Tác giả: Alexander Mikhailovich Orlov | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 01/12/1934, đảng viên trẻ Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Nikolayev bí mật lẻn vào điện Smolny ở Leningrad dùng súng lục bắn chết Sergey Mironovich Kirov, ủy viên Bộ Chính trị, người lãnh đạo Thành ủy thành phố Leningrad. Hung thủ bị bắt ngay tại chỗ. Để điều tra vụ ám sát này, một ban chuyên án do Stalin lãnh đạo lập tức từ Moskva đến Leningrad.
Cho tới nay [1953, khi Orlov xuất bản cuốn The Secret History of Stalin’s Crimes tại New York], chưa bao giờ người ta công bố tình hình chi tiết vụ mưu sát Kirov. Nikolayev là người thế nào? Làm sao hắn ta có thể lẻn vào điện Smolny được canh gác cẩn mật? Làm sao hắn có thể bám sát và tới gần Kirov? Đâu là nguyên nhân khiến Nikolayev tiến hành hoạt động liều chết này – nguyên nhân chính trị hay nguyên nhân cá nhân? Tất cả mọi tình hình của vụ mưu sát này đều bị người ta ém nhẹm một cách thần bí.
Bản tuyên bố đầu tiên của Chính phủ Liên Xô khẳng định kẻ giết Kirov là một kẻ khủng bố Bạch vệ từ Phần Lan, Litva, Ba Lan thâm nhập vào đất Liên Xô. Sau đấy vài hôm, mấy tờ báo Liên Xô lại đưa tin các cơ quan của Bộ Ủy viên Nhân dân Nội vụ [còn gọi Bộ Dân ủy Nội vụ, tiếng Nga Народный комиссариат внутренних дел, viết tắt НКВД, ở đây chúng tôi dùng NKVD] đã bắt được 104 kẻ khủng bố Bạch vệ và đã hành quyết chúng. Rồi các báo chí bắt đầu tiến hành một đợt tuyên truyền rầm rộ chống các tổ chức Bạch vệ “đặt cơ sở tại phương Tây” (trước hết là Hội liên hiệp các binh chủng Nga). Nghe nói, các tổ chức này “đã nhiều lần cho gián điệp vào Liên Xô tiến hành các hoạt động ám sát”.
Tuyên bố nói trên, nhất là tin xử tử 104 kẻ khủng bố Bạch vệ, làm mọi người tin rằng các tổ chức kiều dân Nga có nhúng tay vào vụ ám sát Kirov, và việc này đã được cơ quan trinh sát điều tra rõ ràng. Thế nhưng, ngày thứ 16 sau hôm Kirov bị ám sát, tình hình bỗng thay đổi hẳn. Bây giờ các báo Liên Xô đều đưa tin kẻ chủ mưu ám sát Kirov là mấy người đứng đầu phái phản đối của Trosky-Zinoviev [nguyên là bạn chiến đấu của Lenin]. Như có một mệnh lệnh thống nhất từ trên xuống, tất cả các báo đều triển khai một đợt tuyên truyền chống lại các lãnh tụ phái phản đối trước đây. Lập tức Trosky, Zinoviev và rất nhiều người thuộc phái phản đối trước kia đều bị bắt giam. Nhà báo Radik luôn bám sát Stalin viết trên báo Tin Tức: “Mỗi một đảng viên đều biết là đảng ta sẽ dùng bàn tay sắt để đập tan lũ giặc ấy … Chúng sẽ bị tiêu diệt, nhổ tận gốc!”
Mọi người đều biết, Stalin vô cùng căm ghét các lãnh tụ phái phản đối trong đảng. Bởi vậy các nhà cách mạng XHCN ở nước ngoài bắt đầu lo Stalin có thể dùng cái chết của Kirov làm cái cớ khử Zinoviev và Kamenev. Vài tờ báo nước ngoài còn tung tin là hai người đó đã bị hành quyết. Chính quyền Liên Xô cho rằng cần phải đập tan luận điệu đó. Và thế là ngày 12 tháng 12, hãng tin TASS đưa tin: “Vì chưa có đủ bằng chứng phạm tội” nên vụ án Zinoviev và Kamenev sẽ không do Tòa án xét xử mà do “Hội nghị đặc biệt của NKVD” tiến hành xét xử.
