Singapore hưởng lợi từ khó khăn của Hồng Kông như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Singapore stands to gain from Hong Kong’s troubles”, The Economist, 10/10/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Dù quan điểm về tình trạng hỗn loạn tại Hồng Kông là gì, là một cuộc nổi loạn vì chính nghĩa hay bạo loạn bất hợp pháp, thì đó đều là một thảm họa đối với nền kinh tế của lãnh thổ này. Và nếu có một nơi được hưởng lợi từ những rắc rối của Hồng Kông, thì đó chính là trung tâm hàng hải, tài chính, thương mại, một thành phố tự quản có đa số dân là người Hoa khác ở Đông Á: Singapore.

Hai nơi dường như luôn có nhiều điểm chung. Cả hai đều thân thiện với thương mại. Nhờ ít quy định và bộ máy quan liêu hiệu quả, không tham nhũng, Singapore đứng thứ hai còn Hồng Kông đứng thứ tư trong bảng xếp hạng 190 quốc gia của Ngân hàng Thế giới về mức độ dễ dàng trong kinh doanh. Cả hai thành phố đã từng tự hào về nền pháp quyền và mức độ bạo lực thấp trên đường phố.

Xét trên tất cả các tiêu chí này, các sự kiện trong bốn tháng qua đã làm sứt mẻ danh tiếng của Hong Kong. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa đột xuất vì các cuộc biểu tình rầm rộ, hoặc trong những ngày gần đây, việc đình chỉ phần lớn hệ thống tàu điện ngầm đã khiến nhiều nhân viên và khách hàng phải ngồi nhà. Khi các cuộc biểu tình biến thành các trận chiến trên đường phố, hơi cay, bom xăng và các hành động phá hoại đã khiến một số khu vực của thành phố trở nên nguy hiểm. Hồng Kông đôi khi nhìn gần giống với tình trạng vô chính phủ hơn là một nền pháp quyền.

Một số dữ liệu có sẵn cho thấy tác động ngắn hạn của tình trạng bất ổn. Trong tháng 8, số lượng khách du lịch tới Hồng Kông đã giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đại lục giảm 42%. Ngược lại, Singapore đã chứng kiến ​​lượng khách du lịch từ Trung Quốc tăng 4% trong tháng 8. Trung Quốc đại lục chiếm 21% khách du lịch đến Singapore, nhưng gần 80% du khách đến Hồng Kông.

Một số bằng chứng cho thấy người dân đang dịch chuyển dòng tiền cũng như địa điểm nghỉ lễ của họ. Một phân tích dữ liệu tháng 8 của Goldman Sachs cho thấy tiền đã chảy ròng ra khỏi các tài khoản ngân hàng bằng đô la Hồng Kông và chảy vào các tài khoản bằng đồng đô la Singapore. Ngân hàng này ước tính có tới 4 tỷ đô la Mỹ tiền gửi có thể đã chảy từ Hồng Kông sang Singapore.

Người giàu ở Hồng Kông và các nơi khác của Trung Quốc từ lâu đã coi Singapore là một nơi hấp dẫn. Họ thích đầu tư vào bất động sản ở đó, đôi khi như một nơi để giấu tài sản. Kể từ đầu năm 2017, người mua Trung Quốc đại lục đã mua được hơn 1.000 căn nhà tư nhân ở Singapore, mặc dù đã bị áp mức thuế trước bạ 20% cho người nước ngoài.

Bức tranh lớn hơn, ngay cả trước những biến động gần đây, cho thấy sự dịch chuyển dần dần các hoạt động tài chính của các tổ chức từ Hồng Kông sang Singapore. Ngành công nghiệp tài chính của Hồng Kông chịu sự cạnh tranh từ cả hai thành phố Trung Quốc đại lục, đặc biệt là Thượng Hải và Thâm Quyến, vốn không bị cản trở bởi mối quan hệ khó khăn với chính quyền trung ương, và từ cả các trung tâm lớn khác trong khu vực bên ngoài Trung Quốc, như Singapore, Sydney và Tokyo.

