Nguồn: The Red Army invades Karelian Isthmus in Finland, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1944, Liên Xô đã tiến vào Đông Karelia ở Phần Lan, khi họ chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát phần lãnh thổ vốn đã được nhượng lại cho mình.
Theo các điều khoản của Hiệp ước Moskva năm 1940, Phần Lan đã buộc phải nhượng lại một phần lãnh thổ phía đông nam, bao gồm eo đất Karelia, cho Liên Xô – những người đang mong muốn tạo ra một vùng đệm cho Leningrad. Để bảo vệ mình trước lại sự xâm lấn của Liên Xô, Phần Lan đã cho phép Đức hành quân qua nước mình để tiến về hướng Đông, sang Liên Xô, mặc dù trên thực tế Phần Lan không có liên minh chính thức với Phe Trục.
Cảm thấy bạo dạn hơn nhờ những thiệt hại mà Đức gây ra cho Liên Xô, Phần Lan đã theo đuổi “Chiến tranh Tiếp diễn” (War of Continuation) và giành lại phần lớn lãnh thổ mà họ đã nhượng cho Moskva trong Hiệp ước năm 1940.
Nhưng khi Đức liên tiếp thất bại, còn Đồng Minh thì tiếp tục ném bom Balkans, dùng Liên Xô như là một phần trong chiến lược “ném bom con thoi” của họ, Phần Lan đã bắt đầu hoảng sợ và xúc tiến ký kết lệnh ngừng bắn với Stalin. Đến ngày 09/06, Hồng Quân một lần nữa có mặt ở Đông Karelia, và Stalin đã không còn tâm trạng muốn thương lượng, ông yêu cầu ít nhất phải có một hành động “đầu hàng” mang tính biểu tượng của Phần Lan.
Phần Lan đã quay lưng lại với “người bạn” Đức, những người hứa sẽ tiếp tục ủng hộ họ. Thay đổi trong chính phủ Phần Lan đã dẫn đến thay đổi trong quan điểm của nước này, và cuối cùng Phần Lan đã ký một lệnh ngừng bắn, theo đó cho Stalin những gì ông ta muốn: tất cả các lãnh thổ cũ từ Hiệp ước năm 1940 và đảm bảo rằng quân Đức sẽ rời khỏi đất Phần Lan.
Phần Lan đồng ý, nhưng người Đức đã từ chối rời đi. Những cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra giữa hai gã khổng lồ. Cuối cùng, với thất bại của Phe Trục, Liên Xô đã nhận được những gì họ muốn, không chỉ là lãnh thổ ở Phần Lan, mà còn là khoản đền bù chiến phí 300 triệu USD. Phần Lan từ đó trở nên nổi tiếng vì tính thụ động khi đối mặt với mối đe dọa từ Liên Xô trong thời kỳ hậu chiến.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]