Như vậy là chỉ trong thời gian hơn hai tuần, Chính phủ Liên Xô đưa ra hai cách giải thích hoàn toàn trái ngược về vụ ám sát Kirov: mới đầu quy tội cho bọn Bạch vệ từ nước ngoài bí mật lẻn vào Liên Xô; sau đó lại quy tội cho các lãnh tụ của phái phản đối trước kia. Trong tình hình đó, dĩ nhiên người dân Liên Xô nóng lòng chờ đón ngày mở phiên tòa xét xử vụ án, để xem Nikolayev sẽ nói gì trước tòa.
Thế nhưng họ bị bịt hết mọi thông tin. Ngày 28 tháng 12, Nhà nước công bố bản khởi tố khẳng định Nikolayev và 13 kẻ tòng phạm là những kẻ tham gia âm mưu ám sát Kirov. Hôm sau, báo chí đưa tin 14 tên tội phạm nói trên đã bị một tòa án bí mật kết án tử hình và bản án đã được thi hành. Trong bản khởi tố cũng như bản án đều không một chữ nhắc tới việc Zinoviev và Kamenev có tham gia âm mưu nói trên hay không.
Việc tòa án bí mật xét xử vụ Nikolayev càng làm cho mọi người không tin vào các tin tức của chính quyền, vì hai bản tuyên bố mâu thuẫn với nhau. Người ta không thể không tự hỏi: điều gì đã ngăn cản Chính phủ giao Nikolayev cho tòa án xét xử công khai (có vậy thì mới làm dư luận hết thắc mắc)? Ai cũng tin rằng kẻ giết Kirov chính là hung thủ bị bắt tại chỗ. Điều đó có gì đáng phải giữ bí mật? Đâu là lý do khiến Stalin không đưa vụ này ra xét xử công khai?
Thời gian ấy do đang công tác ở nước ngoài nên tôi chỉ có thể xem xét vụ này qua tin trên các báo. Nhưng ngay từ đầu tôi đã tin chắc đây là một thủ đoạn bẩn thỉu, cho nên tôi cho rằng hai tuyên bố của chính quyền Liên Xô đều không đáng tin.
Tôi không thể đồng ý với bản tuyên bố đầu tiên, vì thông tin nói 104 kẻ khủng bố bạch vệ bị xử bắn hoàn toàn là tin vịt. Nguyên là Tư lệnh bộ đội Biên phòng nước công hòa Xô Viết Ngoại Kavkaz, tôi biết rõ không thể nào có chuyện chừng ấy kẻ khủng bố lại có thể đột nhiên lọt vào biên giới Liên Xô được. Hơn nữa, trong tình hình thực hành chế độ chứng minh thư công dân Liên Xô rất chặt chẽ và đâu đâu cũng đặt dưới sự kiểm soát của cảnh sát thì dù thế nào, 104 tên khủng bố cũng không thể đồng thời ẩn náu tại Leningrad được. Ngoài ra, khi đưa tin vụ hành quyết nói trên, các báo đều vi phạm quy chế thông thường là công bố họ tên của kẻ bị hành quyết. Vì thế mọi người lại càng nghi ngờ các tin tức của báo chí.
Bản tuyên bố thứ hai nói Zinoviev và Kamenev có tham gia âm mưu ám sát Kirov cũng hoàn toàn bậy bạ. Từ lịch sử đảng Bonchevik Nga, tôi biết rõ xưa nay đảng phản đối mọi hành động khủng bố cá nhân, thậm chí phản đối việc ám sát Nga hoàng và các quan chức. Đảng cho rằng cách đó không có hiệu quả gì mà lại còn làm mất uy tín của cách mạng. Ngoài ra, Zinoviev và Kamenev thừa biết việc giết Kirov chính là hợp với ý muốn của Stalin, ông ta nhất định sẽ không bỏ qua dịp này để lấy cớ tiêu diệt các lãnh tụ của phái phản đối trước kia. Sự thật đúng là như vậy.
Ngày 23 tháng 1 năm 1935, tức gần một tháng sau ngày Nikolayev bị xử bắn, các báo đưa tin: Cục trưởng và Cục phó Phân cục Leningrad của NKVD cùng 10 cán bộ của họ bị cuộc họp kín của Tòa án Tối cao kết án tước đoạt tự do với tội trạng: “Đã biết tin có kẻ định ám sát Kirov nhưng lại chưa có các biện pháp ngăn chặn”.
