, Qaddafi đã luôn cố gắng để thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng Ả Rập của mình, đặc biệt là Ai Cập. Tuy nhiên, khi Ai Cập và các quốc gia Ả Rập khác bắt đầu một tiến trình hòa bình với Israel, Libya ngày càng bị cô lập.

Chính quyền Qaddafi đã tài trợ cho một loạt các nhóm khủng bố trên toàn thế giới, từ quân du kích Palestine, phiến quân Hồi giáo Philippines cho đến Quân đội Cộng hòa Ireland. Trong thập niên 1980, phương Tây đổ lỗi cho Qaddafi là người đứng sau các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu. Tháng 04/1986, máy bay chiến đấu Mỹ đánh bom Tripoli nhằm trả thù vụ đánh bom một vũ trường ở Tây Đức. Qaddafi đã bị thương, còn đứa con gái sơ sinh của ông thì thiệt mạng.

Cuối những năm 1990, Qaddafi đã tìm cách đưa Libya ra khỏi sự cô lập quốc tế kéo dài, bằng cách giao cho phương Tây hai kẻ tình nghi trong vụ đánh bom máy bay ở Lockerbie, Scotland (1988.) Đáp lại, châu Âu đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Libya. Sau nhiều năm bị chối bỏ trong thế giới Ả Rập, Qaddafi chuyển sang tìm cách phát triển quan hệ với các nước châu Phi phi Hồi giáo như Nam Phi, chuyển đổi bản thân mình thành “một chính khách lão làng người châu Phi.”

Qaddafi đã khiến thế giới vô cùng ngạc nhiên khi trở thành một trong những lãnh đạo nhà nước Hồi giáo đầu tiên lên tiếng tố cáo al-Qaeda sau vụ tấn công 11/09/2001. Một năm sau, ông đưa ra lời xin lỗi công khai về vụ đánh bom Lockerbie và cũng đồng ý trả gần 3 tỉ USD tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Năm 2003, ông được chính quyền George W. Bush ủng hộ khi thừa nhận sự tồn tại của một chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Libya, nhưng ông sẽ cho phép một cơ quan quốc tế đến kiểm tra và giải trừ vũ khí. Dù một số người trong chính phủ Mỹ cho rằng đây là một hệ quả trực tiếp và tích cực của cuộc chiến đang diễn ra tại Iraq, những người khác lại tin rằng Qaddafi thực ra đã có nhiều đề nghị tương tự như vậy kể từ năm 1999, nhưng đơn giản là ông bị làm ngơ.

Năm 2004, Thủ tướng Anh Tony Blair đến thăm Libya – trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây đầu tiên làm như vậy trong thời gian đó. Trong chuyến thăm, Blair đã ca ngợi Libya như một đồng minh mạnh mẽ trong cuộc chiến quốc tế chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Tháng 02/2011, khi tình trạng bất ổn lan truyền khắp thế giới Ả Rập, nhiều cuộc biểu tình chính trị chống lại chế độ Qaddafi đã gây ra một cuộc nội chiến giữa phe cách mạng và phe trung thành với chính phủ. Sang tháng 03, dưới sự bảo trợ của một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một liên minh quốc tế đã bắt đầu tiến hành các cuộc không kích chống lại đồn lũy của Qaddafi. Ngày 20/10, chính phủ lâm thời Libya thông báo rằng Qaddafi đã chết sau khi bị bắt ở gần Sirte, thành phố quê nhà của ông.