01/09/1970: Dự luật McGovern-Hatfield bị bác bỏ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: McGovern-Hatfield amendment defeated in the Senate, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1970, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ Dự luật McGovern-Hatfield với tỷ lệ phiếu 55-39. Được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ George McGovern từ bang South Dakota và Mark Hatfield từ bang Oregon, dự luật này đặt ra thời hạn để Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Nam Việt Nam là ngày 31/12/1971. Thượng viện cũng đã từ chối, với tỷ lệ phiếu 71-22, một đề nghị cấm Quân đội Mỹ phái thêm lính tới Việt Nam. Dù đã thất bại trong cả hai phương án này, dự luật đã cho thấy cách thức tiến hành chiến tranh của Tổng thống Nixon đang gặp phải sự không hài lòng ngày càng gia tăng.

Cùng ngày, một nhóm 14 Thượng nghị sĩ lưỡng đảng, gồm các lãnh đạo thuộc nhóm đa số lẫn nhóm thiểu số, đã ký một bức thư gửi Tổng thống, yêu cầu ông đưa ra một đề xuất “ngưng bắn tại chỗ” toàn diện tại Nam Việt Nam trong cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra tại Paris. Theo kế hoạch này, quân giải phóng sẽ ngừng chiến đấu tại nơi họ đang có mặt trên chiến trường, đồng thời một thỏa thuận sẽ được dàn xếp trên bàn đàm phán. Cách tiếp cận này đã được thảo luận và bác bỏ trước đó tại Nhà Trắng, nhưng Tổng thống vẫn thấy quan ngại khi các thượng nghị sĩ từ đảng của ông cũng ký tên vào bức thư, nên ông đã phải làm gì đó để dập tắt sự phản đối kịch liệt chống lại cuộc chiến dường như vô tận này.

Chính vì thế, vào ngày 07/10, trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông đã đề xuất cái mà ông gọi là “sáng kiến mới cho hoà bình” – một kế hoạch ngừng bắn để chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam. Mặc dù Nixon không đưa ra bất cứ một nhượng bộ mới nào, bài phát biểu của ông đã được Quốc Hội và báo chí Mỹ đánh giá cao.

Thật không may, Bắc Việt Nam lại từ chối lời đề xuất, nhấn mạnh rằng sẽ không có bất cứ hiệp định ngừng bắn nào cho đến khi chế độ Thiệu đồng ý chấp nhận chính quyền liên minh “ủng hộ hòa bình, độc lập, và dân chủ” ở Sài Gòn. Thiệu đã cứng đầu không chịu tham gia bất cứ chính phủ liên hiệp nào với cộng sản. Các cuộc đàm phán sau đó với Bắc Việt tại Paris tiếp tục rơi vào bế tắc và cuộc chiến cứ thế tiếp diễn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]