Tôi hết sức ngạc nhiên trước sự kết tội quá nhẹ như vậy; trong số đó chỉ có một người bị án tù 10 năm, còn lại, kể cả Cục trưởng và Cục phó chỉ bị xử 2-3 năm tù. Lẽ ra, việc Kirov bị ám sát phải được Stalin coi là sự đe dọa đối với đường lối của ông ta, đồng thời cũng đe dọa chính mạng sống của Stalin. Nếu hôm nay NKVD xử qua quýt vụ ám sát Kirov, thì biết đâu ngày mai ngày kia khi Stalin rơi vào cảnh ngộ của Kirov thì sao. Những người hiểu Stalin đều biết khi ấy ông nhất định sẽ ra lệnh xử bắn Ủy viên Bộ NKVD Zagoda cùng tất cả các cán bộ phụ trách bảo vệ Kirov. Dù chỉ bắn một người nhưng cũng đủ để cả trăm người khác chớ quên họ phải dùng tính mạng mình để bảo vệ các lãnh tụ. Thế mà Stalin lại không làm như thế.
Điều làm tôi sửng sốt nhất là khi vừa nhận được tin Kirov bị ám sát, ông ta lại dám lập tức thân chinh đến Leningrad – vì tôi quá hiểu Stalin coi trọng an toàn của bản thân mình ra sao. Chuyến công cán ấy xảy ra vào lúc tình hình đang rất mất ổn định, cho thấy trong vụ này có chuyện gì không bình thường.
Stalin đặc biệt cẩn trọng đối với việc bảo vệ an toàn cá nhân mình, lúc nào ông cũng cảnh giác đề phòng bắt trăc. Thí dụ sau đây chứng tỏ điều đó.
Mọi người đều biết, mỗi lần tổ chức ngày lễ trên Quảng trường Đỏ, Stalin đều xuất hiện trên Lăng Lê-nin dưới sự bảo vệ của một đơn vị bộ đội tinh nhuệ và rất nhiều vệ sĩ đến từ Bộ NKVD. Tuy thế, Stalin luôn luôn mặc áo gi-lê chống đạn vừa dầy vừa nặng do nước Đức sản xuất riêng cho ông ta.
Để bảo đảm an toàn trên con đường đi về tòa biệt thự riêng của mình tại ngoại ô Moskva, Stalin từng yêu cầu NKVD buộc ba phần tư dân chúng cư trú dọc con đường ấy phải dọn đi nơi khác, dành nhà họ cho các cán bộ chiến sĩ NKVD vào ở. Trên quãng đường dài 35 km từ điện Kremlin đến biệt thự, suốt ngày đêm đều có người của Bộ này bảo vệ; họ chia làm 3 kíp trực, mỗi kíp 1.200 người.
Thậm chí Stalin cũng không dám tự do đi lại trong phạm vi điện Kremlin. Thí dụ mỗi lần ông đi từ phòng làm việc của mình đến Cung lớn Kremlin, các chiến sĩ bảo vệ phải dẹp hết những người có mặt dọc đường, dù họ là cán bộ cấp cao đến đâu.
Hàng năm, mỗi kỳ Stalin sắp đi nghỉ mát tại Sochi, bao giờ ông ta cũng hạ lệnh cho đoàn xe lửa chuyên dùng (đỗ ở Moskva) và chiếc tàu thủy dùng riêng (đậu tại thành phố Gorky) chuẩn bị sẵn. Có lần Stalin thích đi thẳng từ Moskva, khi ấy ông ta đáp xe lửa chuyên dùng. Có lần Stalin thích đi tàu thủy xuôi dòng sông Volga đến Stalingrad, rồi từ đó đáp xe lửa chuyên dùng đi Sochi. Mỗi lần đi nghỉ, bất cứ ai cũng không biết ông sẽ đi theo cách nào, đi vào giờ nào. Đoàn tàu cũng như tàu thủy chuyên dùng sau khi chuẩn bị xong thường phải đỗ mấy ngày chờ. Stalin chỉ thông báo cho người thân tin biết kế hoạch lên đường vài tiếng đồng hồ trước giờ xuất phát. Phía trước và sau đoàn tàu chuyên dùng bọc thép đều bố trí một toa chở đầy các chiến sĩ bảo vệ. Mọi vật phẩm hậu cần trên tàu được chuẩn bị đầy đủ tới mức có thể sống trên đó hai tuần lễ trong trường hợp đoàn tàu không chạy được, như khi bị bao vây … Cửa sổ toa xe có thể tự động đóng lại mỗi khi có báo động.
Tự xưng là lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhưng Stalin chưa bao giờ đến thăm nhà máy nào đang có công nhân làm việc, vì sợ gặp công nhân.
