Tiền lệ lịch sử cho chính sách nhập cư phân biệt chủng tộc của Trump

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: James Q. Whitman, “Trump’s Quest to Make America White Again”, Project Syndicate, 16/01/2018.

Biên dịch: Phạm Thị Xuân Hồng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bạn có thể đoán được tác giả viết đoạn trích sau là ai không? “Liên bang Mỹ tự nhận mình là một quốc gia Đức-Bắc Âu và không lý nào lại là một mớ hỗn tạp người tứ xứ. Điều này thể hiện rõ trong hạn mức người nhập cư của Mỹ… Người Scandinavia trước tiên…rồi người Anh và sau cùng người Đức được trao hạn mức nhập cư lớn nhất.” Những lời này do chính Adolf Hitler viết nên vào năm 1928, nhằm tung hô luật nhập cư Mỹ thời bấy giờ. Chắc chắn là việc trích lời Hitler không nên được thực hiện một cách cẩu thả. Bất chấp những điều xấu xí xuất phát từ Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả việc ông bôi nhọ Haiti, El Salvador và các nước châu Phi là “các quốc gia đáng kinh tởm” (shithole countries), thì Hoa Kỳ vẫn còn lâu mới giống nước Đức Quốc xã.

Trump là một kẻ chuyên chế bộp chộp và hiện thân cho những hoài niệm về một quá khứ đề cao chủ nghĩa “người da trắng thượng đẳng” ở Mỹ, nhưng trừ khi những cơ chế kiểm soát thể chế thất bại thì ông ta mới có thể chấm dứt được nền dân chủ kiểu Mỹ. Và thậm chí nếu xét đến chính sách nhập cư, thì vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa việc trục xuất người nhập cư trên diện rộng, dù cho có độc ác hay ngớ ngẩn tới mức nào, với việc giết người hàng loạt.

Tuy nhiên, giờ đây ngày càng rõ ràng là cuộc bầu cử năm 2016 đã đưa một vị tổng thống kém hiểu biết và phân biệt chủng tộc vào Nhà Trắng. Tệ hơn nữa, những phát ngôn của Trump từ Nhà Trắng gợi nhắc đến một giai đoạn lịch sử khi Hitler tìm cảm hứng từ luật nhập cư của Mỹ.

Cụ thể hơn, Hitler từng ngưỡng mộ Đạo luật Nhập cư năm 1924 của Mỹ, hay còn gọi là Đạo luật Johnson-Reed. Đạo luật này thiết lập một hàng rào phân biệt chủng tộc đối với việc nhập cư dựa trên một hệ thống “hạn ngạch quốc gia”. Bộ luật này cấm triệt người nhập cư Ả Rập và châu Á và hạn chế nhập cư từ châu Phi đến mức gần như tuyệt đối. Như Hitler từng ghi nhận, đạo luật này ưu tiên những người Bắc Âu-Đức trong việc nhập cư và cấp quyền công dân so với người Nam và Đông Âu, gồm cả dân Do Thái. (Ông bà người Do Thái của tôi vừa kịp đến được đảo Ellis vào năm 1922 trước khi đạo luật có hiệu lực). Chính đạo luật hạn chế này đã trở thành nền tảng pháp lý cho việc Mỹ không tiếp nhận người nhập cư Do thái đến từ nước Đức Quốc xã trong những năm trước khi xảy ra nạn diệt chủng Holocaust.

Đạo luật năm 1924 đang là tâm điểm chú ý của báo chí trong bối cảnh Trump đề xuất Mỹ nên nhận thêm người nhập cư đến từ Na Uy (vốn là những người không muốn di cư), hơn là những vùng đất khác như Haiti. Nhưng đây chưa phải là ví dụ duy nhất cho thấy chính sách nhập cư phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở Mỹ. Trong suốt giai đoạn được gọi là Hiểm Họa Da Vàng (Yellow Peril) cuối thế kỷ 19, Mỹ đã ban hành một đạo luật tẩy chay người châu Á, bao gồm một đạo luật năm 1882 cấm triệt để người nhập cư từ Trung Quốc. Và từ năm 1790, Quốc hội Mỹ đã cho thấy quan điểm phân biệt chủng tộc khi đề xuất việc nhập tịch cho “bất cứ người nước ngoài nào, miễn là người da trắng tự do”.

Về mặt này, Hitler không phải là kẻ cực hữu phân biệt chủng tộc đầu tiên hoặc duy nhất tìm thấy cảm hứng từ những chương đen tối này trong lịch sử nước Mỹ. Vào thời điểm Hitler trỗi dậy, tất cả những người theo phe cực hữu ở châu Âu đều đã quá quen thuộc với mô hình cản trở người nhập cư dựa trên sắc tộc. Rốt cuộc, chính Theodor Fritsch, một trong những người bài Do thái cực đoan nhất châu Âu, đã tán dương chính sách này nhiều thập niên trước trong cuốn sách “Handbook of the Jewish Question” xuất bản năm 1893.

Trong tuyên ngôn của Hitler, cuốn Cuộc đấu tranh của tôi (Mein Kampf), ông ca ngợi Mỹ là “quốc gia duy nhất” có tiến bộ trong việc thiết lập một trật tự chủng tộc lành mạnh. Và khi Đức Quốc Xã lên nắm quyền vào những năm 1930, các luật sư của Đảng Quốc xã đã nghiên cứu lịch sử chính sách lâu đời của Mỹ một cách tỉ mỉ nhằm đóng cửa nhập cư đối với những thành phần không phải da trắng.

Nhìn lại, cần nhớ một điều rằng đến khi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch 1965 ra đời thì Mỹ mới thoát khỏi các khía cạnh tồi tệ nhất của quá khứ phân biệt chủng tộc của mình. Nhưng như nhiệm kỳ tổng thống của Trump cho thấy, quá khứ chưa hẳn đã vĩnh viễn được vượt qua.

Những phát biểu kém tế nhị gần đây của Trump về vấn đề nhập cư nên khiến cho toàn thể dân Mỹ nhớ lại rằng Hitler và những thuộc cấp phát xít của y từng là những người hâm mộ nước Mỹ. Và khi chúng ta tiếp gần tới thời khắc kỉ niệm năm đầu tiên ngày Trump nhậm chức, chính sách nhập cư của ông nên là một sự nhắc nhở đối với những người vẫn còn tự an ủi rằng nền dân chủ Mỹ vẫn chưa bị hủy hoại nghiêm trọng.

Việc nền dân chủ Mỹ có sống sót hay không không phải là tiêu chuẩn nhằm đánh giá vai trò tổng thống của ông Trump. Sau tất cả, ít nhất đối với giới đàn ông da trắng, nền dân chủ Mỹ sẽ luôn sống động, vững mạnh, ngay cả khi các đạo luật nhập cư phân biệt chủng tộc được thông qua vào năm 1790, cuối thế kỷ 19 và trong những năm 1920.

Lịch sử chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của nước Mỹ được ban hành một cách đầy dân chủ là quá xấu xa khiến người ta khó có thể thoải mái về những bình luận gần đây cũng như các chính sách nhập cư tồi của Trump. Người Mỹ yêu nước nên cảm thấy buồn khi đọc những gì Hitler phát ngôn về lịch sử phân biệt chủng tộc đó vào năm 1928. Và họ nên cảm thấy thất vọng khi nghe tổng thống của mình công khai phát biểu muốn theo đuổi một chính sách nhập cư ưu tiên người Bắc Âu một lần nữa.

James Q. Whitman là Giáo sư về Luật so sánh và Luật nước ngoài tại trường Luật Đại học Yale, và là tác giả của cuốn Hitler’s American Model: The United States and the Making of Nazi Race Law.