Hiện tại, Singapore đang dẫn đầu về quản lý tài sản, với 3,4 nghìn tỉ đô la được quản lý vào cuối năm 2018 so với 3,1 nghìn tỉ đô la ở Hồng Kông. Ngay cả (hay nhất là) đối với những người Trung Quốc giàu có, những người tìm cách chuyển tiền ra khỏi đại lục, Hồng Kông có thể khiến họ thấy không thoải mái vì nằm trong tầm tay của Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là Hồng Kông cũng sẽ mất lợi thế trong các hoạt động khác, chẳng hạn như ngân hàng đầu tư và giao dịch cổ phiếu. Việc Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào ngày 8 tháng 10 rút lại vụ thâu tóm Sở giao dịch chứng khoán London là một biểu hiện của những khó khăn chiến lược mà Hồng Kông gặp phải. Nguy cơ sẽ gia tăng nếu các rắc rối hiện tại của Hồng Kông đầu độc lâu dài mối quan hệ với Trung Quốc, vốn không chỉ là một nguồn khách hàng và vốn lớn, mà cả các đặc quyền thương mại, như mối quan hệ giao dịch đặc biệt giữa các thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải.

Singapore và Hồng Kông từ lâu đã đưa ra các mô hình chính trị đối địch nhau. Singapore, nói trắng ra, là một nền dân chủ phi tự do; còn Hồng Kông là một chế độ chuyên chế tự do. Một bên có một chính phủ được bầu tự do nhưng luật pháp hạn chế biểu tình công khai cũng như một số tranh luận chính trị. Bên còn lại có một trưởng đặc khu được bầu bởi mấy trăm quan chức, một cơ quan lập pháp yếu và chỉ được bầu một phần bởi người dân, nhưng có truyền thống mạnh mẽ về tự do ngôn luận và hội họp. Singapore đã kín đáo chỉ ra sự ổn định tương đối của mình. Vào ngày 4 tháng 10, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo người dân Singapore nên hoãn “các chuyến đi không cần thiết” đến Hồng Kông.

Tờ Straits Times, một tờ báo thân chính phủ, không cảm thấy xấu hổ khi đăng một bài về lệnh cấm tiến hành các cuộc biểu tình ở Singapore để ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, trong một ngày diễn ra các cuộc biểu tình đoàn kết ở một số thành phố trên toàn thế giới. Dòng tiêu đề ghi: “Ngày chống chủ nghĩa toàn trị: Các cuộc tuần hành ở Singapore không được cấp phép”. Một người tham gia biểu tình ở Hồng Kông đến từ Singapore đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội với một bức ảnh anh ta cầm một tấm bảng ghi: “Đừng để Hồng Kông giống như Singapore, nơi mọi người sống trong sợ hãi”.

Các nhà bình luận thân chính phủ ở Singapore đã nhanh chóng lên án anh này. Thậm chí nhiều nhà phê bình chính phủ cũng nghĩ rằng anh ta đang phóng đại. Nhưng, dù khó để đánh giá dư luận, một cuộc khảo sát hồi tháng 7 cho thấy 75% người Singapore đồng cảm với người biểu tình ở Hồng Kông.

Tháng trước, viết trên trang Hong Kong Free Press, một tạp chí trực tuyến, Kirsten Han, một nhà báo độc lập người Singapore, đã đoán rằng tỷ lệ này có lẽ đã giảm mạnh kể từ đó. Leslie Fong, cựu biên tập viên của tờ Straits Times, đã viết trên tờ South China Morning Post, một tờ báo ở Hồng Kông, về nỗi buồn của nhiều người Singapore trước “cảnh tượng buồn của một thành phố đang tự bóp cổ mình trước con mắt theo dõi của toàn cầu”.

Theo bà Han, nhiều người Singapore tin vào lập luận của các nhà lãnh đạo Hồng Kông, rằng các cuộc biểu tình thực sự là về các khó khăn kinh tế, như giá nhà ở quá cao, hơn là về chính trị. Điều đó bỏ qua sự thất vọng thực sự của nhiều người ở Hồng Kông về một hệ thống chính trị nơi chỉ có những tiếng nói nhất định dường như được nghe thấy. Đó là một sự thất vọng mà một số người ở Singapore, nơi dù có một hệ thống rất khác, cũng cảm nhận thấy.