Vì thừa biết Stalin cực kỳ coi trọng việc bảo vệ an toàn của mình nên tôi rất khó tin rằng ông ta lại mạo hiểm đến Leningrad trong tình hình bọn khủng bố còn đang hoạt động tại đó và các cán bộ NKVD ở đây không bảo vệ nổi Kirov. Cho nên chuyến đi Leningrad của Stalin khiến người ta cho rằng vụ ám sát Kirov là do một kẻ khủng bố gây ra thôi, thông tin về việc có cả một tổ chức khủng bố bị phát hiện hoàn toàn chỉ là tin bịa đặt
Mãi cho tới cuối năm 1935, khi trở về Liên Xô tôi mới có dịp làm rõ các bí mật trong vụ ám sát Kirov. Hồi ấy tôi đi qua Phần Lan đến Leningrad. Để được nói chuyện với Moskva bằng đường dây điện thoại chuyên dùng và đặt mua một vé tàu nhanh đặc biệt đi Moskva, trước tiên tôi đến tòa nhà Phân cục Leningrad của NKVD. Tại đây tôi gặp một trong mấy đồng chí mới được cử về đây phụ trách Phân cục này, đồng chí ấy trước kia từng cùng công tác với tôi trong thời Nội chiến. Trong khi trò chuyện, chúng tôi tự nhiên nói tới việc thay đổi nhân sự ở Leningrad sau vụ ám sát Kirov; qua đó tôi được biết hai vị Cục trưởng và Phó Cục trưởng tiền nhiệm của Phân cục này tuy có bị kết án tù vì “Vụ Kirov”, song thực ra họ chẳng hề bị bắt giam ngày nào. Theo chỉ thị của Stalin, hai vị đó được bố trí đến làm lãnh đạo Công ty “Mỏ vàng Lê-nin” tại Siberi, chuyên khai thác quặng vàng, nghĩa là vẫn được sống cuộc đời sung sướng.
Bạn tôi kể lại cho tôi biết về bầu không khí kinh hoàng ở Lenigrad do xảy ra vụ ám sát Kirov và việc Stalin đến công cán ở đây. Anh đã giúp Vụ trưởng Vụ kinh tế NKVD Mironov và Phó Thủ trưởng NKVD Akrranov tiến hành điều tra vụ ám sát.
Trước khi rời Leningrad về Moskva, Stalin đã bổ nhiệm Mironov tạm thời nhận nhiệm vụ Cục trưởng Phân cục Leningrad NKVD trong vài tháng. Trên thực tế Mironov trở thành kẻ nắm quyền ở đây. Khi tôi hỏi làm sao mà Nikolayev có thể luồn vào điện Smolny được canh gác nghiêm ngặt, bạn tôi trả lời: “Chính vì thế mà hai vị lãnh đạo Phân cục NKVD ở đây mới bị mất chức. Điều tệ hơn là vài hôm trước ngày Kirov bị giết, Nikolayev đã mấy lần định lẻn vào điện Smolny, nhưng bị ngăn lại. Giá như kịp thời áp dụng các biện pháp đề phòng thì Kirov chẳng hề hấn gì đâu.” Tôi cảm thấy buổi trò chuyện của chúng tôi chưa đi vào thực chất vấn đề, rõ ràng anh bạn tôi chưa muốn kể bất cứ chi tiết nào của vụ ám sát. Tôi bèn đứng dậy ra về; lúc ấy bạn tôi hốt hoảng hạ giọng nói: “Vụ án này nguy hiểm lắm, vì thế nếu muốn bình an vô sự thì nên biết càng ít càng tốt.”
Câu nói ấy quan trọng hơn mọi chuyện anh đã kể cho tôi nghe. Nó ngầm mách bảo tôi đoán ra hai lần thông báo của chính quyền về vụ ám sát này đều là bịa đặt cả, hơn nữa còn cho tôi biết manh mối của âm mưu đó là ở đâu. Hồi ấy ở Liên Xô chỉ có một người không bị trách cứ, và câu nói “Muốn bình an vô sự thì càng biết ít càng tốt” chỉ có thể có liên quan tới người ấy mà thôi.
Tôi tin rằng tại Moskva tôi nhất định sẽ nghe ngóng được tình hình thực sự của “Vụ án Kirov”.
Hình: Sergey Kirov (giữa) cùng Anastas Mikoyan and Joseph Stalin. Nguồn: History Today.
Xem thêm: