Các chính phủ châu Á chống tin giả như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Asian governments are trying to curb fake news”, The Economist, 04/04/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Ngay cả vào ngày Cá tháng Tư, chính phủ Singapore cũng không hứng pha trò. K. Shanmugam, bộ trưởng luật pháp, đã cảnh báo các nhà làm luật về sự nguy hiểm của các phát ngôn không được kiểm soát, đưa cho họ một danh sách “các lời bài hát mang tính xúc phạm”, trong đó có các bản hit của Lady Gaga và Ariana Grande. Ngay sau đó, chính phủ đã trình một dự luật lên quốc hội để hạn chế các tin giả. Nếu được thông qua luật, một khả năng rất cao, nó sẽ là một trong số những đạo luật có phạm vi sâu rộng nhất thế giới. Theo quy định của dự luật, những người bị kết tội truyền bá “những tuyên bố hay thực tế sai sự thật” trên mạng phải đối mặt với mức phạt lên tới 1 triệu đô la Singapore (17 tỉ đồng) hoặc tối đa 10 năm tù. Các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter sẽ được yêu cầu gỡ các bài đăng mà chính phủ cho là sai sự thuật hoặc phải đưa ra các tuyên bố đính chính.

Mặc dù tới nay ít chính phủ châu Á nào vạch ra các quy định sâu rộng như Singapore, nhưng nhiều nước nói rằng họ đang tìm cách để hạn chế các thông tin giả trực tuyến. Trong số các lãnh đạo chuyên quyền trong khu vực, đây thường là một cách nói giảm nói tránh cho việc đàn áp phe chỉ trích. Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan, gần đây đã lên án các phương tiện truyền thông xã hội là nơi ươm mầm cho những “suy nghĩ không đúng đắn” – một điều dường như ám chỉ những lời phàn nàn rằng ông đã gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng trước. Chính phủ của ông đã thúc đẩy thông qua một số đạo luật cho phép theo dõi và kiềm chế bất đồng chính kiến trên mạng.

Đối với các chính phủ có động cơ trong sáng hơn, đạt được một sự cân bằng giữa an ninh công cộng và tự do dân sự là rất khó. Đài Loan rất lo lắng về các chiến dịch thông tin giả từ Trung Quốc, nước mà Đài Loan cáo buộc đang cố gắng thao túng các cuộc bầu cử ở Đài Loan. Tuần này họ đã công bố kế hoạch cấm các dịch vụ truyền phát video trực tiếp của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Quốc gia đã từ chức vào ngày 2 tháng 4 sau khi bị chỉ trích vì không giải quyết được vấn nạn tin giả.

Trong khi đó, quốc hội Australia đã thông qua một đạo luật mới rất nghiêm ngặt đối với mạng xã hội trong tuần này để phản ứng lại vụ xả súng gần đây ở New Zealand, sự cố được phát trực tiếp trên Facebook mà người dùng đã cố gắng chia sẻ hơn một triệu lần. Luật này cho phép chính quyền trừng phạt các công ty truyền thông xã hội không xóa các tài liệu thể hiện hành vi khủng bố, hãm hiếp hoặc giết người với số tiền phạt lên tới một phần mười doanh thu hàng năm của các công ty đó. Các giám đốc điều hành, cả ở Úc và nước ngoài, đều có thể bị bỏ tù nếu công ty của họ không nỗ lực đầy đủ để loại bỏ các bài đăng như vậy.

Các nhà phê bình cáo buộc chính phủ Úc, vốn đang đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng tới, đã cố gắng lợi dụng sự kinh hoàng của công chúng trước vụ việc tàn bạo ở New Zealand. Dự luật được soạn trong một ngày cuối tuần và vội vã thông qua quốc hội chỉ trong ba ngày trước khi các chính trị gia quay trở lại khu vực bầu cử của mình để bắt đầu chiến dịch tranh cử. Luật không bao gồm các quy định chi tiết như thời hạn phải loại bỏ các nội dung vi phạm. Ngay cả khi có các nhóm quản lý đông đảo và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các công ty cũng khó có thể loại bỏ các nội dung vi phạm ngay lập tức. Việc tuân thủ đạo luật này sẽ là “điều không thể”, ông Fergus Hanson thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói.

Ít nhất, những loại nội dung nào được coi là vi phạm tương đối rõ ràng. Đạo luật của Singapore trao quyền cho các bộ trưởng trong việc quyết định thông tin nào là sai và gây tổn hại lợi ích công cộng. Các nội dung này bao gồm các tin tức không trung thực có thể gây tổn hại cho “trật tự công cộng”, “quan hệ hữu nghị của Singapore với các quốc gia khác” và “niềm tin của công chúng vào hoạt động của Chính phủ”. Chính phủ khẳng định người dân Singapore vẫn sẽ được tự do bày tỏ bất kỳ ý kiến ​​nào họ muốn. Chính phủ không nói rõ lời những bài hát của Grande hay Lady Gaga được tính là “ý kiến” ​​hay thông tin giả.